Đường lên Khu di tích đền Nưa - Am Tiên
Vào một ngày đầu Đông nắng đẹp chúng tôi tìm về vùng núi ngàn Nưa của xứ Thanh để thăm thú, chiêm bái một ngọn núi địa linh nổi tiếng gắn liền với cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Ngô của nữ tướng Triệu Thị Trinh, người con gái xứ Thanh vào hồi giữa thế kỉ thứ III. Phải nói, ấn tượng ban đầu để lại cho chúng tôi một cảm giác thú vị khó quên là con đường dẫn đến chân núi, được bao phủ bởi một màu xanh rì, râm mát của hai hàng xà cừ cổ thụ to đến đôi, ba người ôm. Cái hình ảnh mở đầu ấy như thể đang dần đưa chúng tôi vào một không gian thâm nghiêm, uy nghi, cổ kính của một vùng huyền thoại linh thiêng, bí ẩn, một thời từng làm cho quân thù phải hoang mang, khiếp đảm. Và liền kề với hàng cây thâm nghiêm cổ kính ấy là đền thờ nữ tướng với cổng tam quan kiêm gác chuông cao to đồ sộ cùng với bức tượng con voi trắng ở ngay trước sân đền, dưới chân núi ngàn Nưa như đang tái hiện lại trong tôi những năm tháng lịch sử oai hùng. Lịch sử của ngàn Nưa kia dẫu có thăng trầm theo năm tháng thì những dấu tích của nó chẳng thể phôi pha. Nó vẫn đang được thời gian và con người nơi đây lưu phong cất giữ cho cháu con ngàn đời ngưỡng vọng noi theo. Sông núi ngàn Nưa vẫn một dải xanh non, trùng trùng điệp điệp như rồng thiêng uốn lượn trường tồn cùng với biết bao huyền thoại chẳng thể nào xóa nhòa. Tất cả, hư thực cứ hòa trộn đan xen vào nhau vừa gợi lên những nét hoang sơ như một miền cổ tích xa xôi nào đó vừa dẫn dụ mê hoặc lôi cuốn người theo.
Nghe nói, đỉnh ngàn Nưa là một trong ba huyệt đạo thiêng của đất Việt (một ở Đá Chông thuộc thành phố Hà Nội và một ở núi Bà Đen thuộc tỉnh Tây Ninh). Người ta còn kể, vào thời nhà Đường, Tiết độ sứ Cao Biền từng vâng lệnh vua Đường đến đất Giao Châu vừa để cai quản vừa để đi khắp nơi, dò xét mọi chốn núi non, rừng biển, sông hồ nhằm tìm những chỗ có kiểu đất đế vương, địa thế tốt, hình thế sơn thuỷ đẹp, khí địa linh thiêng rồi dùng các phép thuật phù thuỷ triệt phá. Cao Biền đã từng đến vùng núi Tản Viên ở Hà Nội hay cưỡi diều giấy bay lượn trên vùng đất Hoa Lư ở Ninh Bình và trên đỉnh ngàn Nưa. Y cũng đã phát hiện huyệt đạo và tìm mọi cách trấn yểm. Tuy nhiên pháp thuật của y không thể thắng được vượng khí hùng thiêng của trời Nam đất Việt nên những ý đồ đen tối đó đã bất thành.
