Kiên Giang: Xứ sở của nền văn hóa dân gian đặc sắc với các loại hình nghệ thuật truyền thống

01/07/2022 10:12

Theo dõi trên

Cùng với sự đa dạng về thiên nhiên, tỉnh Kiên Giang có một hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú, đa dạng, độc đáo được kết tinh từ đặc điểm môi trường sinh thái, lịch sử, văn hóa và kinh tế - xã hội.

3-kien-giang-tang-cuong-1651756339-1656645028.jpg

Trên khắp nước Việt ta, ở mỗi một miền quê đều có vẻ đẹp riêng về cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hoá. Không nằm ngoài với vẻ đẹp chung cảnh quan thiên nhiên của đất nước, cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa của quê hương Kiên Giang cũng rất phong phú, đa dạng và độc đáo. Ở đó chứa đựng “hồn cốt” của quê hương khiến mỗi người dân địa phương rất yêu thích, tự hào về cảnh sắc nơi đây và du khách cũng rất thích thú khám phá, trải nghiệm với những hoạt động không thể nào quên, luôn nhớ mãi ở trong lòng.

Trong bài viết này, xin giới thiệu một vài nét chấm phá di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của quê hương Kiên Giang đến với bạn đọc, ngõ hầu để bạn đọc hiểu, cảm sâu di sản văn hoá nơi đây, và như một lời mời gọi, hân hoan chào đón du khách trong và ngoài nước hãy đến tham quan, thưởng ngoạn những cảnh đẹp thiên nhiên kỳ vĩ, thơ mộng, say đắm lòng người.

Di tích lịch sử - văn hóa

Quê hương Kiên Giang có hơn 148 di tích lịch sử - văn hóa các loại trong đó có 56 di tích được xếp hạng, gồm: 01 di tích quốc gia đặc biệt, 22 di tích cấp quốc gia và 33 di tích cấp tỉnh. Các di tích được phân loại như sau: loại hình lịch sử 38 di tích, loại hình kiến trúc nghệ thuật 07 di tích, loại hình danh lam thắng cảnh 09 di tích, loại hình khảo cổ học 02 di tích với các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu: Nhà tù Phú Quốc, Đình Nguyễn Trung Trực, căn cứ địa Cách mạng U Minh Thượng, đền thờ, lăng tẩm họ Mạc; khu di tích Huỳnh Mần Đạt, di chỉ khảo cổ học Giồng Xoài, Đá Nổi, Nền Chùa; kiến trúc nghệ thuật chùa Quan Đế, chùa Phật Lớn, danh thắng Chùa Hang - Hòn Phụ Tử...

Và, trong các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu ấy, xin giới thiệu với bạn đôi nét về Nhà tù Phú Quốc. Nhà tù Phú Quốc còn có tên gọi là: Trại huấn chính Cây Dừa, căng Cây Dừa, Trại Giam tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc, hiện nay là Di tích Quốc gia Đặc biệt Trại giam Phú Quốc, là một trong những nhà tù dã man nhất thời chiến, được xây dựng từ thời Pháp, rộng khoảng 40ha, gọi là “căng Cây Dừa” từ năm 1953 - ­1954 giam giữ gần 14 nghìn người. Cuối năm 1955, Ngô Đình Diệm cho xây dựng một trại giam ở địa điểm Trại Cây Dừa cũ với diện tích 04 ha, chia nhà tù ra thành các khu: Khu nhà giam tù nam, nhà giam tù nữ, nhà giam tù phụ lão, đặt tên là “Trại huấn chính Cây Dừa”, từ năm 1955-1957 giam hơn 1.000.000 tù binh cả nam và nữ. Từ năm 1966, chiến tranh leo thang kéo theo số tù binh tăng cao, chính quyền Việt Nam Cộng hòa xây dựng thêm một trại giam rộng hơn 400 ha cách trại Cây Dừa cũ 2 km. Tại đây có 12 khu vực, được đánh số từ 1 đến 12. Mỗi khu có 4 phân khu A, B, C, D. Mỗi phân khu có 09 phòng cho tù binh ở, có 02 phòng để phỏng vấn, phạt vạ hoặc biệt giam tù bình. Mỗi khu giam có diện tích 100 m2, giam giữ từ 70 - 120 người. Khu biệt giam diện tích chỉ với 30 m2 nhưng cao điểm có lúc chúng giam tới 180 người hoặc hơn. Xung quanh mỗi phân khu có 4 vọng gác được canh gác suốt ngày đêm và 10 vọng gác lưu động. Nhà tù được bao bọc bởi 10 lớp thép gai chằng chịt, xung quanh không có cư dân sinh sống, cách biệt hoàn toàn với bên ngoài. Nhà tù Phú Quốc trở thành trung tâm giam tù binh lớn nhất của Việt Nam cộng hòa, giam giữ tới 40 nghìn binh sĩ và có khoảng 4 nghìn chiến sĩ bị giết hại bằng những đòn tra tấn dã man.

Trại giam Phú Quốc được mệnh danh là “Địa ngục trần gian” với hơn 45 kiểu tra tấn dã man của Mỹ - Ngụy làm cho khoảng 4.000 chiến sĩ mất mạng và hàng chục ngàn chiến sĩ mang theo thương tật, tàn phế cả đời. Đau đớn và căm phẫn trước sự tàn độc của chúng, các chiến sĩ đã nhiều lần tổ chức vượt ngục. Nổi tiếng nhất là cuộc vượt ngục kỳ tích của hơn 20 chiến sĩ bằng đường hầm dài 120m, rộng 0,6m tự đào bằng thìa, miếng sắt trong nhiều tháng gây chấn động.

