Làng Kế Môn - cái nôi của nghề kim hoàn

10/09/2021 10:59

Theo dõi trên

Kế Môn là làng nghề kim hoàn truyền thống có hàng trăm năm nay. Từ lâu đã nổi tiếng với nghề thủ công chuyên làm đồ trang sức bằng chất liệu vàng bạc có trang trí hoa văn, chạm trổ tinh xảo như: vòng, kiềng nhẫn, dây chuyền… Đây được xem là cái nôi của nghề kim hoàn trên cả nước.

km-mon-1631242686.jpg

Ngôi nhà thờ tổ nghề kim hoàn ở làng Kế Môn

Cái nôi của làng nghề kim hoàn

Làng nghề kim hoàn Kế Môn trước kia thuộc xã Phong Thạch nay là xã Điền Môn (H. Phong Điền, T. Thừa Thiên Huế) cách trung tâm TP Huế khoảng 40km theo hướng Đông Bắc. Theo sử sách ghi lại, làng được thành lập vào khoảng thế kỷ 14 thời vua Trần Anh Tông, khi mới thành lập người dân chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp và đánh bắt cá. Năm 1789, sau khi đại phá quân Thanh phía Bắc, vua Quang Trung đặt kinh đô tại Phú Xuân, TP. Huế và ra lời kêu gọi người tài giúp vua quản lý đất nước. Ông Cao Đình Độ sinh năm Giáp Thìn (1744), tại làng Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa vào Huế để xin làm nghề kim hoàn nhưng khi đi qua sông Ô Lâu thuộc làng Kế Môn thì gặp mưa to, gió lớn không may bị nạn. Người dân trong vùng đã ra tay cứu giúp nên gia đình ông mới thoát chết. Để tưởng nhớ công ơn cứu mạng của người dân làng, ông đã dừng chân tại bến cồn Nổi. Ông sống với nghề kim hoàn mang theo từ Thanh Hóa vào Huế lập nghiệp. Hiện nay vẫn còn di tích chiếc búa thợ vàng và để thợ vàng của nghệ nhân Cao Đình Độ.

Sau khi những tác phẩm chạm khắc nổi tiếng trên vàng, bạc của cha con ông Cao Đình Độ được lan truyền. Năm 1790 hai cha con ông được vua Quang Trung triệu kiến vào kinh đô Phú Xuân lập nên cơ vệ Ngân Tượng để chuyên nghiên cứu nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ vàng bạc cùng những đồ trang trí cung điện trong hoàng cung. Cũng thời điểm này ông được phong chức Lãnh Binh trong triều. Năm 1810 ông Cao Đình Độ qua đời, nhà vua và Triều đình thương tiếc vô cùng khi mất đi một người tài giỏi, đức độ. Vì vậy, vua Quang Trung đã phong danh hiệu: “Đệ nhất tổ sư” cho ông và ban đất xây lăng như các quan đại thần. Lúc mất ông đượ cử hành tang lễ chu tất, an táng tại ấp Trường Cởi (nay là phường Trường An).

Sau khi cha mất, ông Cao Đình Hương người con trai duy nhất của ông Cao Đình Độ thực hiện ý nguyện của cha mình đã quyết định từ quan về nhà để tìm người nối nghiệp gia đình để nghề kim hoàn sau này không bị thất truyền với danh tiếng của mình Quan Thượng thư Bộ Lại ở Thuận Hóa lúc bấy giờ là Trần Minh cùng vợ là Huỳnh Thị Ngọc đã mời ông về Phủ dạy nghề cho 3 người con là Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền và 3 người cháu là Huỳnh Quang, Huỳnh Bảo, Huỳnh Nhật. Trong suốt 11 năm đào tạo ông đã tận tình chỉ bảo, hướng dẫn các học trò của mình có một tay nghề cao, có kỹ thuật điêu luyện được nhân dân trong vùng còn nhắc mãi cho đến tận bây giờ. Đến năm 1821, ông Cao Đình Hương qua đời và được Vua Minh Mạng phong tước hiệu: “Đệ nhị Tổ sư”, phần mộ của ông  được an táng cạnh mộ phần tổ phụ người cha là Cao Đình Hương. Năm 1990 phần lăng mộ của hai cha con ông được Nhà nước công nhận di tích lịch sử Việt Nam.

ke-mon-3-1631242793.jpg

Linh vị các bậc cao niên làm nghề kim hoàn được thờ tại làng Kế Môn - cái nôi của nghề kim hoàn

Thực hiện ý nguyện của người thầy, những học trò của ông Cao Đình Hương đã đi truyền bá nghề kim hoàn khắp cả nước. Tạo nên một thương hiệu “kim hoàn Kế Môn” mà ở đâu trên lãnh thổ nước ta ai ai cũng biết tới.

