Vĩnh Phúc: Hội thảo khoa học 200 năm danh xưng Vĩnh Tường (1822 - 2022)

22/08/2022 09:58

Theo dõi trên

Sáng 22/8, tại Trung tâm Hội nghị huyện Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) tổ chức Hội thảo Khoa học 200 danh xưng Vĩnh Tường (1822 - 2022).

danh-xung-200-nam-vinh-tuong11-1661137837.jpg

Đến dự Hội thảo có các đồng chí Lê Duy Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; Bùi Huy Vĩnh - Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo,  Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh; Nguyễn Thanh Tùng - Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban dân vận tỉnh; Bùi Hồng Đô – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc cùng đông đảo các nhà khoa học, nhà báo…

Đồng chí Lê Duy Thành (ảnh trên) - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ: Trong dòng chảy lịch sử của tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Tường được biết đến là một trong những mảnh đất có nguồn gốc lâu đời, ngàn năm văn hiến. Đây là vùng đất lành được người tiền sử lựa chọn làm nơi sinh sống.

Từ thời tiền sử đến giai đoạn hình thành nhà nước Văn Lang, Vĩnh Tường là một trong những địa bàn cư trú của người Việt cổ,,... Dưới lòng đất hiện vẫn còn lưu giữ nhiều di chỉ khảo cổ có niên đại trải dài từ thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn cách đây từ 3000 - 3700 năm, tiêu biểu là các di chỉ Nghĩa Lập (xã Nghĩa Hưng), di chỉ Lũng Hòa (xã Lũng Hòa), di chỉ Đồng Hương, Ma Cả (thị trấn Thổ Tang)…cùng nhiều địa điểm khảo cổ học tại xã Vĩnh Sơn, Việt Xuân… Đặc biệt, trong tổng số 18 di tích khảo cổ  có niên đại văn hóa Phùng Nguyên được phát hiện trên đất Vĩnh Phúc, riêng huyện Vĩnh Tường có 7 di tích, trong đó điển hình là 2 di tích Lũng Hòa và Nghĩa Lập.

Vĩnh Tường có hệ thống di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật độc đáo, phong phú đó là loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật chiếm số lượng nhiều nhất trong hệ thống di tích lịch sử- văn hóa ở huyện Vĩnh Tường, gồm đình, đền, chùa, miếu,...; có 20 di tích quốc gia/ tổng số 68 di tích quốc gia của tỉnh, đặc biệt huyện có 01 di tích quốc gia đặc biệt (Đình Thổ Tang). Nhiều di tích có kiến trúc nghệ thuật độc đáo như Đền Phú Đa, hầu hết nội thất, đồ thờ như án gian, ngai, sập, án thư, lư hương, cây đèn… đều được làm bằng đá, ngoài ra còn có rất nhiều các bức phù điêu tượng tròn, trụ biểu, bia đá. Vĩnh Tường là quê hương của của nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể, phong phú và đa dạng, mang đậm sắc thái, đặc trưng văn hóa của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Tiêu biểu như: Lễ hội đền Ngự Dội, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2018. Lễ hội xã Đại Đồng, được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia ngày 27/05/2021.

danh-xung-200-nam-vinh-tuong13-1661137837.jpg
Đại diện Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc - Lê Duy Thành (thứ 6 từ bên trái) tặng hoa chúc mừng Hội thảo khoa học 200 năm danh xưng Vĩnh Tường

Đây là xứ sở của những làng nghề tiểu nông, đa canh có lịch sử tồn tại và phát triển hàng trăm năm, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế xứ Đoài xưa như: mộc Bích Chu, rèn Lý Nhân, rắn Vĩnh Sơn, mật đường Cam Giá, buôn bán Thổ Tang…Nổi bật hơn cả là truyền thống hiếu học và khoa bảng nổi tiếng khắp xứ Đoài. Tại đây vào thời Hồng Đức, một Văn miếu hàng phủ được lựa chọn để xây dựng tại xã Cao Xá (nay là xã Cao Đại), bởi đây là thủ phủ của phủ Tam Đới thời Lê. Là quê hương của nhiều danh nhân, anh hùng dân tộc nổi tiếng như: Bí thư Quốc dân đảng Nguyễn Thái Học, Bí thư Tỉnh ủy Lê Xoay, anh hùng liệt sỹ Đội Cấn, anh hùng Liệt sỹ Nguyễn Viết Xuân, ông phủ Vĩnh Tường Trần Phúc Hiển...

Để Hội thảo “200 năm danh xưng Vĩnh Tường” thành công tốt đẹp, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc – Lê Duy Thành đề nghị huyện Vĩnh Tường cần làm tốt một số nội dung như: Đối với các thành viên Đoàn Chủ tịch, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các đại biểu làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, tập trung nghiên cứu, thảo luận, làm rõ các luận cứ khoa học, các chuyên đề, qua đó làm nổi bật lên các nội dung cốt lõi của các huyên đề nghiên cứu, khắc họa rõ nét truyền thống, lịch sử của vùng đất Vĩnh Tường.

Ngay sau hội thảo đề nghị huyện Vĩnh Tường, các nhà nghiên cứu hoàn thiện các chuyên đề, biên soạn thành các ấn phẩm, tác phẩm về truyền thống, lịch sử về danh xưng, truyền thống của vùng đất Vĩnh Tường. Đảng bộ, Chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội huyện vĩnh Tường trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Hội thảo, chuyển thể các nội dung nghiên cứu, ứng dụng vào thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Chủ tịch tỉnh yêu cầu các cơ quan chuyên môn của tỉnh, trên cơ sở các kết quả nghiên cứu của Hội thảo nghiên cứu tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh: Tổ chức các hội thảo khoa học nghiên cứu về tỉnh Vĩnh Phúc nói chung và các miền quê, các di tích lịch sử nói riêng; Tham mưu xây dựng các chính sách đặc thù để phát huy các truyền thống, văn hóa lâu đời của tỉnh Vĩnh Phúc ...