Năm 1995, khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc được công nhận là di tích cấp Quốc gia. Nơi đây chính là bức tranh lột tả chân thực nhất về sự tàn bạo, dã man của kẻ địch. Đến nay, chiến tranh đã đi qua, nhưng nhà tù Phú Quốc vẫn là nỗi ám ảnh của những người chiến sĩ cách mạng và du khách tham quan. Đó cũng là một lời nhắc nhở thế hệ sau luôn nuôi dưỡng tinh thần dân tộc, ghi nhớ và biết ơn các chiến sĩ đã kiên cường đấu tranh trong muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh anh dũng để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử Trại giam Phú Quốc đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.

Ngoài nhà tù Phú Quốc, di tích lịch sử cách mạng U Minh Thượng - một địa danh nằm trải dài trên địa phận 4 huyện: U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, An Minh, An Biên (tỉnh Kiên Giang) cũng là điểm đến lý thú đối với du khách. Đây là một trong những căn cứ địa lớn nhất của Miền Nam, có giá trị truyền thống Cách mạng, đồng thời là là một danh thắng mà thiên nhiên ban tặng cho Nam Bộ nằm trong khu vực rừng nguyên sinh có những loài động thực vật quý hiếm. U Minh Thượng là vùng căn cứ địa cách mạng, kiên cường suốt hàng chục năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, là nơi chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Kiên Giang được thành lập. Trên từng tấc đất, máu của hàng vạn đồng bào, chiến sĩ đã đổ xuống để giành lại độc lập, tự do.

Khu căn cứ địa cách mạng nằm trong khu dự trữ sinh quyển thế giới, đồng thời là khu Ramsar thứ 2.228 của thế giới và là khu Ramsar thứ 8 của Việt Nam, phục vụ khách tham quan du lịch sinh thái kết hợp với nghiên cứu khoa học hệ sinh thái rừng ngập nước, tìm hiểu văn hóa nhân văn sông nước vùng U Minh và du lịch nghiên cứu di chỉ khảo cổ Óc Eo - Phù Nam (Cạnh Đền, Nền Vua, Kè Một). Quần thể di tích căn cứ địa cách mạng U Minh Thượng với nhiều địa danh gắn liền với những sự kiện, chiến thắng oanh liệt mãi mãi in đậm vào ký ức và lòng tự hào của Đảng bộ và Nhân dân Kiên Giang như: Di tích Ngã Ba Cây Bàng, Ngã Ba Tàu, Thứ Mười Một, Rừng tràm Ban Biện Phú, khu tập kết 200 ngày kinh xáng Chắc Băng, khu căn cứ Tỉnh ủy trong kháng chiến tại huyện U Minh Thượng,... Đây là nơi để du khách đến tham quan, tìm hiểu lịch sử nhân văn của vùng U Minh Thượng huyền thoại khi đến với vùng sinh thái tươi đẹp của đất Việt. Ngày 28/6/1997, Bộ Văn hóa và Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có Quyết định số 1768-QĐ/VH công nhận U Minh Thượng là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Ngoài ra, khu di tích lịch sử - thắng cảnh Hòn Đất trên địa bàn xã Thổ Sơn, là vùng đất gắn với khu căn cứ cách mạng Ba Hòn đi vào lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, cũng là điểm đến du lịch hấp dẫn. Khu di tích có diện tích 22.000 m2 mà tâm điểm là phần mộ nữ anh hùng liệt sĩ Phan Thị Ràng, nguyên mẫu nhân vật chị Sứ trong tiểu thuyết nổi tiếng “Hòn Đất” của nhà văn Anh Đức. Trong những năm ác liệt của chiến tranh, căn cứ Hòn Đất được xem là pháo đài của lòng trung kiên, ý chí bất khuất của quân dân trước mưa bom bão đạn của quân thù. Sự hy sinh anh dũng của con người Hòn Đất được ghi nhớ bằng hai tấm đá hoa cương khắc tên 967 liệt sĩ đã hy sinh trên quê hương Hòn Đất anh hùng. Chính giữa khu di tích có một hố bom sâu giờ được tạo hình thành hồ trồng hoa súng. Tại Hòn Me có khu trưng bày chứng tích chiến tranh với các hiện vật như xác máy bay A.37, trực thăng, xe tăng M.47, pháo 105 li, vỏ bom, súng cối và nhiều loại khí tài, quân dụng khác của địch sử dụng tại vùng đất này.

