Y phục của hoàng hậu Champa

20/03/2018 14:50

Theo dõi trên

Trong quá trình hình thành và phát triển, người Chăm đã để lại nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể hết sức quý giá, trong đó có di sản trang phục dân gian và cung đình.

 
Tượng hoàng hậu Po Pia Som đội chụp tóc giống như hiện vật tại Kho mở

Trang phục cổ xưa của người Chăm ẩn hiện trên các tác phẩm điêu khắc đá và lưu giữ, trưng bày ở các bảo tàng, bộ sưu tập hiện vật tư nhân. Y phục của hoàng hậu, công chúa Chăm thuộc những vương triều cuối cùng của vương quốc Champa (thế kỷ 17-18) được xem là những báu vật ở Kho mở Hoàng tộc Chăm huyện Bắc Bình (Bình Thuận).
 
Vua Chăm chẳng những có vợ là người Chăm mà còn có những hoàng hậu nguồn gốc ngoại tộc. Thời xưa, vua Chế Mân được vua Trần Nhân Tông gả cho công chúa Huyền Trân. Thời trung đại, vua Chăm cũng lấy vợ người Việt và một số tộc người khác. Vua Po Rome có người vợ thứ tên là Bia Than Can, người gốc Ê Đê.
 
Hoàng hậu Bia Than Can chính là cô gái Ê Đê xinh đẹp H’Drah Jan Kpă, con gái cưng của một vị tù trưởng người Êđê. Nhan sắc của H’Drah Jan Kpă được người Ê Đê ví đẹp như hạt mưa, có thể tưới mát cả mùa màng khô hạn, đem đến sức sống mới cho muôn loài. Vua Po Rome đã đưa H’Drah Jan Kpă về kinh thành, cưới nàng làm vợ hai, trở thành thứ hậu Bia Than Can của Po Rome. Tại tháp Po Rome ở Ninh Thuận, ngoài tượng vua, còn có tượng hoàng hậu Po Bia Than Can. Vua Po Klaong Mânai có bà vợ cả người Chăm là Hoàng hậu Po Bia Som và thứ phi người Việt tên là Nguyễn Thị Thương, con gái của chúa Nguyễn. Tại đền thờ của vua Po Klaong Mânai ở huyện Bắc Bình (Bình Thuận) có tượng thờ hoàng hậu và thứ phi của vua. Đó là những dấu tích khá rõ nét về hoàng hậu của các triều vua Chăm.
 
Hiện nay, tại nhà công chúa Nguyễn Thị Thềm (còn gọi là Nai Thềm), hậu duệ vua Chăm lưu giữ bộ sưu tập báu vật hoàng tộc Chăm thuộc vương triều vua Po Klaong Mânai, Po Klaong Ghul – các đời vua Chăm cuối cùng ở thế kỷ 17-18, với gần 100 hiện vật, trong đó có nhiều bộ trang phục, trang sức của hoàng hậu và công chúa. Áo hoàng hậu hoàn toàn khác hẳn với các loại áo khác trong hoàng tộc.
 
Trong bộ áo của hoàng hậu, hiện còn giữ một chiếc áo làm bằng nỉ đỏ, lớp trong lót vải lụa, hai dây thắt lưng dính liền áo; tay dài viền kim tuyến và có nhiều đường viền gắn các hạt phát sáng. Có đến 9 cái áo mà hoàng hậu thường ngày hay mặc, áo được làm bằng vải thổ cẩm Chăm có đường viền xung quanh cổ và tà, tay áo được trang trí bởi các sợi dây kim tuyến.
 
Đặc biệt quý hiếm là chiếc chụp tóc làm bằng vàng cao 9,5 cm, chu vi 12cm; đôi bông tai; vòng xuyến của Hoàng hậu Po Bia Som. Xung quanh chụp tóc chạm nổi hình tượng con Makara và nhiều họa tiết đẹp mắt. Đến nay, chỉ biết được Hoàng hậu Po Bia Som là người cuối cùng sử dụng cái chụp tóc và chiếc vương miện. Tuy nhiên, chiếc vương miện hoàng hậu không còn nữa vì vào năm 1945, khi phát động “Tuần lễ vàng” kêu gọi nhân dân đóng góp tài lực xây dựng đất nước, một số cổ vật đã được bà Nguyễn Thị Thềm hiến tặng, trong đó có vương miện của Hoàng hậu Po Bia Sơm. Tại đền thờ vua Po Klaong Mânai, bức tượng hoàng hậu tạc bằng đá trên đầu có đội chụp tóc giống với hiện vật đang lưu giữ, trưng bày ở Kho mở Hoàng tộc Chăm Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.
 
