Nghệ nhân Vĩnh Long

02/12/2014 14:13

Theo dõi trên

Bên cạnh đờn ca tài tử, Vĩnh Long đặc biệt có nhiều nghệ nhân nổi danh ở thể loại tuồng cổ hát bội và phong phú ở nhiều lĩnh vực như: diễn xuất, trình diễn nhạc cụ, sáng tác, may trang phục tuồng,... Do đó, trong đợt đề nghị phong tặng nghệ nhân ưu tú lần này, có nhiều nghệ nhân hát bội, phần nhiều đều tuổi đã cao.

Ông Huỳnh Văn Hên (Mang Thít)

16 tuổi, ông Huỳnh Văn Hên (nghệ danh Thái Phương) chính thức tham gia vào đoàn hát bội, cho đến nay đã có tổng cộng hơn 49 năm cống hiến cho bộ môn nghệ thuật này và qua đó chứng tỏ là một nghệ nhân đa tài.

Thái Phương rất am hiểu cách hóa trang khuôn mặt nhân vật, sử dụng phục trang râu mão, đạo cụ phù hợp với từng nhân vật, cả âm vực bài hát, nhịp phách. Nắm vững điệu thức trong các bài hát, vũ điệu hát bội…
 
Có khả năng trình diễn nhiều vai tuồng: kép văn, kép võ, kép lão, tướng… Thể hiện được điệu bộ, sắc thái, tâm lý của từng vai trong từng hoàn cảnh cụ thể; có kỹ năng sử dụng điêu luyện các loại đạo cụ tạo nên sức hấp dẫn khán giả. Ông có công truyền dạy cho hàng chục học trò theo nghề hát bội truyền thống.
 
Đã có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể hát bội, từng tham gia biểu diễn ở nhiều nơi, nhiều tỉnh- thành.

Đặc biệt, từng tham gia biểu diễn trong lễ hội dân gian Smithsonian Folklife Festival tại Hoa Kỳ năm 2007, nhận được chứng nhận “Nghệ nhân dân gian thế giới” của Hoa Kỳ cấp; giấy chứng nhận “Nghệ nhân gánh hát bội Đồng Thinh đã tích cực tham gia chương trình “Mekong: Dòng sông kết nối các nền văn hóa” do Bộ Văn hóa- Thông tin Việt Nam cấp năm 2007.

Ông Võ Công Khanh (TX Bình Minh)

Ông có nghệ danh Thanh Nhàn là diễn viên hát bội thành danh ở Vĩnh Long và nổi tiếng khắp khu vực ĐBSCL. Với gần 40 năm theo nghiệp diễn, ông có thể trình diễn được tất cả các vai trong hát bội. Đặc biệt là trong các vai kép độc.

Dàn dựng các chương trình, tiết mục tham gia liên hoan; truyền dạy kỹ thuật biểu diễn trên sân khấu cho các thành viên CLB, con cháu và những người có sở thích loại hình hát bội trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh tài năng của một diễn viên hát bội, nghệ nhân Võ Công Khanh còn tự mày mò học nghề may trang phục, làm đạo cụ phục vụ sân khấu hát bội. Nhiều gánh hát bội ở ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh cũng tìm đến đặt hàng may trang phục, phông màn sân khấu, đạo cụ của ông.

Bà Phạm Thị Lâm (Vũng Liêm)

Sinh năm 1944, bà Phạm Thị Lâm (nghệ danh Út Lâm) đã gắn bó với hát bội tròm trèm 60 năm rồi. Bà nắm vững các loại bài bản của nghệ thuật hát bội, hát Nam (hát Nam chạy, Nam xuân, Nam ai), hát khách (hát khách chiến, khách tử), hát tẩu, hát bài, hát xưng danh,...

Bà còn biết múa nhiều điệu bộ; ca diễn trên sân khấu, đóng nhiều vai khác nhau như đào thương, đào lẳng, đào độc, những vai nam (giả trai). Bà có công truyền dạy cho nhiều học trò theo nghề hát bội truyền thống.

Nghệ nhân Út Lâm đã có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ và lưu truyền nghệ thuật hát bội.

Huỳnh Thị Yến Linh (Mang Thít)

Sinh năm 1973, Yến Linh là một trong những nghệ nhân nữ hiếm hoi đam mê theo đuổi và thành danh ở loại hình nghệ thuật hát bội. Tuy trẻ, nhưng Yến Linh đã có hơn 23 năm kinh nghiệm trình diễn nhạc cụ tuồng cổ.

Nghệ nhân Yến Linh thông thạo các thể loại bài bản, nhịp phách và tính cách từng nhân vật, cũng như thực hiện tốt các thao tác múa ra bộ và sử dụng tốt các loại đạo cụ sân khấu. Đặc biệt, Yến Linh có thể diễn được các vai thuộc đào văn, đào võ, đào lẳng trong nhiều vở diễn khác nhau.

Năm 2007, Yến Linh được Bộ Văn hóa- Thông tin chọn đi tham dự giao lưu tại Hoa Kỳ nhân chương trình “Mekong: Dòng sông kết nối các nền văn hóa” tại lễ hội đời sống dân gian Smithsonian, Washington D.C., với trích đoạn “Tiết Giao đoạt ngọc”, được khán giả tại Hoa Kỳ khen ngợi, đánh giá cao.

Năm 2010, tham gia biểu diễn tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội với 4 trích đoạn tiêu biểu trong các vở tuồng: “Đường về San Hậu”, “Thần nữ dâng ngũ linh kỳ”, “Võ Tam Tư chém cáo” và “Trảm Trịnh Ân”.

Ông Huỳnh Văn Răng (Mang Thít)

Đối với những ai quan tâm đến nghệ thuật truyền thống tuồng cổ, có lẽ đều ít nhiều biết đến nghệ danh Bầu Răng (nghệ danh của ông Huỳnh Văn Răng)- người đã một đời đam mê bộ môn hát bội. Hơn 70 năm gắn bó, giờ đây ông bầu gánh Đồng Thinh đã bước qua tuổi 80, nhưng xem ra vẫn chưa chịu “nghỉ hưu”.

Nghệ nhân Huỳnh Văn Răng (Bầu Răng).

Ông nắm vững kiến thức về hát bội truyền thống, đặc trưng của hát bội; phương pháp hóa trang, phục trang phù hợp cho từng vai diễn và từng đảm nhận hàng trăm vai diễn trong nhiều vở tuồng hát bội khác nhau.

Qua mấy chục năm theo nghiệp hát bội, ông vẫn giữ được giọng hát tốt, trình diễn nhiều vai kép đòi hỏi kỹ năng điêu luyện.

Tuy nay đã 80 tuổi nhưng ông vẫn nằm lòng nhiều tuồng tích xưa, có thể lên sân khấu diễn thay cho bất cứ vai nào trong vở diễn khi gánh hát bội Đồng Thinh cần đến.

Với kinh nghiệm của mình, Bầu Răng đã truyền dạy cho trên 30 học trò, trong đó có nhiều lớp trẻ đã thành danh và đang kế thừa nghiệp diễn của các bậc thầy đi trước.

Theo Báo Vĩnh Long Online
Bạn đang đọc bài viết "Nghệ nhân Vĩnh Long" tại chuyên mục Đờn ca tài tử. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.