Chùa Sắc Tứ Tam Bảo tọa lạc tại phường Vĩnh Bảo, thành phố Rạch Giá, ngôi chùa có kiến trúc độc đáo và đây cũng là ngôi chùa có công với Cách mạng. Chùa Tam Bảo được thành lập vào đầu thế kỷ XIX. Trước đây chùa có tên gọi là chùa bà Hoàng, do chùa được bà Hoàng (tên thật là Dương Thị Oán) - một người phụ nữ giàu có xây dựng để tu hành. Trong những năm thời chiến tranh với Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh đã từng có khoảng thời gian tạm lánh tạ đã ban sắc tứ để tỏ lòng biết ơn, từ đó chùa được biết đến với cái tên là chùa Sắc Tứ Tam Bảo. Trải qua một khoảng thời gian dài, ngôi chùa đã gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử, chùa được sử dụng làm trụ sở và tòa soạn của tạp chí Tiến Hóa, phòng thuốc miễn phí; cô nhi viện; cứu trợ đồng bào hạn hán, lũ lụt; lớp học bình dân... Trong giai đoạn 1939 - 1941, chùa Sắc Tứ Tam Bảo là trạm liên lạc của Xứ Ủy Nam Kỳ địa điểm họp bí mật của Đảng, đây cũng là nơi chế tạo lựu đạn của nhà sư Thiện Ân (Trần Văn Thâu), cất giấu vũ khí, in truyền đơn cho cuộc Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Sau đó, do hoạt động cách mạng bị lộ nên chùa bị đóng cửa cho đến sau cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công mới mở cửa trở lại. Từ năm 1982 đến nay, chùa là Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Kiên Giang. Trải qua các thời kỳ, với bề dày lịch sử, chùa Sắc tứ Tam Bảo đã để lại dấu ấn sâu đậm. Nơi đây, được xem là lá cờ đầu cho các hoạt động Phật sự Phật giáo ở Kiên Giang. Năm 1988, chùa Sắc Tứ Tam Bảo - Rạch Giá được Bộ Văn Hóa công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia. Năm 2000, chùa được trùng tu lại một cách khang trang, sạch đẹp cho đến ngày hôm nay.

Mạc Cửu là người đã có công khai phá và phát triển vùng đất Hà Tiên vào thế kỷ thứ XVII. Trải qua 7 đời nắm quyền, dòng họ Mạc đã phát triển Hà Tiên trở thành một trong những địa điểm sầm uất nhất trong khu vực. Khu di tích Lăng và đền thờ Mạc Cửu do Mạc Thiên Tích (con trai trưởng của Mạc Cửu) thiết kế, xây dựng từ năm 1735 đến năm 1739. Khu di tích Lăng Mạc Cửu gồm: Đền thờ, lăng Mạc Cửu cùng với 59 lăng mộ lớn nhỏ khác là những người thân tộc và gắn bó với sự nghiệp dòng họ Mạc trên vùng đất Hà Tiên. Đền thờ họ Mạc có tên gọi là Trung Nghĩa Từ, dân địa phương quen gọi là miếu Ông Lịnh.

Kiến trúc khu di tích Lăng Mạc Cửu mang những nét đẹp đặc trưng của lối kiến trúc Á Đông, chia ra làm hai phần chính là khu điện thờ và lăng mộ. Phần mặt tiền Lăng hướng về phía Đông, nơi có núi Tô Châu với dòng lưu thủy Đông Hồ, lưng tựa vào vách núi hình vòng cung vô cùng vững chãi. Trước đền là hai ao lớn, trồng rất nhiều sen, là nơi cung cấp nước ngọt cho dân mùa khô hạn. Bên trong cổng là một khoảng sân rộng, đối diện cổng là đền thờ Mạc Cửu, đem lại cảm giác cổ kính, trang nghiêm, thanh tịnh cho Lăng. Phần chánh điện đặt một biển thờ đề bốn chữ “Khai trấn trụ Quốc”, vốn là lời tuyên dương của họ Nguyễn dành cho họ Mạc dựa trên công đức mở mang bờ cõi về phía Nam đất nước. Trên vách đền còn lưu giữ dấu tích những bài thơ của Mạc Thiên Tích trong “Hà Tiên thập vịnh”. Ngôi đền, ngoài giá trị lịch sử, nó còn là một công trình có giá trị nghệ thuật cao, bởi cách bố trí hài hòa và lối chạm trổ tinh vi, sắc sảo. Đây là một trong những địa điểm du lịch về di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng thu hút khá đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu.

1-kien-giang-que-toi-1656603361-1656645076.jpg
Địa ngục trần gian - Nhà tù Phú Quốc

Lễ hội mang đậm tín ngưỡng của cộng đồng dân cư

Cùng với các di tích lịch sử - văn hóa phong phú và có giá trị, tỉnh còn có nhiều lễ hội mang đậm tín ngưỡng của cộng đồng dân cư, thu hút đông đảo người dân và du khách tham dự. Theo kết quả điều tra năm 20214, toàn tỉnh có 01 Lễ hội truyền thống do tỉnh tổ chức và 124 lễ hội do huyện, xã tổ chức. Kết quả điều tra thống kê lễ hội đợt 1 năm 2021, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang, thì có một số lễ hội tiêu biểu đã và đang có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, đó là  Lễ hội truyền thống kỷ niệm ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Nguyễn Trung Trực (1838 - 1868) là liệt sĩ cận đại, nhà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Tân An (nay thuộc tỉnh Long An) và Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang), tục gọi là Quản Chơn hay Quản Lịch. Ông xuất thân trong một gia đình chài lưới ở hạ lưu sông Vàm Cỏ. Năm 1861, hưởng ứng hịch Cần Vương chống Pháp, ông chiêu mộ một số đông nông dân nổi dậy đánh phá các đồn Pháp ở các vùng thuộc phủ Tân An. Ông lập được nhiều chiến công nên được triều đình Huế phong chức Quản cơ.

