Vai trò của cộng đồng trong việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản làng cổ Đường Lâm

29/09/2014 16:31

Theo dõi trên

Làng cổ Đường Lâm là nơi hội tụ những đặc điểm tiêu biểu của nền văn hóa đồng bằng Bắc bộ và châu thổ sông Hồng với nền văn minh nông nghiệp lúa nước. đây được xem là một viên ngọc quý trong kho tàng di sản văn hóa và được xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Nơi đây là một quần thể các di tích lịch sử có mật độ dày đặc, với 50 di tích có giá trị, nhiều di tích đã được Nhà nước xếp hạng, trong đó những giá trị di tích đặc biệt như Đình Phùng Hưng, đền và lăng Ngô Quyền, chùa Mía, cổng làng Mông Phụ. 

Đặc biệt còn lưu giữ được 37 ngồi nhà cổ có giá trị niên đại từ 200-400 năm, 74 ngôi nhà cổ loại 1 có niên đại trên 100 năm và 1.051 ngôi nhà kiến trúc truyền thống nông thôn đồng bằng Bắc bộ. Làng cổ ở Đường Lâm được xếp hạng là “Di tích kiến trúc nghệ thuật” cấp quốc gia đầu tiên của cả nước vào năm 2005.

Tuy nhiên, quần thể di tích Làng cổ Đường Lâm hiện bị xuống cấp rất cần được bảo tồn, tôn tạo. Một số di tích đã và đang bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ bị sập đổ như: Đình Cam Thịnh, Đoài Giáp; các điếm và giếng cổ; các ngôi nhà cổ đang bị xuống cấp do hầu hết vật liệu xây dựng nhà bằng gỗ, tre nay đã bị mối mọt…Bên cạnh đó còn này sinh nhiều mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển khi mà nhiều hộ dân đòi trả danh hiệu di sản vì không được mở rộng diện tích nhà ở trong khi nhân khẩu ngày càng tăng cùng hàng loạt các vụ xây dựng trái phép, vi phạm vùng bảo tồn di tích.

Vừa qua, UBND TP Hà Nội vừa có quyết định về Đề án “Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây” - Giai đoạn 2014 - 2020.Theo đề án, đến 2020, sẽ có 125 nhà loại 3 được cải tạo. Hơn 1.050 ngôi nhà loại 4 (nhà 1 tầng, không có công trình cổ) cũng sẽ được hỗ trợ để cải tạo.

Theo đề án, mẫu nhà sẽ phải thỏa mãn tiêu chí: kiến trúc truyền thống, mái ngói dốc, sử dụng vật liệu truyền thống (gạch trần hoặc đá ong, gạch xây, trát, quét vôi vàng nhạt). UBND thị xã sẽ chỉ đạo thiết kế thi công cụ thể trên diện tích đất ở của hộ dân, phù hợp quy hoạch và các hộ dân ở làng cổ sẽ không phải trả tiền thiết kế. Đối với những ngôi nhà cao 2, 3 tầng đã xây dựng trước đó, đề án cũng đưa ra giải pháp như: nếu hộ dân tự nguyện tháo dỡ, cải tạo lại nhà xuống thấp tầng theo mẫu thiết kế và quy hoạch được duyệt thì sẽ được hỗ trợ kinh phí tháo dỡ, cải tạo nhà từ ngân sách nhà nước. 

Cũng theo nội dung đề án này, việc cấp đất giãn cư và kế hoạch tổ chức giãn dân làng cổ Đường Lâm dự kiến chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ nay đến 2015 thực hiện giãn khoảng 150 hộ có nhu cầu bức thiết, diện tích 4,5ha. Giai đoạn 2, từ 2016 đến 2020 giãn các hộ còn lại, khoảng 470 hộ.

Có thể nói, Đề án “Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây”- giai đoạn 2014 - 2020 được đánh giá là khả thi nhất từ trước đến nay khi đề cập đến việc bảo tồn làng cổ Đường Lâm. Với sự cố gắng của chính quyền thành phố và thị xã Sơn Tây trong việc tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, chắc chắn Đường Lâm sẽ luôn giữ vị thế là địa chỉ tham quan hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Để làm được điều này cần sự tích cực của chính quyền và đặc biệt phải là sự đồng thuận của người dân Làng cổ. Theo như ý kiến của Phó Giáo Sư – Tiến Sĩ Đặng Văn Bài là “ Cần nhìn nhận rõ vai trò của cộng đồng trong việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản làng cổ, phát triển các mô hình du lịch tạo ra các sản phẩm du lịch nhằm đem lại kinh tế cho cộng đồng từ đó nâng cao ý thức bảo tồn di tích của người dân”.

Theo Di Sản Xanh
Bạn đang đọc bài viết "Vai trò của cộng đồng trong việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản làng cổ Đường Lâm" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.