Những "lương duyên" mùa thanh long chín đỏ!

24/08/2015 08:00

Theo dõi trên

Tôi đã đi qua rất nhiều mùa thanh long chín ngọt ngào trên cánh đồng của những người nông dân vùng duyên hải Hàm Tân, La Gi, Thuận Nam và trên những bãi bờ mênh mông cát…

Còn nhớ khoảng hai năm trước, tôi từng đến nhà một người bà con đồng hương vùng quê Hà Tây cũ nhưng vào Hàm Tân lập nghiệp đã hơn 30 năm.


 
Bạt ngàn thanh long chín đỏ.

Ngồi trên những luống thanh long dài ngút ngàn, cành lá lòa xòa cong cong chấm xuống đất, xen lẫn là những quả chín màu đỏ tươi như đốm lửa giữa một chiều hoàng hôn vàng ruộm, anh bạn "đồng hương quê" cười khà rồi kể. “Mình từng gắn bó với những luống thanh long từ khi còn là một đứa trẻ chưa tới 10 tuổi. Ngày ấy, những gia đình di cư hay người bản địa ở đây đều nghèo khó, dù đất đai là rất nhiều. Những năm ấy, cây thanh long mới bắt đầu bén rễ trên vùng quê mới này. Không riêng tôi, bất kể đứa trẻ nào ở đây cũng có một tuổi thơ nóng bỏng, cháy rát vì thiên nhiên khắc nghiệt và làn da xơ xác vì gai thanh long.

Cũng không có gì lạ khi ngày ấy, thanh long dần trở thành một trong những cây trồng được ưa chuộng nhất ở vùng đất này. Không phải bởi đây là giống cây có gai, thuộc họ xương rồng mà dường như, cây thanh long và dải đất này chính là một mối lương duyên kỳ lạ vậy. Kết quả của cuộc tình ấy, những ngôi nhà ngói đỏ, những thiết bị hữu ích cho cuộc sống dần dần đến được với từng nóc nhà, khi những mùa thanh long đi qua”.

Trong câu chuyện vừa cũ vừa mới của người đồng hương trên vùng đất Bình Thuận, tôi dường như cảm nhận được, với nhiều người ở đây, thanh long là người bạn, là sinh kế, là cuộc sống bởi ở nơi mà thiên nhiên khắc nghiệt như vậy, đó dường như là sự lựa chọn duy nhất. Chính vì vậy, hôm nay cũng trên ruộng thanh long, cũng một đồi cát mênh mông nhưng cách nhà người đồng hương của tôi chừng gần trăm cây số, tôi lại được nghe kể về cây thanh long.





Vất vả mùa cắt thanh long.

Gạt những giọt mồ hôi trên vầng trán đen đúa, người phụ nữ đã gần bốn mươi tuổi ấy khẽ bảo. Năm nay thanh long không "mát lòng" như trước nữa các chú ơi. Nếu trước đây, được mùa thì niềm vui, cơm áo, hạnh phúc đến với người trồng là lẽ đương nhiên. Còn bây giờ, dù trái đã đậu, đã lớn, đã thu hoạch nhưng người ta vẫn bất an. Nghĩa là, được mùa nhưng nông dân vẫn có thể trắng tay vì giá cả, vì lo bấp bênh của thị trường.

Tôi hiểu, cảm thông về những sẻ chia, những điều mà trong số nông dân, có người gần như cả đời chưa đọc tin từ những tờ báo, chưa thuộc một phép tính, chưa biết một điều luật về xuất nhập khẩu như chị sẽ phải chấp nhận, như một phần của cuộc chơi. Và thực tế, phần thua thiệt, lo lắng nhất bao giờ cũng là những người nông dân nghèo nếu thị trường thanh long có gì đó thay đổi, biến động. Mà thực ra, đâu chỉ những người trồng thanh long, bất cứ người nghèo nào cũng thường bị động trước những cơn sóng của cuộc sống thương trường vậy.

Nếu những mùa trước, khi những trái thanh long được cắt xuống, được xếp lại trong những chiếc rương bằng tre, được đặt ở góc vườn chính là lúc vui vẻ nhất của người nông dân thì năm nay, khi mùa thanh long sắp đi qua, nhìn những rương đó, người bà con lại trĩu nặng trong lòng. Không phải là mùa thanh long đắng đót nữa mà bây giờ, đó là mua thanh long đổ nợ bởi dường như, dù dành tâm huyết cả năm trời nhưng không một người trồng nào biết trước được những quy luật biến đổi của thời tiết, của thị trường về thanh long cả.

Theo Dân Việt

Bạn đang đọc bài viết "Những "lương duyên" mùa thanh long chín đỏ!" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.