Chiến công lừng lẫy nhất của ông đó là đốt cháy con tàu L’Esperance của Pháp trưa ngày 10-12-1861 tại vàm Nhật Tảo. Sau Hòa ước Nhâm Tuất 1862, ông được phong làm Lãnh binh. Năm 1861, ông lại được triều đình phong chức Hà Tiên thành thủ úy để trấn giữ đất Hà Tiên. Sau khi thành Hà Tiên thất thủ, ngày 23-6-1867, ông rút quân về Rạch Giá tiếp tục cuộc chiến đấu, lập căn cứ ở Hòn Chông. Ngày 16-6-1868, ông cho quân đánh úp đồn Kiên Giang (nay là thành phố Rạch Giá) tiêu diệt địch và làm chủ tình hình. Sau khi giặc Pháp phản công, ông rút ra đảo Phú Quốc lập căn cứ kháng chiến lâu dài. Với câu nói bất hủ của mình “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây ”, được lưu truyền cho đến ngày hôm nay và là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, bất khuất chống giặc ngoại xâm. Ông bị giặc Pháp hành hình vào ngày 27-10-1868, hưởng dương 31 tuổi.

Để tỏ lòng biết ơn đối với anh hùng dân tộc, hiện nay nhân dân ta đã lập nên nhiều đền thờ về vị anh hùng hào kiệt này tại một số địa phương như Long An, Gành Dầu - Phú Quốc và Rạch Giá. Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lễ hội anh hùng Nguyễn Trung Trực được tổ chức hàng năm vào ngày 26, 27, 28 tháng 8 âm lịch tại thành phố Rạch Giá, nhằm tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn, thành kính, tôn vinh chiến công của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Lễ hội giỗ Đức khai Trấn Mạc Cửu (Hà Tiên) là một lễ hội được tổ chức hàng năm để tôn vinh công lao to lớn của Mạc Cửu, người đã có công đầu trong việc khai phá và mở mang vùng đất Hà Tiên cách đây hơn 300 năm và dâng biểu xưng thần, thần phục chúa Nguyễn vào năm Mậu Tý (1708) xin sáp nhập vùng đất Hà Tiên vào nước Đại Việt. Để ghi nhận công lao to lớn của Mạc Cửu, sau khi ông qua đời, chúa Nguyễn đã truy phong Ông là “Khai trấn Thượng trụ quốc, Đại tướng quân, Vũ nghị công” và giao cho nhân dân xã Mỹ Đức, trấn Hà Tiên thờ phụng. Đến năm Minh Mạng thứ 3 (1822), triều đình lại ban sắc, truy phong Ông thêm tước vị “Thụ công - Thuận nghĩa - Trung đẳng thần”. Hàng năm, lễ giỗ Đức Khai trấn Mạc Cửu được tổ chức tại Hà Tiên, diễn ra trong 03 ngày (từ 25 - 27 tháng Năm).

Hà Tiên là nơi có nhiều phong cảnh đẹp và là một vùng đất của thơ văn, bắt nguồn từ Tao đàn Chiêu Anh Các ra đời cách đây gần ba trăm năm (1736 - 2021). Tao đàn Chiêu Anh Các - một Tao đàn văn học có giá trị văn hóa và lịch sử to lớn được Mạc Thiên Tích sáng lập vào Rằm tháng Giêng năm Bính Thìn 1736. Thời gian tổ chức lễ hội thường diễn ra từ ngày 14 -15 -16 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại quảng trường Chiêu Anh Các, thành phố Hà Tiên, các hoạt động thể thao chào mừng thường diễn ra kéo dài trước và sau đó vài ngày. Du khách yêu thơ đến dự lễ hội Tao Đàn Chiêu Anh Các, vừa có dịp viếng đền thờ, Lăng mộ họ Mạc và vừa hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam, nhưng điều cốt lõi nhất là tưởng nhớ về ngày ra đời Tao Đàn Chiêu Anh Các.

Lễ hội Nghinh Ông là một nét đẹp văn hóa của người dân xã đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải được tổ chức hàng năm vào ngày 15, 16 tháng 10 âm lịch. Phần lễ gồm lễ cúng thỉnh (cung nghinh) các vị thần. Lễ Nghinh Ông và Chánh tế được tiến hành với sự tham gia đông đảo của tất cả những ngư dân ở trên đảo. Phần hội tổ chức những trò chơi dân gian, tạo được không khí vui tươi, như: Đua xuồng chèo, bịt mắt đập niêu, thi ẩm thực với các món ăn miền biển, kéo co, đờn ca tài tử. Trong ngày hội, hàng trăm tàu thuyền, ghe xuồng neo đậu ở phía trước Đình Thần Nam Hải nằm sát biển để chờ diễu hành. Người dân đảo Hòn Sơn chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt cá nên lễ hội nghinh ông Nam Hải là một trong những lễ hội quan trọng nhất ở trong năm.

2-kien-giang-que-toi-1656603361-1656645117.jpg
Lễ hội Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực

Lễ hội Nghinh Ông được coi là lễ hội văn hóa tâm linh và là nét sinh hoạt đặc trưng của cộng đồng dân cư vùng biển cầu mong mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi, thông qua đó bày tỏ lòng tri ân và sự phù trợ của Cá Ông một vị thần biển cả đem lại điểm lành, giúp ngư dân vượt qua được nhiều hoạn nạn trên biển và nhớ ơn các vị tiền nhân mở đất; là dịp để giao lưu văn hóa, gắn kết cộng đồng ngư dân với dân cư địa phương và du khách gần xa với các trò chơi dân gian đua xuồng chèo, bịt mắt đập niêu, thi ẩm thực với các món ăn miền biển, kéo co đem lại sự gắn kết cộng đồng dân cư địa phương với du khách, không những thế còn có các hoạt động khác được tổ chức như tham quan nhà thùng nước mắm, làng nghề thủ công, liên hoan đờn ca tài tử... đem lại sự trải nghiệm cho du khách về nét văn hóa của cộng đồng người dân địa phương, đồng thời cộng người dân địa phương có cơ hội kinh doanh và quảng bá sản pham du lịch đặc trưng của địa phương, ẩm thực, quà lưu niệm... Thông qua đó bảo tồn, giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc trưng của Kiên Hải đến với du khách trong và ngoài tỉnh.

