Xứ Quảng - “một điểm đến hai di sản”

25/02/2015 10:19

Theo dõi trên

Những ngôi nhà với mái ngói cổ kính, giàn hoa giấy rủ xuống những mảng tường rêu phong, ánh đèn lồng lung linh của phố cổ Hội An; sự trầm mặc tĩnh lặng của thánh địa Mỹ Sơn - đã và đang tạo nên sức hút kỳ lạ đối với du khách trong và ngoài nước, khi đến Quảng Nam -nơi được biết đến với “Một điểm đến-hai Di sản”.

Hấp dẫn từ những gì vốn có

Có lẽ người dân xứ Quảng không thể quên sự kiện năm 1999 khi hai địa danh Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới.

Cũng kể từ thời điểm ấy, tỉnh Quảng Nam - địa danh được đánh dấu trên bản đồ du lịch Việt Nam với “Một điểm đến - hai di sản” hấp dẫn hàng triệu du khách gần xa.

Đã 16 năm kể từ khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Hội An vẫn vậy, cổ kính, rêu phong phủ mờ. Năm tháng dường như càng tô điểm cho phố cổ thêm phần hấp dẫn hơn.

Giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 5 năm 2014 tại TP. Hội An.

Nhộn nhịp nhưng không ồn ào, đó là cảm nhận mà bất cứ ai khi đến với Hội An. Đến với Hội An, du khách như được ngược thời gian trở về với những tháng  năm của một đô thị cổ kính, yên bình, thân thiện nằm hai bên bờ con sông Hoài thơ mộng.

Anh Trần Mạnh Dũng, doanh nhân trẻ đến từ Hà Nội, đã trên dưới chục lần đến với Hội An, lần nào cũng cảm thấy bị cuốn hút với nhịp sống nhẹ nhàng, thảnh thơi và hết sức bình dị của người dân phố cổ, tâm sự:

 “Tôi thấy Hội An có một cái gì đó rất lắng đọng, rất riêng mà không dễ tìm thấy ở nơi khác. Người dân rất hiền hòa, mến khách, họ bình dị nhưng là cái bình dị ấn tượng, khiến người ta khó có thể quên. Đó cũng chính là lý do mà gia đình tôi thường ghé lại đây mỗi dịp hè về”.

Đang mải mê ngắm những thớ gỗ hàng trăm năm tuổi sau lớp bụi mờ thời gian, thoảng nghe giọng nói tiếng Anh trôi chảy của chị Nguyễn Thị Hằng, chủ một gia đình nhỏ ở đường Bạch Đằng, hướng dẫn các địa điểm cho một du khách nước ngoài.

 “Là người Hội An, ai cũng có chút vốn tiếng Anh cơ bản để giao tiếp, giới thiệu với du khách quốc tế và quảng bá những điểm du lịch văn hóa lịch sử của quê hương mình”- chị Hằng chia sẻ.

Tự hào là người dân phố cổ, nhưng có lẽ sự thân thiện, mến khách, đã khiến những ai một lần tới đây không thể nào quên.

Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) khoác trên mình sự trầm mặc, tĩnh lặng, kỳ bí, cuốn hút ẩn chứa cội nguồn của Vương quốc Chămpa xưa.

Tại đây, từng viên gạch, góc tháp đều chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật mang dấu ấn của nền văn minh phát triển rực rỡ xa xưa. Nhiều năm qua, công tác bảo tồn khu Di sản văn hóa này luôn được đặt lên hàng đầu và được sự giúp đỡ bảo tồn, phục chế của nhiều tổ chức quốc tế như:

JICA (Nhật Bản), Lerici Foundation (Italia), đặc biệt là sự hợp tác ba bên: Việt Nam - UNESCO-Italia. Công cuộc bảo tồn không chỉ là chuyện chống đỡ cho di tích không bị xuống cấp, sụp đổ, mà đòi hỏi cần bảo tồn và phát huy giá trị để Mỹ Sơn bảo đảm tính toàn vẹn và nguyên gốc theo Công ước bảo tồn Di sản của thế giới.

Quá trình tham gia bảo tồn, nhiều nông dân các xã Duy Tân, Duy Phú đã trở thành những công nhân lành nghề trùng tu di tích, và họ cảm thấy tự hào khi được tham gia công việc gìn giữ những di sản văn hóa cho muôn đời sau.

