Lưu giữ nét xưa ở làng Cổ Định

05/05/2022 09:45

Theo dõi trên

Cổ Định - Tân Ninh (thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) là vùng đất cổ, ngày nay vẫn còn lưu giữ những nét xưa hiếm có ở một vùng quê yên ả, thanh bình…

anh-1-1651716157.jpg
Hàng cây di sản ở làng Cổ Định

Ngôi làng có ngôn ngữ lạ

Cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 20km, vùng đất Kẻ Nưa xưa nằm án ngữ dưới chân Ngàn Nưa đẹp như một bức tranh thủy mặc. Theo cách giải nghĩa người dân bản địa thì Kẻ Nưa là từ chỉ vùng đất có truyền thống buôn bán sầm uất bậc nhất cả vùng. Từ xa xưa, nơi này vốn có tên đất “Cổ Na”, khi vua Lê Lợi lên ngôi đã cho đổi tên Cổ Na thành Cổ Ninh. Đến năm 1533, vua Lê Trang Tông lại cho đổi tên từ Cổ Ninh thành Cổ Định. Ngày nay, không nhiều người còn nhớ đến cái tên Kẻ Nưa, thay vào đó tên làng đã được đổi tên thành Tân Ninh năm 1946.

Điều đặc biệt ở vùng đất cổ này là làng có “ngôn ngữ lạ”. Theo người dân địa phương, từ xa xưa người dân nơi đây đã sử dụng một thứ ngôn ngữ lạ, chỉ người dân trong vùng nghe và hiểu được. Ví dụ như, thay vì dùng từ nước, người dân nơi đây nói dùng từ nác. Hoặc con dao là con đao, dọn cơm ra sân là đoạn cơm ra vườn, chân gọi là cẳng, trời tối gọi là trời tún, đầu gối gọi là trốc cún, con gà gọi là con kha, đi về gọi là đi viền, cái đầu gọi là cái trốc,…

Cho đến giờ người dân trong vùng cũng không lý giải được vì sao lại dùng ngôn ngữ lạ như vậy, chỉ biết rằng truyền từ đời này qua đời khác dần già thành quen và cứ thế sử dụng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, sở sĩ làng có ngôn ngữ “nước ngoài” như vậy là bởi ảnh hưởng của khí hậu, địa lý, nguồn nước.

anh-2-1651716214.jpg
Một góc đình Đài

Những ngôi nhà cổ dưới dãy Ngàn Nưa

Trải qua thời gian, nhiều nét xưa ở ngôi làng cổ này bị mai một, song khi đến với Cổ Định ngày nay, chúng ta còn được chiêm ngưỡng những ngôi nhà bằng gỗ có tuổi đời cả trăm năm tuổi. Có thể kể đến một số căn nhà, như: Nhà ông Hứa Viết Sinh (phố 4) xây dựng năm 1890; nhà ông Lê Đình Cảnh (phố 4) xây dựng năm 1886; nhà ông Lê Đồng Thực (phố 11) xây dựng năm 1890; nhà ông giáo Hào - Lê Sỹ Hưng (phố 1) xây dựng năm 1906...

Căn nhà gỗ của gia đình bà Hứa Thị Sen, phố 4, thị trấn Nưa dù có tuổi đời cả 100 năm nhưng vẫn còn khá nguyên vẹn. Theo cụ Sen, nhà được dựng từ năm 1907 và đã qua 6 thế hệ sinh sống ở đây.

Cụ Sen cho hay, từ khi về làm dâu của gia đình, ngôi nhà đã được dựng lên.  Trước đó, ông bà nội, bố mẹ chồng của bà đều ở trong căn nhà này. Có nhiều người đến ngỏ ý muốn mua lại ngôi nhà nhưng gia đình không bán bởi con cháu trong nhà muốn lưu giữ nét xưa của ông cha để lại.

anh-3-1651716335.jpg
Ngôi nhà cổ ở dưới chân Ngàn Nưa dần xuống cấp, cần được bảo tồn, duy tu

Với 5 thế hệ đã sống trong ngôi nhà của ông cha để lại, ông Lê Bật Điển (phố 10) hào hứng kể với chúng tôi về ngôi nhà của gia đình. Ông Điển cho hay, ngôi nhà của gia đình đựng dựng năm 1930, đến nay gia đình ông vẫn giữ được nét xưa của ngôi nhà. “Từ cổng ngõ vào nhà cũng được gia đình bảo tồn, với qua điểm “giữ lại nhà là giữ lại tài sản” cho con cháu sau này. Giữ nhà của ông bà là răn dạy con cháu nhớ về cội nguồn, nhớ về công sức của ông bà đã dành dụm, chắt chiu mới có” - Ông Điển nói.

