Bàn về thời điểm ra đời danh xưng Anh Sơn

29/09/2021 10:05

Theo dõi trên

Theo Đại Nam thực lục cho biết thời điểm đổi tên phủ Anh Đô thành phủ Anh Sơn là sau ngày 1 và trước ngày 8 tháng 12 năm 1822 (âm lịch).

untitled-1632877834.png
Một thắng cảnh của huyện Anh Sơn. Nguồn: Internet

Các tư liệu lịch sử đề cập đến danh xưng Anh Sơn

Danh xưng Anh Sơn được nhiều tư liệu lịch sử nhắc đến. Trong đó điển hình là các tài liệu như Nghệ An ký; Đồng Khánh địa dư chí lược; Đại Nam nhất thống chí; sách Đại Nam thực lục… Cụ thể:

Sách Nghệ An ký của Tiến sỹ Bùi Dương Lịch, phần Cương vực có viết: Tỉnh Nghệ An, phía Nam giáp Quảng Bình, phía Bắc giáp Thanh Hóa, phía Tây giáp Ai Lao, phía Đông giáp biển. Nam Bắc và Tây Đông đều cách nhau hơn 500 dặm, gồm 9 phủ, 25 huyện, 2 châu. Bốn phủ có thanh giáo là Phủ Đức Quang, Phủ Anh Đô, Phủ Diễn Châu và phủ Hà Hoa. Riêng phần ghi chú có viết: Năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đổi (phủ Anh Đô - TG) làm huyện Anh Sơn, năm Minh Mạng thứ 7 (1826) tách hai huyện Thanh Chương và Chân Lộc thuộc phủ Đức Thọ cho lệ thuộc vào phủ này, nay là đất hai huyện Anh Sơn và Đô Lương.

Sách Đồng Khánh dư địa chí lược, được Hoàng Hữu Xứng và Quốc sử quá triều Nguyễn biên soạn vào những năm (1886 - 1888), do các ông Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên dịch viết: cho biết phủ Anh Sơn kiêm lý 2 huyện Lương Sơn, Nam Đường; thống hạt 3 huyện Thanh Chương, Hưng Nguyên và Chân Lộc. Riêng phần ghi chú có viết: Năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đổi thành phủ Anh Sơn.

Sách Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX (thuộc các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra) được viết đầu triều Nguyễn, do Dương Thị The, Phạm Thị Thoa thuộc Viện Nghiên cứu Hán nôm dịch và biên soạn, được NXB Khoa học xã hội xuất bản năm 1981 cho biết: Phủ Anh Đô có 2 huyện là Nam Đường và Hưng Nguyên. Trong đó Nam Đường có 8 tổng, 90 xã, thôn, phường, trại, sách, giáp, vạn; còn huyện Hưng Nguyên có 7 tổng, 86 xã, thôn, phường, vạn, tộc.

Sách Địa Nam nhất thống chí, do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học phiên dịch, hiệu đính, NXB Thuận Hóa xuất bản năm 2006, chép: Phủ Anh Sơn cách tỉnh thành Nghệ An 96 dặm về phía Tây, Đông Tây cách nhau 224 dặm, Nam Bắc cách nhau 88 dặm, phía Đông đến Cửa Hội 122 dặm, phía Tây đến địa giới huyện Tương Dương 104 dặm, phía Nam đến địa giới huyện Hương Sơn 74 dặm, phía Bắc đến địa giới huyện Đông Thành 14 dặm. Đời Hán là đất huyện Hàm Hoan, đời Đông Ngô thuộc huyện Đô Giao, đời Đường là quận Nhật Nam thuộc châu Hoan, đời Lê là phủ Anh Đô, năm Minh Mệnh thứ 3 đổi tên hiện nay (tức Anh Sơn - TG).

Sách Đại Nam thực lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, các ông Ngô Hữu Tạo, Nguyễn Mạnh Duân, Phạm Huy Giu, Nguyễn Danh Chiên, Nguyễn Thế Đạt,Trương Văn Chinh, Đỗ Mộng Khương dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, NXB Giáo dục xuất bản có ghi: Năm minh Mạng thứ 3, tháng 12: Đổi dinh Quảng Đức làm phủ Thừa Thiên, huyện Minh Linh ở Quảng Trị về phủ Triệu Phong, châu Bố Chính nội ở Quảng Bình làm huyện Bố Chính, châu Bố Chính ngoại làm châu Bố Chính, huyện Diên Khánh ở Quảng Nam làm huyện Diên Phước, phủ Đức Quang ở Nghệ An làm phủ Đức Thọ, phủ Anh Đô làm phủ Anh Sơn, đạo Thanh Bình làm đạo Ninh Bình, trấn Sơn Nam thượng làm trấn Sơn Nam, trấn Sơn Nam hạ làm trấn Nam Định, trấn Kinh Bắc làm trấn Bắc Ninh, trấn Yên Quảng làm trấn Quảng Yên, phủ Lỵ Nhân ở trấn Sơn Nam làm phủ Lý Nhân, huyện Vọng Doanh ở Nam Định làm huyện Phong Doanh, huyện Phước Lộc ở Sơn Tây làm huyện Phước Thọ, huyện Phước Yên ở Tuyên Quang làm huyện Hàm Yên, châu Thu Vật làm Thu Châu, Việt Châu ở Hưng Hoá làm An Châu.