Trong thời gian tới mong muốn các các nhà khoa học nghiên cứu chọn lọc, tư vấn cho tỉnh nghiên cứu nâng tầm chủ đề, một số nhóm vấn đề thành đề tài khoa học cấp quốc gia, cấp tỉnh.

Tổng kết Hội thảo, TS. Nguyễn Hữu Mùi nêu rõ, Hội thảo đã đạt được kết quả những kết quả đề ra. Với sự nhiệt tình, lòng yêu tha thiết một vùng quê văn hoá, từ Huyện ủy,  UBND, tỉnh, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch...đến các nhà khoa học, tất cả đã đồng tâm hiệp lực để tạo nên một không gian khoa học nghiêm túc với 32 tham luận có chất lượng mà huyện Vĩnh Tường và các nhà khoa học đã dày công nghiên cứu, biên tập và tập hợp thành kỷ yếu phục vụ Hội thảo.

Có thể thấy, Hội thảo đã có cái nhìn toàn diện, sâu sắc và đánh giá đúng giá trị của của vùng đất Vĩnh Tường, từ đó nêu lên những khuyến nghị hợp lý. Điển hình như các tham luận được trình bày tại hội thảo như: Tìm hiểu quá trình diên cách từ phủ Tam Đới đến Phủ Vĩnh Tường qua thư tịch cổ; Sự biến động cương vự từ phủ Vĩnh Tường đến huyện Vĩnh Tường qua các thời kỳ lịch sử; Truyền thống hiếu học và khoa bản của huyện Vĩnh Tường: Nhìn từ số liệu đỗ đại khoa và trung khoa; Đảng bộ Vĩnh Tường – Chặng đường 84 năm tự hào

danh-xung-200-nam-vinh-tuong12-1661137837.jpg
Quang cảnh Hội nghị

Ôn lại quá trình hình thành của huyện Vĩnh Tường ông Lê Nguyễn Thành Trung – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường cho biết:  Cách đây 200 năm, năm 1822, trong công cuộc cải cách hành chính của triều Nguyễn, vua Minh Mệnh đã cho đổi tên từ phủ Tam Đa thành phủ Vĩnh Tường. 

Ngược dòng thời gian, với kết quả nghiên cứu của giới khoa học cho thấy, Vĩnh Tường là vùng đất cổ. Toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 18 di chỉ khảo cổ học liên quan đến văn hóa Phùng Nguyên, thì riêng Vĩnh Tường có 7 di chỉ, tiêu biểu như: di chỉ Lũng Hòa, Gò Mát (xã Lũng Hòa), Nghĩa Lập (xã Nghĩa Hưng), Ma Cả, Đồng Hương (thị trấn Thổ Tang)… Điều này có nghĩa khoảng hơn 3 nghìn năm trước đây, Vĩnh Tường là vùng đất tụ cư của người Việt.

Không chỉ có vậy, đây là vùng đất có truyền thống đấu tranh chống xâm lược từ lâu đời, gắn liền với các thời kỳ dựng nước và giữ nước của dân tộc (Ngoại trừ những truyền thuyết trong huyền sử ở thời Hùng Vương). Vào đầu công nguyên, Vĩnh Tường có nữ tướng Lê Ngọc Trinh, người làng Lũng Ngoại xã Lũng Hòa đã tập hợp 500 nghĩa binh theo phò Hai Bà Trưng đánh đuổi Tô Định, giành độc lập đầu tiên cho nước nhà. Đến thời Lý Cao Tông, có Tướng quân Nguyễn Văn Nhượng đánh giặc Chiêm Thành, góp phần giữ yên bờ cõi Đại Việt, được làng Tứ Trưng (nay là thị trấn Tứ Trưng) thờ làm Thành hoàng. Thời Trần, khắp nơi trong huyện đã cùng Tướng quân Trần Nhật Duật đánh thắng giặc Nguyên – Mông xâm chiếm vào địa bàn của huyện. Thời Lê sơ, nhân dân trong huyện hăng hái tham gia kháng chiến giúp nghĩa quân Lê Lợi lập chiến công hiển hách ở Bình Lệ Nguyên (Bình Xuyên), cầu Sa Lộc, thành Tam Giang. Thời nhà Nguyễn có Cử nhân Nguyễn Văn Giáp không phục tùng triều đình đứng lên chống Pháp, trở thành thủ lĩnh của phong trào Cần Vương. Thời hiện đại, Vĩnh Tường với những người con ưu tú như Đội Cấn, Nguyễn Thái Học, Lê Xoay, Nguyễn Viết Xuân đứng lên tổ chức, tập hợp quần chúng khởi nghĩa, hoặc trực tiếp tham gia chiến đấu, góp phần tạo nên thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Vĩnh Tường hội tụ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc vật thể và phi vật thể nổi tiếng như đền Đá Phú Đa, đình ThổTang hay di sản văn hóa phi vật thể như các lễ hội dân gian  như  trò “hú đáo” của làng Lũng Ngoại, lễ “rước cây bông” của làng Cam Giá, xã An Tường; “bắt trạch trong chum”… Nổi bật hơn cả là truyền thống hiếu học và khoa bảng nhiều người con Vĩnh Tường dã đỗ đạt cao qua các thời kỳ .

Tiến Dũng
Bạn đang đọc bài viết "Vĩnh Phúc: Hội thảo khoa học 200 năm danh xưng Vĩnh Tường (1822 - 2022)" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.