Giỗ tổ Hùng Vương là một ngày lễ lớn của Việt Nam. Đây là lễ hội truyền thống của người dân đất Việt nhằm nhớ ơn công lao dựng nước của vua Hùng, được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch. Từ năm 2010, Kiên Giang chọn Lễ hội Đền Hùng, huyện Tân Hiệp là một trong 08 lễ hội tiêu biểu của tỉnh. Từ đó, quy mô lễ hội cũng như tên tuổi ngôi đền được nhiều người trong vùng biết đến. Bên cạnh ý nghĩa tâm linh, lễ Giỗ tổ Hùng Vương thực sự là lễ hội thu hút đông đảo người dân, quy tụ những sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc vùng sông nước miền Tây. Lễ hội chính là dịp để cộng đồng giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, các hình thức văn hóa truyền thống, hiện đại được đan xen trở thành nếp sinh hoạt không thể thiếu được trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng.

Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương luôn có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân miền sông nước trong việc góp phần bảo tồn di sản văn hóa “Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng” đã được UNESCO công nhận. Hàng năm, cứ vào ngày 10 tháng 3 (âm lịch), Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng được tổ chức trang trọng tại huyện Tân Hiệp. Đây là đền thờ Vua Hùng duy nhất tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa, những người dân từ miền Bắc di cư vào Nam xây dựng năm 1957. Năm 2010, Kiên Giang là 1 trong 9 địa phương trong cả nước được phép tổ chức lễ hội Quốc giỗ Hùng Vương theo nghi thức cấp quốc gia.

Ngày nay lễ hội giỗ tổ Hùng Vương tại Kiên Giang ngày càng được mở rộng quy mô kết hợp cùng với các giá trị văn hóa địa phương để góp phần bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống mang bản sắc văn hóa tiêu biểu, đặc trưng của địa phương. Đưa hoạt động Lễ hội Đền Hùng - huyện Tân Hiệp trở thành hoạt động văn hóa du lịch, quảng bá hình ảnh về đất và người Kiên Giang, thu hút du khách gần xa đến thăm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh,...

Kiên Giang là một tỉnh thành có tài nguyên thiên nhiên và nét văn hóa dạng, đây cũng là nơi giao thoa sinh sống giữa nhiều dân tộc anh em với nhau, nhất là các dân tộc chiếm số lượng đông như Kinh, Khmer, Hoa. Sự giao thoa này đã tạo cho Kiên Giang sự đa dạng về văn hóa mà ở đó lễ hội Ok-Om-Bok của đồng bào Khmer tại Kiên Giang là một minh chứng. Lễ hội Ok-Om-Bok hay còn được gọi với cái tên là lễ cúng trăng, lễ đút cốm dẹp hay lễ đưa nước là lễ hội lớn thứ 3 của đồng bào dân tộc Khmer được tổ chức trong năm vào ngày 15 tháng 10 âm lịch và thu hút được đông đảo khách du lịch. Dựa trên cơ sở hiện vật chính được cúng trong ngày lễ là “cốm dẹp”, cũng như đặc điểm về tập quán sản xuất và sinh hoạt của người Khmer ở vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long, nên lễ hội này còn được gọi là lễ đút cốm dẹp hay lễ đưa nước. Tuy nhiên, tên thường gọi là lễ cúng trăng để nhớ ơn mặt trăng đã điều tiết mùa màng thuận lợi cho người nông dân. Lễ hội Ok-Om-Bok bao gồm hai phần đó là phần lễ và phần hội.

er sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp và chịu nhiều tác động từ tự nhiên cho nên phần lễ trong lễ hội Ok-Om-Bok được xem phần quan trọng nhất. Để chuẩn bị cho lễ cúng trăng, người Khmer thường làm một chiếc cong bằng tre có trang trí hoa lá; trên cổng giăng một dây trầu gồm 12 lá trầu cuốn tròn tượng trưng cho 12 tháng trong năm và một dây cau gồm 7 trái chẻ vỏ ra như hai cánh con ong, tượng trưng cho 7 ngày trong tuần. Ngày nay lễ cúng đơn giản hơn, chỉ cần đem một cái bàn và bày lên đó các lễ vật cúng. Ngoài cốm dẹp là thức cúng bắt buộc còn có trái dừa tươi, chuối, khoai lang, bánh kẹo và trái cây... Buổi tối chuẩn bị xong, mọi người trải chiếu ngồi chắp tay quay mặt về phía Mặt trăng để chờ làm lễ. Đúng lúc Mặt trăng lên cao tỏa ánh sáng thì đốt nhang đèn, rót trà, mời vị sư làm chủ lễ khấn vái tỏ lòng biết ơn và cầu mong mưa thuận gió hòa, trúng mùa, cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho đồng bào dân tộc Khmer nói riêng và dân tộc Việt nam nói chung.

