Đền toạ lạc trong một khuôn viên thoáng đãng, rộng khoảng 4ha, gồm: chùa, đền, điện, sơn trang, và nhà thuỷ đình. Nguyên Phi Ỷ Lan (1044 - 1117), là một trong những danh nhân có tài trị nước xuất chúng của dân tộc, Ỷ Lan tên thật là Lê Thị Yến, cha là Lê Công Thiết, mẹ là Vũ Thị Tỉnh, dì ghẻ là Chu Thị và người giúp việc trong lúc hoạn nạn là lão tăng Thái Diên. Quê bà ở làng Thổ Lỗi, sau đổi thành Siêu Loại – Phủ Thuận Thành – Bắc Ninh cũ, nay thuộc Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội. Cũng có tài liệu ghi rằng: nguyên quán của bà ở Thị Trấn Như Quỳnh – Hưng Yên, nhân dân đã lập đền Ghênh để thờ bà. Vì mẹ mất sớm, từ lúc 12 tuổi, cha lấy vợ kế nên thân phận Ỷ Lan khổ như cô Tấm trong truyện cổ tích Tấm Cám. Nhân dân gọi bà là “Cô Tấm lộ Bắc”, nên đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan tại Dương Xá - Gia Lâm – Hà Nội, còn được gọi là đền Bà Tấm là vì thế.
Tương truyền: Vua Lý Thánh Tông tuổi đã cao nhưng chưa có con trai nối dõi, Vua và quần thần vãng cảnh, khi đi qua chùa Dâu (phủ Thuận Thành), dân làng nô nức đến xem, riêng có người con gái 19 tuổi, vẫn thản nhiên hái dâu bên gốc lan, Vua thấy lạ bèn mời xuống hỏi sự tình. Thấy Lê Thị Yến bội phần xinh đẹp, lại đối đáp lưu loát. Vua cảm mến và đưa về triều đình phong làm Nguyên Phi, xây một cung riêng, đặt tên là cung Ỷ Lan, để nhớ lại sự tích cô gái tựa gốc cây lan hái dâu buổi đầu gặp gỡ.
Khác với các hậu phi, Ỷ Lan không lấy việc chau chuốt nhan sắc, để mong độc chiếm tình yêu của Vua, mà bà quan tâm hết thảy đến công việc trong triều, Ỷ Lan dày công học hỏi, miệt mài, nghiễn ngẫm đèn sách, khiến triều thần bái phục, và vô cùng kinh ngạc, trước sự hiểu biết uyên thâm về mọi mặt của bà.
Bởi thế, năm 1069, Vua Lý Thánh Tông đích thân cầm quân đi đánh giặc, đã trao quyền Nhiếp chính cho Ỷ Lan. Cũng năm ấy, nước Đại Việt không may bị lụt lớn, mùa màng mất trắng, nhiều nơi dân đói nổi loạn, thử thách quá lớn, đối với vị nữ Nhiếp chính. Nhưng cũng nhờ có Ỷ Lan đề ra kế sách trị nước đúng đắn, quyết đoán táo bạo và loạn lạc đã được dẹp yên, dân đói đã được cứu sống. Cảm kích trước ơn ấy, cũng như bầy tỏ sự ái mộ tài năng siêu Việt, nhân dân Đại Việt đã tôn phong Ỷ Lan là “Quan Âm nữ”, lập bàn thờ, thờ sống người.
Đánh giặc lâu không thắng, lo nước không yên, Vua Lý Thánh Tông trao quyền tiết chế cho Thái uý Lý Thường Kiệt, đem một cánh quân nhỏ quay về, đến châu Cư Liên (nay là Tiên Lữ - Hưng Yên), hay tin Ỷ Lan đã vững vàng đưa đất nước vượt qua muôn trùng khó khăn, thay vua Trị Quốc an dân, Vua hổ thẹn quay ra trận, đánh cho kỳ thắng mới về.
Năm 1072, Vua Lý Thánh Tông đột ngột qua đời, triều Lý không tránh khỏi rối ren. Nhưng khi Ỷ Lan trở thành Hoàng Thái Hậu Nhiếp chính và Lý Thường Kiệt trở thành Nguyên Soái thì nước Đại Việt lại khởi sắc nhanh chóng thịnh cường. Ỷ Lan đã thi thố những biện pháp dựng nước yên dân, khiến cho thế nước và sức dân mạnh hẳn lên. Bởi vậy, năm 1077, khi Tống triều mang đại binh sang xâm lược, với toàn quyền điều khiển triều đình, Ỷ Lan đã huy động được cả dân tộc vào trận, làm cho thế nước ở đỉnh cao ngàn trượng, đè bẹp quân thù. Nhờ có “Bà Tấm” Ỷ Lan, mà nhân dân Đại Việt đã thoát ra khỏi chiến tranh, nước Đại Việt nhanh chóng bước sang giai đoạn hùng cường, văn hiến.
Đền Bà Tấm là loại hình di tích lịch sử và nghệ thuật đã được Bộ Văn hoá – Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1996. Khám thờ sơn son thếp vàng trong đền Bà Tấm, được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia vào ngày 15 tháng 01 năm 2020.
Kế bên đền là chùa Bà Tấm, hay “Linh Nhân tư Phúc Tự”, do chính Linh Nhân Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan xây dựng, khánh thành vào tháng 3 năm Ất Mùi (1115). Cũng như đền Bà Tấm, chùa Bà Tấm đã được Bộ Văn hoá – Thông tin xếp hạng di tích lịch sử và nghệ thuật năm 1996. Tượng đôi sư tử đá ở chùa Bà Tấm, được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia vào ngày 15 tháng 01 năm 2020.
Phía sau chùa Bà Tấm là điện thờ Ngọc Hoàng cùng hệ thống thần linh tam, tứ phủ, uy linh tố hảo. Hiện nay, có rất nhiều nơi lập đền thờ để tưởng nhớ công ơn to lớn của Người. Nhưng đền thờ Bà Tấm (Nguyên Phi Ỷ Lan) tại (Dương Xá, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội) mới là nơi thờ chính. Hằng năm, Lễ hội đền Bà Tấm sẽ được tổ chức ba ngày, từ 19 đến 21 tháng 02 âm lịch, tương truyền, đây là ngày mà bà đã đăng quang. Nơi đây, cảnh sắc đất trời tươi đẹp, rộng lớn, quện vào không gian thanh tịnh, là điểm dừng chân lý tưởng để du khách thập phương đến chiêm bái, và vãng cảnh đầu năm.
________________
Bài viết có tham khảo tài liệu, của Ban quản lý Khu di tích đền Bà Tấm (Nguyên phi Ỷ Lan).