Trương Vĩnh Ký: Nhân vật lịch sử nổi tiếng thời nhà Nguyễn

28/03/2018 14:46

Theo dõi trên

Vào năm Mậu Tuất 1898, Trương Vĩnh Ký mất vì bệnh lao, hưởng thọ 61 tuổi. Sau khi ông mất, ở Nam Kỳ có phong trào quyên góp dựng tượng Trương Vĩnh Ký do Hội Minh Tân của Trần Chánh Chiếu chủ trương, nhưng việc dựng tượng bị đình hoãn sau khi thực dân Pháp bắt giam Trần Chánh Chiếu.

Trương Vĩnh Ký chính là nhà bác học ngữ học, một học giả lớn của nước ta, ông đã trước tác rất nhiều, các tác phẩm chính của ông bao gồm: Chuyện đời xưa lựa chọn lấy những chuyện hay và có ích; P. J. B Trương Vĩnh Ký – đây là cuốn ngữ pháp Việt Nam yếu lược lần đầu tiên được người Việt Nam viết bằng tiếng Pháp; Mẹo luật dạy tiếng Pha Lang Sa; Tam tự kinh quốc ngữ diễn ca (Hán – Việt); Lục súc tranh công; Cờ bạc nha phiến; Phan Trần truyện; Lục súc (Hán – Việt); Sơ học vấn tân Quốc ngữ diễn ca (Hán – Việt); Thơ dạy làm dâu (Nôm – Việt); Chuyện khôi hài; Kiếp phong trần v.v…
 

Trương Vĩnh Ký sinh năm Đinh Dậu 1837, và mất năm Mậu Tuất 1898, tự  là Sỹ Tải, họ tên đầy đủ là Trương Chánh Ký, sau mới đổi thành Trương Vĩnh Ký, ông vốn theo đạo Thiên chúa, có tên thánh là Jean Baptiste hay Pestrus. Quê quán ở Cái Mơn, xã Vĩnh Thanh, huyện Tân Minh (nay thuộc tỉnh Bến Tre). Thân sinh là Trương Chánh Chi vốn là một lãnh binh triều Nguyễn, thân mẫu là bà Nguyễn Thị Châu, cả gia đình đều theo đạo Thiên chúa.
 
Từ thuở bé, Trương Vĩnh Ký đã nổi tiếng là hiếu học, lên 5 tuổi ông đã được học chữ Hán, sau khi cha mất, mẹ ông gửi ông theo một linh mục, ông được học chữ Quốc ngữ, chữ La tinh tại trường đạo ở Cái Nhum, ít lâu sau qua học ở trường đạo ở  phinhalu (Campuchia). Khoảng từ năm 1851 – 1858, ông được cấp học bổng sang học một trường đạo ở Pinang (Malayxia), ông trở thành một học sinh xuất sắc, được phần thưởng về một luận văn bằng chữ La tinh.
 
Mặt khác nhờ sự thông minh và hiếu học của mình, Trương Vĩnh Ký đã thông thạo rất nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới như tiếng Pháp, Hy Lạp, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Nhật, Trung Quốc, tiếng Anh… nếu tính ra ông thuộc trên 20 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới.
 
Năm Mậu Ngọ 1858, thân mẫu của ông là bà Nguyễn Thị Châu mất, vì vậy ông về quê chịu tang mẹ, và ở quê dạy học. Cuối năm 1860, ông ra làm Thông ngôn (phiên dịch), năm Quý Hợi 1863, ông được cử làm phiên dịch cho phía Pháp, theo phái đoàn Phan Thanh Giản sang điều đình với Chính phủ Pháp. Tại Pais, ông có dịp tiếp xúc với một số nhân vật văn hóa hoặc chính khách Pháp như đại văn hào Victor Hugo, triết gia E. Renan, viện sỹ Paul Bert v.v… Mọi người khi tiếp xúc với Trương Vĩnh Ký đều phải khâm phục ông là một người cực kỳ tài giỏi.
 
