TP.Hồ Chí Minh tổ chức Lễ đón nhận Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Lễ hội Khai Hạ - Cầu An”

07/09/2022 09:46

Theo dõi trên

Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ đón nhận Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Lễ hội Khai Hạ-Cầu An” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận tại Di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt.

dh125235234563466-1662518744.jpg
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng (phải) trao Quyết định và Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội Khai hạ - Cầu an” - Ảnh: VGP/Lê Anh

Lễ Khai hạ - Cầu an thường diễn ra vào mùng 7 Tết âm lịch hằng năm. Các nghi thức tế, lễ được tổ chức theo nghi thức tế lễ cung đình triều Nguyễn và gắn bó mật thiết, thể hiện sống động hoạt động sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Lễ hội được chia thành nhiều phần khác nhau như: Hạ nêu, khai hạ, khai bút và khai ấn.

Đây là điểm nhấn sinh hoạt văn hóa của người dân Nam Bộ và TPHCM để cầu mong cho mưa thuận, gió hòa và kỳ vọng một năm mới công việc thuận lợi, hanh thông; thể hiện sức mạnh đoàn kết của nhân dân trong lao động, sinh hoạt và bảo vệ đất nước.

Trong lễ Khai hạ - Cầu an thường kèm theo những chầu hát bội rất sống động với các tuồng tích như: Ngọc Quỳnh lâm tế, Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ, San Hậu...

Lễ hội Khai Hạ - Cầu An tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt là lễ hội thứ ba của Thành phố được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, thể hiện sự trân trọng và ghi nhận của Nhà nước đối với những cống hiến, đóng góp to lớn của nhân dân vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa, Bình Thạnh ngày nay đã gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể này. Đây không chỉ là niềm tự hào của nhân dân TP Hồ Chí Minh mà còn góp phần làm đa dạng kho tàng của di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam.

Cùng với Lễ hội Khai Hạ - Cầu An tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt vào mùng 7 tháng giêng âm lịch hằng năm; lễ giỗ lần thứ 190 Đức Thượng Công Tả quân Lê Văn Duyệt (vào ngày mùng 1 tháng 8 âm lịch) nhằm ghi nhớ công lao vị quan thanh liêm đã chăm lo tốt đời sống nhân dân, có tầm nhìn xa rộng đặt nền tảng xây dựng và phát triển Sài Gòn - Gia Định nói riêng và vùng đất Nam Bộ nói chung trở nên trù phú, được tổ chức thường niên. Lễ hội này đã trở thành một hoạt động tín ngưỡng, văn hóa có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống người dân Sài Gòn - Gia Định - TP Hồ Chí Minh nói riêng, nhân dân Nam Bộ nói chung.

Theo disanxanh.cinet.vn
Bạn đang đọc bài viết "TP.Hồ Chí Minh tổ chức Lễ đón nhận Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Lễ hội Khai Hạ - Cầu An”" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.