Chùa Kim Dung (Hà Tĩnh): Vẻ uy nghiêm trầm mặc của một cổ tự hàng trăm năm lịch sử

20/04/2023 10:19

Theo dõi trên

Chùa Kim Dung hay Kim Dung Tự tọa lạc ở lưng chừng dãy núi Bằng Sơn, thuộc thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh), là một trong những danh lam thắng cảnh tâm linh nổi tiếng. Từ đây nhìn ra 4 phía ta như lạc vào cõi mộng thần tiên với không khí trong lành với cảnh đẹp thiên nhiên và hơn tất cả là sự cuốn hút của quần thể di tích Chùa Kim Dung.

2-1681918140.jpg

Cách trung tâm thành phố Hà Tĩnh khoảng 15km, du khách thập phương có thể di chuyển bằng các phương tiện như ô tô, xe máy, xe đạp đến trung tâm huyện lỵ huyện Lộc Hà nhìn về hướng Đông Bắc sừng sững dãy Bằng Sơn cao hơn 200m, ở lưng chừng núi là quần thể chùa Kim Dung, đứng xa khoảng 5km vẫn nhìn thấy rõ mồn một. Đứng dưới chân núi nhìn lên trên độ cao chừng 100m, chùa Kim Dung như chào mời, vẫy gọi khách thập phương. Nếu đi bộ chỉ cần leo dốc một quãng ngắn ven theo bờ hồ nhỏ, dẫm lên mấy phiến đá để lách qua con khe cạn, quý khách đã đứng trước chùa hoặc có thể chạy xe lên đến chân chùa. Từ đây nhìn xuống, nhìn ra 4 phía xung quanh ta như lạc vào cõi mộng thần tiên với không khí trong lành và cảnh đẹp tự nhiên của biển trời lãng mạn, ruộng đồng, thế núi và hơn tất cả là sự cuốn hút của quần thể di tích Chùa Kim Dung.

Kim Dung cổ tự - một quần thể kiến trúc tôn giáo hài hòa, cổ kính

Bằng Sơn là dãy núi đơn độc, tọa lạc vào giữa vùng ven biển Lộc Hà, nằm theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Xa ở phía Bắc là dãy Hồng Lĩnh và phía Nam là núi nam giới, mặt Đông Bắc là biển, mặt Tây Nam là đồng bằng, làng mạc, là hướng tĩnh tâm của Phật thiền định. Có lẽ vì thế người xưa chọn vị trí này xây dựng chùa cũng như quần thể di tích ở đây. 

Theo cứ liệu lịch sử, chùa Kim Dung là nơi thờ Phật và thờ Đức Thánh Mẫu được nhân dân tôn lập từ thời Trần vào thế kỷ XIII. Chùa gắn liền với câu chuyện khi Kim Dung và Chữ Đồng Tử về núi Nam Giới để đi học cách kinh doanh buôn bán, từ đó chùa lấy tên là Kim Dung. Nơi đây còn ghi nhiều dấu tích từ thời Trang Vương, Hưng Đạo Vương kinh lý phía Nam khi đi qua vùng đất này thấy cảnh đẹp đã dừng chân nghỉ lại và làm việc.

6-1681918139.jpg
Tượng Phật Bà Quan Âm cao 18m. Ảnh: VH

Chùa được xây dựng với nhiều nét kiến trúc tôn giáo hài hòa cổ kính, trong khuôn viên của chùa có tượng Phật Bà Quan Âm cao 18m sừng sững giữa trời mây, tượng Quan Âm Tự Tại, hai bên chùa là hai khe suối, dưới chân chùa có hồ sen. Hơn thế nữa, chùa Kim Dung còn gắn với muôn vàn sự tích và huyền thoại lưu truyền từ bao đời nay về khe Thượng, khe Bầu, đá Ông - đá Mụ, đá Muỗng - đá Thìa, đá Ngai - đá Kiệu, đá Trống - đá Chiêng, đá Trâu - đá Lợn... và biết bao sự tích cỏ cây, hoa lá lung linh sắc màu vừa hư vừa thực. 

