Sứ mệnh lịch sử
Tháng 1 năm 1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 khóa II đã họp để xác định phương pháp đấu tranh cho cách mạng miền Nam. Theo Chỉ thị của BCH Trung ương Đảng lần thứ 15 khóa II, Bác Hồ đã quyết định và trực tiếp giao nhiệm vụ cho “đoàn công tác quân sự đặc biệt", tiền thân của đoàn 559 do đồng chí Võ Bẩm làm Đoàn trưởng và được giao nhiệm vụ khảo sát mở đường chi viện cho miền Nam và giúp các nước bạn Lào và Campuchia. Đây là con đường nối liền giữa hậu phương với tiền tuyến, con đường mang tên Hồ Chí Minh.
Cũng trong thời gian này, đoàn 559 mở đường chi viện bằng đường thủy. Tháng 10 năm 1959, thành lập tiểu đoàn 759 tiền thân của Lữ Đoàn 125 Hải quân ngày nay với tên gọi Đoàn tàu không số. Đồng thời, đoàn 559 phối hợp với quân đội Lào giành được một số thắng lợi, ta mở đường chi viện qua Lào. Tháng 6 năm 1961, nối từ đường 9 đến Mường Phìn. Tháng 12 năm 1961, nối đến đường 12 ở Lằng Khằng. Đường 129 này được gọi là đường Tây Trường Sơn.
Hàng hóa trong giai đoạn này chủ yếu là súng đạn, lương thực và công văn được vận chuyển bằng hình thức thô sơ: sức voi, sức ngựa, gùi thồ bằng sức người, xe đạp. Nhờ tuyến đường này, đã góp phần to lớn trong chiến thắng Bình - Trị - Thiên năm 1959 và đặc biệt là chiến thắng Đồng Khởi năm 1960, đã làm thất bại chiến lược chiến tranh đơn phương của Mỹ.
Sau thất bại của chiến lược chiến tranh đơn phương, Mỹ tiếp tục đưa ra chiến lược chiến tranh Đặc biệt, chiến lược chiến tranh Cục bộ và sau này là chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Chủ yếu dùng quân đội Sài Gòn, quân đồng minh dưới sự chỉ huy của cố vấn quân sự Mỹ và các phương tiện, vũ khí tối tân. Sức tàn phá và quy mô của các chiến lược này ngày càng lớn và khốc liệt, đòi hỏi sự chi viện của hậu phương đối với chiến trường càng lớn hơn.
Trước tình hình đó, ngày 9 tháng 8 năm 1964, Bộ Chính trị đã họp và giao nhiệm vụ cho Trung Đoàn 98 - đơn vị công binh và xác định phải nâng cấp đường Hồ Chí Minh thành đường cơ giới chiến lược, hàng hóa phải vận chuyển bằng phương tiện cơ giới chiến lược đáp ứng yêu cầu chi viện của chiến trường. Đường cơ giới chiến lược được mở từ giữa ra hai đầu, đến Tân Kỳ vào năm 1972.
Tân Kỳ chính là điểm khởi đầu của đường cơ giới chiến lược ở phía Đông Trường Sơn, bắt nguồn từ Tân Kỳ vắt qua dãy Trường Sơn trùng trùng điệp điệp chạy suốt tới huyện Chơn Thành (Lộc Ninh - Bình Phước). Đường Hồ Chí Minh trải dài từ Bắc vào Nam với hơn 17000km. Riêng ở nhánh Đông Trường Sơn là 1920km với 5 hệ thống trục đường dọc và 21 hệ thống trục đường ngang nối liền với các chiến trường.
Nhờ tuyến đường này, hàng hóa được vận chuyển sâu vào các chiến trường góp phần to lớn trong chiến thắng của cuộc tổng tiến công nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968 và sau này là Đại thắng mùa Xuân 1975 đưa giang sơn thu về một mối, Nam - Bắc sum họp một nhà.
Từ ngày mở đường đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước toàn thắng, trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển 455 triệu tấn vũ khí, lương thực, đạn dược và gần 58 triệu tấn xăng dầu chi viện cho chiến trường miền Nam.
Với sứ mệnh lịch sử đó, đường Hồ Chí Minh không chỉ có vai trò quan trọng trong thời chiến, mà ngày nay, đây còn là điểm phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa giữa các vùng, miền. Và còn là giao điểm của các tuyến giao thông Bắc - Nam, Đông - Tây.
Ngày 27 tháng 4 năm 1990, địa điểm “Mốc số 0” đường chiến lược Hồ Chí Minh (từ năm 1973) huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia.
Đến ngày 09 tháng 12 năm 2013, khu di tích Km0 được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 2383/QĐ-TTG nâng cấp thành Di tích Quốc gia đặc biệt.
Ngày 9 tháng 5 năm 2019, nhân kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh - ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2019), UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 1489/QĐ-UBND ngày 6 tháng 5 năm 2019 công nhận điểm du lịch “Di tích quốc gia đặc biệt Km0 - Đường Hồ Chí Minh”.
Sau khi được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt, Khu di tích được đầu tư xây dựng các hạng mục như: nhà trưng bày hình ảnh, tài liệu, hiện vật đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh - Tân Kỳ - Lộc Ninh. Công trình khởi công xây dựng ngày 15 tháng 7 năm 2004, hoàn thành ngày 19 tháng 05 năm 2006 và được bàn giao đưa vào sử dụng.
Còn tiếp...