TT Huế: Công nhận thêm 4 di tích lịch sử cấp tỉnh

16/03/2015 14:51

Theo dõi trên

Sau khi xem xét và đánh giá trên tất cả các phương diện như kiến trúc, sự đóng góp cho lịch sử Đảng bộ tỉnh , Sở VH, TT&DL đã ký quyết định công bố thêm 4 di tích lịch sử cấp tỉnh trong đợt này.

Sáng ngày 16/3, Sở VH, TT&DL tỉnh TT Huế cho biết đã ký quyết định công bố thêm 4 di tích được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. 4 di tích được công nhận lần này bao gồm: Dốc Ba Trục (xã Phong Sơn, Huyện Phong Điền), di tích lịch sử đình Hiền Sỹ  (xã Phong Xuân huyện Phong Điền), di tích lịch sử đình Dương Xuân Hạ (phường Thủy Xuân, TP Huế) và miếu thờ, mộ phần Trương Phi Phong tại thị xã Hương Thủy.

Trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp, dốc Ba Trục thuộc địa phận của xã phong Thái - huyện Phong Điền, con đường này vốn là đường đi của người dân nhưng được bộ đội địa phương sử dụng để hành quân vào trạm xá và chiến khu Hòa Mỹ. Đến thời kì chống Mỹ, đây là địa bàn đóng quân của quân và dân tỉnh TT Huế, nơi đặt bệnh viện quân y 268, đội thanh niên xung phong CK4200 (Quân khu IV) do đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Thân Trọng Một trực tiếp chỉ huy.

Dốc Ba Trục là con đường liên thông và kết nối giữa các địa phương vùng núi và đồng bằng, giữa các cơ quan Đảng bộ của tỉnh TT Huế, đồng thời là con đường hành quân chủ yếu của bộ đội giải phóng. Đây được xem như là “xương sống” của vành đai diệt Mỹ của bộ đội địa phương.

Làng Hiền Sĩ nằm bên sông Bồ, là ngôi làng được hình thành từ thời nhà Mạc, thuộc phủ Triệu Phong lúc bấy giờ. Ngày nay, làng Hiền Sĩ thuộc xã Phong Sơn - huyện Phong Điền.

Làng Hiền Sĩ là nơi sinh hoạt của nhóm “Thanh niên sông Bồ”, nơi tập hợp những nhà lãnh đạo cách mạng tỉnh TT Huế sau này. Tháng 6/1945, đình làng là nơi diễn ra hội nghị Đảng bộ huyện Phong Điền để thành lập mặt trận “Việt Minh Trường Sơn”, một sự kiện quan trọng của cách mạng tỉnh TT Huế. Thời kì kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đây là nơi tập trung các đơn vị hành chính của tỉnh trước khi đưa lên chiến khu Hòa Mỹ.

Làng Dương Xuân Hạ vốn thuộc huyện Triệu Phong, phủ Thuận Hóa, nay là phường Thủy Xuân - TP Huế. Tại đình làng Dương Xuân Hạ, vào ngày 22/8/1945 đã diễn ra cuộc mit ting thành lập chính quyền đia phương. Đến cuối năm 1945, đình làng là nơi làm việc của Đảng bộ và mặt trận Việt Minh xã. Đình làng Dương Xuân Hạ là nơi huấn luyện quân sự, xây dựng lực lượng vũ trang tại chỗ cùa trung đội 21 thuộc trung đoàn 26 giải phóng TT Huế.

Trương Phi Phong vốn là danh tướng thời nhà Lê, là chỉ huy sứ của đại binh vua Lê Thánh Tông đi đánh quân Chiêm năm 1471. Ông cùng với các bậc tiền bối các họ Lê, Phan, Võ, Nguyễn, Trần, Huỳnh và họ Bùi đã tạo lập ra làng Vân Quật. Sau khi mất (1516) ông đã được an táng tại khu vực Cồn Mồ thuộc làng Vân Quật Thượng và được triều đình nhà Lê phong tước vị: “Bổn xã lập miếu thờ cúng để sáng tỏ một gia tộc lớn có công khai canh đầu tiên”.

Để tôn vinh và ghi nhớ công lao của Trương Phi Phong, nhân dân làng Vân Quật đã xây dựng một ngôi đồng thời tôn ông là vị Thành Hoàng của làng.

4 di tích lịch sử được Sở VH, TT&DL tỉnh TT Huế công nhận lần này là địa chỉ đỏ để giáo dục và tuyên truyền lòng yêu nước của người dân.

Trương Y Vân
Bạn đang đọc bài viết "TT Huế: Công nhận thêm 4 di tích lịch sử cấp tỉnh" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.