Chân dung vua Gia Long
Cuộc tình kỳ lạ và hy hữu nhất triều đại nhà nguyễn
Trong số các “bóng hồng” của Hoàng đế Gia Long Nguyễn Phúc Ánh (1761 - 1819), vị vua khai sáng vương triều Nguyễn thì cuộc tình của ông với công chúa Ngọc Bình đã đi vào ca dao như một trong những câu chuyện được coi là hi hữu và độc đáo nhất.
Chuyện tình duyên của cha mẹ Quảng Oai Công là một câu chuyện rất đặc biệt mà khởi đầu của nó có thể coi bắt đầu từ những diễn biến chính trị mạnh mẽ diễn ra từ năm Tân Dậu (1801). Đây là thời điểm lịch sử vô cùng quan trọng của nhà nguyễn. Lúc đó thực lực của vương triều Tây Sơn đang trên đà suy yếu nhanh chóng, nhất là sau thất bại nặng nề trong trận thủy chiến tại cửa biển Thị Nại (nay thuộc tỉnh Bình Định) mà sau này sử sách nhà Nguyễn đánh giá là trận thủy chiến dữ dội nhất, trận thư hùng quyết định, đáng được gọi là “Võ công đệ nhất” trong thời trung hưng quyền lực của mình trên cõi phương Nam. Tàn quân Tây Sơn theo tướng Võ Văn Dũng rút chạy từ Thị Nại về hợp với quân của tướng Trần Quang Diệu đang vây hãm thành Quy Nhơn.
Lúc ấy, nhận thấy quân Tây Sơn tập chung quá đông tại Quy Nhơn, mà kinh thành Phú Xuân gần như bỏ trống việc phòng thủ, nên bất chấp lời can gián của các tướng phải cứu thành Quy Nhơn, Nguyễn Phúc Ánh đã quyết định mạo hiểm khi dùng nước cờ “thí xe bắt tướng” hay còn gọi là “Tượng kỳ khí xa” của quân sư Nguyễn Văn Thành. Ông không đem quân giải cứu thành Quy Nhơn mà bất ngờ theo đường biển cho quân đánh úp chiếm được Phú Xuân vào cuối tháng 4 năm Tân Dậu (1801), vua Tây Sơn lúc này là Nguyễn Quang Toản chống đỡ không nổi phải bỏ chạy ra Bắc bỏ lại Phú Xuân rơi vào tay Nguyễn Phúc Ánh, nhiều gia quyến không theo kịp bị kẹt lại, trong đó có người vợ trẻ Lê Thị Ngọc Bình và một số cung nữ. Chiếm được Phú Xuân, Nguyễn Phúc Ánh tiếp tục cho quân truy đuổi cuối cùng bắt và đem xử chém vua quan triều Tây Sơn vào tháng 10 năm Nhâm Tuất (1802). Thế nhưng có một điều đặc biệt là trước đó không lâu, vào tháng 5 năm này ông đã chọn ngày đăng quang lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Gia Long trước khi tiễu trừ hết quân Tây Sơn.
Lại nói về công chúa Ngọc Bình, khi phú xuân bị đánh chiếm, chồng bỏ chạy trước đó nên bà bị bắt cùng một số cung nữ khi mới 19 tuổi (tính theo tuổi ta). Lúc đó theo lệ thì lẽ ra công chúa Ngọc Bình phải chịu tội chém đầu vì làm vợ của Quang Toản, hoặc chí ít ra thì cũng phải tự tuẫn để thủ tiết với người chồng yểu mệnh của mình. Thế nhưng khi đó Nguyễn Phúc Ánh thấy bà là một người con gái trẻ đẹp cực kỳ diễm lệ, ăn nói dịu dàng, dáng điệu thướt tha với nỗi buồn phảng phất nên thấy chạnh lòng. Đặc biệt một vài lần thử trò chuyện với công chúa Ngọc Bình, Gia Long đã rất ưng ý, rồi đột ngột nhà vua quyết định lấy người con gái này làm vợ. Mặc cho các cận thần đứng đầu là Lê Văn Duyệt kịch liệt phản đối vì cho rằng “thiên hạ thiếu gì đàn bà mà lại lấy thừa vợ của giặc”. Thế nhưng rung động trước người đẹp, vua Gia Long vẫn bỏ ngoài tai tất cả, ông trả lời bề tôi của mình rằng: “Tất cả giang sơn này, cái gì mà ta không lấy từ trong tay giặc, cứ gì một người đàn bà?”. Và rồi hôn lễ đã được cử hành.
Công chúa Ngọc Bình trong tranh vẽ
Cuộc tình đẹp và cái kết đặc biệt
Trong sách “Quốc sử di biên” của một cận thần triều Nguyễn là Phan Thúc Trực có đoạn chép về hoàn cảnh công chúa Ngọc Bình trở thành vợ Gia Long như sau: “Tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802) loan giá đức Thế tổ (tức vua Gia Long - TG) đến kinh thành Thăng Long... nhân dân hào mục bắt được anh em “nguỵ quyền” Nguyễn Quang Toản và đem dâng lên nhà vua... Nguyên trước đó, Nguyễn Quang Thiệu và Nguyễn Quang Toản chạy về phủ Lạng Giang. Lúc đi đến làng Phương Lan thì kẻ tuỳ tòng của Toản chỉ còn hơn trăm người mà thôi. Chánh tổng Yên Mẫu là Võ Thám và bọn Trần Huy Giao ở đất Kinh Than đốc suất các hào mục thuộc huyện Yên Lãng và huyện Lục Ngạn đến bao vây anh em Nguyễn Quang Toản, mãi về sau bọn Tổng Thám mới bắt được Quang Toản và Quang Thiệu đem dâng... Bọn Tổng Thám lại dâng nạp bà phi là Lê Thị Ngọc Bình vào trong nội cung nhà vua”.
