Cuộc đời ly kỳ của "Đề lao hiệp khách" Sơn Vương (Kỳ I)

01/09/2021 12:05

Theo dõi trên

Người ta đã đặt cho ông nhiều danh hiệu: "Đề lao hiệp khách", "Tráng sĩ Gò Công", "Nhà văn tướng cướp", "Cọp núi Gò Công", "Côn Lôn chúa đảo" và "Người tù thế kỷ"...

01-1630467509.jpg
Chân dung nhà văn Sơn Vương năm 1970

Tổng cộng các bản án do tòa "áo đỏ" của chính quyền thực dân Pháp dành cho ông gồm 32 năm "giam biệt xứ" và 34 năm "khổ sai biệt xứ" tại nhà tù Côn Lôn tức Nhà tù Côn Đảo. Ông được xếp vào danh sách người thụ án lâu nhất Việt Nam từ thời Pháp thuộc.

Người ta đã đặt cho ông nhiều danh hiệu như "Đề lao hiệp khách", "Tráng sĩ Gò Công", "Nhà văn tướng cướp", "Cọp núi Gò Công", "Côn Lôn chúa đảo" và "Người tù thế kỷ"... Ông là nhà văn Sơn Vương.

Men theo quyển hồi ký "Côn Đảo ký sự - Máu hòa nước mắt" của chính ông viết, chúng tôi tìm về nguyên quán của ông ở "làng Bình Nghị, tỉnh Gò Công".

Tuy nhiên, việc tìm địa chỉ "làng Bình Nghị" không hề đơn giản. Bởi, đó là cái tên làng từ đời Gia Long.

Đến thời kháng chiến chống Pháp, ta đổi làng Bình Nghị thành xã Bình Nghị, thuộc huyện Đông, tỉnh Gò Công. Pháp đổi làng Bình Nghị thành xã Hòa Nghị. Năm 1951 Gò Công trở thành huyện lỵ thuộc tỉnh Mỹ Tho. Năm 1956, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa nhập xã Hòa Nghị và Tân Duân Đông lại thành xã An Hòa thuộc huyện Gò Công.

Thời kháng chiến chống Mỹ, ta đặt xã An Hoà thuộc huyện Đông, tỉnh Gò Công. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đặt xã An Hoà thuộc quận Hòa Lạc, tỉnh Gò Công. Sau năm 1975, ta đổi tên xã An Hòa thành xã Bình Nghị, thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Như vậy, 2 làng xưa là Bình Nghị và Tân Duân Đông nhập lại thành xã Bình Nghị ngày nay.

Chúng tôi đã đi lòng vòng trong phạm vi 1.000 ha diện tích của xã Bình Nghị, hỏi thăm các bô lão địa phương nhưng tất cả đều không biết "ông Sơn Vương là ông nào?".

Cuối cùng, chúng tôi ghé trụ sở UBND xã Bình Nghị để rồi suýt bỏ cuộc vì hầu hết, không ai biết "Nhà văn tướng cướp Sơn Vương là ai?".

Giữa lúc bối rối, bất ngờ một anh công an viên tên Nguyễn Thái Châu thốt: "Nhà văn tướng cướp Sơn Vương là người xứ này nhưng tôi không nhớ cụ thể ở ấp nào. Khẳng định luôn! Tôi sẽ đi tìm".

Sau này chúng tôi mới biết, anh Châu là người rất mê đọc sách báo viết về lịch sử quê hương Gò Công. Anh Châu đã đưa chúng tôi đi tìm. Sau vài lần hỏi thăm, cuối cùng, chúng tôi tìm được nhà giáo ưu tú Phan Thanh Sắc, tác giả nhiều đầu sách khảo cứu về Gò Công xưa, chỉ đến nhà một người có tên gọi là Sáu Xiêm.

02-son-vuong-1630464363.jpg
Nhân chứng Sáu Xiêm và anh Châu - Người tìm ra hậu duệ nhà văn Sơn Vương

Sau vài châu chào hỏi xã giao, ông Sáu Xiêm xác nhận ngay mình là người giữ ngôi thờ tự và chịu trách nhiệm cúng giỗ họ tộc, trong đó có nhà văn Sơn Vương. Ông là cháu ruột, gọi nhà văn Sơn Vương là ông chú. Nhà văn Sơn Vương có tên thật là Trương Văn Thoại.

