
Quá trình phát triển nghề gốm Chăm ở Bình Thuận đến nay vẫn chưa có một tài liệu nào ghi chép đầy đủ và hệ thống. Do đặc trưng xã hội mẫu hệ của người Chăm, những bí quyết nghề truyền thống thường chỉ được người mẹ truyền lại cho con gái, tạo nên tính kế thừa khép kín và độc đáo của nghề.
Làng Bình Đức hiện có hơn 200 hộ làm nghề gốm truyền thống. Với đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, mỗi sản phẩm gốm được tạo hình mang đậm dấu ấn riêng, từ dáng vẻ đến hoa văn. Các công đoạn trong quy trình làm gốm - như đập đất, ủ đất, nhào trộn, tạo hình sản phẩm khi còn ướt, phơi, chỉnh hình, chà nạo, đánh bóng trước khi nung - đều do phụ nữ đảm nhiệm, thao tác theo một quy trình thủ công đầy tinh tế và kinh nghiệm.
Tuy nhiên, người đàn ông trong làng nghề cũng đóng vai trò không nhỏ, chủ yếu đảm nhận những công đoạn nặng nhọc như đào và vận chuyển đất sét, thu gom củi, rơm, mang gốm đến lò nung và chuyển sản phẩm đã hoàn thiện về nhà.
Một nét đặc biệt trong kỹ thuật làm gốm Gọ là nghệ nhân không sử dụng bàn xoay mà dùng những dụng cụ rất thô sơ như bàn kê, miếng vải thô để nắn, chỉnh từng chi tiết. Với những sản phẩm có kích thước lớn, nghệ nhân phải thao tác trên mặt sân phẳng, đòi hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm lâu năm, chỉ những người lớn tuổi, già nghề mới có thể thực hiện.
Gốm Chăm được nung hoàn toàn ngoài trời. Thông thường, một lần nung phải có từ vài trăm đến 1.500 – 2.000 sản phẩm, với nhiệt độ khoảng 500 – 600 độ C. Nhiều gia đình có thể nung chung một mẻ. Thời gian nung phụ thuộc vào số lượng sản phẩm, và nghệ nhân phải theo dõi kỹ lưỡng để điều chỉnh lượng lửa. Khi hoàn thiện, gốm Bình Đức có các màu đặc trưng như vàng, đỏ, đỏ hồng, xanh nâu, đen... nhờ sự kết hợp tự nhiên giữa màu đất, vỏ quả thị và phương pháp nung truyền thống. Gốm có độ bền cao, không thấm nước và ít bị phai màu theo thời gian, được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Sản phẩm gốm Gọ đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại, thường được sử dụng trong đời sống sinh hoạt như: nồi nấu cơm, nồi kho cá, bình cắm hoa, lò nấu, bình phong thủy… Mỗi sản phẩm đều toát lên vẻ đẹp mộc mạc, mềm mại, đậm chất thủ công và mang theo hơi thở văn hóa Chăm từ ngàn đời.
Trước nguy cơ mai một và thất truyền, vào ngày 29/11/2022 (giờ địa phương - tức 22 giờ 12 phút ngày 29/11/2022, giờ Việt Nam), tại phiên họp lần thứ 17 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, diễn ra tại Rabat – thủ đô Vương quốc Ma-rốc, "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" chính thức được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.