Lê Thị Ngọc Bình được nạp làm phi và sau đó được Gia Long sắc phong làm Đệ tam cung Đức Phi, đứng thứ ba sau hai bà Thừa Thiên cao Hoàng hậu họ Tống (mẹ hoàng tử Cảnh) và Thuận Thiên cao Hoàng hậu họ Trần (mẹ hoàng tử Đảm, sau là vua Minh Mạng). Ðệ Tam cung Lê Thị Ngọc Bình sinh năm Qúy Mão (1783) là con gái thứ 29 và cũng là con gái út của vua Lê Hiển Tông và bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Điều. Năm Ất Mão (1795), người chị cùng cha khác mẹ của bà là công chúa Ngọc Hân làm mối em gái của mình cho Nguyễn Quang Toản (tức vua Cảnh Thịnh, con trưởng của vua Quang Trung), năm đó Ngọc Bình mới 12 tuổi. Trở thành vợ vua Tây Sơn, Ngọc Bình được phong làm Chính cung hoàng hậu, ở trong cung 6 năm trời nhưng chưa sinh con cho đến khi bị ép trở thành vợ vua Gia Long. Chính bởi số phận đặc biệt của công chúa Ngọc Bình mà dân gian từ đó đến nay vẫn lưu truyền câu ca: “Số đâu có số lạ lùng! Con vua mà lấy hai chồng làm vua!”.
Về sự việc này, đã có rất nhiều sự nhầm lẫn của các nhà chép sử, cũng như một số nhà nghiên cứu khi cho rằng người mà câu ca dao nói trên chính là công chúa ngọc hân, vợ của Quang Trung Nguyễn Huệ. Chị em Ngọc Hân và Ngọc Bình có nhiều điểm tương đồng: Hai bà đều là công chúa con vua Hiển Tông nhà Hậu Lê, hai bà đều sinh trưởng ở ngoài Bắc, lớn lên hai bà đều lấy chồng là hoàng đế nhà Tây Sơn, cả hai bà đều là Hoàng hậu tại Phú Xuân. Do những điểm tương đồng căn bản đó mà những câu chuyện truyền tụng về cuộc đời hai bà, gây ra sự lầm lẫn giữa Ngọc Hân và Ngọc Bình. Từng có người cho rằng người lấy Nguyễn Ánh là Ngọc Hân. Tuy nhiên, sau khi tra cứu rất nhiều dữ liệu lịch sử thì không có chuyện Ngọc Hân Công Chúa phải làm vợ của vua Gia Long, mặc dù ngày mất của bà vẫn còn chưa được biết đến.
Trở lại với Ngọc Bình công chúa, có lẽ vì bị cưỡng ép hôn nhân nên tâm trạng khó có thể vui vẻ được vì thế trong dân gian còn lưu truyền câu ca như nói lên tâm sự ở tình cảnh éo le của công chúa Ngọc Bình như sau: “Mất chồng rồi lại lấy chồng/Mặt nào còn sống ở trong cõi đời?”. Trong thời gian sống với người chồng thứ hai là hoàng đế Gia Long, bà Ngọc Bình đã sinh hạ được bốn người con là An Nghĩa công chúa Ngọc Ngôn (1803), Mỹ Khê công chúa Ngọc Khuê (1807), hoàng tử là Nguyễn Phúc Quân (1809) và hoàng tử Nguyễn Phúc Cự (1810). Theo sách “Nguyễn Phúc tộc thế phả” thì Đệ Tam cung Lê Thị Ngọc Bình qua đời ngày 12 tháng 9 năm Canh Ngọ (1810) sau khi sinh hoàng tử Phúc Cự, năm ấy bà mới 27 tuổi. Một người trong số đó là Nguyễn Phúc Quân nổi tiếng bởi sự ngỗ ngược, tính tình trái nghịch đến nỗi thầy học và cả hoàng đế cũng không kiềm chế được.
Nguyễn Phúc Quân có tước phong là Quảng Oai Công (có sách chép là Quảng Uy Công), ông là con trai trưởng của công chúa nhà Hậu Lê là Ngọc Bình với hoàng đế Gia Long nhưng xét theo thứ bậc các người con trai thì ông là Hoàng tử thứ mười trong tổng số 13 Hoàng tử của vị hoàng đế đầu tiên triều Nguyễn.
Cuộc tình của Gia Long Nguyễn Ánh với công chúa Ngọc Bình quả thật cũng là một sự trớ trêu. Khi Nguyễn Huệ Quang Trung là chồng bà Ngọc Hân công chúa, còn Nguyễn Ánh Gia Long chồng bà Ngọc Bình, em Ngọc hân, hai kẻ cừu địch không đội trời chung ấy lại trở thành anh em “cột chèo” khiến cho lịch sử càng thêm chuyện hy hữu!
Còn tiếp...