Ngoài ra, tại Kho mở này còn có nhiều hiện vật khác là phục sức của hoàng hậu như chăn, có đến 20 cái, được làm từ vải thổ cẩm Chăm có hoa văn hình Makara bằng kim tuyến trang trí đường viền xung quanh dài 31 cm, rộng 63 cm. Kim ô đội đầu của hoàng hậu có 2 cái, vành nạm bằng các hạt kim sa phát sáng và trang trí xung quanh bằng những sợi dây kim tuyến, kích thước đường kính 14,5 cm, dày 6 cm. Khăn Prăm của hoàng hậu có 3 cái, bằng vải thổ cẩm Chăm có trang trí đường viền xung quanh bởi các sợi dây kim tuyến, kích thước dài 88 cm, rộng 20 cm.
 
Dây thắt lưng hoàng hậu có 2 sợi, được làm từ vải thổ cẩm Chăm có hoa văn hình Makara bằng kim tuyến, kích thước dài 74 cm, rộng 3cm. Bên cạnh đó, còn có một số trang phục của công chúa như 3 chiếc áo được làm bằng vải thổ cẩm Chăm có trang trí đường viền xung quanh cổ, tà và tay áo trang trí bởi các sợi dây kim tuyến, kích thước trung bình dài 40 cm, rộng 18 cm, tay áo dài 20 cm. Chăn của công chúa có một cái, được làm từ vải thổ cẩm Chăm có hoa văn hình Makara bằng kim tuyến trang trí đường viền xung quanh, kích thước dài 32 cm, rộng 24 cm.
 
 
Bộ chụp tóc của hoàng hậu Po Pia Som.

Trang phục hoàng hậu và công chúa làm bằng những loại vải thổ cẩm Chăm được dệt rất tinh xảo với hoa văn, màu sắc đẹp mắt, thể hiện nét đài các, sang trọng tương xứng với vị thế của hoàng gia. Cùng với những hiện vật khác, bộ sưu tập y phục của hoàng hậu, công chúa Chăm là những báu vật còn lưu lại cho đến ngày nay. Câu chuyện về phục sức của hoàng hậu Chăm còn lưu truyền, thể hiện khá đậm nét trong ký ức dân gian. Trong cuộc sống tâm linh, người Chăm vẫn còn tái hiện những nghi lễ liên quan đến trang phục cung đình ngày xưa, mà tiêu biểu là lễ rước y trang trong lễ hội Katê. Người Chăm sắm đầy đủ trang phục để dâng cúng cho thần linh, vua, hoàng hậu trong lễ hội Katê. Vua, hoàng hậu Chăm không chỉ có 3 bộ trang phục mà còn có thể có nhiều bộ, càng nhiều càng tốt, tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi năm. Đó là những thứ vải vóc, lụa, hàng thổ cẩm hảo hạng, có hoa văn, màu sắc đẹp.
 
Ngày nay, vào dịp lễ hội Katê, người Chăm mua vải vóc mới từ các làng dệt thổ cẩm để dâng cúng. Khi y trang đã được rước lên đền tháp, thầy cả Chăm, bà bóng và các vị chức sắc tiến hành lễ tắm rửa tượng và thay y phục mới cho vua, hoàng hậu. Cả sư mang bình nước thiêng ra để tưới tắm, tẩy rửa tượng vua, hoàng hậu rồi dâng lễ, thay lễ phục mới. Thầy Kadhar vừa kéo đàn Kanhi vừa hát bài tụng ca. Tượng vua và hoàng hậu được tắm sạch sẽ, đội mão, mặc áo, váy, dây lưng và cuối cùng mang đôi giày về hưởng lễ vật Katê. Những người tham gia cùng khấn tế mời vua, hoàng hậu nhận lễ và cầu xin sự phù hộ cho con cháu.
 
Đến Kho mở huyện Bắc Bình (Bình Thuận), du khách được tham quan những báu vật với nghệ thuật chạm khắc tinh xảo, kỹ thuật đúc vàng, bạc, luyện kim của người Chăm khá cao một thời nổi tiếng. Toàn cảnh kho báu Chăm sẽ giúp du khách có thể hình dung được góc nhỏ của hoàng gia Chăm một thời nổi tiếng ở dải đất miền Trung và cả vùng Đông Nam Á mà hiện nay còn sót lại.
 
Bộ trang phục của hoàng hậu Champa nói riêng, báu vật của hoàng tộc Chăm nói chung được lưu giữ ở Kho mở huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận là bằng chứng vật chất và tinh thần cuối cùng của vương quốc Champa.
 
Tuấn Trung
Theo Doanh nghiệp Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết "Y phục của hoàng hậu Champa" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.