Cuộc đời ly kỳ của "Đề lao hiệp khách" Sơn Vương (Kỳ 4)

04/09/2021 13:30

Theo dõi trên

Sau khi thành công vụ cướp tiền của René Gaillard, nghĩ mình đã nằm ngoài tầm điều tra của cảnh sát, Sơn Vương còn tiếp tục đi "hát" thêm 4 phi vụ đậm chất hiệp khách giang hồ nữa. Đặc trưng nhất là vụ cướp tiền của giang hồ Sáu Ngọ.

song-bai-1630728417-1630736782.jpg
Sòng bài Đại thế giới - nơi hội tụ những tay chơi bậc nhất của Sài Gòn ngày xưa

Tại Chợ Lớn thời đó, có 2 ông vua đầu tư sòng bạc lớn, đó là Tư Nhiều và Sáu Ngọ. Sáu Ngọ có tên Tây là Paul Daron. Sáu Ngọ là chồng của nghệ sỹ sân khấu cải lương tài danh Bảy Nam. Ông là người bỏ tiền cho nghệ sỹ Bảy Nam lập gánh cải lương Nam Hưng Ban. Sau khi chia tay nghệ sỹ Bảy Nam, ông đã gặp và kết bạn tình với mỹ nữ Trần Ngọc Trà, tức Ba Trà - Một nhan sắc lừng danh Sài Gòn.

Khi mới quen, để lấy lòng người đẹp, Sáu Ngọ đặt may tặng cho Ba Trà 365 bộ đồ để thay đổi mỗi ngày. Dưới trướng Sáu Ngọ là hàng chục sòng bài có giấy phép của chính quyền Pháp. Chỉ riêng sòng ở vườn Bureau (Nay là công viên Tao Đàn), mỗi ngày Sáu Ngọ thu 2 bao tiền.

Hàng ngày, Sáu Ngọ thường sai gạc đờ co của mình là Sáu Maniven đi cùng tài xế đến từng sòng gom tiền nhập kho.

Sáu Maniven xuất thân là giang hồ bến xe Cái Vồn, Cần Thơ, dưới trướng của đại ca giang hồ Năm Lửa, tức Trần Văn Soái. Sau này, Năm Lửa trở thành tướng lĩnh quân đội Hòa Hảo.

Trong 1 lần giành khách bán cho xe đò đường dài Cái Vồn - Chợ Lớn,  Sáu dùng cây ma ni ven (tay quay khởi động xe) đánh chết đối thủ rồi trốn về Sài Gòn ẩn náu. Vì vậy, Sáu có hỗn danh là Sáu Maniven.

Trong những ngày trốn nã, Sáu Maniven được Sáu Ngọ thu tuyển làm gạc đờ co cho mình. Khi trở thành gạc đờ co cho Sáu Ngọ, án tích của hắn xem như được cất kỹ vào ngăn kéo.

Là dân gốc giang hồ có án nên Sáu Maniven không dám xài súng mà chỉ lận trong lưng con dao dâu.

Sau khi điều nghiên, Sơn Vương nhận thấy, hàng ngày cứ đến tầm 7 giờ tối là Sáu Maniven cùng tài xế lái xe hơi đến sòng ở vườn Bureau gom tiền rồi tiếp tục chạy về hướng Thị Nghè. Ông quyết định hành động một mình.

09-1630728765.jpg
Ông Sáu Xiêm và chiếc gậy kỷ vật của Sơn Vương

Một tối nọ, "canh me" lúc Sáu Maniven vừa rời xe hơi bước vào sòng, Sơn Vương leo lên ghế sau xe chỉa súng vào đầu tài xế khống chế. Sáu Maniven ôm bao tiền trở ra, mở cửa xe, ông tiếp tục chỉa súng vào đầu. Sáu Maniven chỉ còn biết riu ríu ôm bọc tiền ngồi vào xe cạnh Sơn Vương.

Sơn Vương buộc tài xế chạy tiếp về hướng cầu Thị Nghè. Khi đến chỗ vắng, Sơn Vương đẩy tài xế lẫn Maniven ra khỏi xe rồi cầm lái phóng xe biến vào đêm tối.

Sáu Ngọ bị cướp tiền thu sòng bài rất đau nhưng không dám tố cáo với cò Pháp. Nếu làm rùm beng, chính Sáu Ngọ bị bể nồi cơm. Sáu Ngọ lệnh cho Maniven: "Đi tìm hung thủ, gặp đâu giết đó". Maniven chưa tìm ra hung thủ là ai thì Sơn Vương bị bắt bởi vụ cướp xe chuyển tiền lương của sở cao su.