Ông Sáu Xiêm có tên khai sinh là Trương Văn Thanh. Ông nội ông là chí sỹ Trương Văn Kỉnh tức ông Biện Thới.

Theo quyển sổ ghi chép của gia tộc thì ông Trương Văn Kỉnh là anh hai (Người miền Nam gọi anh cả là anh hai) của 7 người em gồm 2 trai, 5 gái. Người em út mang thứ 9. Ông Trương Văn Thoại tức nhà văn Sơn Vương là em thứ năm.

Trước khi tham gia kháng chiến, ông Trương Văn Kỉnh làm chức ký biện (thư ký) ở tòa bố tỉnh Gò Công (Tòa bố là trụ sở hành chánh tỉnh lỵ). Là con trai đầu nên ông Kỉnh phải làm việc kiếm tiền nuôi dưỡng, dạy dỗ các em.

Ông Trương Văn Kỉnh sinh năm 1895. Còn nhà văn Sơn Vương sinh năm 1908 (không phải 1909 như nhiều tài liệu khác). Như vậy, vào thời điểm 1926, Sơn Vương 17 tuổi thì ông Trương Văn Kỉnh đã 31 tuổi.

012-1630464747.jpg
Nhà văn Sơn Vương (bên trái) và ông Trương Văn Kỉnh

Ông Trương Đình Cung Anh là thầy nho chuyên bốc thuốc Nam trị bệnh chứ không phải là địa chủ như một số người nhầm tưởng. Thời đó, hưởng thừa kế trên dưới 20 ha đất ruộng, chỉ là trung nông, chưa là phải là phú hộ. Là người thức thời yêu nước, ông Trương Đình Cung Anh đều cho 3 người con trai ăn học đến hết bậc Supérieur (tiểu học). Nhờ tấm bằng Supérieur, ông Trương Văn Kỉnh được thu tuyển vào làm việc cho tòa bố tỉnh Gò Công. Khi phong trào Hội kín yêu nước của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh lan tới Gò Công, ông Trương Văn Kỉnh đã tích cực tham gia.

Phần Sơn Vương - Trương Văn Thoại - dù học rất giỏi và có năng khiếu văn chương nhưng sau khi thi tốt nghiệp chương trình Cours Supérieur (Thi tốt nghiệp tiểu học để bắt đầu bước vào học sơ trung học) ông không chịu đi học nữa. Thời đó, muốn tốt nghiệp tiểu học, học trò phải nộp đơn dự thi vào hội đồng giáo dục cấp tỉnh. Chỉ có cấp tỉnh mới được tổ chưc thi tiểu học. Người học xong lớp "tam" là có thể đứng lớp dạy sơ học trường làng hoặc đi xin vào các sở Tây làm thầy ký, thầy biện (thư ký, kế toán) hoặc làm thông ngôn. Người tốt nghiệp tiểu học có thể về làng làm hiệu trưởng, mở trường học.

Thi xong tiểu học, Sơn Vương kiên quyết không đi học trường Tây nữa mà trở về nhà học tiếng Hán, tiếng Nôm và các bài thuốc Đông Y của cha.

Vốn là con tông nhà nho yêu nước nhưng Trương Văn Thoại lại rất mê đọc truyện Tàu, truyện nghĩa hiệp kỳ tình phương Tây do nhà ái quốc Nguyễn An Ninh dịch thuật. Tư tưởng dân tộc do cha dạy, tinh thần trượng nghĩa do truyện Tàu… dạy và ý chí hiệp khách do tiểu thuyết nghĩa hiệp kỳ tình phương Tây đã ủ mầm trí tưởng phóng khoáng cậu bé 13 tuổi Trương Văn Thoại.

Cùng thời điểm đó, tuy bị đàn áp đẫm máu nhưng tiếng vang của phong trào Hội Kín Phan Xích Long vẫn lan tỏa khắp Nam kỳ. Cậu bé Trương Văn Thoại nuôi dưỡng trong lòng một tư tưởng nghĩa hiệp pha trộn giữa 2 nền văn hóa Đông và Tây.

Vì lẽ đó, thay vì đi theo con đường cách mạng, ông lại chống Pháp theo cách "hiệp khách giang hồ".

