Năm Nhâm Tuất 1802, Nguyễn Phúc Ánh đánh bại nhà Tây Sơn, lên ngôi Hoàng đế, tự đặt niên hiệu là Gia Long, lập ra một triều đại mới: Triều đại nhà Nguyễn trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Các vua nhà Nguyễn, từ Gia Long đến Tự Đức, kế tiếp nhau xây dựng và củng cố nền thống trị, bảo vệ chế độ phong kiến trong bối cảnh khủng hoảng suy vong.
Triều đại nhà Nguyễn (1802 - 1945)
Tuy nhiên, trong hơn nửa đầu thế kỷ XIX, xã hội Việt Nam dưới triều nhà Nguyễn, hầu như không phát triển lên được theo chiều hướng tiến bộ của thời đại. Mâu thuẫn của xã hội sâu sắc làm bùng lên hàng loạt các cuộc khởi nghĩa lớn của nông dân, của các dân tộc ít người, và cuối cùng nước Việt Nam trở thành đối tượng của chủ nghĩa thực dân phương Tây.
Về tình hình chính trị: Sau khi lên ngôi, vua Gia Long đóng đô ở Phú Xuân (Huế), giữ nguyên các đơn vị hành chính cũ của hai miền, đặt quan chức giữ trấn. Năm Giáp Tý 1804, được sự đồng ý của vua nhà Thanh, vua Gia Long đổi tên nước là Việt Nam, đến năm Mậu Tuất 1838, vua Minh Mệnh lại đổi quốc hiệu là Đại Nam.
Chính quyền trung ương được tổ chức như các triều đại trước, đứng đầu là vua, nắm mọi quyền hành. Để tập trung hơn nữa mọi quyền hành về tay mình, các vua nhà Nguyễn đặt lệ “Tứ bất” (không đặt Tể tướng, không lấy Trạng nguyên, Đông cung không lập Thái tử và Chính cung không lập Hoàng hậu). nhưng đến thời vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn là trường hợp đặc biệt, vua Bảo Đại đã phong cho vợ làm Nam Phương Hoàng hậu.
Dưới vua là 6 Bộ và 5 phủ đô đốc, ngoài ra có Đô sát viện (Ngự sử đài cũ); Hàn lâm viện, Tôn nhân phủ; Quốc tử Giám, Nội vụ phủ v.v… giúp vua còn có Văn thư phòng, sang thời Minh Mệnh đổi thành Nội các, chuyên lo việc công văn giấy tờ và đi theo vua. Vua Mimh Mệnh còn đặt thêm Viện Cơ Mật, gồm bốn viên đại thần chuyên bàn với vua các việc “quốc gia đại sự”.
Về luật pháp: Năm Tân Mùi 1811, vua Gia Long giao cho Tổng trấn Bắc thành là Nguyễn Văn Thành tổ chức biên soạn bộ luật mới. Đến năm Ất Hợi 1815, bộ luật nhà Nguyễn được biên soạn xong và ban hành với cái tên là Hoàng triều luật lệ, hay Luật Gia Long. Bộ luật sao chép hầu như nguyên vẹn bộ luật nhà Thanh đương thời, gồm tất cả 398 điều, chia thành 7 chương và 30 điều tạp tụng.
Luật Gia Long là một bộ luật hà khắc, phản ánh rõ nét chuyên chế của giai cấp thống trị, trên bước đường suy vong. Mọi tội phạm liên quan đến việc chống đối triều đình đều bị trừng trị tàn bạo. Tuy nhiên, Luật Gia Long cũng có mặt tích cực là trừng trị nặng tội tham nhũng và các tệ nạn xã hội.
Về Quân đội: Gồm ba bộ phận chính là Thân binh (hộ vệ vua); Cấm binh (bảo vệ thành); Tinh binh và Biền binh (quân địa phương, ngoài ra còn một số thuộc binh (lính lệ).
Về mặt đối ngoại: Nhà Nguyễn rất khâm phục nhà Thanh (Trung Quốc), sau khi đánh bại được nhà Tây Sơn, vua Gia Long đã cử ngay sứ thần sang nhà Thanh xin cầu phong. Vua nhà Thanh đã đồng ý cho nước ta được đặt quốc hiệu là Việt Nam, nhưng do phản ứng của nhân dân trong nước, nên đến năm 1813 vua Gia Long lại cho đổi lại quốc hiệu là Đại Việt, và đến năm 1838, vua Minh Mệnh bất bình đã khẳng định lại quốc hiệu là Đại Nam.
Sau khi xin cầu phong thì cứ 4 năm một lần, triều đình nhà Nguyễn cho sứ thần sang nộp hai lần cống phẩm. Mỗi lần sứ thần nhà Thanh sang phong vương, các vua nhà Nguyễn phải tổ chức đón tiếp rất tốn kém và phải ra tận Thăng Long để nhận. Tình hình đó kéo dài mãi đến năm Kỷ Dậu 1849. Mọi việc quan trọng trong quan hệ đối ngoại, các vua nhà Nguyễn hầu như đều cho sứ thần sang xin ý kiến của nhà Thanh.
Đối với các nước láng giêng như Ai Lao và Campuchia, nhà Nguyễn thường dùng vũ lực để khống chế, còn quan hệ đối với Xiêm (Thái Lan) cũng rất thất thường. Một vấn đề lớn trong quan hệ đối ngoại của nhà Nguyễn lúc bấy giờ là mối quan hệ với phương Tây. Các vua nhà Nguyễn đã “đóng cửa” chính sách bế quan tỏa cảng, cự tuyệt việc quan hệ với các nước phương Tây đã trở thành một quốc sách của cả triều nhà Nguyễn.