Thời điểm danh xưng Anh Sơn ra đời

Theo các tài liệu cho biết việc đổi tên phủ Anh Đô thành phủ Anh Sơn diễn ra vào năm Minh Mạng thứ 3. Trong đó sách Đại Nam thực lục là ghi rõ hơn cả:

Tháng 12, ngày mồng 1, vua ngự điện Thái Hoà, ban lịch cho trong ngoài, lấy làm lệ thường hằng năm.

Sai quan Quốc tử giám tuyển sinh viên toạ giám, những người văn học giỏi có thể cho làm quan thì kê tên tâu lên.

Đổi định cho Tri huyện ở kinh huyện trật Chánh lục phẩm (trước là Tòng lục phẩm).

Lưu thủ Quảng Nam là Phạm Văn Tính vào yết kiến.

Lấy Thiêm sự Công bộ là Nguyễn Công Đàm làm Thiêm sự Hộ bộ.

Hạ lệnh cho Cai bạ và Ký lục Quảng Ngãi cùng với Trấn thủ cai quản sáu cơ Kiên. Lệ trước sáu cơ Kiên chuyên do trấn thủ quản lĩnh. Gặp Nguyễn Văn Soạn dâng sớ xin bổ thụ cai phó lân làm bát cửu phẩm bá hộ, ty thuộc biên tên lẫn lộn, bộ bàn giáng Soạn 2 cấp, Ký lục Vũ Huy Đạt miễn nghị. Vua nói : “Bản sớ đóng ấn của trấn, ký lục há lại không biết !”. Bèn phạt cả Huy Đạt. Nhân có mệnh này.

Gọi biền binh các dinh vệ cơ đội các quân Thị trung, Thị nội đến tháng giêng sang năm hết thảy tập hợp ở Kinh. Từ đấy cứ đến đầu xuân thì đều họp, tới thu thì chia ban, bèn thành lệ.

Các quân ở Thanh, Nghệ và Bắc Thành năm nay vì khó nhọc lâu về việc bắt giặc, được miễn gọi về Kinh.

……………………… (bỏ một số đoạn lược trích).

Đổi dinh Quảng Đức làm phủ Thừa Thiên, huyện Minh Linh ở Quảng Trị về phủ Triệu Phong, châu Bố Chính nội ở Quảng Bình làm huyện Bố Chính, châu Bố Chính ngoại làm châu Bố Chính, huyện Diên Khánh ở Quảng Nam làm huyện Diên Phước, phủ Đức Quang ở Nghệ An làm phủ Đức Thọ, phủ Anh Đô làm phủ Anh Sơn, đạo Thanh Bình làm đạo Ninh Bình, trấn Sơn Nam thượng làm trấn Sơn Nam, trấn Sơn Nam hạ làm trấn Nam Định, trấn Kinh Bắc làm trấn Bắc Ninh, trấn Yên Quảng làm trấn Quảng Yên, phủ Lỵ Nhân ở trấn Sơn Nam làm phủ Lý Nhân, huyện Vọng Doanh ở Nam Định làm huyện Phong Doanh, huyện Phước Lộc ở Sơn Tây làm huyện Phước Thọ, huyện Phước Yên ở Tuyên Quang làm huyện Hàm Yên, châu Thu Vật làm Thu Châu, Việt Châu ở Hưng Hoá làm An Châu.

Ngày Mậu Thân, vua rước Hoàng thái hậu yết lăng Thiên Thụ. Thưởng bạc tiền cho những người tuần vệ từ Thống chế trở xuống, theo thứ bậc khác nhau. Dụ rằng:“Đêm nay mưa gió bất kỳ, thấy khá lạnh rét, nghĩ đến các biền binh tuỳ giá đường thuỷ, dầm sương mà tuần phòng hộ vệ, chức phận đương nhiên phải thế, mà công cần lao cũng đáng khen thưởng. Đặc cách gia thưởng ngoài lệ”.

Như vậy, theo Đại Nam thực lục cho biết, sự kiện đổi tên phủ Anh Đô thành phủ Anh Sơn được trình bày sau sự kiện ngày 1 và trước sự kiện ngày Mậu Thân (ngày mồng 8) tháng 12 năm Minh Mệnh thứ 3.