Vào ngày 28/11/1930 nhân dân nơi đây tổ chức cuộc mít tinh biểu tình với quy mô lớn, lấy Yên Bằng Sơn (Thạch Bằng) làm địa điểm kêu gọi đấu tranh sau đó tổ chức tuần hành với các khẩu hiệu: Đánh đổ đế quốc Pháp và Nam triều phong kiến; Thành lập chính phủ công nông binh; Tịch thu ruộng đất địa chủ chia cho nông dân; Bãi bỏ các thứ thuế, ngày làm 8 giờ, nam nữ bình đẳng.

5-1681918140.jpg
Tượng Quán Âm Tự Tại bên cạnh chùa, khi nhìn vào đây chỉ cần mỗi người biết quán chiếu chính mình, nhận chân được rõ ràng chính mình thì ngay giờ phút đó bản thân mỗi người đã thành tựu được tự tại rồi. Ảnh: VH 

Hơn 10 ngày sau, ngày 11/12/1930 nhân kỷ niệm công xã Quảng Châu, tại Yên Bằng Sơn lại chứng kiến một cuộc biểu tình rầm rộ hơn, quy mô hơn. Quần chúng nhân dân nô nức đón chờ ngày hành động, chuẩn bị thuyền bè qua sông, thức ăn nước uống, gói bánh nấu xôi để tiếp tế cho đoàn biểu tình. Đêm 10 rạng sáng 11/12 nhân dân xã Thạch Bằng (nay là thị trấn Lộc Hà) cùng đông đảo đồng bào các xã lân cận (Thạch Kim, Mai Phụ, Thạch Châu) kẻ cào, người cuốc, kẻ gậy tre, người giáo mác bừng bừng khí thế tham gia cuộc biểu tình để kéo vào thị xã Hà Tĩnh đấu tranh, biểu dương lực lượng áp đảo kẻ thù và đưa yêu sách. Sau cuộc biểu tình này, khí thế cách mạng của quần chúng càng tăng cao, các đội tự vệ tăng cường hoạt động làm sao cho bọn hương lý, tay sai hết sức run sợ nhiều tên phải trốn chạy.

8-1681918140.jpg
Nét kiến trúc hài hòa, cổ kính tại chùa Kim Dung. Ảnh: VH

Tháng 3/1931, kỷ niệm công xã Paris (18/3) một cuộc biểu tình lớn nữa lại nổ ra tại Yên Bằng Sơn với trên 2.000 người tham gia. Sau đó, đoàn biểu tình rầm rộ kéo qua các xã Thạch Kim, Mai Phụ, Hộ Độ biểu dương lực lượng và truy bắt bọn phản động ác ôn để trừng trị làm bọn chúng khiếp sợ phải quay đầu vào thị xã Hà Tĩnh. Yên Bằng Sơn trở thành một biểu tượng cách mạng oai hùng, mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân Thạch Bằng và của nhân dân vùng biển ngang Cửa Sót. Hơn thế nữa, Yên Bằng Sơn còn là nơi ghi lại hình ảnh hiên ngang của người chiến sỹ cách mạng làng Xuân Khánh (Thạch Bằng) Nguyễn Văn Hinh khi ra pháp trường đón nhận cái chết trước mũi súng của bọn cướp nước và bán nước sau những ngày bị giam cầm và tra tấn cực hình ở nhà lao Hà Tĩnh nhưng kiên quyết không khai báo một lời làm tổn hại cách mạng và danh dự của Đảng.

