Rác thải có ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe của con người và môi trường sinh thái, đặc biệt là phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ với khối lượng khoảng 151,338 tấn/năm; bao bì gói thuốc bảo vệ thực vật phát sinh trên địa bàn huyện sau 2 vụ khoảng 2,6 tấn. Chất thải rắn nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế trên địa bàn huyện khoảng 15kg/ngày,…
Để giữ gìn cảnh quan môi trường sinh thái, ở mỗi ấp trên địa bàn xã của huyện đều có bảng quy ước ấp văn hóa để các hộ dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cam kết thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường. Mỗi xã đều có 01 công chức phụ trách quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Từ đó đã góp phần thay đổi nhận thức của nhân dân về vấn đề môi trường. Các phụ phẩm rơm, rạ được nông dân dùng máy cuộn rơm thành cuộn tròn phục vụ việc trồng nấm, hoa, cây cảnh,… cải thiện kinh tế và không gây ô nhiểm trường, không có hiện tượng đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng hoặc vứt bừa bãi nơi công cộng, cản trở giao thông.
Xây dựng trên 100 hố thu gom vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng trong sản xuất nông nghiệp tại các tuyến đường bộ, đường ra cánh đồng và chuyển giao cho đơn vị chức năng thu gom xử lý theo quy định.
Chất thải y tế được thiêu hủy tại lò đốt rác của Trung tâm y tế huyện. Chất thải rắn y tế thông thường (124kg/ngày) nhân viên y tế phân loại để tái sử dụng hoặc tập trung thiêu hủy trong lò đốt của Trung tâm y tế; chất thải rắn sinh hoạt thông thường của bệnh viện và trạm y tế được xe thu gom và đốt tại các lò đốt được đặt tại các trạm y tế.
Ngoài việc thu gom rác về bãi rác tập trung của huyện, nhân dân tự xử lý bằng các biện pháp như: tái sử dụng, ủ phân compost, xây dựng hố rác gia đình hoặc đốt tại hố đốt của các gia đình ước khoảng 15,5 tấn/ngày. Xe thu gom rác thu gom khu vực thị trấn và một phần của các xã Vĩnh Phong, Vĩnh Bình Nam, Vĩnh Bình Bắc, Bình Minh, Tân Thuận với khối lượng trung bình 10.5 tấn/ngày. Theo thống kê có khoảng 25% được thu gom xử lý tại bãi chôn lấp, khoảng 20% được xử lý bằng chôn lấp hoặc đốt rác hộ gia đình.
Người dân sinh sống trong khu dân cư đầu tư xây dựng hầm tự hoại 03 ngăn, nước thải sau đó đổ vào hệ thống cống thoát nước chung. Các hộ dân sống ngoài khu dân cư tập trung, dọc theo các tuyến đường giao thông đầu tư xây dựng hầm tự hoại xử lý trước khi thải ra môi trường hoặc nước thải sinh hoạt thải ra các ao, mương nước sau nhà có trồng thực vật thủy sinh (bèo, rau muống,…) để xử lý sinh học trước khi thải ra môi trường.
Các đường làng ngõ xóm, khu dân cư đều được trồng cây xanh. Hàng rào bằng cây được cắt tỉa gọn gàng, không vươn ra đường gây cản trở giao thông. Diện tích trồng cây xanh tối thiểu bằng hoặc lớn hơn 2m2/người. Nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào “Ngày Chủ Nhật xanh - sạch - đẹp”, “Ngày Thứ Bảy tình nguyện”, “Chiến dịch mùa hè xanh”; thực hiện 18 tuyến đường hoa với khoảng 94km với các loại hoa như: Hoàng yến, Mười giờ, Dành dành, Dừa cạn, Bông chang...Trên địa bàn các xã người dân làm hàng rào cây xanh được 203,1km để tạo vẻ mỹ quan cho huyện.
Nhiều mô hình về bảo vệ môi trường được nhân dân tham gia hưởng ứng nhiệt tình và nhân rộng như: “Chống rác thải nhựa”, “Đổi sản phẩm nhựa sử dụng một lần lấy gạo và nhu hóa phẩm thiết yếu”, “Đoạn đường đẹp”, “Thắp sáng đường quê”,...
Qua đó, trên các tuyến tỉnh lộ và dọc các tuyến đường giao thông nông thôn đã hình thành nên những tuyến đường hoa, màu, cây xanh 2 bên đường tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp cho xã nông thôn mới đạt chỉ tiêu xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, không có hoạt động làm suy giảm môi trường. Đến nay, 100% số xã đạt chỉ tiêu cảnh quan xanh - sạch - đẹp.