Nét đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer phần hội chính là đua ghe Ngo diễn ra trên sông Cái Lớn huyện Gò Quao, nơi có nhiều đồng bao dân tộc Khmer sinh sống, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, cổ vũ và tìm hiểu nét đẹp trong văn hóa Khmer. Bên cạnh đó còn có một số hoạt động biễu diễn nghệ thuật Khmer, liên hoan văn nghệ, thi giàn thủy lục đẹp tạo nên sự đa dạng và phong phú trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer. Ngày nay lễ hội Ok-Om-Bok tại Kiên Giang tự hào là một ngày hội văn hóa - thể thao dân tộc Khmer cấp tỉnh thu hút đông đảo du khách đến tham gia.

3-kien-giang-que-toi-1656603361-1656645154.jpg
Du khách tham quan 01 cơ sở làm nước mắm Phú Quốc

Làng nghề truyền thống sản phẩm thủ công độc đáo

Nghề và làng nghề truyền thống là loại tài nguyên du lịch nhân văn quan trọng và có sức hấp dẫn lớn đối với du khách thông qua những sản phẩm thủ công độc đáo, đặc sắc. Kiên Giang là một trong những địa phương còn lưu giữ được nhiều làng nghề truyền thống có giá trị du lịch. Theo số liệu của UBND tỉnh Kiên Giang năm 2020, toàn tỉnh có 27 nghề, 02 làng nghề và 03 làng nghề truyền thống được công nhận, trong đó chỉ có một số ít được khai thác phục vụ du lịch, tiêu biểu là: Nghề nắn nồi đất ở huyện Hòn Đất; nghề đan lục bình ở huyện Gò Quao; chế biến nước mắm; nghề trồng hồ tiêu ở Phú Quốc; nghề làm tôm khô ở Hà Tiên; nghề làm bánh tráng ở Giồng Riềng; rượu sim ở Phú Quốc, rượu nếp; nghề nuôi trồng chế tác và mua bán ngọc trai Phú Quốc; dệt chiếu Tà Niên ở huyện Châu Thành; chế tác đá huyền, đồi mồi Hà Tiên, nghề đan cỏ bàng ở huyện Giang Thành... Nghề và làng nghề truyền thống góp phần làm đa dạng các sản phẩm hàng hóa, mua sắm quà lưu niệm, mang nét đặc trưng của vùng đất Kiên Giang.

Khi nhắc về Kiên Giang thì không thể không nhắc đến một làng nghề truyền thống của người dân vùng biển, đó là làng nghề làm nước mắm. Đầu thế kỉ XX, Hòn Sơn là nơi sản xuất nước mắm có tiếng thơm ngon, hương vị đậm đà và được mang một tên gọi chung là nước mắm Hòn. Vào thời điểm đó, nước mắm Hòn được người dân ưa chuộng sử dụng, bên cạnh đó các thương hồ cũng đã vận chuyển nước mắm Hòn để buôn bán và trao đổi hàng hóa với các nước trong khu vực. Có thể nói nước mắm Hòn đã là một thương hiệu nước mắm nổi tiếng từ rất lâu. Với điều kiện tự nhiên mà thiên nhiên đã ban tặng cho Kiên Giang là nguồn cá cơm dồi dào, đặc biệt là cá cơm than, một nguyên liệu sản xuất nước mắm thơm ngon làm nên thương hiệu của nước mắm Hòn Sơn và nước mắm Phú Quốc bây giờ. Những kĩ thuật và công thức ủ cá của người dân trong làng nghề là một nét đặc sắc hấp dẫn du khách đến tham quan cũng như được thưởng thức hương vị độc đáo của món quà xứ biển này và làm quà du lịch tặng người thân bạn bè.

Là một thành phố biển, Hà Tiên có nguồn thủy hải sản dồi dào từ biển cả, đây là vùng đất phần lớn có diện tích đất và nước nhiễm mặn ven biển, sông rạch chằng chịt với một mặt giáp biển Tây (Vịnh Thái Lan) nên tôm cá và các loài thủy hải sản khác vô cùng phong phú, đa dạng và đây cũng là một tiềm năng và lợi thế để cộng đồng dân cư địa phương có thể phát triển sản phẩm du lịch của mình.

Do nguồn thủy sản quá dồi dào cùng với việc ăn tươi tại chỗ không thể hết nên người dân địa phương thường tìm cách chế biến nhằm mục đích lưu trữ để dành ăn dần hoặc bán đi nơi khác. Từ đó, người dân Hà Tiên đã hình thành được một nghề nổi tiếng từ lâu đời, đó là nghề làm tôm khô. Hiện chưa có mốc thời gian chính xác về sự ra đời của làng nghề truyền thống này, nhưng theo những người lớn tuổi truyền lại có thể nghề làm tôm khô này đã hình thành cách đây khoảng 100 năm. Nghề làm tôm khô này có mặt nhiều nơi, ở các tỉnh thành ven biển, tuy vậy nhiều người vẫn cho rằng tôm khô tại xứ Hà Tiên này vẫn là nổi tiếng nhất. Chính lòng yêu nghề và ý thức gìn giữ thương hiệu của người dân nơi đây đã làm nên tôm khô với hương vị đặc trưng. Gắn bó với nghề từ đời này sang đời khác của những ngư dân và người dân xứ Hà Tiên.