Sau chuyến đi Pháp đó, ông trở về nước, về Nam Kỳ được bổ nhiệm làm giáo viên, rồi đốc học trường Thông ngôn, sau đó làm giáo vien các trường sư phạm thuộc địa, trường Tham biện hậu bổ. Đến năm Mậu Thìn 1868, Trương Vĩnh Ký làm chủ bút tờ Gia Định báo, năm Bính Tý 1876, ông có chuyến đi Bắc kỳ ba tháng.
 
Năm Bính Tuất 1886, viên Toàn quyền Đông Dương triệuTrương Vĩnh Ký ra kinh thành Huế, sung vào Viện cơ mật của Nam triều với chức Tham tá. Sau đó theo ý nguyện, ông được chuyển sang làm Hàn lâm viện, Thị giảng học sỹ, thuyết phục vua Đồng Khánh học tiếng Pháp, ông được vua Đồng Khánh mến mộ và trọng hậu, nhưng ông chán nản rút khỏi chính trường. Lấy lý do vì sức khỏe, ông xin vua Đồng Khánh cho trở về Nam Kỳ, mặc cho vua Đồng Khánh cố tình giữ lại nhưng không được.
 
Về đến Nam Kỳ, Trương Vĩnh Ký trở lại nghề dạy học, viết sách báo, giới cai trị thực dân ra mặt bạc đãi ông. Những năm cuối đời, ông sống cuộc đời đạm bạc, chuyên nghiên cứu các môn khoa học xã hội, nhân văn và ngôn ngữ học.
 
Vào năm Mậu Tuất 1898, Trương Vĩnh Ký mất vì bệnh lao, hưởng thọ 61 tuổi. Sau khi ông mất, ở Nam Kỳ có phong trào quyên góp dựng tượng Trương Vĩnh Ký do Hội Minh Tân của Trần Chánh Chiếu chủ trương, nhưng việc dựng tượng bị đình hoãn sau khi thực dân Pháp bắt giam Trần Chánh Chiếu. Vì vậy mà mãi đến năm Quý Mão 1927 tượng của Trương Vĩnh Ký mới được dựng ở sau nhà thờ Đức Bà (Sài Gòn) do quyết định của người Pháp. Nhưng sau năm 1975, tượng của Trương Vĩnh Ký đã bị hạ với lý do xóa bỏ “tàn tích cũ”.
 
Trương Vĩnh Ký chính là nhà bác học ngữ học, một học giả lớn của nước ta, ông đã trước tác rất nhiều, các tác phẩm chính của ông bao gồm: Chuyện đời xưa lựa chọn lấy những chuyện hay và có ích; P. J. B Trương Vĩnh Ký – đây là cuốn ngữ pháp Việt Nam yếu lược lần đầu tiên được người Việt Nam viết bằng tiếng Pháp; Mẹo luật dạy tiếng Pha Lang Sa; Tam tự kinh Quốc ngữ diễn ca (Hán – Việt); Lục súc tranh công; Cờ bạc nha phiến; Phan Trần truyện; Lục súc (Hán – Việt); Sơ học vấn tân Quốc ngữ diễn ca (Hán – Việt); Thơ dạy làm dâu (Nôm – Việt); Chuyện khôi hài; Kiếp phong trần v.v…
 
Các tác phẩm của Trương Vĩnh Ký đến ngày nay đều là sách quý hiếm. Nếu như thế kỷ XVIII, chúng ta có nhà bác học lỗi lạc là Lê Quý Đôn (1726 – 1784), thì thế kỷ XIX, Trương Vĩnh Ký cũng xứng đáng là một nhà bác học lớn của Việt Nam.
 
Vương Quốc Hoa

Bạn đang đọc bài viết "Trương Vĩnh Ký: Nhân vật lịch sử nổi tiếng thời nhà Nguyễn" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.