Phát triển du lịch từ các di sản

Hành trình di sản Quảng Nam - một điểm đến hai di sản đã trở thành tour du lịch không thể thiếu trong lịch trình của nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến với miền Trung Việt Nam.

Tại Hội An, cùng với việc đầu tư nâng cao chất lượng của các hoạt động phục vụ du lịch, hoạt động nghệ thuật “Đêm phố cổ”- một sản phẩm du lịch truyền thống, đã mang một sức hấp dẫn đặc biệt, trở thành một trong những thương hiệu du lịch được trao giải thưởng quốc tế “The Guide Awards”.

Với việc tổ chức định kỳ vào các ngày 14 âm lịch hàng tháng, “Đêm phố cổ”  đã thu hút hàng trăm nghìn lượt khách trong và ngoài nước tham quan, hòa mình vào các hoạt động.

Phố đêm với hàng nghìn chiếc đèn lồng, đèn hoa đăng mờ mờ ảo ảo bập bềnh trên dòng sông Hoài, những hội thơ, hội bài chòi và cả những chiếu cờ góc phố, cùng gánh hàng rong ẩm thực đặc trưng xứ Quảng... tất cả đã làm nên nét độc đáo, nét đặc trưng của Hội An.

Và chỉ có ở nơi đây người ta mới như được trở về với nguồn cội trong đêm phố cổ huyền ảo giữa không gian rêu xanh cố kính lung linh sắc màu cổ tích.

Tạm rời không gian phố cổ Hội An, đến với khu Di sản văn hóa Mỹ Sơn, du khách sẽ được khám phá những giá trị văn hóa của Vương quốc Chămpa cổ. Trước đây,  khi đến với Mỹ Sơn, du khách phải đi bộ gần 3km, men theo những lối mòn dân sinh trong đường rừng, dịch vụ khá sơ sài hầu như chưa có gì.

Kể từ khi được UNESCO vinh danh, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư nâng cấp các tuyến đường, khu dịch vụ tiếp đón, lượng khách tới đây đã tăng đột biến hàng năm lên đến 20% - 30%, đã đón hơn 2,3 triệu lượt khách, trong đó có1,6 triệu lượt khách quốc tế.

Vai trò của di sản trong phát triển du lịch là điều thấy rõ, lượng khách đến ngày càng đông, đã tạo điều kiện thúc đẩy nhiều hoạt động xã hội liên quan. tạo động lực mạnh mẽ để đưa tỉnh Quảng Nam phát triển trở thành một trung tâm du lịch lớn của miền Trung. 

* Theo Sở VH-TT&DL Quảng Nam, tổng lượt khách tham quan lưu trú ở địa phương năm 2014 đạt gần 3,7 triệu lượt khách, tăng 7,07% so với năm 2013, doanh thu du lịch ước đạt 2.200 tỷ đồng, thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 5.170 tỷ đồng.

Tất nhiên, trong đó phố cổ Hội An và khu Di sản văn hóa Mỹ Sơn là những địa chỉ thu hút đông du khách nhất.

* Thánh địa Mỹ Sơn tọa lạc trong một thung lũng kín có địa thế núi non hùng vĩ, thâm nghiêm.

Nơi đây, có hơn 70 công trình kiến trúc đền tháp đại diện cho nền văn minh Chămpa được kết tinh trong những di chứng vật chất trường tồn, chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật được tạo lập trong một thời gian dài suốt 9 thế kỷ (từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ 13), được đánh giá ngang hàng với các di tích nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á như: Ăngko, Pagan, Bôrôbudua....

* Hội An là một đô thị cổ của tỉnh Quảng Nam. Trong thế kỷ 17 và 18, đây là một trong những thương cảng sầm uất nhất ở Việt Nam, nơi các thương gia  Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha... đến làm ăn, buôn bán.

 Hội An hiện vẫn lưu giữ phong cách kiến trúc của nhiều ngôi nhà và chùa đa dạng, cổ kính do người bản xứ và các thương gia Nhật Bản, Trung Quốc xây dựng.

Theo Báo Dân Sinh
Bạn đang đọc bài viết "Xứ Quảng - “một điểm đến hai di sản”" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.