Lễ hội của người Xê Đăng ở thung lũng Tu Mơ Rông, Kon Tum

23/09/2015 09:15

Theo dõi trên

Cũng giống như các dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên, cuộc sống tinh thần của người Xơ Đăng ở thung lũng Tu Mơ Rông (Kon Tum) luôn gắn với môi trường lễ hội, chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa đậm đà bản sắc.



Là nơi sinh tụ lâu đời của đồng bào dân tộc Xê Đăng gốc nhóm Xơ Teng, thung lũng Tu Mơ Rông có nhiều cái lạ, cũng là bản sắc văn hóa chung của người Xê Đăng gốc, nhưng dường như có phần đậm đà hơn.

Người Xê Đăng ở Tu Mơ Rông có nhiều lễ thức trong năm. Tháng Ba hàng năm, họ tổ chức sửa sang máng nước và làm lễ cúng máng nước (Lễ thức OnĐtrô KnengTea), cầu mong cho cả làng bước vào một năm mới thịnh vượng hơn. Máng nước tượng trưng cho sự sống của cả làng. Cúng máng nước là một hình thức củng cố cộng đồng làng. Trong tháng Năm, tháng Sáu và tháng Bảy, người Xê Đăng còn có các lễ thức gắn với sản xuất như Lễ thức Ka Tre Ton (ăn lúa giống thừa) ăn lúa trỉa còn thừa cho hết rồi mới đi làm cỏ lúa. Lễ thức Ka La Ba (ăn lá lúa) cúng sâu bọ để sâu bọ không làm chết cây lúa. Đến tháng Mười hàng năm, mùa màng thu hoạch xong, người Xê Đăng tổ chức lễ ăn cơm mới (Lễ Ka pa Neo và On Đrô Tơ Triêng- ăn lúa mới, mừng lúa mới), đây là những lễ thức có qui mô lớn trong toàn cộng đồng người Xê Đăng.

Sau đó họ chuẩn bị cho những tháng nghỉ ngơi trong tháng mười một, tháng mười hai sau một năm lao động vất vả. Trong những tháng nghỉ ngơi, người Xê Đăng nay ở nhà này, mai ở nhà khác, ngày ở làng này, đêm sang làng khác, dự lễ ở mọi nhà, ở nhiều làng. Mọi người vui say cho bõ những ngày lao động mệt nhọc. Họ ca hát, hò reo, đánh cồng đánh chiêng cầu mong mùa màng sang năm được tốt tươi, lương thực sẽ thừa thãi như trong lễ thức dân gian này.




Lễ hội đâm trâu của người Xê Đăng. Ảnh: Internet

Người Xê Đăng ở Tu Mơ Rông có tục ăn trâu. Cả làng đâm trâu hiến sinh nhân dịp chiến thắng kẻ thù, mừng nhà rông mới hay sau nhiều lần thất thiệt: mất mùa, bại trận, dịch bệnh… cầu xin sự yên lành, may mắn, từng gia đình cũng tổ chức ăn trâu để phô trương sự giàu có, mong được mọi người trọng vọng, để thần linh phù hộ sức khỏe và phong đăng. Con cháu tổ chức đâm trâu để bố mẹ được về với tổ tiên, để trâu xuống ở với người chết (một hình thức chia của).

Tục ăn trâu thường được tổ chức vào các tháng nghỉ ngơi, những ngày đầu xuân, trước đây khá tốn kém sức người và sức của. Đối với người Xê Đăng, trâu là con vật để hiến tế, con vật “thiêng”, đồng thời là biểu tượng của sự giàu có. Ngày nay, tục lệ ăn trâu cũng đã đỡ đi nhiều, không còn đâm nhiều trâu như trước kia.

Ngày lễ, tết theo tập quán trên các bản làng Xê Đăng ở đâu cũng có cơm ống, nhưng ở vùng này có một loại cơm ống khá đặc biệt, ăn là nhớ mãi hương vị của nó, cơm ống của người Xê Đăng ở Tu Mơ Rông có một loại không phải là loại gạo như các nơi khác mà là gạo đỏ, một loại lúa rẫy thân dài, hạt to rất dẻo và có vị béo ngậy. Loại cơm ống này ăn với cá suối nướng, thịt chuột khô, thân chuối rừng nấu ống và lá mì non nấu chín trộn với muối é...quả thực ăn không biết no.

Kết thúc một năm, người Xê Đăng có Lễ On Rô Pơ Rông - uống rượu mừng năm mới, được diễn ra vào tháng Một Dương lịch. Lễ thức này có những nét gần giống như phong tục ăn Tết Nguyên đán của người Kinh.

Theo Dân Tộc Việt

Bạn đang đọc bài viết "Lễ hội của người Xê Đăng ở thung lũng Tu Mơ Rông, Kon Tum" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.