Tuyến đường sắt trên không: Di tích đã bị lãng quên?

29/12/2016 16:27

Theo dõi trên

Đã 85 năm trôi qua nhưng vết tích tuyến đường sắt trên không cùng căn hầm đặc biệt của nó vẫn sừng sững nơi đất lửa Quảng Bình.



Vết tích tuyến đường sắt trên không đoạn qua địa phận xã Thanh Hoá, huyện Tuyên Hoá, Quảng Bình. 

Nhân chứng sống hiếm hoi 

Từ trung tâm thị trấn Đồng Lê, chạy xe dọc theo Quốc lộ 15 chừng 45 phút sẽ tới thôn Thanh Lạng, xã Thanh Hoá, huyện Tuyên Hoá (Quảng Bình). Nơi đây in dấu di tích tuyến đường sắt trên không ("không trung thiết lộ") và hầm Thanh Lạng độc đáo, hiếm thấy một thời. 

Sau chiến tranh thế giới lần thứ I (1918), thực dân Pháp mở cuộc đại tu, xây dựng các tuyến đường sắt chiến lược mới ở Việt Nam nhằm hoàn thành hệ thống đường xuyên Đông Dương để phục vụ chương trình khai thác thuộc địa lần thứ 2 (1918 - 1939). Pháp đặc biệt chú ý đến nguồn tài nguyên phong phú của vùng Trung Lào, sát Việt Nam. Vì thế, một tuyến đường sắt trên không từ ga Tân Ấp (Tuyên Hoá) sang Banaphào (Lào) dài 59km được gấp rút xây dựng, cùng với căn hầm dài trên mặt đất.   

"Việc du nhập loại hình giao thông đường sắt vào Việt Nam thời Pháp thuộc ban đầu chỉ phục vụ cho quyền lợi thực dân, tức là phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, nhưng sau này đã tạo ra những cú hích quan trọng về mặt kinh tế, văn hoá - xã hội, thông thương giữa các vùng miền của ta", cụ Nguyễn Viên (97 tuổi), ngụ thôn 3 Thanh Lạng - một trong những nhân chứng hiếm hoi chứng kiến việc thi công tuyến đường sắt trên cho biết.

Cụ Viên kể thêm, ban đầu Pháp chủ trương xây một tuyến đường bộ dài hơn 65km, xuất phát từ ga Tân Ấp nối đường 12 xuyên qua rừng rậm nhằm tiếp cận Trung Lào. Đồng thời giúp thuận tiện hơn trong việc vận chuyển hàng hoá từ Lào về Việt Nam rồi tiếp tục đưa sang Pháp. Để làm tuyến đường đó, Pháp phải mở thêm một đường vận chuyển trên không bằng cáp treo từ Tân Ấp - Banaphào do địa hình quá cheo leo, hiểm trở. 

Ngày nay, đi trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận xã Thanh Hoá, cách cầu Ca Tang chừng 100m sẽ thấy những cột trụ bê tông phủ đầy rêu xanh hiên ngang đứng chọc trời. Cả căn hầm dài 500m bên dưới và đó đây những thanh sắt được dỡ ra từ các ga Cha Mác, La Trọng, Bãi Dinh... còn sót lại. 

Những vết tích hiếm hoi ấy tồn tại giữa cánh rừng nguyên sơ, với sứ mệnh lịch sử chứng minh cho một thời vàng son của tuyến đường sắt trên không nơi đất lửa Quảng Bình. Mảnh đất khúc ruột miền Trung này chính là chặng cuối con đường vận chuyển từ miền Bắc của quân ta trước khi vào chiến trường miền Nam, cũng là chặng đầu của tuyến đường quốc tế qua Lào và Campuchia. 
 


Tuyến đường sắt trên không nay đã xanh rêu màu thời gian. 

"Trận đồ bát quái" xuyên rừng 

Sinh năm 1917, đã vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng cụ Nguyễn Viên vẫn còn rất minh mẫn, khoẻ mạnh. Ký ức những ngày tháng chứng kiến việc Pháp mở "không trung thiết lộ" và hầm Thanh Lạng vẫn còn in đậm trong tâm trí cụ. 

Theo cụ Viên, thời điểm Pháp bắt đầu làm đường sắt trên không sang Lào là vào năm 1929. Để hoàn thành tuyến đường sắt dài 59km này, Pháp đã điều động, đốc thúc một lực lượng lớn nhân công Việt Nam. Công trình kéo dài 5 năm (1929 - 1933) mới hoàn tất và đưa vào sử dụng. 

Quãng thời gian ấy, không ít người đã bỏ mạng vì đói, kiệt sức và vì những tai nạn lao động không may xảy ra. Máu và mồ hôi, nước mắt chan chung trong lòng đất. Phần lớn các công đoạn xây dựng đều dùng sức người là chính, thỉnh thoảng Pháp mới cho máy nổ mìn phá núi, mở hầm để tiết kiệm thời gian. 

Trên công trường ngổn ngang giữa rừng thiêng nước độc, hàng trăm người thay phiên nhau đào, xúc đất bằng cuốc, xẻng, quang gánh thô sơ. Cậu bé Viên bấy giờ 15 tuổi, ngày nào tan học sớm cũng tranh thủ theo mẹ đi bán bánh trái, thuốc, trà cho thợ xây. Đất Thanh Lạng của huyện Tuyên khi ấy còn hoang vắng, chỉ lưa thưa vài nóc nhà. Việc Pháp mở đường sắt, hầm khiến nơi này rộn rịp hẳn lên. "Đa số nhân công là phu Hà Tĩnh vào làm, một số ít là người địa phương từ các huyện lân cận như Minh Hoá, Quảng Trạch (Quảng Bình). Phu ăn bữa đói bữa no, lắm lúc phải đào củ mài nhai sống cầm hơi mới có sức gánh đất. Lại thêm sự giám sát khắt khe của các kỹ sư Pháp nên không ít người đã bỏ mình...", cụ Viên trầm ngâm. 

