Treo tranh Đồng Hồ trong ngày tết đã trở thành một thú chơi tao nhã, một phong tục đẹp của người nông dân Việt Nam xưa. Đặc biệt là thời kỳ thịnh vượng nhất của tranh Đông Hồ từ thế kỷ thứ XIX đến năm 1944. Cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán, hầu hết các gia đình dù giàu hay nghèo đều treo những bức tranh dân gian với màu sắc tươi tắn lên tường nhà để không khí thêm phần rộn rã, ấm cúng. Tranh tết Đông Hồ không chỉ là sự minh họa về ngày tết bằng hình ảnh biểu tượng dân dã, gần gũi, mà thông qua nội dung của các bức tranh này là sự gửi gắm những thông điệp ẩn ngữ đầy tính nhân văn với lời chúc phúc cho một năm phát tài, phát lộc, vạn sự như ý.
Đến nay, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Tuy nhiên, cũng như nhiều làng nghề truyền thống khác, làng nghề tranh dân gian Đông Hồ đang có nguy cơ bị mai một do sức ép của cơ chế thị trường. Với xu hướng thời đại công nghệ, hiện nay nhiều sản phẩm nghệ thuật hay đồ lưu niệm được sản xuất hàng loạt với số lượng và thời gian lấn át các sản phẩm truyền thống. Theo thống kê, làng tranh Đông Hồ tại xã Song Hồ có hơn 1.500 nhân khẩu với khoảng gần 400 hộ dân. Trong đó, có hơn 90 hộ dân bỏ tranh khắc gỗ để chuyển sang sản xuất, buôn bán vàng mã và chỉ còn rất it gia đình vẫn bám trụ lại với nghề với mong muốn giữ gìn nghề truyền thống của cha ông để lại. Cho đến thời điểm này, những bản tranh khắc gỗ cổ đã hư hỏng và thất thoát khá nhiều. Tuy nhiên, theo ước tính tại các hộ dân làm nghề trong làng vẫn còn lưu giữ hàng nghìn bản tranh khắc gỗ. Bên cạnh đó, số ít hộ dân vẫn duy trì nghề làm tranh còn giữ được cách thức khắc gỗ cũng như bí quyết sản xuất tranh Đông Hồ nguyên gốc.
Vào giữa tháng 3/2013, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL đã phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan chuyên môn bước đầu tiến hành nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học cho Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ để đệ trình Unesco đề nghị công nhận Di sản văn hóa phi vật thể. Đây là tiền đề cũng như cơ hội để phát triển và bảo tồn loại hình văn hóa độc đáo có truyền thống của dân tộc.
Theo đó, để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của dòng tranh quý này, vừa qua Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ, huyện Thuận Thành, giai đoạn 2014-2020 và định hướng đến 2030” với tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn khác.
Đề án được xây dựng với mục tiêu nhằm khẳng định giá trị nổi bật của tranh dân gian Đông Hồ; xác định hiện trạng và nguy cơ mai một của dòng tranh này; nâng cao nhận thức và hành động của chính quyền địa phương và cộng đồng trong việc bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa của tranh dân gian Đông Hồ; quảng bá, giới thiệu tranh dân gian Đông Hồ ra thế giới và tiến hành việc hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ" bao gồm các dự án: dự án phục hồi, phát triển tranh dân gian Đông Hồ được thực hiện từ 2014-2016 với kinh phí 2,1 tỷ đồng; dự án xây dựng Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị tranh dân gian Đông Hồ được thực hiện từ 2014-2020, kinh phí thực hiện là 50 tỷ đồng và dự án xây dựng hồ sơ ứng cử Quốc gia tranh dân gian Đông Hồ trình UNESCO đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, thực hiện từ 2014-2016 với kinh phí 7,8 tỷ đồng.