Chùa Chân Tiên (Hà Tĩnh): Tiên An đệ nhất danh lam

14/03/2023 09:05

Theo dõi trên

Chùa Chân Tiên (Chân Tiên Tự) tọa lạc trên đỉnh núi Tiên An là một trong 99 ngọn núi của dãy Hồng Lĩnh, được xây dựng vào thời nhà Trần (thế kỷ XIII) và được tôn xưng là “Tiên An đệ nhất danh lam”, nổi tiếng bởi khung cảnh nên thơ, hùng vỹ, xung quanh có rừng thông mọc tự nhiên trùng trùng điệp điệp xanh tươi bốn mùa.

z4178643679672-802c0d00bc87b8f5b622188d0ca769ba-1678698033.jpg
Chùa Chân Tiên ở Hà Tĩnh được tôn xưng là "Tiên An đệ nhất danh lam". Ảnh: Viết Hải

Chùa Chân Tiên thuộc xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh), sát bên bờ biển Đông. Chùa nằm trên đỉnh núi Tiên An. Cách chùa Chân Tiên 5m về phía Đông trên một tảng đá hoa cương có hình dấu chân người, tương truyền đây là dấu chân Tiên để lại sau khi xuống chốn trần gian du ngoạn. Cạnh đó là dòng suối chảy róc rách ngày đêm hòa với tiếng thông reo, sóng biển tạo nên bản nhạc sôi động, trầm hùng. Bên suối có giếng nước trong có thể nhìn thấy đận đáy, không bao giờ cạn.

Trên núi Tiên An, ngoài chùa Chân Tiên còn có nhiều động như: Động Trúc, Động Mai, Động Thạch Thất, Động Đá Người… Nhiều hang đá xưa có tiếng như đá Bàn cờ, đá Giã gạo, đá Cối xay, đá Mười hai cửa, đá Người, đá Cô, đá Cậu, đá Thuyền, đá Lợn, đá Ngựa, đá Voi… Đặc biệt có đá Chồng, đá Vợ cao lớn sừng sững sánh đôi ngàn đời dưới chân núi, mặt hướng về biển cả mênh mông. Dưới chân núi, trước mặt chùa Chân Tiên có Bàu Tiên, từ trên nhìn xuống tựa như tấm gương khổng lồ thu cảnh sắc trời mây. Gần sát Bàu Tiên có tảng đá bằng phẳng hình chữ nhật, mặt trên vạch những đường thẳng ngang dọc, gọi là Bàn Cờ Tiên. Theo người dân nơi đây thì dưới Bàu Tiên có những mạch nước ngầm thông qua Hồng Lĩnh, qua Khe Hao nên mặt nước Bàu bao giờ cũng tràn đầy. Phía Nam Bàu Tiên là đỉnh Hàm Rồng. Trên đỉnh có nền Sơn Tinh. Phía Đông Bàu là động cát vàng, bên động cát có có nền Hoàng Thạch, vì xưa kia Hoàng Thạch thường về đây tắm và hóng gió và thuyền của thủy thần đã từng dạo trên Bàu Tiên. Phía Đông chùa Chân Tiên là biển cả bao la. Hàng trăm tàu thuyền đánh cá vào lộng ra khơi, hàng trăm cánh buồm lộng gió tạo nên sức sống của một làng biển miền Trung.

1-1678696299.jpg
Trước mặt chùa là Bàu Tiên với cảnh sắc trời mây hùng vĩ. Ảnh: Viết Hải

Chùa Chân Tiên được xây dựng vào thời nhà Trần (thế kỷ XIII) lúc bấy giờ kiến trúc còn đơn giản. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, chùa bị hư hỏng nặng và phải tu sửa nhiều lần. Chùa gồm 2 tòa, một tòa thờ Phật tổ, nột tòa thờ Thánh Mẫu. Tòa thờ Phật có kiến trúc gồm 3 gian lợp ngói âm dương, 4 cột xây, tường bao 3 phía. Trước mặt tiền phái trên có 3 chữ Hán: “Chân Tiên tự”. Hai bên hiên chùa có tượng quan văn, quan võ. Vào chùa sẽ thấy hai câu đối, đáng chú ý là câu: “Tùng Sơn địa thắng lưu tiên tích/ Hồ thủy thiên quang ánh phật đường”. Nghĩa là: Núi thông nơi danh thắng, dấu Tiên còn lưu lại/ Nước hồ và ánh trời rạng rỡ, cửa Phật càng sáng lên.