Đền thờ Bà Triệu dưới chân núi Nưa
Không rõ sự thực đúng sai của những lời đồn đại kể trên ra sao bởi đó chỉ là những truyền thuyết với muôn vàn yếu tố hoang đường kỳ ảo. Tuy vậy sự nổi tiếng của dãy núi ngàn Nưa với tư cách là một danh sơn kỳ thú gắn với không ít sự kiện lịch sử và văn hóa của đất nước trong suốt dặm dài của lich sử dân tộc cũng đã thôi thúc, khơi gọi sự tò mò trong tôi. Theo đó, lần dở lại trong sử sách ghi chép thì ta được biết: “Núi Nưa tên chữ là Na Sơn, mạch núi từ phủ Thọ Xuân kéo đến, chạy dài vài ba mươi dặm, đến địa phận tổng Cổ Định thì nổi vọi lên nhiều ngọn, ngọn cao nhất là núi Nưa” (Đại Nam nhất thống chí). Dãy núi ấy có mạch bắt nguồn từ dải Trường Sơn, vươn về phía biển Đông theo hướng Tây Bắc - Đông Nam đi qua ba huyện Triệu Sơn, Nông Cống, Như Thanh. Quần thể núi đất đá ấy có hàng trăm ngọn núi lớn nhỏ trùng điệp, trong đó đỉnh núi Nưa cao nhất (cao 585 mét so với mực nước biển). Các nhà phong thủy bảo rằng, từ đỉnh ngàn Nưa nhìn ra bốn phía thấy có 99 ngọn núi giống như 99 con voi đang phục chầu, bởi thế núi ấy là núi chủ. Không những thế, người ta còn phát hiện ra trên đỉnh núi ấy còn có một huyệt đạo hội tụ được linh khí thiêng liêng của trời đất. Do vậy từ xưa đến nay ngàn Nưa luôn được coi là ngọn núi vừa có thế đắc điạ vừa là nơi hiểm địa của miền Tây xứ Thanh. Có lẽ vì thế mà cách đây 1769 năm bà Triệu Ẩu (tức Triệu Thị Trinh) đã chọn nơi này làm căn cứ của cuộc khởi nghĩa chống lại quân Ngô xâm lược. Và sau này nơi đây cũng đã trở thành nơi hẹn hò, lui đến ở ẩn của không ít tao nhân mặc khách như thể câu chuyện của ẩn sĩ Trần Tu hiệu Hoàng Mi - tiên sinh đời Trần trong “Truyện người tiều phu núi Na” của Nguyễn Dữ hay vết tích nhà ở của Nguyễn Thượng Hiền phía dưới chân núi…
Tượng thờ Bà Triệu
Ngàn Nưa hôm nay đang giữa mùa hoa lau. Con đường bê tông quanh co dốc dựng ngoằn ngoèo khá hiểm trở đi lên đỉnh núi ngập tràn hoa lau với đủ các sắc màu trắng, tím, vàng óng, đen nâu tạo nên một khung cảnh vừa trầm mặc vừa hoang sơ của một vùng sơn cước hoang vu như thể trong câu chuyện đậm chất liêu trai của Nguyễn Dữ đã từng miêu tả hồi thế kỷ XVI. Nhìn những bông lau phất phơ hay đổ nghiêng uốn câu trong buổi chiều đầy nắng vàng hanh hao hòa trong những ngọn gió đìu hiu khiến cho hồn người không khỏi nao lòng ngơ ngẩn. Ngàn Nưa thủa xưa chẳng biết thế nào còn bây giờ đang hiện hữu ra trước mắt tôi với những đồi lau ngút ngàn xen lẫn một rừng keo lá tràm xanh biếc. Nghe kể, ngàn Nưa là tên gọi của núi nứa. Người ta kể xưa kia nứa ở chốn này nhiều vô kể, nhiều đến mức người ta đã lấy tên cây để đặt tên cho núi. Vậy mà những rừng nứa ấy nay chỉ hiện hữu ra trước mắt chúng tôi với vài bụi nứa tép lơ thơ dọc đường hay một vạt đồi nho nhỏ trên đường xuống Am Tiên để đủ gợi về những dấu tích của một thời đã qua. Bây giờ có lẽ rừng nứa ngày xưa đã được dần thay bằng muôn thứ cây trồng trên đỉnh ngàn Nưa của không ít người từ những chính khách, yếu nhân của đất nước cho đến các doanh nhân, người thường từ khắp muôn nơi về đây hội tụ. Có lẽ rồi chẳng bao lâu nữa núi rừng ngàn Nưa sẽ xanh rợp bóng cây cùng với những công trình tâm linh để làm một điểm hẹn của du khách muôn phương về đây chiêm bái.
