Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer

12/07/2022 21:19

Theo dõi trên

Đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ ở Kiên Giang có các loại hình nghệ thuật truyền thống tinh túy, đặc sắc có vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần. Những năm qua, đối với đồng bào Khmer Nam bộ, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản, chính sách nhằm hỗ trợ đồng bảo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phát triển mọi mặt kinh tế - văn hoá - xã hội, trong đó có việc bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer.

3333-1657635360.jpg
Nhạc cụ ngũ âm là âm nhạc dân gian đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer

Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Khmer thời gian qua chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức nên còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí và nguồn nhân lực. Công tác vận động xã hội hóa chưa mang lại hiệu quả cao. Số lượng nghệ nhân, nghệ sỹ Khmer giỏi, tỉnh thông nghệ thuật còn lại rất ít. Nghệ nhân Khmer do tuổi già sức yếu nên ngày càng ít đi, lớp thanh niên trẻ ít được tiếp cận và quan tâm gìn giữ các loại hình nghệ thuật dân tộc. Công tác truyền dạy các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer còn nhiều hạn chế. Nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer bị mất dần theo thời gian. 

Việc Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án triển khai Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025 là một việc làm hết sức cần thiết, vừa mang tính cấp bách, vừa có tính chất lâu dài nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc.

Thời gian tới, tỉnh tổ chức các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer như: Hội thảo thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Khmer ở Kiên Giang. Sưu tầm phân loại, xác minh, hiệu chính, hệ thống hóa các thông tin, bài bản nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer. Tổ chức điều tra xã hội học, kiểm kê, thống kê dữ liệu về văn hoá truyền thống Khmer. Hoàn thành cơ sở dữ liệu về nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer ở Kiên Giang. Thực hiện các phim tài liệu, ảnh tư liệu về 10 loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer tiêu biểu ở Kiên Giang. 

mua-3346367-1657635470.jpg
Múa Múa Rua Băm Srok Sre (hay còn gọi là Rua Băm miền quê) của đồng bào Khmer

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động truyền dạy, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống Khmer. Lựa chọn địa điểm mở các lớp trong cộng đồng, nhà chùa Khmer, các trường dân tộc nội trú, Trường Cao đẳng Nghề và Trung tâm Văn hoá tỉnh. Trong đó ưu tiên mở các lớp truyền dạy cho đối tượng thanh thiếu niên Khmer có năng khiếu và đam mê hoạt động văn nghệ truyền thống về các loại hình nghệ thuật như: sân khấu Dù kê, múa hát dân gian Khmer, nhạc ngũ âm. Liên kết với các Trường Đại học, nơi có chức năng đào tạo văn hoá nghệ thuật Khmer để tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ nghiên cứu, sáng tác, dàn dựng trong nghệ thuật biểu diễn Khmer cho đội ngũ nghệ nhân, diễn viên, các nhà nghiên cứu, sáng tác, dàn dựng, diễn xưởng nghệ thuật truyền thống Khmer tại Kiên Giang. Tổ chức các lớp tập huấn triển khai các văn bản về văn hóa dân tộc, nghiệp vụ sưu tầm văn hóa Khmer cho công chức văn hóa cấp xã và Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện. Hỗ trợ phương tiện để các chùa Khmer bảo quản hoặc trưng bày các di vật, cổ vật, nhạc cụ, sách lá và các hiện vật liên quan đến các loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer. 

Sở văn hóa sẽ định kỳ tổ chức Liên hoan nghệ thuật truyền thống Khmer ở cấp huyện 2 năm một lần và cấp tỉnh 3 năm một lần. Phát động phong trào luyện tập, biểu diễn văn nghệ trong đồng bào Khmergắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và chương  trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích mỗi huyện vùng đồng bào Khmer thành lập mới mô hình Câu lạc bộ văn nghệ truyền thống, trong đó thành lập, củng cố và duy trì hoạt động ít nhất 02 đội văn nghệ quần chúng Khmer để làm nòng cốt phát triển phong trào giao lưu biểu diễn nghệ thuật truyền thống Khmer tại cơ sở. Thành lập “Câu lạc bộ văn nghệ truyền thống Khmer tỉnh Kiên Giang” trực thuộc Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Kiên Giang. Phát động cuộc thi viết kịch bản mới cho nghệ thuật sân khấu Dù kê, dân ca Khmer. Đây là nguồn kịch bản cần thiết giúp Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang và Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang biên tập, chuyển thể, dàn dựng thành chương trình phát thanh, kịch bản truyền hình, kịch bản biểu diễn lưu động.

mua-264888-1657635518.jpg
Điệu múa Apsara của đồng bào dân tộc Khmer là một trong những vũ điệu cung đình độc đáo, ấn tượng

Điều tra, khảo sát về nghệ thuật múa truyền thống Khmer. Hỗ trợ luyện tập, biểu diễn nghệ thuật múa Khmer tại các lễ hội tiêu biểu của tỉnh. Mở lớp truyền dạy cho bộ môn nhạc cụ ngũ âm. Tổ chức điều tra, khảo sát về âm nhạc dân gian Khmer. Thực hiện phim, ảnh tư liệu về nghệ thuật Dân ca Khmer, âm nhạc trong tín ngưỡng, tôn giáo của người Khmer. Tổ chức cuộc thi viết lời mới cho dân ca Khmer. Hỗ trợ thành lập mới các Câu lạc bộ văn nghệ truyền thống Khmer ở các huyện và “Câu lạc bộ văn nghệ truyền thống Khmer tỉnh Kiên Giang” trực thuộc Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang. 

Khen thưởng, biểu dương những nghệ nhân Khmer xứng đáng, đề nghị Nhà nước công nhận danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” để động viên, khuyến khích các nghệ nhân tiếp tục truyền dạy những loại hình nghệ thuật truyền thống cho thế hệ con em đồng bào dân tộc Khmer. 

Đồng thời Sở Du lịch sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên hệ thống báo, đài của tỉnh. Xây dựng các sản phẩm truyền thông để đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bả về nghệ thuật truyền thống Khmer Kiên Giang từng bước xây dựng nghệ thuật truyền thống Khmer thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc trưng của tỉnh./.

Nguyễn Hoa
Bạn đang đọc bài viết "Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.