Tòa thờ Thánh Mẫu còn gọi là “Điện Thánh Mẫu” gồm thượng điện, kiệu Long Đình, bái đường. Trước cửa thượng điện đề 4 chữ Hán “Thiên hạ Mẫu nghi” (Người mẹ hiền trong thiên hạ) và hình con phượng giang cánh bay. Bốn góc mái có hình rồng và hoa lá viền quanh. Trong điện trên mái sau có 3 chữ Hán: “Thượng Thánh cung” (cung của Thánh Thượng). Kiệu Long Đình là nơi đặ đồ tế lễ và hương hoa của khách đến viếng. Bốn đầu đao trên mái kiệu có 8 hình rồng. Trong kiệu có 8 con hạc chầu. Hai bên hành lang thờ bộ hạ của Thánh Mẫu.

Bái đường trước cửa có 3 chữ Hán: “Tạ phúc đường” (nhà cầu phúc). Bốn cột nhà đều có treo câu đối ca ngợi công đức của Thánh Mẫu. Trong chùa Chân Tiên hiện có 14 tượng Phật làm bằng gỗ mít, một bàn thờ, một lư hương, một hương án, một trống, mõ…

6-1678700375.jpg

Chùa Chân Tiên không chỉ là một danh thắng có nhiều yếu tố cảnh quan như núi non, mặt nước, cây xanh, công trình kiến trúc hài hòa mà còn là một di tích cách mạng. Trải qua các thời kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước, mảnh đất Thịnh Lộc là nơi sản sinh ra nhiều người có công với nước. Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh (1655 - 1666), Ninh quận công Trịnh Toàn cùng tướng sỹ đem quân vào đánh chúa Nguyễn đã lập căn cứ tại vùng đất Thịnh Lộc đến Hồng Lộc ngày nay. Ở chùa Chân Tiên có đội quân hỏa lực của chúa Trịnh. Từ năm 1885 - 1896 , các chí sỹ trong phong trào Cần Vương chống Pháp quê xã Thịnh Lộc đã tham gia nghĩa quân Phan Đình Phùng, chọn địa điểm rừng thông chùa Chân Tiên làm nơi luyện tập binh pháp. Đến phong trào chống thuế Trung Kỳ năm 1908, Nguyễn Hàng Chi chọn vùng này để tập trung các nho sỹ bàn mưu tính kế tổ chức đấu tranh biểu tình đồi giảm sưu thuế. Năm 1928, tiểu tổ Tân Việt xã Thịnh Lộc gồm các ông: Hoàng Khoái Lạc, Võ Quê, Nguyễn Cứ, Hồ Ngọc Tàng, Hoàng Liên, Trần Châu, Trần Xu… tổ chức họp tại chùa.

z4178643710294-7e6453016f9f636b6870737d6766db83-1678698025.jpg
Hình dấu chân người nằm trên tảng đá hoa cương, tương truyền đây là dấu chân Tiên để lại sau khi xuống trần gian du ngoạn. Ảnh: Viết Hải
Từ ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Chùa Chân Tiên đã trở thành nơi hội họp của chi bộ, đảng viên đi dự họp mang theo hương đèn đến chùa như người đi lễ Phật để che mắt địch. Tại đây, chi bộ Đảng Yên Điềm tổ chức đại hội thành lập vào ngày 25/4/1930 gồm 8 đồng chí do đồng chí Dương Nghiêm làm Bí thư. Trong thời kỳ Xô Viết Nghệ Tĩnh, chùa là trung tâm liên lạc hội họp in ấn tài liệu của Tổng bộ và Chi bộ Đảng Cộng sản. Tài liệu được bỏ vào tượng Phật và ở khe đá 12 cửa cách chùa 10m. Trong những ngày 30/4 và 01/5/1930 cờ Đảng phấp phới bay trên đỉnh núi Tiên An, ngày 28/7 các đồng chí trong Tỉnh ủy và Huyện ủy đã tổ chức cuộc họp với chi bộ Yên Điềm tại chùa Chân Tiên để bàn kế hoạch hưởng ứng kỷ niệm ngày phản đối đế quốc tiến hành chiến tranh. Sáng ngày 01/8/1930 dưới sự lãnh đạo của Đảng và chi bộ Yên Điềm, 350 nông dân xã Thịnh Lộc cùng các xã lân cận tập trung biểu tình tại chợ Vùn kéo đến Truông Gió (Hồng Lộc) rồi nhập vào đoàn thượng Can Lộc kéo vào huyện lỵ. Ngày 05/11/1930, Tổng bộ Phù Lưu và Huyện ủy Can Lộc đã tổ chức cuộc họp tại chùa Chân Tiên để bàn cách thiết thực ủng hộ Cách mạng tháng Mười Nga… Với những giá trị về văn hóa tâm linh cũng như lịch sử cách mạng, ngày 31/01/1992, Bộ Văn hóa - Thông tin đã có Quyết định số 138/QĐ xếp hạng chùa Chân Tiên là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Viết Hải
Bạn đang đọc bài viết "Chùa Chân Tiên (Hà Tĩnh): Tiên An đệ nhất danh lam" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.