Rạng danh làng kim hoàn Kế Môn

Từ khi cha con ông Cao Đình Độ sinh sống ở đây, làng Kế Môn trở thành cái nôi của nghề kim hoàn trong cả nước. Nghề kim hoàn có tất cả ba kỹ thuật cơ bản gồm: trơn, chạm và đậu. Trơn là kỹ thuật tạo hình cơ bản. Chạm là dùng vật nhọn để khắc vẽ lên sản phẩm. Đậu là kỹ thuật thủ công kéo kim loại ra từng sợi nhỏ để làm một tác phẩm. Những người thợ trong làng không ngừng rèn luyện và sáng tạo làm đồ trang sức bằng chất liệu vàng bạc có trang trí hoa văn.

Cũng từ khi ông Cao Đình Độ về lập nghiệp ở làng, nghề kim hoàn trở thành nghề kiếm sống của người dân Kế Môn và sau đó đã lan tỏa ra khắp cả ước. Từ các tỉnh miền Bắc trải dài tới đất mũi Cà Mau, rồi lên tới các tỉnh Tây  Nguyên với các thương hiệu vàng bạc khác nhau nhưng cùng chung “dòng máu” kim hoàn làng Kế Môn. Không những thế người làng Kế Môn còn đưa nghề truyền thống của mình vươn ra khắp thế giới nhằm quảng bá cho quê hương đất nước. Hiện tại tiểu bang Texas của Mỹ đã có 40 cơ sở cầm vàng của người Kế Môn. Tại Huế các sản phẩm kim hoàn được trưng bày tại “Tịnh Tâm Kim Cổ” của nghệ nhân Trần Duy Mông nơi có khả năng bảo tồn những di sản quý báu của những người thợ làng Kế Môn chế tác nên. Làng Kế Môn hiện nay có 16 nhà thợ họ, đây là những nhà thờ đã có công mở làng cũng như phát triển nghề kim hoàn trong cả nước.

Tất cả các sản phẩm của nghệ nhân làng Kế Môn nổi tiếng đều có chất lượng tốt hơn nhiều so với nhiều nơi khác. Do vì có tay nghề cao, kỹ thuật chạm khắc tinh xảo và cầu kỳ nên được người tiêu dùng đón nhận. Nghề kim hoàn làng Kế Môn được phát triển cho đến ngày nay cũng bởi chính những người con trong làng biết kế thừa và trân trọng những giá trị tinh hoa của cha ông để lại. Đồng thời với lòng đam mê, yêu nghề mỗi sản phẩm được các nghệ nhân thổi hồn vào đó nên làng kim hoàn Kế Môn mới rạng danh như ngày hôm nay.

Hiện nay hàng ngàn người của làng đã có mặt hầu hết ở các tỉnh thành trong cả nước, từ thành thị tới nông thôn ở đâu có nghề làm vàng, bạc, trang sức thì ở đó có người con của người làng Kế Môn sinh sống. Ngày nay các tỉnh thành trong cả nước đều có thương hiệu Kim Hoàn nổi tiếng của người làng Kế Môn. Do đó, như thường lệ hàng năm, vào ngày 7 tháng 2 (Âm lịch). Để tưởng nhớ người đã khai sinh ra nghề kim hoàn cho bà con trong làng, họ đều tổ chức giỗ tổ và gặp gỡ giao lưu, khơi dậy niềm tự hào của người dân nơi đây. Đồng thời, động viên các thế hệ mai sau giữ vững và phát huy làng nghề truyền thống để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Hữu Tiến
Bạn đang đọc bài viết "Làng Kế Môn - cái nôi của nghề kim hoàn" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.