Về mặt văn hóa giáo dục: Từ giữa thế kỷXVIII, giáo dục thi cử của nước ta ngày càng sa sút. Đến đầu thế kỷ XIX, sau khi lên ngôi Hoàng đế, Gia Long định tổ chức lại việc giáo dục thi cử nhưng không làm được. Việc học hành phải mất mấy năm mới dần dần được khôi phục.
Năm Đinh Mão 1807 mới tổ chức được khoa thi Hương đầu tiên của triều nhà Nguyễn, mà cũng chỉ tổ chức được ở những trường thi ở Bắc Hà (số lượng người đỗ đạt rất ít). Từ sau đó, số trường thi Hương trong cả nước rút xuống còn 6 trường, kỳ hạn thi không cố định.
Đã có thi Hương nhưng chưa có thi Hội và thi Đình trong suốt thời kỳ vua Gia Long trị vì. Đến đời vua Minh Mệnh vào năm 1822, nhà Nguyễn mới có điều kiện mở khoa thi Hội đầu tiên, và khoa thi Hội năm Nhâm Ngọ đó, lấy đỗ 8 Tiến sỹ (Nguyễn Ý, Lê Quang, Phan Hữu Tính, Hà Tôn Quyền, Đinh Văn Phác, Vũ Đức Khuê, Phan Bá Đạt và Trần Lê Hiệu), đây là 8 Tiến sỹ đầu tiên của vương triều nhà Nguyễn.
Đến năm Minh Mệnh thứ 7 (năm 1826) thi Hội triều đình nhà Nguyễn cũng chỉ lấy có 10 người đỗ Tiến sỹ. Vì lấy đỗ như vậy là quá ít so với các khoa thi Tiến sỹ đời nhà Lê trước đó, cho nên đến khoa thi năm Ất Sửu 1829, Bộ Lễ quy định mỗi khoa lấy thêm những người có điểm số gần sát với hạng Đệ tam giáp, nhưng tách riêng ra làm một bảng phụ, gọi là Phó bảng. Như vậy, Phó bảng cũng được chọn luôn trong kỳ thi đại khoa, nhưng về mặt đãi ngộ thì không được như những người đỗ chính bảng.
Đáng chú ý là ngay khoa thi đầu tiên, vua Minh Mệnh đã không cho ai đỗ Trạng nguyên, và từ đó về sau lấy đó lam định lệ, lệ này chính là một trong bốn quy định đặc thù của triều nhà Nguyễn mà sử thường gọi là lệ “Tứ bất”. Như vậy học vị Phó bảng cũng có từ năm này, trong lịch sử khoa bảng của nhà Nguyễn tính từ năm 1829 đến năm thi Hương cuối cùng năm 1919 tròn đúng 90 năm, đã tuyển chọn được 260 Phó bảng trên 557 vị đại khoa của 39 khoa thi Hội.
Cả hai đời vua Minh Mệnh và Thiệu Trị vẫn mở khoa thi Hội theo định lệ là cứ 3 năm thi một lần. Chỉ đến đời vua Tự Đức mới đặt Ân khoa, nghĩa là khoa thi vua đặc ân cho mở thêm ngoài các năm quy định.
Việc tổ chức các khoa thi dưới triều nhà Nguyễn, nhất là thi Hội nhằm mục đích kén chọn nhân tài giúp nước, bổ sung quan chức cấp cao cho chính quyền. Đó là việc trọng đại, thậm chí là rất quan trọng, nên đã được triều nhà Nguyễn quan tâm.
Tuy nhiên sang đầu thế kỷ XX, những năm dưới triều vua Thành Thái và Duy Tân, dư luận ngày càng phê phán lối học khoa cử lỗi thời. Đến năm Kỷ Mùi 1919, khoa thi Hội dưới thời vua Khải Định đã trở thành khoa thi cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Cuối cùng, vào ngày 30 tháng 8 năm Ất Dậu 1945, trước hơn 5 vạn nhân dân thành phố Huế tập trung ở cửa Ngọ Môn, vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn đồng thời cũng là vị vua cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam, vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị, trao ấn kiếm cho đại diện chính quyền Cách mạng và tuyên bố rằng: “Làm công dân một nước tự do còn hơn làm vua một nước nô lệ”. Vương triều nhà Nguyễn đến đây đã sụp đổ hoàn toàn.
Như vậy, Vương triều nhà Nguyễn bắt đầu được thành lập từ năm 1802, đến năm 1945 tồn tại đúng 143 năm. Trên thực tế thì năm 1883, khi triều nhà Nguyễn phải ký hiệp ước Hác - măng (Harmand) chấp nhận để cho thực dân Pháp đặt quyền thống trị trên toàn bộ lãnh thổ nước ta thì các vị vua nhà Nguyễn sau đó cũng chỉ là bù nhìn.
Triều nhà Nguyễn là triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến của Việt Nam, mặc dù để mất nước vào tay thực dân Pháp, nhưng vương triều nhà Nguyễn cũng đã có đóng góp nhiều cho sự phát triển của dân tộc ta.
-----------------------------
Tài liệu tham khảo:
1.Đại cương lịch sử Việt Nam tập 1, Trương Hữu Quýnh (chủ biên) NXB Giáo dục 2000
2.Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến năm 1884, Gs Nguyễn Phan Quang, Ts Võ Xuân Đàn, NXB TP HCM, 2000
3.Khoa cử và giáo dục Việt Nam, Nguyễn Quyết Thắn, NXB Tổng hợp TP HCM, 2005
Vương Quốc Hoa