Vậy, năm Minh Mệnh thứ 3 là năm nào trong lịch sử?. Điều này liên quan đến việc đặt và cách tính niên hiệu của các vị Vua ngày xưa. Niên hiệu là danh hiệu của vị Vua được đặt khi lên ngôi để thần dân trong nước gọi các ngài, thay vì tên chính, đồng thời để tính năm trị vì. Niên hiệu bắt nguồn từ Trung Quốc, sau đó du nhập vào nước ta. Ở nước ta, Lý Bí (544-549) là vị Vua đầu tiên đặt niên hiệu đó là Thiên Đức. Kể từ nhà Đinh đến nhà Nguyễn về sau đều đặt niên hiệu. Đối với triều Nguyễn, sau khi Nguyễn Ánh đánh bại triều Tây Sơn, lên làm Vua đã đặt niên hiệu là Gia Long. Sau khi Vua Gia Long mất vào năm 1820, con trai của ông là Nguyễn Phúc Đảm lên ngôi Vua và đặt niên hiệu là Minh Mạng. Theo cách tính của người xưa, năm đầu tiên đặt niên hiệu sẽ không gọi là năm thứ nhất mà gọi là Nguyên niên, tiếp đó là năm thứ 2 rồi năm thứ 3 và các năm kế tiếp. Vì vậy khi nói năm Minh Mệnh thứ 3 tức là tương đương với năm 1822. Vậy năm 1822 đề cập ở đây là năm âm lịch hay dương lịch?.

Theo công trình nghiên cứu về Lịch và lịch Việt Nam của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đăng trên Tập san khoa học xã hội năm 1982 cho biết: từ năm 1813 đến năm 1945 triều đại phong kiến nhà Nguyễn dùng lịch Hiệp Kỷ (tính theo phép lịch Thời Hiến của nhà Thanh) nên lịch ta và lịch Trung Quốc không có sự khác biệt. Hay nói cách khác, giai đoạn từ 1813 đến 1945, nước ta vẫn tính lịch theo ngày âm. Vì vậy khi viết năm Minh Mạng thứ 3 (1822), tức là đang nói về năm 1822 âm lịch.

Tuy nhiên giữa âm lịch và dương lịch lại có sự khác nhau. Dương lịch là loại lịch mà ngày tháng của nó chỉ ra vị trí của Trái đất trong chuyển động của nó xung quanh mặt Trời (hay nói tương đương là vị trí biểu kiến của Mặt Trời trên thiên cầu). Trong ngôn ngữ giao tiếp thông thường của người Việt hiện nay, thuật ngữ dương lịch nói chung chỉ là nói tới lịch Gregory. Vì vậy, giữa năm âm lịch và năm dương lịch luôn có sự chênh lệch nhau. Vì vậy khi đối chiếu theo lịch vạn niên, tháng 12 năm 1822 âm lịch sẽ rơi vào tháng 1 và tháng 2 năm 1823 dương lịch.

Theo Đại Nam thực lục cho biết thời điểm đổi tên phủ Anh Đô thành phủ Anh Sơn là sau ngày 1 và trước ngày 8 tháng 12 năm 1822 (âm lịch). Nghĩa là danh xưng Anh Sơn xuất hiện từ ngày mồng 2 đến ngày mồng 7 tháng 12 năm 1822. Theo lịch dương tương đương với với ngày 14 đến ngày 18 tháng 1 năm 1823.

Như vậy thời điểm xuất hiện danh xưng Anh Sơn là từ ngày 14 đến ngày 18 tháng 1 năm 1823.

Tài liệu tham khảo

- Bùi Dương Lịch, Nghệ An ký, nxb Nghệ An, 2014, NA.

- Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Tên Làng xã Việt Nam đầu thế kỳ XIX, Dương Thị The – Phạm Thị Hoa dịch và biên soạn, NXB KHXH, 1981, HN

- Đồng Khánh dư địa chí, Quốc sử quán triều Nguyễn

- Đại Nam nhất thống chí, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học phiên dịch, hiệu đính, NXB Thuận Hóa xuất bản năm 2006

- Đại nam Thực lục, Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, các ông Ngô Hữu Tạo, Nguyễn Mạnh Duân, Phạm Huy Giu, Nguyễn Danh Chiên, Nguyễn Thế Đạt,Trương Văn Chinh, Đỗ Mộng Khương dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, NXB Giáo dục, HN.

- GS Hoàng Xuân Hán, Lịch và lịch Việt Nam, 1982.

Chu Chiến Sơn - Hoàng Kiểm
Bạn đang đọc bài viết "Bàn về thời điểm ra đời danh xưng Anh Sơn" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.