Lộc Hà (Hà Tĩnh): Đón nhận bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Đền Vĩnh Tuy

02/04/2022 11:25

Theo dõi trên

Sáng nay (02/4), chính quyền và nhân dân xã Phù Lưu (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đã long trọng tổ chức đón nhận bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Đền Vĩnh Tuy.

3-1648869836.jpg
Ông Trần Xuân Lương - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh trao bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh cho chính quyền xã Phù Lưu.

Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh, lãnh đạo huyện Lộc Hà, đại diện chính quyền địa phương cùng bà con nhân dân xã Phù Lưu.

Đền Vĩnh Tuy (còn có tên gọi khác như: Đền Thành Hoàng, Đền thờ Trần Đức Lân), thuộc thôn Thái Hòa, xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà. Từ thành phố Hà Tĩnh theo Đường tỉnh 547 (Tỉnh lộ 9 cũ) đi về xã Phù Lưu, đến trước cầu Trù rẽ trái, đi theo đường đê ven sông Nghèn, đi tiếp 2km sẽ đến Đền Vĩnh Tuy.

Đền ngoảnh mặt về hướng Đông, trong một khuôn viên riêng đã được xây tường bao xung quanh. Phương tiện giao thông đến với di tích rất thuận lợi, có thể đi bằng xe ô tô, xe máy, xe đạp…

4-1648869796.jpg
Chính quyền địa phương cùng bà con nhân dân long trọng tổ chức lễ rước bằng di tích.

Phù Lưu là địa phương giàu truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng. Tại đây còn lưu giữ nhiều chứng tích lịch sử quan trọng như Đền Ngọc Mỹ, đình Thanh Lương, chùa Thanh Lương, đền Vĩnh Tuy… Đặc biệt tại đây còn có cây đa cổ hàng trăm năm tuổi. Hình ảnh cây đa này chính là ngọn nguồn cảm xúc để Chính Hữu viết nên bài thơ "Đồng chí".

Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau
Súng bên súng đầu sát bên đầu.
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ
Đồng chí!
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày.
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay.
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh.
Sốt run người, vừng trán ướt mồ hôi…

anh-1-1648869796.jpg
Đền Vĩnh Tuy hiện nay khang trang và bề thế hơn nhờ sự phát tâm công đức của con em xa quê trên mọi miền Tổ quốc. 

Theo cứ liệu lịch sử, Trần Đức Lân là người đã có công rất lớn trong việc chiêu dân lập ấp, khai khẩn đất hoang, truyền nghề mưu sinh, dạy dân trồng lúa, làm nghề gốm… đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân địa phương. Ông là con thứ 5 của Quan Đông các Đại học sỹ Trần Đức Mậu. Trần Đức Lân đã được phong làm Thành hoàng làng Vĩnh Tuy. Việc xếp hạng di tích Lịch sử - văn hóa Đền Vĩnh Tuy là hoàn toàn có cơ sở khoa học.

Đền Vĩnh Tuy trước đây có ba toà: Thượng điện, Trung điện và Hạ điện. Về sau, đền xuống cấp dần.

Năm 1948, theo chủ trương hợp tự của Nhà nước, bài vị, sắc phong và một số đồ tế khí của đền được chuyển về đền Thanh Hòa (đền chợ Huyện).

Năm 1962, đền bị tàn phá nghiêm trọng, thành phế tích.

Năm 1994, một số cụ cao niên và nhân dân trong làng cùng đóng góp tiền bạc, công sức xây dựng lại một ngôi miếu nhỏ đề thờ vọng Thành hoàng làng Trần Đức Lân.

Đến năm 2014, ông Trần Quốc Xanh là hậu duệ của cụ Trần Đức Lân cùng với con em xa quê trên khắp mọi miền Tổ quốc đã phát tâm công đức, xây dựng lại một ngôi đền mới với kiến trúc một tòa ba gian, cùng các hạng mục như tam quan, bình phong, tháp chuông… khang trang, bề thế. Điều này đã tạo điều kiện rất thuận lợi giúp nhân dân địa phương tổ chức tốt các sinh hoạt văn hóa tâm linh hàng năm. 

Các lễ tế, lễ hội và sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng quan trọng trong năm: Lễ tế Tết Nguyên đán, lễ tế rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy. Trong đó, lễ chính vào ngày Mồng 4/3 Âm lịch, lễ Lục ngoạt ngày 6/6 Âm lịch.

Nhìn chung, các hoạt động văn hóa tâm linh, tín ngưỡng tại di tích đều được tổ chức trang nghiêm, chu đáo, thành kính. Các lễ thức đều tuân theo truyền thống văn hóa của người Việt và phong tục, tập quán của địa phương.

Đền Vĩnh Tuy là một công trình có giá trị về văn hoá và nghệ thuật độc đáo. Đây là một địa chỉ tâm linh đã được nhân dân địa phương lưu giữ, bảo tồn và phát triển lâu đời. Đồng thời, đây cũng là nơi thờ tự của một trong những người có công đầu trong việc khai khẩn vùng đất Vĩnh Thái xưa, Vĩnh Tuy ngày nay.

Qua các hoạ tiết trang trí ở tắc môn và đặc biệt là mặt trước nhà thờ... chúng ta thấy được được sự khéo léo của các nghệ nhân xưa. Sự sống động, tinh tế của các đường nét hoa văn cùng sự hài hoà của không gian, bố cục xây dựng chứng tỏ đây là một công trình bề thế, được nhân dân dày công xây dựng, được cộng đồng làng xã trông coi, gìn giữ, chăm chút cẩn thận. 

Hiện nay, Đền Vĩnh Tuy là một là di tích có ảnh hưởng lớn trong đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân trong xã Phù Lưu và các vùng phụ cận. Đây là nơi lưu giữ tư liệu có giá trị giúp chúng ta hiểu về cội nguồn, những nét văn hóa truyền thống của người Việt đồng thời hiểu thêm về lịch sử dân tộc qua các nhân vật có công với đất nước và làng xã.

Viết Hải
Bạn đang đọc bài viết "Lộc Hà (Hà Tĩnh): Đón nhận bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Đền Vĩnh Tuy" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.