Từ bài chòi Phú Yên đến di sản văn hóa của nhân loại

11/12/2014 18:50

Theo dõi trên

Không chỉ là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian có giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, nghệ thuật bài chòi còn phản ánh nét sinh hoạt lâu đời của người dân đất Phú Yên.

Với những giá trị bền vững đó, “Nghệ thuật bài chòi Phú Yên” đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và là bộ phận hợp thành di sản “Nghệ thuật bài chòi miền Trung Việt Nam” quý báu.

“Đặc sản” bài chòi Phú Yên

Mặc dù hiện nay có rất nhiều chương trình văn hóa - nghệ thuật mới mẻ, hấp dẫn trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhưng các hội bài chòi vẫn thu hút đông đảo người chơi. Mỗi khi tết đến xuân về, ai nấy đều rủ nhau chơi hội bài chòi.Vài năm trở lại đây, nhiều nhóm, câu lạc bộ (CLB) bài chòi trong tỉnh còn tổ chức hội bài chòi thường xuyên, quanh năm chứ không chỉ chờ đến dịp xuân về.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hoài Sơn, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phú Yên, “Nghệ thuật bài chòi Phú Yên” trải qua hơn 3 thế kỷ hình thành, phát triển theo dấu chân mở cõi vào phương Nam. Hiện nay, các bản bài chòi cổ vẫn được trình diễn trong các chương trình dân ca, cổ nhạc. Bên cạnh đó, những bản bài chòi do các tác giả mới sáng tác mang đậm hình ảnh, con người quê hương Phú Yên như: Dáng đứng Phú Yên, Nẫu dìa xứ nẫu, Nhớ ơn người xây tháp… cũng được phổ biến rộng rãi trong các hội diễn bài chòi.

Tuy nhiên, cái hồn cốt để bài chòi Phú Yên phát triển chính là nghệ thuật diễn xướng độc đáo, đặc trưng của loại hình nghệ thuật này. Ông Trần Long Ẩn, người hát bài chòi ở huyện Tuy An, cho biết: “Lâu năm với vai anh Hiệu trong các hội chơi, hội diễn, tôi thấy vai trò của anh Hiệu rất quan trọng trong việc tạo niềm vui, hứng thú của người chơi. Ngoài các câu thai học được từ các bậc tiền nhân, anh Hiệu còn phải nhanh trí ứng tác sao cho có vần, có điệu hợp với cái tên ứng trong thẻ bài”. Ông Ẩn ứng khẩu ngay câu lục bát: “Đầu xuân rót rượu pha trà/Nhìn ra mới thấy anh là Tám Quăn”.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian trên địa bàn Phú Yên, hiện nay, ngành Văn hóa tỉnh đã sưu tầm được trên 300 câu thai. Phần lớn các câu thai đều dễ thuộc, dễ vận dụng với các thể loại: thơ lục bát, thơ 4 chữ, nói thơ, nói vè... Các nhạc cụ như: đờn cò, đờn nhị phù hợp với làn điệu quen thuộc của bài chòi là xàng xê, xuân nữ, cổ bản… được sử dụng trong khi trình diễn.

Các nghệ nhân lớn tuổi ở nhiều địa phương trong tỉnh vẫn còn khả năng trình diễn, nhớ các làn điệu bài chòi cổ. Thế hệ nghệ nhân mới đang ra sức truyền dạy bài chòi trong trường học, các CLB đàn hát dân ca. Ngành Văn hóa Phú Yên vẫn đang tìm kiếm, sưu tầm các câu thai bài chòi.

Để unesco công nhận di sản

Bộ VHTTDL đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan lập hồ sơ “Nghệ thuật bài chòi miền Trung Việt Nam” trình lên Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) xem xét công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tại buổi tọa đàm khoa học “Nghệ thuật bài chòi Phú Yên”, Tiến sĩ Nguyễn Bình Định - Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam, đơn vị chủ trì, phối hợp với các tỉnh thành có di sản bài chòi xây dựng, lập hồ sơ này, cho biết: “Với các giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật vốn có, bài chòi đã phát huy hiệu quả trong sinh hoạt tinh thần của nhân dân Phú Yên. Vì vậy mà “Nghệ thuật bài chòi Phú Yên” đã được Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng với 9 tỉnh, thành phố trên dải đất miền Trung có nghệ thuật bài chòi, Phú Yên là địa phương tích cực tham gia xây dựng hồ sơ di sản này trình UNESCO”.

Cũng trong dịp này, Viện Âm nhạc Việt Nam đã công bố các tiêu chí công nhận “Nghệ thuật bài chòi miền Trung Việt Nam” theo tiêu chuẩn của UNESCO. Theo đó, “Nghệ thuật bài chòi miền Trung Việt Nam” phải phát triển theo hướng sinh hoạt dân gian, ngẫu hứng, không phải theo hướng sân khấu hóa. Hồ sơ phải do chính cộng đồng xây dựng. Cho nên, các nghệ nhân, diễn viên, quần chúng giữ vai trò quan trọng trong việc tạo ra các tư liệu xây dựng hồ sơ. Các yếu tố nguồn gốc hình thành bài chòi, anh Hiệu - người nghệ sĩ trung tâm của cuộc chơi, trang phục, nghệ thuật trình diễn, nghệ nhân tiêu biểu… được xem là các yếu tố quan trọng cần phải làm rõ trong hồ sơ.

Theo ông Hồ Văn Tiến, Giám đốc Sở VHTTDL Phú Yên, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi vẫn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Văn hóa tỉnh. Bên cạnh một số thuận lợi, công tác này đang gặp phải những thách thức nhất định. Nghệ nhân bài chòi có thể vào vai “anh Hiệu, chị Hiệu” đang vắng dần do tuổi cao, sức yếu, trí nhớ giảm sút. Thế hệ trẻ vẫn chưa mặn mà với dân ca nói chung và bài chòi nói riêng. Trong công tác bồi dưỡng nghệ nhân, giáo dục lớp trẻ, ngoài sự nỗ lực của tỉnh, Trung ương cần có chính sách đãi ngộ góp phần giải quyết tốt các vấn đề cốt yếu này.

Một khi nghệ thuật bài chòi được nâng niu, gìn giữ và quốc tế công nhận thì giá trị của bài chòi trong sinh hoạt tinh thần nhân dân càng thêm sâu sắc và bền vững.

Theo Báo Du Lịch
Bạn đang đọc bài viết "Từ bài chòi Phú Yên đến di sản văn hóa của nhân loại" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.