Theo thống kê, làng cổ Định còn khoảng gần 40 ngôi nhà có tuổi đời gần 100 năm. Tuy nhiên, theo thời gian, nhiều ngôi nhà gỗ có tuổi đời cả trăm tuổi giảm dần. Việc giảm dần nhà gỗ cổ ở thị trấn Nưa có nhiều nguyên nhân: Qua thời gian việc hư hỏng, xuống cấp là điều không thể tránh khỏi, trong khi việc tìm kiếm gỗ thay thế mất nhiều thời gian, công sức, tiền và không có sẵn. Bên cạnh đó, nhiều gia đình nhìn nhận chưa đúng mức về việc bảo tồn, giữ gìn những ngôi nhà gỗ này…

Ngôi làng của những hiền tài

Theo ghi chép tại phòng văn hóa của thị trấn Nưa, vùng đất này đã trải qua nhiều tên gọi khác nhau như Chạ Kẻ Nứa, Giáp Cá Na, Cổ Ninh, Cổ Định. Vào thế kỷ thứ III, vùng đất này cùng với núi Nưa hiểm trở được Bà Triệu chọn làm căn cứ dấy binh khởi nghĩa chống quân Ngô. Trải qua các thời Lý, Trần, Lê đến triều Nguyễn, làng Cổ Định xuất hiện nhiều nhân tài, nhà khoa bảng, có đóng góp quan trọng cho đất nước trên các lĩnh vực văn hóa, chính trị, ngoại giao…

Trong lịch sử phát triển của các triều đại phong kiến nước Việt, đã có 24 tiến sĩ đến từ vùng đất Kẻ Nưa ghi tên mình trên bảng vàng khoa cử. Có thể kể đến, như sứ giả Doãn Anh Khải đi sứ nhà Tống năm Canh Tuất (1130) Thiên Thuận thứ 3 đời Vua Lý Thần Tông; Doãn Tử Tư đi sứ nhà Tống năm Giáp Thân (1164) Chính Long năm thứ 2 đời Vua Lý Anh Tông; Doãn Băng Hiến (Hài) năm 1322 đi sứ Nhà Nguyên; Lê Bật Tứ năm 1606 đi sứ nhà Minh.

anh-42-1651716602.jpg
Giếng nước vẫn được người dân trong làng gìn giữ qua nhiều thế hệ

Đặc biệt, trong số hiền tài ở làng Kẻ Nưa có Lê Bật Tứ là người nổi danh nhất. Ông thi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sỹ (Hoàng giáp) khoa Mậu Tuất niên hiệu Quang Hưng 21 (1598) đời vua Lê Thế Tông, làm quan đến chức Thượng thư Bộ binh, hàm Thiếu bảo, tước diễn Gia hầu. Khi mất được truy tặng Thái Bảo, tước Diễn quận công, tên ông được ghi danh tại văn bia Quốc Tử Giám.

Hiện, vùng đất Cổ Định - Tân Ninh hiện có 9 di tích lịch sử, trong đó có 2 cụm di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia là Đền thờ Hoàng giáp Lê Bật Tứ (1562 - 1627) làm quan thời Lê Trung Hưng và Cụm di tích Đền Nưa gắn liền cuộc khởi nghĩa chống quân Ngô năm 248 của Bà Triệu. Bảy di tích còn lại được công nhận di tích cấp tỉnh.

Phát huy truyền thống hiếu học của cha ông, hiện vùng đất Cổ Định - Tân Ninh có 37 tiến sỹ, 6 phó giáo sư và giáo sư, 3 vị tướng lĩnh.

Hồng Hạnh
Bạn đang đọc bài viết "Lưu giữ nét xưa ở làng Cổ Định" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.