Di sản đất phương Nam
Đờn ca tài tử Nam Bộ là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng đất Nam Bộ, sản phẩm văn hóa phi vật thể vừa mang tính bác học, vừa mang tính dân gian. Với những giá trị đặc sắc, đờn ca tài tử đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Là tinh hoa của nghệ thuật dân tộc, gắn bó với đời sống của người dân Nam Bộ, nghệ thuật đờn ca tài tử được xem như một “báu vật” của vùng đất phương Nam. Trải qua thời gian, di sản cần được bảo tồn và phát huy, nhằm góp phần nhân lên sức mạnh văn hóa truyền thống của vùng Nam Bộ nói riêng, văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung. Thông qua việc thực hành đờn ca tài tử Nam Bộ, cộng đồng góp phần giới thiệu, bảo tồn và phát huy các tập quán xã hội liên quan như lễ hội, văn hóa truyền khẩu, nghề thủ công,…
Theo Cục Văn hóa cơ sở, tham gia Hội thi Nghệ thuật Đờn ca tài tử, Không gian Đờn ca tài tử là các tài tử Đờn, tài tử Ca sinh hoạt trong các Câu lạc bộ, Nhóm tài tử đã và đang tham gia phong trào Đờn ca tài tử thuộc 21 tỉnh, thành phố khu vực Đông và Tây Nam Bộ như An Giang, BàRịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, TP Cần Thơ, CàMau, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Ninh Thuận, Long An, Sóc Trăng, Tây Ninh, TP HồChíMinh, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh.
Hội thi Nghệ thuật Đờn ca tài tử, Không gian Đờn ca tài tử được tổ chức nhằm tôn vinh và quảng bá loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân Nam Bộ nói riêng. Thông qua việc tôn vinh những giá trị đặc sắc của loại hình nghệ thuật đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Hội thi nghệ thuật Đờn ca tài tử, Không gian Đờn ca tài tử góp phần nâng cao nhận thức của xã hội trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ; đáp ứng nhu cầu sáng tạo nghệ thuật, hưởng thụ văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Tăng cường sự liên kết vùng trong việc hợp tác, xúc tiến thương mại du lịch, xúc tiến đầu tư nhằm khai thác tiềm năng, lợi thếcủa các tỉnh, thành phố khu vực Đông, Tây Nam Bộ nói chung và TP Cần Thơ nói riêng.
Hội thi Nghệ thuật Đờn ca tài tử, Không gian Đờn ca tài tử diễn ra từ 6 - 11.4, trong đó, Hội thi Nghệ thuật Đờn ca tài tử khai mạc ngày 6.4 tại Nhà biểu diễn Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ (khu Bãi Cát, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều); Không gian Đờn ca tài tử được tổ chức tại Quảng trường quận Bình Thủy.
Lan tỏa giá trị di sản
Với chủ đề: “Đờn ca tài tử - Di sản đất phương Nam”, Hội thi Nghệ thuật Đờn ca tài tử, Không gian Đờn ca tài tử có nội dung ca ngợi tinh thần kiên cường bất khuất trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, thành tựu xây dựng quê hương trong thời kỳ đổi mới; ca ngợi Đảng vĩđại, Bác Hồ kính yêu và những thành tựu nhân dân ta đạt được ở các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội, trong quá trình CNH - HĐH; ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, giáo dục truyền thống cách mạng; nêu gương người tốt, việc tốt trong lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới, phê phán thói hư tật xấu trong xã hội.
Tham gia Hội thi, chương trình Đờn ca tài tử gồm 5 tiết mục: Phần đờn gồm 1 tiết mục hoà đờn; phần ca gồm 4 tiết mục có đơn ca, song ca, ca ra bộ và ca vọng cổ. Về bài bản, các đoàn tùy chọn, nhưng bắt buộc phải trong 20 bài bản tổ và Vọng cổ nhịp 8 hoặc Vọng cổ nhịp 16, không nhất thiết phải biểu diễn hết bài. Bài ca phải là bài văn có nội dung đúng theo chủ đề, được soạn theo khúc thức bài bản tổ nhạc Tài tử. Về bản Vọng cổ, có thể chọn Vọng cổ nhịp tư (20 câu), hoặc Vọng cổ nhịp 8 (12 câu), hoặc Vọng cổ nhịp 16 (6 câu); khuyến khích các đoàn sử dụng Vọng cổ nhịp 8, hoặc nhịp 16.
Về dàn nhạc, mỗi đoàn dự Hội thi phải có ít nhất 4 loại nhạc cụ trong dàn nhạc (đờn kìm, đờn cò, đờn tranh, đờn bầu, đờn gáo, đờn tam, đờn tỳ bà, đờn đoản, tiêu, sáo, ghi ta, hạ uy đi); không được sử dụng ghi ta điện tử. Mỗi chương trình không quá 40 phút. Khuyến khích mỗi đoàn có ít nhất một tài tử ca hoặc một tài tử đờn dưới 18 tuổi để thể hiện tính kếthừa.
Để tổ chức Không gian Đờn ca tài tử, BTC sẽ bố trí cho mỗi địa phương tham gia với không gian khoảng 40m2. Phần trưng bày thể hiện đúng với không gian văn hóa đặc trưng của địa phương sinh sống thông qua trang phục, giao tiếp và nghệ thuật trình diễn đờn ca tài tử. Tại những không gian này, vào các buổi tối sẽ có các nghệ nhân tiêu biểu của địa phương biểu diễn và truyền dạy cách hát, sử dụng nhạc cụ cho du khách và nhân dân đến tham quan. Bên cạnh đó, lồng ghép trưng bày hình ảnh, hiện vật tiêu biểu liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử trong hoạt động biểu diễn hàng ngày tại không gian.
Theo năm tháng, nghệ thuật đờn ca tài tử luôn cho thấy một sức sống bền lâu, lan tỏa khắp các miền quê, thể hiện tâm hồn phóng khoáng và tình yêu quê hương đất nước, con người. Không gian thấm đẫm bản sắc văn hóa vùng sông nước cũng đã nuôi dưỡng nghệ thuật đờn ca tài tử, ươm mầm cho nhiều thếhệ say mê loại hình nghệ thuật này. Nhiều nhà nghiên cứu nhìn nhận, đờn ca tài tử có sức lan tỏa, tác động mạnh tới công chúng. Hiện nay, các tỉnh, thành Nam Bộ đều có câu lạc bộ, nhóm đờn ca tài tử hoạt động, biển diễn thường xuyên nơi miệt vườn thôn dã, các điểm du lịch hay những sân khấu, hội thi, lễ hội quy mô lớn… Đặc biệt, với những giá trị hiện hữu và tầm vóc một di sản thếgiới được UNESCO vinh danh, Đờn ca tài tử đã trở thành tài nguyên vô cùng đặc sắc để có thể phát triển trở thành sản phẩm du lịch đặc thù, đầy sức hút của vùng Nam Bộ.
Hội thi Nghệ thuật Đờn ca tài tử, Không gian Đờn ca tài tử hứa hẹn không chỉ mang ý nghĩa tôn vinh mà còn tạo sự lan tỏa cho sức sống của di sản, với những trải nghiệm khó quên đối với nhân dân và du khách.