Năm 1933, tuyến đường sắt trên không hoàn thành, gồm hệ thống trụ đỡ bằng bê tông rắn chắc cao 12m, dài 59km và cáp treo, trục quay dây tời. Lộ trình hoạt động như sau: Ô tô cải tiến (gắn bánh sắt chạy được trên đường ray) sẽ xuất phát tại ga đường sắt trên bộ trước. Từ điểm đầu tiên là ga Tân Ấp - ga Thanh Lạng - ga Cha Mác (Xóm Cục) - ga La Trọng - ga Bãi Dinh - đến ga Lâm Hoá là điểm cuối. Từ ga Lâm Hoá, cáp treo sẽ chuyển các thùng goòng hàng từ đường sắt trên bộ lên tuyến đường sắt trên không sang Lào. Hầm Thanh Lạng cũng xây xong cùng lúc với chiều dài 500m, chiều cao 5m, rộng 6m. Trần và thành hầm được đổ bê tông dày tới 50cm. 

Hai công trình này là kết quả bao ngày đêm lao động cật lực của phu phen, tạp dịch thời đó. Sử sách không thấy ước lượng con số người tham gia, chỉ biết rằng nhiều lắm. Trong tuỳ bút Đường huyện Tuyên, tác giả Lê Khai đã viết: "Có những người bước chân vào thùng, mắt đăm đăm nhìn về quê mẹ xa xa, mặt thờ thẫn như người sắp chết, rồi bỗng nấc lên, nước mắt chảy ròng ròng. Không biết bao nhiêu mạng người bị điện tắc phải treo lủng lẳng giữa tầng không, nuốt toàn không khí lạnh cho đến khi các thùng sắt đổ xuống các ga Nhám, Cha Mác, Banaphào thì đã trở thành người chết cứng. Đó là chưa kể cái nạn dây cáp bị vướng, móc thùng bật ra nhào xuống vực sâu..." 

CMT8 năm 1945 thành công, tuyến đường sắt trên bị Việt Minh phá huỷ để ngăn chặn sự di chuyển, tiếp viện của binh lính Pháp. Nó cũng ngừng hoạt động từ đó, trong sự vui mừng thắng lợi của nhân dân Việt Nam. Còn hầm Thanh Lạng được sử dụng làm kho hàng cất giữ lương thực, đạn dược cho bộ đội theo đường 12 vào Nam chống Mỹ. Đến năm 1966, miệng hầm bị trúng bom, hoả tiễn của Mỹ nên sạt lở ít nhiều.  
 


Cụ Nguyễn Viên trước cửa hầm Thanh Lạng. 

Di tích bị lãng quên?

Thời kỳ chiến tranh, Quảng Bình là một trong những chiến trường lớn, trọng yếu. Với khẩu hiệu: "Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến! Tất cả vì sự sống của con đường..." , quân dân Quảng Bình đã góp hàng triệu ngày công đào hầm, làm trận địa chiến đấu, tiếp lương thực đưa vào chiến trường. Chính trong hầm Thanh Lạng, bộ đội ta đã tổ chức động viên dân quân và lực lượng tự vệ các kỹ năng chữa đường, cứu xe, gỡ bom nổ chậm, các điểm theo dõi và báo động phòng không... Đến nay, nhân dân quanh vùng vẫn đi lại, vận chuyển hàng hoá qua con đường hầm này vì nhu cầu cuộc sống. Không ai phủ nhận, hầm Thanh Lạng đã góp phần chuyển sức mạnh vào chiến trường, đảm bảo thông suốt đường Hồ Chí Minh qua địa bàn Quảng Bình. Thế nhưng hiện tại không hề có một tấm biển di tích rõ ràng nào đặt tại tuyến đường sắt và điểm hầm nói trên?.  

Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình cho biết: "Hồi tháng 11/2012 đã diễn ra lễ ký dự án xây dựng tuyến đường sắt nối Lào - Việt Nam. Tuyến đường sát dài 220km, nối từ thị xã Caysone Phomvihane (tỉnh Savanakhet) ở Trung Lào đến cửa khẩu Lao Bảo (Việt Nam), trong đó có đoạn từ đèo Mụ Dạ về Tân Ấp. Dự kiến công trình hoàn tất trong 5 năm. Nếu đúng tiến độ, đây sẽ là tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Lào nối trực tiếp với Việt Nam, phục vụ nhu cầu thông thương." Đó là tín hiệu vui, nhưng trước khi ước mơ ấy thành hiện thực, thiết nghĩ việc giới thiệu và đưa cụm di tích chiến tranh trên vào điểm tham quan là cần thiết. Tin rằng ai qua đường Hồ Chí Minh, khám phá hầm Thanh Lạng và những vết tích của tuyến đường sắt trên không sẽ ít nhiều hiểu thêm lịch sử.  
 
Hà Phương 

Bạn đang đọc bài viết "Tuyến đường sắt trên không: Di tích đã bị lãng quên?" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.