Chương trình “Tầm nhìn Thể thao Quốc gia 2030”: Thúc đẩy văn hóa - thể thao tại Malaysia

14/05/2024 08:13

Theo dõi trên

Chương trình “Tầm nhìn Thể thao Quốc gia 2030” được nhận định là một chương trình toàn diện, tích hợp và tập thể nhằm đưa Malaysia trở thành quốc gia thể thao.

50662malay-hangzhou-91908769638-1715649160.jpg

Chương trình “Tầm nhìn Thể thao Quốc gia 2030” (VSN2030) chính thức được ra mắt vào tháng 10/2022 nhằm mục đích thúc đẩy văn hóa thể thao ở Malaysia thông qua các sáng kiến toàn diện, tích hợp và tập thể, hứa hẹn sẽ mang đến làn gió mới cho nền thể thao quốc gia này với phương châm "Từ cộng đồng đến cộng đồng" (Daripada Komuniti Kepada Komuniti), kêu gọi sự tham gia của Gia đình Malaysia trong việc xây dựng chiến lược thể thao quốc gia.

"Đây cũng là một di sản thể thao, một công cụ đoàn kết vững chắc để đào tạo ra các vận động viên đẳng cấp thế giới. VSN2030 sẽ là tài liệu chính thức của Chính phủ trong việc phát triển thể thao nước nhà. Tài liệu sẽ được rà soát định kỳ để đảm bảo tính phù hợp trong việc thúc đẩy ngành thể thao tiếp tục phát triển đến năm 2030", ông Ismail Sabri Yaakob - Thủ tướng Malaysia giai đoạn 2021-2022 tuyên bố tại Lễ ra mắt Ngày Thể thao Quốc gia (HSN2022). Ông Ismail Sabri cũng cho biết, VSN2030 được xây dựng dựa trên nền tảng dân chủ trong thể thao, cởi mở lắng nghe ý kiến và tiếng nói của tất cả các bên.

Chương trình này bao gồm việc cung cấp học bổng và cơ hội cho các vận động viên xuất sắc giành chiến thắng trong các giải vô địch quốc tế, bắt đầu từ Đại hội Thể thao Malaysia (Sukma) đến các giải đấu quốc tế được Chính phủ công nhận để tiếp tục học tập. Đồng thời, các cựu vận động viên có chuyên môn cũng sẽ được cân nhắc làm huấn luyện viên thể thao và giáo dục, tham gia tìm kiếm tài năng thể thao ở cấp cơ sở thông qua Chương trình My Talent Identification (MyTID).

Ông Ismail Sabri cho biết, việc sửa đổi Luật Phát triển Thể thao năm 1997 sẽ giúp nâng cao tất cả các môn thể thao được liệt kê trong luật, đồng thời Thể thao điện tử (E-Sports) cũng sẽ được đưa vào. "Cuối cùng, các cơ sở thể thao cũng sẽ được nâng cấp để tăng cường khả năng tiếp cận, do đó khuyến khích người dân Malaysia tham gia các hoạt động thể thao nhiều hơn. Cùng nhau, chúng ta hãy ủng hộ những nỗ lực của Chính phủ để biến Malaysia thành một quốc gia thể thao, với mục tiêu ít nhất hai phần ba người dân Malaysia tập thể dục và tham gia thể thao ít nhất 5 buổi/1tuần, mỗi buổi 30 phút", ông Ismail Sabri kêu gọi.

Về HSN2022, ông Ismail Sabri chia sẻ thêm: Khoảng 4,5 triệu người Malaysia dự kiến tham gia các hoạt động thể thao khác nhau. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để Malaysia đào tạo ra các vận động viên đẳng cấp châu lục và thế giới trong tương lai lâu dài.

Theo Cục Thể dục Thể thao
Bạn đang đọc bài viết "Chương trình “Tầm nhìn Thể thao Quốc gia 2030”: Thúc đẩy văn hóa - thể thao tại Malaysia" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.