Những công trình kiến trúc trên đỉnh ngàn Nưa bây giờ còn khá đơn sơ. Khu di tích lịch sử trên đỉnh ngàn Nưa ấy có giếng Tiên, đền Nưa, chùa Am Tiên, huyệt đạo và miếu Tu Nưa, thờ vị đạo sĩ thời Trần - Hồ, ngoài ra còn có cả một ban thờ lộ thiên thờ thần núi Tản Viên. Am Tiên xưa kia đã bị phá chưa được khôi phục lại, chỉ còn một tấm biển xây đề tên ghi dấu. Từ tấm biển đề tên “Di tích lich sử văn hóa Am Tiên” đi xuống khoảng vài chục mét là một giếng nước thiêng cùng với lầu cô lầu cậu bé nhỏ bên cạnh. Kỳ lạ thay trên đỉnh cao ngót 600 mét, không có suối, không có khe nhưng nước giếng lúc nào cũng có (tuy nước không nhiều nhưng cứ múc hết lại đầy) và trong vắt, mát ngọt. Đúng là sơn cao có tụ thủy. Theo truyền thuyết, giếng nước được hình thành do sự chuyển động của trời đất nên đá trên núi đã nứt dần và mở rộng tạo thành giếng nước. Giếng nước Am Tiên rộng chừng khoảng ngót 2 mét, sâu chừng 3 mét. Người ta kể rằng xưa các tiên nữ thường hay bay xuống đây lấy nước để tắm nên mới có tên gọi là giếng Tiên. Tương truyền trong cuộc khởi nghĩa hồi năm 248 nghĩa quân của bà Triệu đã lấy nước giếng để sử dụng hàng ngày. Đặc biệt, mỗi khi xung trận bà Triệu thường múc nước giếng để rửa mặt cho mát mẻ và uống vài ngụm nước cho tỉnh táo, khỏe khoắn. Bây giờ du khách đến đây vẫn thường có thói quen lấy nước rửa mặt hay mang về để cầu may, chữa bệnh. Cách Am Tiên không xa là đền Nưa. Đây là nơi vừa thờ mẫu vừa thờ phật cùng đức ông và vua bà (bà Triệu). Theo truyền thuyết thì bà Triệu là người đã cho dựng ngôi đền này. Nghe kể bà làm năm 247 để thờ mẹ. Khi ấy mẹ bà Triệu mất bà không về được (vì vợ và em vợ của Triệu Quốc Đạt làm Hán gian) nên đã cho dựng ngôi chùa với tên gọi là “Bích Vân cung tự” để ở nơi khởi nghĩa bà có thể bái vọng về cho mẹ; đồng thời cũng nhằm mục đích thể hiện sức mạnh chính nghĩa cho cuộc khởi nghĩa của mình nhằm thu phục nhân tâm.