Năm 1925, (16 tuổi) ông bỏ nhà đi theo một đại lão sư phụ ẩn cư học đạo, tu luyện võ công trên núi Thị Vãi và Mây Tàu.

08-1630465926-1630472147.jpg
Chùa Linh Sơn Thiên Bửu Tự trên núi Thị Vãi - Nơi nhà văn Sơn Vương học võ.

Nơi ông ẩn cư tu luyện trên núi Thị Vãi là ngôi chùa cổ Linh Sơn Bửu Thiền Cổ Tự thuộc xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngôi chùa này được xây cất tre lá, không tên từ thời vua Gia Long bôn tẩu lánh nạn Tây Sơn. Các thư tịch cổ cho biết, người dựng chùa là ni sư Diệu Thiện có tên trần tục là Lê Thị Nữ. Bà đã có công nuôi dưỡng, che dấu vua Gia Long trong thời gian nguy khốn nên sau khi khôi phục ngai rồng, ông đã phong thánh cho ni sư là Linh Sơn Thánh Mẫu và sắc ấn cho ngôi chùa với tên mới là  Linh Sơn Bửu Thiền Tự. Ngôi Linh Sơn Bửu Thiền Tự trở thành nơi tu họp của nghĩa quân Phan Xích Long trong thời kỳ mới khởi phát. Phải chăng, đại lão sư phụ của Sơn Vương là một trong những thành viên Hội Kín Phan Xích Long còn sống sót?

Học võ được 1 năm thì sư phụ viên tịch, Trương Văn Thoại trở về Sài Gòn. Ông đi thẳng đến tòa soạn tờ Đông Pháp Thời Báo xin làm việc miễn lương để học việc. Vài thàng sau, nghe tin luật sư Phan Văn Trường phối hợp với Nguyễn An Ninh cho tái lập tờ báo Tiếng Chuông Rè, Trương Văn Thoại đến xin làm cộng sự. Từ đó, ông gia nhập tổ chức hội kín của Nguyễn An Ninh.

Buổi chiều ngày 21/03/1926, Trương Văn Thoại cùng anh Hai là ông Trương Văn Kỉnh tổ chức quy tựu quần chúng để Nguyễn An Ninh diễn thuyết bài xích thực dân Pháp.

3 ngày sau, ông Nguyễn An Ninh, Trương Văn Thoại, Trương Văn Kỉnh và hàng trăm người khác bị mật thám bắt nguội đưa về giam ở bót Catinat Sài Gòn.

Tại bót Catinat, chánh thanh tra mật thám Đông Dương là cò Bazin buộc những người bị bắt giữ phải ký tên vào một tờ khai ghi sẵn có nội dung buộc tội Nguyễn An Ninh lập đảng cướp làm phản, quấy nhiễu dân chúng, mưu toan cướp chính quyền. Ai chấp nhận ký sẽ thả ngay và được cấp tiền xe về quê.

Hai anh em họ Trương cùng với hơn 60 người khác cương quyết không ký nên tiếp tục bị giam giữ. Đích thân tên cò mật thám Bazin khét tiếng tàn ác vào tận phòng giam dùng ba trắc "pín ngựa" đánh đập từng người để buộc họ ký tên.

011-1630467412.jpg
Maison Centrale de Saigon tức Khám lớn Sài Gòn, nay là Thư viện Khoa học Tổng hợp.

Bằng uy tín của mình, luật sư Phan Văn Trường đã viết và đăng báo một bài tố cáo bót Catinat giam giữ người dân vô cớ, trái luật. Bài tố cáo vừa đăng trên báo Tiếng Chuông Rè vừa được gửi thẳng đến tay Thống đốc Nam Kỳ là Cognacq. Trước lý luận sắc bén của bài tố cáo, Thống đốc Nam kỳ Cognacq đành ra lệnh cho Bazin thả hết những người bị giam giữ.

Thoát tù, Trương Văn Thoại tiếp tục tìm nơi ẩn cư.

Bộc bạch trong hồi ký, thời gian này ông vào núi tu luyện thêm võ công.

Nông Huyền Sơn
Bạn đang đọc bài viết "Cuộc đời ly kỳ của "Đề lao hiệp khách" Sơn Vương (Kỳ I)" tại chuyên mục Đất & Người. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.