Di tích quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh

11/09/2015 08:50

Theo dõi trên

Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh, một kỳ tích của quân đội nhân dân Việt Nam ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; một “con đường của ý chí quyết chiến quyết thắng và lòng dũng cảm, của khí phách một dân tộc anh hùng”; là tuyến đường huyền thoại.

Con đường của sức mạnh và ý chí

Việc mở đường Trường Sơn vào miền Nam xuất phát từ ý chí, quyết tâm đấu tranh thống nhất nước nhà của toàn thể dân tộc, một chiến lược sáng suốt của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ta đã bí mật chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, quyết tâm đánh thắng địch ở miền Nam, không cho chúng kiếm cớ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, bảo vệ vững chắc hậu phương của cuộc cách mạng.

Tháng 01/1959 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (khóa II) mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì họp tại Hà Nội. Hội nghị xác định: nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam, phương pháp cách mạng và phương thức đấu tranh là dùng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đánh đổ quyền thống trị của đế quốc phong kiến, trước mắt là đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô Đình Diệm tay sai của đế quốc Mỹ, thiết lập chính quyền cách mạng.

Chấp hành Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng và Nghị quyết của Tổng Quân ủy, thực hiện chủ trương chi viện lực lượng vật chất cho miền Nam, Bộ Chính trị quyết định tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự trên bộ, trên biển. Đây là quyết định đúng đắn, sáng tạo về chiến lược, thể hiện quyết tâm sắt đá giải phóng miền Nam thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Ngày 5/5/1959 Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Trung ương, thừa lệnh Bộ Chính trị trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Thượng tá Võ Bẩm, nguyên Cục trưởng Cục Nông trường tổ chức Đoàn công tác quân sự đặc biệt làm nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng quân sự vào Nam, tổ chức đưa đón bộ đội, cán bộ, chuyển công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc.

Ngày 9/5/1959 Thường trực Quân ủy triệu tập ban cán sự chính thức giao nhiệm vụ cho đoàn mở đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong năm 1959 đoàn có nhiệm vụ soi đường bảo đảm giao thông liên lạc từ miền Bắc vào miền Nam, vận chuyển gấp một số hàng quân sự theo yêu cầu của Liên khu 5, bảo đảm cho việc đưa 500 cán bộ hành quân vào chiến trường làm nòng cốt xây dựng lực lượng chủ lực. Với ý đồ chiến lược bí mật, chủ động tiến công, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy yêu cầu đoàn tuyệt đối giữ bí mật, không để đối phương biết được sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam, dù chỉ một hoạt động nhỏ lẻ, đây là vấn đề có tính nguyên tắc. Để hoàn thành nhiệm vụ Tổng Quân ủy Bộ Quốc phòng quyết định biên chế bước đầu cho đoàn là 500 cán bộ, chiến sĩ. Ngoài đoàn bộ, đoàn sẽ tổ chức tiểu đoàn vận tải bộ 301 và các bộ phận xây dựng kho, bao gói hàng, sửa chữa vũ khí, chế biến thực phẩm. Chỉ trong một thời gian ngắn Đoàn 559 đã định hình về tổ chức, nhiệm vụ và phương thức hoạt động.

Ra đời tháng 5/1959, Đoàn được mang phiên hiệu Đoàn 559. Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1959) và cũng là Ngày Bộ Chính trị và Thường trực Tổng Quân ủy giao nhiệm vụ mở tuyến chiến lược Trường Sơn được xác định là Ngày truyền thống của Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh.

Đầu tháng 6/1959 đồng chí Đoàn trưởng Võ Bẩm vào Hồ Xá – Vĩnh Linh chủ trì hội nghị bàn bạc cụ thể việc mở đường vào Nam với số cán bộ Khu 5, tỉnh Quảng Trị và Đặc khu Vĩnh Linh. Hội nghị xác định tuyến vận tải quân sự chiến lược được mở dựa vào tuyến giao liên thống nhất, vừa mở đường vừa giữ được cơ sở cách mạng nơi tuyến đường đi qua, xác định hướng mở tuyến, vị trí đặt trạm, quy ước thông tin, liên lạc, phối hợp với Bộ Công an đối phó các hoạt động tình báo, gián điệp của địch.