Những ngày đầu cách mạng và cả những thời kỳ cách mạng khó khăn hoạt động bí mật, đỉnh Bằng Sơn luôn rực rỡ tươi thắm lá cờ đỏ búa liềm cổ vũ tinh thần cách mạng và củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng. Nhân dân trong rừng giờ đây vẫn tự hào kể lại, hễ lá cờ đỏ búa liềm bị hạ xuống, thì sáng sớm hôm sau lại đã phấp phới tung bay trên nền trời Bằng Sơn như một sự thần kỳ. Còn ngôi chùa Kim Dung cổ kính vẫn khiêm tốn nép mình dưới rừng cây kín đáo được sử dụng làm nơi hội họp và liên lạc bí mật của Đảng, tránh những con mắt rình rập của bọn mật thám tay sai.

Chùa Kim Dung cùng với Chùa Chân Tiên (xã Thịnh Lộc), miếu Biên Sơn (xã Hồng Lộc) là những cơ sở hoạt động bí mật của Đảng, góp phần đưa đến những thành công to lớn của cách mạng. Giờ đây, đất nước thanh bình, có dịp tới vãn cảnh chùa và nhớ về những sự kiện năm xưa mới thấy ý nghĩa càng lớn lao, càng thêm trân trọng.

2-1681918140.jpg
Cây đa cổ thụ gắn liền với ngôi chùa hàng trăm năm nay. Ảnh: VH

Di tích danh lam thắng cảnh nổi tiếng

Bằng Sơn là dãy núi độc lập nổi lên giữa vùng đồng bằng rộng lớn ven biển và Quần thể di tích Chùa Kim Dung nằm ở lưng chừng dải núi. Từ đây có thể nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn biển trời non nước, làng mạc, ruộng đồng của nhiều xã giáp ranh giữa huyện Lộc Hà - Thạch Hà và Can Lộc. Ruộng đồng, lạng mạc chia ô bàn cờ, nhiều công trình xây dựng cao tầng nổi lên ngay dưới quần thể chùa; quanh tỏa xanh cây cối, sông ngòi, kênh mương như những dải lụa mềm mại có ánh bạc nối liền giữa các vùng cảnh quan thật là ngoạn mục, toát lên sự bình yên và sung túc.

Lên đỉnh Bằng Sơn nhìn ra bốn phía sẽ thấy nới đây là dải kỳ quan bên bờ biển Đông bởi đây có cả một quần thể di tích kiến trúc lịch sử của chùa Bảo Định, chùa Kim Dung, đền thờ Trần Hưng Đạo, đền thờ Mẫu Liễu, Bích Châu,... Đường lên chùa Kim Dung và Bằng Sơn ngoằn ngoèo, chỗ dốc, chỗ phẳng, có khe suối róc rách, có cây cỏ muôn hình dạng, sắc màu hấp dẫn khách vãn cảnh về du lịch. Con người hòa quyện với thiên nhiên một cách tự nhiên, thoải mái không bị mặc cảm bởi những day dắt đời thường. Non nước cảnh sắc Bằng Sơn mãi mãi vẫn là một đề tài vô tận cho những nhà nghiên cứu, sáng tạo văn học nghệ thuật văn hóa, lịch sử.

10-1681918140.jpg
Cổng vào quần thể di tích. Ảnh: VH

“Kim Dung chùa cổ tình non nước/ Sót Hải đền xưa nghĩa đá vàng”

Có thể nói, chùa Kim Dung là một danh tháng nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên quyến rũ và linh thiêng, phù hợp với loại hình văn hóa tâm linh gắn với du lịch sinh thái. Khi đến đây du khách sẽ cảm nhận được khí hậu thật trong lành bởi một bên là núi, một bên là biển rộng, bốn mùa hương hoa đua nở khoe sắc như chốn “bồng lai tiên cảnh”. Đây là một danh thắng kỳ thú gắn với yếu tố tâm linh ngàn đời, được du khách thập phương sùng kính, ngưỡng vọng về đây chiêm bái, cầu nguyện. Lễ hội chùa Kim Dung được diễn ra vào ngày 14, 15 tháng 3 âm lịch hàng năm.

Viết Hải
Bạn đang đọc bài viết "Chùa Kim Dung (Hà Tĩnh): Vẻ uy nghiêm trầm mặc của một cổ tự hàng trăm năm lịch sử" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.