Theo sử sách, năm 248, bà Triệu, khi đó là một người con gái 19 tuổi xinh đẹp, có chí khí và sức khỏe lại rất gan dạ. Bà đã cùng người anh trai của mình là Triệu Quốc Đạt (một hào trưởng có thế lực và uy tín ở vùng núi Cửu Chân) tập hợp nghĩa sĩ và chọn núi Nưa làm căn cứ để luyện tập võ nghệ; rồi dấy binh khởi nghĩa, đánh đuổi quân xâm lược nhà Ngô. Truyện kể rằng, mỗi khi xung trận bà Triệu thường cưỡi voi trắng, mặc giáp vàng xưng là Nhụy Khuê tướng quân. Nghĩa quân của bà đã đánh phá nhiều thành quách của quân Ngô khiến kẻ thù phải khiếp đảm, lo sợ. Giặc Ngô đã phải tìm mọi thủ đoạn để dụ dỗ bà Triệu, thậm chí chúng suy tôn bà là Lệ Hải Bà Vương để chiêu dụ. Tuy nhiên bà không hề bị lung lạc mà vẫn quyết chí chiến đấu để giành lại độc lập cho đất nước. Bà đã tuyên bố với mọi người rằng: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người ta”. Trước tình thế đó vua Ngô phải cử viên tướng lừng danh, giỏi trận mạc sang làm Thứ sử Giao Châu tên là Lục Dận cùng đại binh đến để đàn áp. Do tương quan lực lượng không đều nên nghĩa quân và cuộc khởi nghĩa của bà Tiệu chỉ tồn tại trong sáu tháng rồi mai một dần. Sau khi cuộc khởi nghĩa đã thất bại, nữ tướng Triệu Thị Trinh đã phải tuẫn tiết ở núi Tùng (xã Phú Điền, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa). Cái chết dũng cảm và cuộc khởi nghĩa của bà mãi mãi muôn đời là một tấm gương sáng về tinh thần bất khuất, yêu nước của người phụ nữ Việt Nam. Tưởng nhớ đến bà và cuộc khởi nghĩa bi hùng ấy, nhiều đời sau người dân xứ Thanh vẫn còn ngợi ca, lưu truyền trong khúc hát ru: “Ru con con ngủ cho lành/ Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi/ Muốn coi lên núi mà coi/ Coi bà Triệu tướng cười voi đánh còng/ Túi gấm cho lẫn túi hồng/ Têm trầu cánh phượng cho chồng trẩy quân”. Trải qua năm tháng của hàng ngàn năm lịch sử những dấu tích của cuộc khởi nghĩa trên ngọn núi này có thể đã bị phôi pha theo thời gian nhưng những câu chuyện về người anh hùng và cuộc khởi nghĩa vẫn còn được kể mãi và lưu truyền đến tận muôn đời hậu thế.
Du khách thu nạp sinh khi của trời đất
Tác giả và du khách chụp ảnh lưu niệm
Cách đền Nưa không xa, khoảng chừng 100 mét là đỉnh ngàn Nưa. Đỉnh ngàn Nưa là một bãi đất bằng phẳng rộng chừng khoảng trên 200 mét vuông, trong đó huyệt đạo rộng chừng khoảng 100 mét vuông nằm chính giữa. Quá ngọ chúng tôi có mặt trên huyệt đạo. Khi ấy trời quang mây thoáng đãng, nắng đẹp nên từ đỉnh ngàn Nưa nhìn ra bốn phía làng mạc, đồng ruộng của các vùng lân cận hiện rõ trong tầm mắt. Một bức tranh làng quê thanh bình xanh biếc của xứ Thanh yên ả như non xanh hoạ đồ hiện lên sao mà quyến rũ đến vậy. Huyệt đạo nằm trên đỉnh núi được quây xung quanh theo một hình tròn bằng hàng rào nứa tép, đan cài hình quả trám. Bên trong huyệt đạo có 3 phiến đá xếp giữa dùng làm nơi ngồi thiền. Ở giữa trung tâm huyệt đạo, ngoài những đồ thờ tự lộ thiên bằng đá cùng với một quả cầu đá màu nâu xám xinh xắn, huyệt đạo còn có hai giá treo treo chuông đồng, khánh đồng và một phiên bản trống đồng Đông Sơn. Phải nói, khí trời trên đỉnh ngàn Nưa rất thoáng, tạo cho người đến một cảm giác vô cùng sảng khoái. Chúng tôi thấy du khách hành hương đến đây thường đứng giữa trời đất cầu vái bốn phương tám hướng rồi làm các động tác thiền, hít thở để thu nạp vào trong cơ thể một nguồn năng lượng, sinh khí mới của vũ trụ. Họ cứ tự nhìn theo nhau để mà thực hiện các động tác thu nạp sinh khí. Ai đó đều thả lỏng cơ thể, mắt nhắm và đặt hai bàn tay vào quả cầu đá hay mặt trống đồng một cách khoan thai, nhẹ nhàng hít thở để chiêm nghiệm cái quàng sáng đỏ rực đang hiện dần trong mắt. Lên đỉnh ngàn Nưa ai đấy đều mong muốn thu nạp được nhiều khí trời nên chẳng ai bảo ai từng đoàn người cứ theo nhau nối đuôi đi vòng quanh hàng rào nứa xung quanh huyệt đạo theo chiều ngược kim đồng hồ với một công thức nam đi bảy vòng, nữ đi chín vòng. Người ta bảo phải đi ngược chiều kim đồng hồ thì con người mới hấp thụ, đón nhận được nhiều linh khí nhất.
