Đến dự có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Lê Quang Mạnh.
Phát biểu khai mạc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, Đờn ca tài tử - Loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo, được hình thành và phát triển trong quá trình khẩn hoang, lập nghiệp của người dân vùng đất phương Nam. Với giá trị văn hóa to lớn đó, ngày 5/12/2013, tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (tổ chức UNESCO) đã chính thức công nhận nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo này. Đây thật sự là niềm tự hào của đồng bào Nam bộ, của dân tộc Việt Nam và có ý nghĩa to lớn, góp phần thiết thực vào việc giữ gìn đa dạng các loại hình nghệ thuật dân tộc trong kho tàng văn hóa nghệ thuật thế giới.
Cùng với nghệ thuật Đờn ca tài tử, Bánh dân gian Nam bộ cũng là loại hình văn hóa ẩm thực đặc trưng của người dân vùng đất phương Nam, được hình thành trong quá trình lao động sản xuất, giao thoa giữa các cộng đồng người.
Trong hơn 2 năm qua, dù gặp không ít khó khăn do dịch bệnh, TP Cần Thơ vẫn không ngừng nỗ lực thích ứng bằng những cách làm mới trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, du lịch, như: tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thông trực tuyến; ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng số vào hoạt động tuyên truyền; đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh.
Tiếp tục áp dụng linh hoạt, hiệu quả tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2022 TP Cần Thơ phối hợp Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử cấp quốc gia lần thứ III và Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX với quy mô và số lượng hoạt động vừa phải, trong đó, đặc biệt tập trung các nguồn lực vào khai thác, phát huy chiều sâu từng nội dung hoạt động, giảm thiểu phô trương hình thức thể hiện, trên tinh thần tiết kiệm, linh hoạt, hiệu quả.
Trong 6 ngày diễn ra Liên hoan và Lễ hội từ ngày 6 đến 11/4, các đại biểu sẽ có dịp gặp gỡ, giao lưu trong chương trình nghệ thuật khai mạc, hoạt động Hội thi nghệ thuật Đờn ca tài tử; không gian Đờn ca tài tử; Hội thi Bánh Dân gian Nam bộ, tham quan Triển lãm “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam” và cùng được thưởng thức nhiều loại bánh dân gian đặc trưng của vùng đất Nam bộ.
Đồng chí Trần Việt Trường tin tưởng rằng, Liên hoan Đờn ca tài tử cấp quốc gia lần thứ III và Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX - Cần Thơ năm 2022 không chỉ là sự kiện thiết thực trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ; tôn vinh, quảng bá ẩm thực Việt Nam nói chung, bánh dân gian Nam bộ nói riêng; sự kiện còn là cơ hội rất quý để tăng cường xúc tiến, quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo đến với bạn bè, du khách; là dịp để tăng cường sự liên kết vùng trong hợp tác phát triển du lịch, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong khu vực Nam bộ. Liên hoan Đờn ca tài tử cấp quốc gia lần thứ III và Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ IX – Cần Thơ năm 2022 là một trong những sự kiện quan trọng, đánh dấu cho hoạt động mở cửa du lịch trở lại.
Sau lễ khai mạc, các đại biểu cùng hòa điệu vào các tiết mục nghệ thuật khắc họa điểm nhấn, nét đặc trưng của nghệ thuật Đờn ca tài tử và bánh dân gian Nam bộ thông qua chương trình nghệ thuật, chủ đề “Hồn Việt phương Nam”. Theo đó, chương trình có 3 chương. Chương 1 với chủ đề “Tiếng lòng ngân vang” với các tiết mục như: “Tri âm hòa điệu”; “Tiếng đờn ca mùa nước nổi”; “Tiếng đờn ca trên chợ nổi”. Chương 2 với chủ đề “Vị ngọt cho đời – Bánh với tuổi thơ” với các tiết mục như: “Bánh với tuổi thơ”; Tiểu phẩm “Hoàng tử bánh”. Chương 3 với chủ đề “Khát vọng ngân vang, vươn xa”.