Hiện nay tại Hà Tiên có hai hình thức làm tôm khô, thứ nhất là hình thức làm thủ công truyền thống từ thời xa xưa, sản xuất nhỏ lẻ mang tính chất hộ gia đình, còn tồn tại rất phổ biến trong cộng đồng người dân tại các địa phương ven biển; thứ hai là hình thức sản xuất với quy mô lớn theo dây chuyền công nghệ hiện đại. Để du khách có được sự trải nghiệm về nghề làm tôm khô thì hình thức sản xuất thủ công của cộng đồng người dân địa phương là một tiềm năng để phát triển. Với hình thức làm thủ công như vậy, khi du khách đến tham qua, trải nghiệm, dùng thử sản phẩm, cộng đồng người dân có thể chia sẻ về về kiến thức, quy trình để làm tôm khô, lịch sử truyền thống làm nghề, phân loại, giới thiệu về sản phẩm đặc trưng đến du khách, tạo thương hiệu và cung cấp sản phẩm đến tay du khách. Thông qua đó du khách có thêm được nhiều trải nghiệm thú vị với người dân địa phương từ việc được chia sẽ kiến thức đến việc xem mô hình làm tôm khô, dùng thử sản phẩm và mua về làm quà du lịch từ các cơ sở làm tôm khô.

Nghề làm bánh tráng Thạnh Hưng là một nghề làm bánh tráng nổi tiếng ở xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng đã được hình thành cách đây khoảng 100 năm. Ban đầu, người dân ở đây chỉ làm bánh tráng để sử dụng trong gia đình, nhưng vì sự đặc trưng của bánh nhờ có sự thơm ngon và dẻo nên được cộng đồng dân cư trong vùng ủng hộ. Làng nghề bánh tráng tập trung chủ yếu ở hai ấp Thanh Trung và Thạnh Trung thuộc xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng với gần 100 hộ gia đình làm nghề, gìn giữ và phát huy nghề theo cha truyền con nối luôn luôn giữ được sự nhộn nhịp từ làng nghề truyền thống nổi tiếng. Trải qua quá trình phát triển, bánh tráng Thạnh Hưng đã được sự ưa chuộng của người dân trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là đối với du khách gần xa khi ghé thăm Kiên Giang và làng nghề làm bánh tráng truyền thống này. Nghề làm bánh tráng Thạnh Hưng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, cũng như thương hiệu độc quyền năm 2013 và được bình chọn là sản phẩm công nghiệp tiêu biểu cấp tỉnh.

Nghề truyền thống đan đát ở ấp Vĩnh Trinh, xã Vĩnh Thuận được hình thành và phát triển hơn 70 năm qua, sản phẩm chính là đan cần xé với nhiều mẫu mã, kiểu dáng phong phú, sản phẩm từ nghề truyền thống đan đát được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2013 và đến ngày 27/10/2017, UBND xã Vĩnh Thuận tổ chức lễ trao bằng công nhận nghề truyền thống đan đát tại ấp Vĩnh Trinh, xã Vĩnh Thuận là làng nghề truyền thống cấp huyện góp phần đưa sản phẩm gần gũi với người nông dân đến nhiều người trong vùng và giữ gìn làng nghề truyền thống này không bị mai một.

Nguyên liệu để làm nghề luôn có sẵn tại địa phương như tre, trúc, chính vì thế mà nghề đan đát được người dân tận dụng vào thời gian nhàn rỗi, người thợ đan với bàn tay khéo léo của mình đã tạo ra những sản phẩm như: cần xé, mê bồ, bội gà... được dùng trong cuộc sống hàng ngày. Có thể coi đây là làng nghề nông thôn giữ vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển nông thôn, không chỉ góp phần tạo ra công ăn việc làm lúc nông nhàn, tăng thu nhập cho nông dân mà còn tạo nên dấu ấn bản sắc văn hóa của mỗi địa phương. Góp phần duy trì làng nghề truyền thống và quảng bá hình ảnh địa phương đến nhiều khách du lịch. Cho đến nay nghề truyền thống đan đát tại ấp Vĩnh Trinh đã hình thành tổ hợp tác tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ dân trong ấp, tạo thu nhập cho người dân địa phương trang trải cuộc sống góp phần ổn định cuộc sống cho các hộ dân trong xã.

Kiên Giang ngoài các nghề truyền thống gắn liền với các tài nguyên vùng biển thì còn nổi tiếng với nghề truyền thống gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân, trong đó có nghề nắn nồi đất. Nghề truyền thống nắn nồi đất cách trung tâm thành phố Rạch Giá khoảng 35km về hướng tây bắc theo quốc lộ 80, thuộc xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất. Nghề nắn nồi đất ở đây ra đời vào khoảng thế kỷ XX. Tương truyền, vị tổ nghề là một người Khmer. Với nghề làm nồi đất, nguyên liệu chính để tạo ra sản phẩm là đất sét - vốn sẵn có ở vùng nam bộ, đất sét dùng để chế biến phải thật dẻo, mịn, không pha sỏi cát, chịu nhiệt và kết dính tốt. Nghề nắn nồi đất được người phụ nữ trong gia đình đảm nhận và hoàn toàn được thực hiện bằng quy trình thủ công truyền thống. Để có một sản phẩm hoàn chỉnh, người thợ phải tiến hành khá nhiều công đoạn phức tạp từ khâu chọn đất, nhào nặn đất cho dẻo, se thành cây, lên hông, kéo miệng, đập đáy nồi, làm bóng và tạo hoa văn cho sản phẩm và phơi ngoài sân nắng cho các sản phẩm kiệt nước. Sau khi khô thì người dân bắt đầu nung các sản phẩm bằng lửa với rơm và củi khoảng 8 tiếng thì hoàn thành sản phẩm. Các sản phẩm ngoài nắn nồi đất là chính, thì một số người dân nơi đây còn làm các sản phẩm khác liên quan đến các dụng cụ nhà bếp như cà ràng, ơ, chảo... Quy trình đặc biệt nghề nắn nồi đất ở đây là người dân thực hiện hoàn toàn bằng thủ công, công đoạn lên hông không thực hiện bằng bàn xoay mà người thợ phải đi theo vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ để tạo hình trên bàn cố định. Nghề làm nồi đất được chính thức công nhận là nghề truyền thống từ 2019 và định hướng phát triển thành làng nghề gắn với du lịch.