Trong vụ cướp xe chuyển tiền lương của sở cao su, Sơn Vương bị "hở sườn" một chi tiết không đáng có. Đó là ông đã sử dụng chiếc xe hơi đắt tiền Clément Bayard của Năm Đường mượn. Vì là xe hơi đắt tiền nên khắp Sài Gòn chỉ có 5 chiếc.

Không hổ danh là trùm mật thám Sài Gòn, qua mô tả của gã gạc đờ co René Gaillard, cò Bazin - Chánh sở mật thám ra lệnh cho lính tra bộ tìm địa chỉ của 5 chiếc Clément Bayard hiện có tại Sài Gòn. Sau khi sàng lọc, cò Bazin nhận thấy ngày xảy ra vụ cướp, chủ nhân của 4 chiếc kia đều có chứng cứ ngoại phạm. Chỉ có chiếc của tên công chức Pháp mà Năm Đường làm tài xế có nhiều dấu hiệu nghi vấn.

Tra hồ sơ, cò Bazin biết được chủ nhân của chiếc xe đang đi nghỉ hè cùng vợ con ở Pháp. Trước khi đi nghỉ hè, ông ta giao chiếc xe cho tài xế riêng tên thường gọi là Năm Đường chăm sóc. Không chần chờ, Bazin cho lính đi lùng bắt Năm Đường.

Đang nghèo khó, túng thiếu, được chia tiền món tiền lớn, chủ lại vắng nhà nhà, Năm Đường vùi đầu vào những cuộc trác táng ở sòng bài và các động "Bình Khang" (tiếng lóng ám chỉ động chứa gái bán dâm). Khi đang lim dim mắt tận hưởng lạc thú tại một động Bình Khang ở khu Cây Điệp (nay thuộc khu phố 1, phường 2, quận 10) Năm Đường bị lính ập vào trói gô lại.

Năm Đường bị tống vào nhà giam mà không nhận được một lời giải thích nào của cò cảnh sát. Sau một đêm mất ngủ vì muỗi cắn, Năm Đường được chánh sở mật thám là cò Bazin trực tiếp hỏi cung. Thay cho màn chào hỏi, viên chánh sở mật thám có máu giang hồ cầm chiếc roi pín ngựa vụt vun vút vào không khí khiến Năm Đường run bây bẩy. Chờ cho đối phương mất hết thần hồn, Bazin cười khẩy hỏi: "Tiền ăn cướp xài rất sướng, hả mông xừ sốp phơ (ông tài xế)? Nếu còn chút thông minh, mày nên kể chi tiết vụ đánh cướp, đừng để chiếc roi này khó chịu". Dứt câu hỏi, Bazin "vuốt" một roi ngang lưng Năm Đường.

Năm Đường quì sụp xuống chân Bazin vừa lạy như tế sao vừa hứa kể hết mọi điều.

Sáng hôm sau, Sơn Vương đang lúi húi dọn sách ra vỉa hè như thường lệ thì một chiếc xe "cây" (tiếng lóng ám chỉ xe bắt phạm) thắng kịt sát bên. Ông chưa kịp phản ứng gì thì đã bị 2 viên cò khóa tay đẩy lên xe "cây". Biết là vụ cướp bị "bể ổ", nhà văn giang hồ lẳng lặng lên xe.

sach-via-hec-1630729411.jpg
Phố sách Sài Gòn xưa

Sơn Vương bước vào phòng hỏi cung thì gặp René Gaillard đã ngồi sẵn ở bàn buy rô. Vì mối quan hệ thân tình, Bazin ưu tiên cho René Gaillard khởi cung Sơn Vương. Vừa gặp Sơn Vương, nhớ đến khẩu súng giả trong vụ cướp, lòng tự ái của tên giang hồ đảo Corse nỗi lên bừng bừng.

Tưởng mình là một con cọp uy lực, vừa gặp Sơn Vương, gã René Gaillard khoái trá chuẩn bị một trận vờn mồi. René Gaillard phóng chiếc roi pín ngựa vun vút vào không khí trước mặt Sơn Vương để uy hiếp tinh thần rồi dọa: "Mày cướp 50.000 đồng, tao đánh đủ 50.000 roi". Không ngờ, Sơn Vương không những không sợ mà còn nhìn hắn trừng trừng như thách thức. Nỗi cáu, René Gaillard hùng hục quất roi vào người Sơn Vương.

Chiếc roi pín ngựa xé rách bươm quần áo nhưng Sơn Vương vẫn không thay đổi sắc mặc, lại còn cất tiếng cười cợt. Đánh đến vã mồ hôi, bải hoải tay chân vẫn không khuất phục được Sơn Vương, gã giang hồ đảo Corse đành xuôi tay: "Tao mệt rồi, cho mày nợ đó". Sơn Vương cười từng tràng dài: " Tôi không có thói quen mang nợ lại thích sòng phẳng. Đánh cho đủ số nợ đi".