Trung tâm huyệt đạo trên đỉnh ngàn Nưa
Theo tín ngưỡng dân gian, huyệt đạo trên đỉnh núi Nưa là huyệt khí thiêng. Người ngàn Nưa bảo rằng, huyệt ở đây không phải là lỗ (đào huyệt), không phải là nơi khí của tạng phủ, kinh lạc, gân cơ xương khớp tụ lại, tỏa ra trong cơ thể (huyệt đạo trên cơ thể người). Huyệt ở đây là điểm. Đạo ở đây không phải là đường mà là hướng (phương hướng) trong không gian. Huyệt đạo phải hiểu là nơi có khí trời và khí đất giao thoa, hội tụ. Đứng ở huyệt đạo con người sẽ hấp thụ được một nguồn năng lượng lớn của trời và đất do đó sinh khí của người sẽ thay đổi như khoẻ mạnh hơn, bệnh tật sẽ tiêu tan... Người ta bảo rằng, trên đỉnh ngàn Nưa phân tần địa chất ở dưới lòng đất có long mạch bị đứt gãy nên khí từ lòng đất trào lên. Và đỉnh cao này cũng là hướng tới của nguồn năng lượng mặt trời. Bởi thế đỉnh ngàn Nưa được xem là nơi giao hòa linh khí của trời và đất. Thật thú vị sơn cao lại có đất bằng. Đất bằng ấy lại là nơi hội tụ linh khí thiêng liêng của đất trời sông núi. Người dân Triệu Sơn thường bảo vào ngày mở cửa trời (mồng 9 tháng giêng âm lịch hàng năm) cho dù trời có mưa gió, bão bùng, u ám đến đâu đi nữa thì vẫn có hiện tượng đất trời quang đãng, hanh thông trong một thời khắc nhất định ở trên đỉnh ngàn Nưa. Khi ấy, đất trời như được mở rộng hơn. Đặc biệt mỗi khi đất nước có sự đổi thay nào đó thì đêm đến người dân quanh vùng lại thấy có một vệt sáng trên đỉnh ngàn Nưa. Hiện tượng ấy giống như một điềm báo.
Địa danh ngàn Nưa vốn đã được nghe từ rất lâu nhưng bây giờ chúng tôi mới có dịp thăm thú. Đứng trên đỉnh ngàn Nưa, tôi thấy ai nấy đều đang mở toang lồng ngực để đón nguồn linh khí tươi mới của đất trời. Để mặc cho hồn thư thái, phiêu ru giữa bạt ngàn cây xanh thâm u và rừng lau trắng xóa đang quện hoà trong mây, dặt dìu bên gió ta thấy trong người nhẹ nhõm, khoan khái đến tột cùng. Giữa mênh mông, bao la của đất trời, được đắm chìm trong một không gian thoáng đãng của núi rừng linh thiêng nhưng đượm vẻ hoang sơ, mờ ảo, thần bí như chính những huyền thoại đang được lưu truyền qua bao đời nay ta mới thấy yêu thích sự diệu kỳ của đất trời sông núi xứ Thanh mà tạo hóa đã ban tặng. Ta cũng sẽ cảm được cái linh thiêng huyền diệu của vùng đất đế vương trên đỉnh ngàn Nưa.