Đoàn 559 quyết định mở tuyến hành lang bắt đầu từ Khe Hó, phát triển về hướng tây nam, điểm cuối cùng đặt trạm là Pa Lin, kế cận trạm tiếp nhận của Liên khu 5. Lộ trình tuyến hành lang vượt qua nhiều núi cao hiểm trở, nhiều sông, suối và qua cả hệ thống đồn bốt của địch, khẩu hiệu có tính chất mệnh lệnh lúc này là: ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng.

Như vậy cuối năm 1959 tuyến hành lang giao liên vận tải quân sự Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh được thiết lập thực sự, là cầu nối giữa hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường miền Nam. Do mới thành lập, vừa tổ chức vừa xây dựng lực lượng vừa soi lối mở đường nên việc vận chuyển vũ khí, trang bị chi viện cho miền Nam, đưa cán bộ chiến sĩ từ Bắc vào Nam chiến đấu còn ít ỏi. Song nó có ý nghĩa vô cùng lớn lao trong việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, trực tiếp góp phần đưa cách mạng miền Nam phát triển lên một cao trào mới là phong trào “Đồng khởi”, đây là bước ngoặt lịch sử của cách mạng miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Những kỳ tích trên tuyến đường Trường Sơn

Từ năm 1961 đến năm 1964 tuyến đường chuyển hướng sang tây Trường Sơn, phát triển tuyến chi viện chiến lược, bước đầu tổ chức vận tải cơ giới, tháng 6/1964 Trung đoàn công binh 98 (Cục Công binh) được lệnh tăng cường cho Đoàn 559 làm nhiệm vụ mở đường cơ giới. Ngày 17/6/1964, Trung đoàn 98 vinh dự được nhận lá cờ thêu bốn chữ “Mở đường thống nhất”, sau đó tổ chức hành quân vào tập kết tại Làng Ho. Những người lính công binh được cung cấp trang phục bà ba đen, mũ tai bèo, bí mật hành quân vượt đường 9, vượt sông Sê Pôn vào tập kết tại La Hạp thực hiện nhiệm vụ mở đường. Sau ba tháng lao động quên mình Trung đoàn 98 đã hoàn thành nhiệm vụ mở đường ô tô từ Mường Noòng vào sông Bạc, cùng với Trung đoàn Rạng Đông, Trung đoàn 98 và lực lượng Công binh Sư đoàn 470 mở đường tiếp từ sông Bạc vào Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia. Đoàn 559 đã trưởng thành nhanh chóng, từ ngày soi đường âm thầm lặng lẽ giữa mùa mưa năm 1959 những người chiến sĩ Trường Sơn đã từng bước nghiên cứu nắm bắt quy luật đánh phá ngăn chặn của kẻ thù, nghiên cứu điều kiện tự nhiên núi rừng Trường Sơn, khảo sát mở hệ thống đường gùi thồ, đường ô tô dã chiến, kết hợp đường sông, với tổng số chiều dài gần 20.000 km2 vạn đường ô tô, hơn 600 km đường gùi thồ, 3.000 km đường giao liên, hơn 500 km đường sông, khối lượng hàng Đoàn 559 chuyển giao cho chiến trường miền Nam là trên 1 triệu tấn vật chất kỹ thuật hơn 2 triệu cán bộ chiến sĩ, dân chính Đảng được bảo đảm hành quân vào ra công tác, chiến đấu ở chiến trường miền Nam.

Đoàn 559 từ một đơn vị vận tải giao liên, bước đầu hình thành một lực lượng bộ đội hợp thành gồm: vận tải, bộ binh, công binh, phòng không, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công nhân giao thông, bảo đảm tuyến vận chuyển không ngừng phát triển từ đông Trường Sơn sang tây Trường Sơn, từ hậu phương lớn miền Bắc vào các chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia, góp phần đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng lên thế tiến công đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Xuân 1973 đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đến thăm Bộ đội Trường Sơn đã ghi vào sổ vàng truyền thống Bộ đội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh: “Đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi. Trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng. Đó là con đường nối liền Nam – Bắc thống nhất nước nhà, là con đường của tương lai giàu có của Tổ quốc ta. Đó cũng là con đường đoàn kết của các dân tộc, của ba nước Đông Dương.

Ngày 9/12/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2383/QĐ/TT-TTg về việc xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt "Di tích lịch sử Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh", đoạn qua các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, ĐắK Nông, Bình Phước.

Theo Kim Nương (Làng Việt Online)
Bạn đang đọc bài viết "Di tích quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.