Cuộc đời ly kỳ của "Đề lao hiệp khách" Sơn Vương (Kỳ 3)

03/09/2021 11:07

Theo dõi trên

Trước khi thực hiện phi vụ đánh cướp táo tợn này, Sơn Vương đã bỏ ra mấy tháng trời ngồi lê vỉa hè gần ngân hàng Đông Dương để bán tiểu thuyết trinh thám do chính ông sáng tác. Vừa bán sách, Sơn Vương vừa chú ý quan sát và ghi nhớ đặc điểm từng người ra vào ngân hàng.

06-1630639997.jpg
Ông Sáu Xiêm tìm năm sinh của Sơn Vương trong sổ ghi chép của gia đình.

Thời điểm đó, vùng Tân Bình, Gò Vấp, Hóc Môn là những vườn cao su bạt ngàn của các điền chủ người Pháp. Vì chủ trương thực dân vơ cùng vét tận thuộc địa nên lực lượng điền chủ cao su được chính quyền Pháp tại Việt Nam rất ưu ái, trọng vọng và có thế lực. Họ là đối tượng được lực lượng cảnh sát Pháp bảo vệ an ninh tối đa. Tận dụng ưu thế đó, hầu hết các điền chủ cao su đều bỏ tiền thuê riêng cho mình một lực lượng gạc đờ co. Điều đáng nói là hầu hết những tay gạc đờ co này đều ăn lương chỉ điểm của sở mật thám.

Những ngày thường, ngoài việc bảo vệ an ninh cho điền chủ, những tay gạc đờ co còn có nhiệm vụ trấn áp những công nhân cao su chây lười hoặc có biểu hiện chống đối chủ.

Khi đến kỳ lương cuối tuần, điền chủ cao su quanh Sài Gòn thường giao séc cho gạc đờ co đi cùng công táp (comptable: Kế toán) và sốp phơ (chauffeur: Tài xế) thành bộ ba đến ngân hàng Đông Dương nhận tiền mặt đem về sở phát cho công nhân. Giai đoạn đó, khu vực ngoại thành bao bọc Sài Gòn đều là vùng ngoài tầm kiểm soát đối với chính quyền Pháp. Những đoạn nối từ ngân hàng Đông Dương (nằm ở cuối đường Charner, nay là đường Nguyễn Huệ) đến các đồn điền cao su ngoại thành là đường đất đỏ nhỏ hẹp, đi xuyên qua những vườn cao su rộng mênh mông, vắng vẻ. Vì vậy, hiếm khi các điền chủ cao su dám đi trên những chuyến xe chở đầy ắp tiền.

018-1630641320.jpg
Sơn Vương năm 1986.

Trước khi thực hiện phi vụ đánh cướp táo tợn này, Sơn Vương đã bỏ ra mấy tháng trời ngồi lê vỉa hè gần ngân hàng Đông Dương để bán tiểu thuyết trinh thám do chính ông sáng tác. Vừa bán sách, Sơn Vương vừa chú ý quan sát và ghi nhớ đặc điểm từng người ra vào ngân hàng. Ông thuộc nằm lòng giờ giấc, qui luật chiếc xe Peugeot chở tiền do René Gaillard áp tải. Ông nhận thấy, trong số những chiếc xe hơi đến ngân hàng nhận ắp tiền chỉ có chiếc Peugeot luôn lấm bụi đỏ, chứng tỏ chủ nhân của nó nằm ở ngoại thành vắng vẻ. Không dại gì chọn cướp những chiếc xe sạch sẽ chỉ chay trong nội thành đầp ắp cảnh sát.

Sau khi vạch kỹ kế hoạch hành động, Sơn Vương nhận thấy không thể đánh cướp chiếc xe Peugeot trong khu vực nội thành. Nếu phục kích chặn đường thì không thể đoán được chiếc Peugeot sẽ đi ngã nào ra ngoài thành. Cuối cùng, Sơn Vương chọn cách sử dụng xe hơi bám đuổi theo chiếc xe chở tiền. Muốn bám đuổi theo, Sơn Vương cần có chiếc xe mạnh hơn, nhanh hơn chiếc Peuguot. Kế hoạch đánh cướp được nhà văn Sơn Vương viết thành 1 quyển tiểu thuyết rồi bày bán ở vỉa hè.