Nghề nuôi cấy ngọc trai ở Phú Quốc có lịch sử hình thành hơn 20 năm và được ứng dụng công nghệ Nhật Bản, Úc để tạo nên loại trang sức quý giá. Ngọc trai thường được nhiều du khách chọn mua làm quà lưu niệm, trang sức của du khách trong và ngoài nước khi du lịch Phú Quốc. Công nghệ nuôi cấy ngọc trai ở Phú Quốc dưới sự tác động của con người, đó chính là sự phản ứng của tiết xà cừ bằng cách cấy một nhân đã được chế tác theo ý muốn vào con trai. Để làm được điều này người dân Phú Quốc đã phải sử dụng các vật dụng đặc biệt và cần phải theo đúng quy tắc để con trai không thể đào thải được nhân đã nuôi cấy. Toàn bộ quy trình tạo ngọc trai diễn ra hoàn toàn tự nhiên, cụ thể con trai sẽ tiết ra xà cừ rồi bọc lấy các vật thể lạ tạo thành ngọc trai. Đối với ngọc trai nuôi có nhân sẽ có một lớp xà cừ bao quanh nhân đã được cấy vào trước đó. Còn với ngọc trai tự nhiên sẽ có xà cừ nhân nhỏ hơn, do đó ngọc trai nhân tạo sẽ có hình dạng đẹp hơn so với ngọc trai tự nhiên.

Những cơ sở nuôi cấy ngọc trai ở Phú Quốc thường có vị trí ở vùng biển lặng sóng và để nuôi cấy ngọc trai thành công không phải là điều dễ dàng, nó đòi hỏi kinh nghiệm và sự kiên trì cũng như áp dụng các phương pháp hiện đại. Để nuôi trai, người dân phải làm lồng và phao ở trên biển với chi phí hàng chục triệu đồng. Trong đó, phải nuôi trước những con trai mẹ được tuyển chọn kỹ lưỡng và được nuôi trong lồng. Khi trai đã đủ kích thước theo tiêu chuẩn sẽ được cấy nhân vào để tạo thành ngọc. Tùy theo kích thước của nhân được cấy mà thời gian nuôi cấy ngọc trai dao động khoảng 1 - 5 năm. Hàng năm từ tháng 8 tới tháng 10 là thời điểm thu hoạch ngọc trai của người dân Phú Quốc. Lúc này những viên ngọc trai được thu hoạch, rửa sạch và chọn lọc kỹ lưỡng. Những viên ngọc trai có nhiều vết ban hoặc không được tròn theo đúng tiêu chuẩn sẽ phải trải qua thêm một công đoạn xử lý.

Những cơ sở nuôi cấy ngọc trai nổi tiếng ở Phú Quốc thì có thể kể: ngọc trai Long Beach, ngọc trai Ngọc Hiền, ngọc trai Quốc An... Đến với các cơ sở nuôi cấy ngọc trai du khách sẽ được tận mắt tìm hiểu quy trình nuôi cấy ngọc trai, quá trình bóc tách tạo nên những viên ngọc trai hảo hạng và được chiêm ngưỡng các mẫu trang sức thiết kế độc đáo bằng ngọc trai. Toàn bộ ngọc trai được trưng bày đều là sản phẩm được nuôi cấy tại cơ sở, du khách có thể chọn mua các sản phẩm này về làm quà rất ý nghĩa.

Quê hương Kiên Giang còn là xứ sở của nền văn hóa dân gian đặc sắc với các loại hình nghệ thuật truyền thống như: Hát Bội, múa lân của người Hoa; hát Dù Kê, múa Rom Vông, À Dây, Lâm Lêu của người Khmer; đờn ca Tài tử - Cải lương, dây đàn Rạch Giá, hò Thẻ Mực của người Kinh. Bên cạnh đó, văn hóa ẩm thực Kiên Giang vô cùng phong phú, đa dạng với các món ăn thuần túy được tạo thành từ nguồn tài nguyên thiên nhiên rừng núi, biển đảo, đồng bằng kết hợp với đặc tính văn hóa vùng đất và con người nơi đây đã hình thành nên một số đặc trưng riêng, nổi bật của tỉnh góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa ẩm thực và sản vật Việt Nam.

Trước sự độc đáo di sản văn hoá vật thể, phi vật thể của quê hương Kiên Giang, còn chần chừ gì nữa, bạn hãy thu xếp hành trang đi thôi để thưởng ngoạn cảnh đẹp nơi đây, và, quê hương Kiên Giang luôn mở rộng vòng tay hân hoan chào đón bạn!

Trương Anh Sáng
Bạn đang đọc bài viết "Kiên Giang: Xứ sở của nền văn hóa dân gian đặc sắc với các loại hình nghệ thuật truyền thống" tại chuyên mục Từ trong di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.