Công trình Văn Miếu được Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề xuất trên cơ sở nguyện vọng của nhân dân và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vĩnh Phúc là "đất học" của Việt Nam. Khoa thi năm 1124, thời vua Lý Nhân Tông, người lập Quốc Tử Giám, Vĩnh Phúc có người đỗ đạt khoa bảng.
Khoa thi cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam năm 1919, Vĩnh Phúc cũng có người đỗ khoa bảng. Trải qua 795 năm (1124 - 1919), Vĩnh Phúc có 392 vị đỗ khoa bảng, trong đó có 9 vị đỗ đại khoa…Tuy nhiên, suốt gần 1.000 năm qua, sự vinh danh khoa bảng, tôn vinh hiền tài chủ yếu được lưu tại văn bia của các nơi trong tỉnh. Khi Văn miếu Vĩnh Phúc hoàn thành, sẽ là nơi quy tụ vinh danh các bậc hiền tài của địa phương trong lịch sử của vùng đất này.
Đây là cư xử văn hoá cao của thời đương đại với hiền tài cha ông.
Công trình Văn miếu Vĩnh Phúc được xây dựng trên diện tích 42.000m2 tại khu Gò Cháo, thuộc thành phố Vĩnh Yên. Mặt tiền của Văn miếu theo hướng Tây - Nam, trước là hồ Đầm Vạc - một thắng cảnh tuyệt đẹp của miền đất trung du, án núi Ba Vì, trẩm gối núi Tam Đảo chạy dài qua các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, ra tới dãy núi Đông Triều.
Văn miếu Vĩnh Phúc được khởi công xây dựng từ năm 2011, với kinh phí gần 300 tỷ đồng từ ngân sách của tỉnh. Đây là công trình văn hoá đương đại có quy mô lớn nhất của địa phương được sử dụng ngân sách của tỉnh.
Theo ông Trần Văn Quang, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc, công trình Văn miếu có 11 hạng mục. 2 hạng mục lớn là hậu cung có quy mô 2 tầng, mỗi tầng có diện tích 500m2, tiền đường có diện tích 150m2. Kết cấu của 2 hạng mục được sử dụng hoàn toàn bằng gỗ lim nhập khẩu. Cột lõi gỗ lim có đường kính 0,7m. Toàn bộ gỗ kết cấu được phủ lớp sơn ta màu đỏ, cột còn hoạ tiết mây, rồng, phượng mang sắc thái đậm nét truyền thống Việt Nam.
Kiến trúc khu thờ tự các vị đại khoa được bố trí theo sự tôn vinh hiền tài truyền thống. Tầng 2 của toà chính điện thờ bài vị của các vị: Khổng Tử, Chu Văn An và 9 vị đại khoa là người Vĩnh Phúc. Tầng 1 chính điện khắc bia thờ 320 vị trung khoa người Vĩnh Phúc...
Tôn vinh hiền tài là tôn vinh nguyên khí quốc gia, tôn vinh tài sản quý giá bền vững muôn đời. Công trình văn hoá mang tên Văn miếu của Vĩnh Phúc sẽ trở thành di sản, kết nối với các công trình danh thắng như chùa Tây Thiên, đền thờ Quốc mẫu Tây Thiên v.v.. thành tour du lịch lịch sử - văn hoá hấp dẫn.
Việc phục dựng Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc thể hiện tinh thần “tôn sư trọng đạo, kính trọng hiền tài” ý thức trận trọng, giữ gìn di sản văn hóa của tiền nhân, là sự tiếp nối truyền thống giáo dục lâu đời do cha ông xây dựng.
Văn miếu còn là nơi giáo dục, khơi dậy những nét đẹp văn hóa truyền thống, giáo dục cho thế hệ trẻ phát huy tinh thần đoàn kết, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, phấn đấu học tập, tu dưỡng, noi gương tiền nhân, góp phần xây dựng hương đất nước ngày càng phát triển…