Trong những ngày sách ế, ông sực nhớ đến một người bạn tên Năm Đường là tài xế cho một viên công chức Pháp. Trước kia, mỗi lần chở ông chủ ra ngân hàng, Năm Đường thường ngồi xuống chiếu bán sách của Sơn Vương đọc ké để giết thời gian. Năm Đường khoe với Sơn Vương chuyện ông chủ mới tậu chiếc xe hơi hạng sang đắt tiền Clément Bayard, còn được gọi là “xì gà bay”. Vì đắt tiền nên tại Sài Gòn chỉ có duy nhất 5 chiếc. Năm Đường còn khoe ông chủ vừa cùng gia đình về Pháp nghỉ hè, giao hẳn xe cho anh ta chăm sóc. Sơn Vương rủ Năm Đường dùng chiếc xe đi "hát" (tiếng lóng: cướp). Nghĩ tới số tiền được chia phần quá lớn, Năm Đường đồng ý.

Một ngày cuối tuần đầu tháng 7 của năm 1933, Năm Đường ngồi sau vô lăng, Sơn Vương ngồi ghế phụ, Nguyễn Phương Thảo (sau này là Trung tướng Nguyễn Bình) ngồi ghế sau trên chiếc Clément Bayard đã thay biển số giả, đậu sẵn ven đường cách ngân hàng Đông Dương vài trăm mét.

ngan-hang-dong-duong-1630641009.jpg
Ngân hàng Đông Dương ở Sài Gòn

Khi chiếc xe Peugeot chở tiền vừa rời ngân hàng, chiếc Clément Bayard bám theo. Khi còn cách chiếc cầu sắt nối Sài Gòn với Hóc Môn vài cây số (Bây giờ là cầu Lê Văn Sỹ), chiếc Clément Bayard tăng tốc vượt qua chiếc Peugeot rồi chạy rề rà. Khi chạy đến giữa chiếc cầu sắt, chiếc Clément Bayard vờ chết máy nằm choáng giữa cầu.

Năm Đường, Nguyễn Phương Thảo và Sơn Vương cùng xuống xe mở nắp capo như sửa chữa để chờ chiếc Peugeot trờ tới.

Nôn nóng chở tiền về sở, René Gillard xuống xe tiến đến cạnh chiếc Peugeot toan cự nự thì tá hỏa khi nhận ra một họng súng lục chỉa thắng vào đầu. Trong khi Sơn Vương dùng súng không chế René Gillard, Nguyễn Phương Thảo lục soát tước vũ khí rồi cùng Năm Đường chuyển những bao tiền từ chiếc Peugeot sang chiếc Clément Bayard, đồng thời tịch thu chìa khóa công tắc chiếc Peugeot.

Chuyển tiền xong, Năm Đường nổ máy sẵn, Nguyễn Phương Thảo đã vào xe ngồi yên vị, Sơn Vương vẫn nhắm súng vào René Gillard đi giật lùi rồi nhảy vào  xe. Chiếc xe René Gillard tung bụi phóng thẳng về hướng Hóc Môn. Dù vậy, Sơn Vương vẫn còn đủ thời gian ném khẩu súng giả của mình về phía René Gillard để chọc tức.

Chạy dích dắt vài con đường nhỏ, đến Bà Quẹo, Năm Đường rẻ ngoặt xe về hướng Gò Vấp rồi trở lại trung tâm Sài Gòn kiểm đếm số tiền cướp được 50.000 đồng Đông Dương. Số tiền được chia đều làm 3.

Nguyễn Phương Thảo dùng số tiền đó mua một căn nhà phố tương đối rộng rãi ở khu Đa Kao mở tiệm giặt ủi lấy biển hiệu là Thảo Sơn (tên ghép của Nguyễn Phương Thảo và Sơn Vương).

022-1630641140.jpg
Trang ghi chép ngày sinh, ngày tử nhà văn Sơn Vương trong quyển sổ của ông Xiêm.

Sơn Vương gởi 1 ít tiền về quê cho các em, phần còn lại ông cùng Nguyễn Phương Thảo mua nhu yếu phẩm, gạo mang đi miền Trung phân phát từ thiện rất nhiều chuyến cho đồng bào bị bão lũ. Thấy Sơn Vương mua nhiều gạo đi làm từ thiện, ông Nguyễn Thanh Liêm - Một chủ nhà máy xay xát gạo ở Khánh Hội (Sài Gòn), cổ đông lớn của một ngân hàng ở đường Pellerin (nay là đường Pasteur) - cũng tham gia 300 bao gạo, tương đương 15 tấn, đồng thời cho mượn xe, tàu tải hàng đến tận nơi.

Vụ cướp táo tợn này đã khiến hầu hết các tờ báo tiếng Pháp lẫn Việt ngữ có mặt tại Việt Nam đều thi nhau giật tít. Cay cú, gã gạc đờ co ăn lương Sở Mật thám Đông Dương René Gillard, quyết truy xét vụ án đến cùng.

Nông Huyền Sơn
Bạn đang đọc bài viết "Cuộc đời ly kỳ của "Đề lao hiệp khách" Sơn Vương (Kỳ 3)" tại chuyên mục Đất & Người. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.