Trước sự cứng đầu của gã giang hồ xứ Việt, nhớ lại thời mình đi "hát" bị "rớt" ở Paris mấy năm trước, René Gaillard ngầm thán phục Sơn Vương. Gã ném roi, cất tiếng chửi thề rồi thốt: "Tao xóa nợ cho mày luôn đó".

Để tỏ lòng mã thượng, dân chơi đảo Corse quyết định… bãi nại cho Sơn Vương. Tuy nhiên, vụ án đã được các báo giật tít ra trang nhất nên không thể để chìm xuồng. Thế là Bazin chỉ truy cứu một mình Sơn Vương ra tòa đại hình. Trong những ngày tạm giam hầu tra tại Maison Centrale de Saigon (khám lớn Sài Gòn) ở số 69, đường La Grandière (nay là Thư viện Tổng hợp tp Hồ Chí Minh) René Gillard lại là người duy nhất đi thăm nuôi Sơn Vương. Ông ta còn đưa cả vợ đến ra mắt tay văn sỹ tướng cướp và hứa rằng, sẽ đề nghị bị hại là ông chủ Franchini không đến dự tòa, xem như đó là hình thức bãi nại gián tiếp

Ông C V D - trước năm 1975 là điệp báo viên của ta ẩn trong vai Phó Chi Cảnh sát quận 1 của chế độ VNCH, kể rằng ông đã từng có dịp xem hồ sơ của Sơn Vương vào năm 1972 tại Tổng Nha Cảnh sát trong chiến dịch "bài trừ tệ nạn xã hội". Vì chiến dịch huy động tổng lực nên rất nhiều cảnh sát ở các chi được trưng dụng về Tổng Nha để phân loại, lập hồ sơ đối tượng. Nghe danh Sơn Vương đã lâu nên khi gặp hồ sơ, ông háo hức đọc. Trong hồ sơ của tòa đại hình thời Pháp chỉ có vỏn vẹn 2 trang khẩu cung. Lời cung của Sơn Vương rất đơn giản: "Tôi mướn chiếc xe, mướn luôn sốp phơ Năm Đường. Tôi không nói với Năm Đường thuê đặng mần gì. Chạy tới chiếc cầu sắt, tôi biểu Năm Đường dừng xe cho tôi tiểu tiện. Chiếc xe chở bạc vừa trờ tới, tôi rút súng giả ra tra vào đầu gạc đờ co biểu đưa vali. Lấy va li bạc xong, tôi chỉa súng vô đầu Năm Đường biểu chạy hết ga. Về tới Sài Gòn, tôi hăm he Năm Đường khai ra với người khác, tôi giết chết cả gia đình. Trong vụ này chỉ mình tôi chủ mưu. Năm Đường vô can. Tôi chỉ trả công sốp phơ và mướn xe tổng cộng 10 đồng. Mình tôi làm tôi chịu lãnh đủ, đừng truy cứu người vô can".

014-1630728263.jpg
Banh 2, nơi Sơn Vương thụ án.

Phiên tòa đại hình cũng diễn ra chóng vánh khiến cánh nhà báo thất vọng tràn trề. Bị hại là Franchini không đến dự. Không có luật sư bào chữa cho bị cáo lẫn bị hại. Suốt 30 phút diễn ra phiên tòa, hầu như các quan tòa chỉ làm thủ tục. Sơn Vương chỉ phải trả lời 3 câu thẩm vấn của chủ tọa. 3 câu hỏi cũng chỉ lặp lại nội dung bản khẩu cung. Khi chánh án cho phép tự biện hộ, Sơn Vương nói gọn: "Có vay, có trả. Tòa cứ tuyên, bao nhiêu năm tù, xin chung đủ". Không còn gì để hỏi, chánh án tuyên luôn án 10 năm tù biệt xứ.

Vụ đánh cướp được các báo viết tường thuật cả trang giấy. Sau khi phiên tòa diễn ra, các báo chỉ đưa 1 góc tin nhỏ xíu.

Nhận án xong, Sơn Vương được đưa trở lại khám chờ chuyến đi dày.

Trong vụ này, Năm Đường được miễn tố. Chỉ có điều, khi người chủ biết chuyện đã đuổi việc Năm Đường. Ông ta trở lại nghề xà ích xe ngựa. Cám nghĩa Sơn Vương đã bao che cho mình nên Năm Đường cũng thường xuyên đi thăm nuôi.

Nông Huyền Sơn
Bạn đang đọc bài viết "Cuộc đời ly kỳ của "Đề lao hiệp khách" Sơn Vương (Kỳ 4)" tại chuyên mục Đất & Người. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.