Đây là một trong ba lễ chính hàng năm của tộc người Khmer Nam bộ gồm Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, Sen Dolta và Ok Om Bok. Riêng năm nay, do nhuận hai tháng 9 Âm lịch nên lễ hội Ok Om Bok được tổ chức vào ngày rằm tháng 9 sau.
Trà Vinh là tỉnh có hơn 300.000 người là dân tộc Khmer, chiếm khoảng 30% dân số. Hằng năm, lễ hội Ok Om Bok được tổ chức với quy mô lớn, gồm nhiều họat động vui chơi, giải trí vừa mang tính dân gian vừa mang tính hiện đại. Từ đó, ngày càng thu hút nhiều du khách đến từ các tỉnh, thành trong khu vực; trong đó, có một bộ phận kiều bào hàng năm về thăm quê vào dịp lễ hội.
Nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh về đất nước, con người Trà Vinh với bạn bè gần xa nhân lễ hội Ok Om Bok, từ ngày 30/10 đến 7/11/2014 tỉnh Trà Vinh tổ chức nhiều hoạt động đặc sắc, ý nghĩa.
Cụ thể, từ ngày 2-7/11, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức Hội chợ Công thương khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thu hút hơn 200 doanh nghiệp đến từ các tỉnh trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, miền Trung Tây Nguyên tham dự với hơn 400 gian hàng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm như lương thực, thực phẩm, may mặc, máy móc nông nghiệp…
Đây là hoạt động nằm trong chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2014, được Bộ Công Thương và Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh tổ chức thực hiện.
Ngày 5/11, trên sông Long Bình - con sông đẹp nhất thành phố Trà Vinh tổ chức giải đua ghe Ngo truyền thống giữa 8 huyện và thành phố trong tỉnh và nhiều hoạt động vui chơi giải trí khác mang đậm đà bản sắc dân tộc như giải bóng chuyền thanh niên dân tộc, kéo co, đẩy gậy, đập nồi, nhảy bao, chạy việt dã…
Lễ hội chính thức bắt đầu vào đêm 6/11 (nhằm ngày 14/9 âm lịch sau) được tổ chức tại khu di tích danh thắng Ao Bà Om, phường 8 (thành phố Trà Vinh), với sự tham gia đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị sư sãi của 141 chùa Khmer trong tỉnh cùng hàng vạn người đến từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh.
Dịp này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh tổ chức đón nhận Lễ hội Ok Om Bok là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia… Sau phần lễ, về phần hội sẽ tổ chức sân khấu hóa lễ hội Ok Om Bok, biểu diễn văn nghệ, diễu hành, thi trang phục dân tộc, thả hoa đăng…
Về ngữ nghĩa trong tiếng Khmer, Ok có nghĩa là đút, Om Bok nghĩa là cốm dẹp. Vì vậy, lễ hội Ok Om Bok có nghĩa là lễ hội đút cốm dẹp. Theo quan niệm tín ngưỡng của người Khmer, Mặt trăng là vị thần cai quản thời tiết và mùa màng trong năm.
Nhằm ghi nhớ và tạ ơn vị thần này, ngoài tham gia cúng trong cộng đồng tại phum sóc, tại chùa, hầu hết các gia đình Khmer ở Trà Vinh đầu tổ chức cúng trăng tại nhà theo nghi thức khá đơn giản được tiến hành như sau: Để chuẩn bị cho lễ cúng trăng, tại khuôn viên nhà-nơi không có bóng cây che khuất mặt trăng, gia chủ xây dựng một cái cổng, hai trụ làm bằng tre hoặc trúc được trang trí hoa lá, trên cổng giăng một dây trầu gồm 12 lá trầu cuốn tròn tượng trưng cho 12 tháng trong năm và một dây cau gồm 7 trái chẻ vỏ ra như hai cánh con ong, tượng trưng cho 7 ngày trong tuần.
Dưới cổng đặt một cái bàn gồm các sản vật như chuối, dừa, khoai, cốm dẹp… Sản vật cúng trăng tùy theo khả năng của mỗi gia đình nhưng không thể thiếu cốm dẹp. Khi trăng lên cao tỏa sáng, các thành viên trong gia đình tập trung làm lễ, gia chủ bắt đầu thắp nhang, nến, rót trà khấn vái nói lên lòng biết ơn của họ đối với vị thần Mặt trăng, cầu cho mưa thuận gió hòa, phum sóc bình yên, mọi người khỏe mạnh…
Cúng xong gia chủ lấy cốm dẹp đút cho con cháu, tay còn lại đấm nhẹ vào lưng con cháu và hỏi những ước nguyện của con cháu họ.
Tại Kiên Giang, Lễ hội này đã được nâng lên thành Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch dân tộc Khmer cấp tỉnh từ năm 2007.
Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch dân tộc Khmer tỉnh Kiên Giang lần thứ VIII, năm 2014 chính thức diễn ra tại thị trấn Gò Quao, huyện Gò Quao từ ngày 5-8/11.
Năm nay, ngày hội có nhiều nét đổi mới. Lễ hội được điều chỉnh, đầu tư công phu về nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng các hoạt động nhằm tạo sự hấp dẫn, thu hút du khách.
Trong khuôn khổ ngày hội có hội chợ thương mại, ẩm thực, trưng bày hình ảnh, hiện vật, liên hoan văn nghệ, thi làm giàn thủy lục đẹp, thi đấu bóng đá, bóng chuyền.
Đặc biệt, hoạt động thu hút nhiều du khách nhất sẽ vẫn là đua thuyền truyền thống (thuyền rồng) và đua ghe ngo.
Đã thành thông lệ, từ nhiều năm nay vào dịp mừng lễ Ok-Om-Bok (hiện nay đã trở thành Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch dân tộc Khmer), không chỉ đồng bào dân tộc Khmer mà cả người Kinh, người Hoa và các dân tộc khác ở các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Kiên Giang lại có dịp hội tụ về thị trấn Gò Quao, huyện Gò Quao để cùng nắm tay, hòa mình vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong ngày vui chung.
Để chuẩn bị tham dự các cuộc đua ghe ngo, đua thuyền truyền thống, từ vài tháng nay, các đội đua của các huyện, thị, thành phố đã chuẩn bị lực lượng, tích cực tập luyện.
Đây không chỉ là cuộc thi đấu mà còn là dịp để đồng bào các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa ở các huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kiên Giang được tham gia vào các hoạt động thể thao truyền thống, vui chung với niềm vui đón mừng lễ Ok-Om-Bok, mừng lúa mới và vụ mùa bội thu.
Để chuẩn bị cho giải đua ghe ngo và đua thuyền truyền thống tại Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch dân tộc Khmer tỉnh Kiên Giang năm 2014, một số địa phương trong tỉnh đã tổ chức giải đua ghe ngo cấp huyện, xem đó là bước tập dượt, để sẵn sàng tham gia vào các cuộc đua cấp tỉnh.
Có tận mắt chứng kiến, các cuộc đua ghe ngo vào dịp lễ hội Ok-Om-Bok hàng năm mới cảm nhận hết niềm vui, niềm đam mê với môn thể thao truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. Người dân hòa mình vào các cuộc đua tạo nên không khí làm nhộn nhịp, tưng bừng cả một khúc sông.
Về với Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch dân tộc Khmer tỉnh Kiên Giang lần thứ VIII năm 2014, chúng ta được chung vui đón lễ Ok-Om-Bok của đồng bào dân tộc Khmer, được chứng kiến cuộc đua ghe ngo của các chàng trai, cô gái Khmer nơi mảnh đất phía Tây Nam của Tổ quốc.