Thúc đẩy sáng tạo
Hằng năm, sự kiện thẩm định và xét tặng thưởng tác phẩm, công trình VHNT xuất sắc của Liên hiệp các Hội VHNT luôn được các văn nghệ sĩ đón chờ. Giải thưởng được xem là cú hích thúc đẩy các văn nghệ sĩ sáng tạo và là niềm vui sau bao nỗ lực lặng thầm, bền bỉ.
Theo đánh giá của PGS. TS. Hồ Thế Hà, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật của Liên hiệp các Hội VHNT, hầu hết các tác phẩm đạt giải đều mang tính nghệ thuật cao, thể hiện qua thế giới ngôn từ, hình tượng, tư tưởng theo đặc trưng ngôn ngữ của từng thể loại. Những thành tựu mà các văn nghệ sĩ đạt được qua tặng thưởng chính là kết quả của quá trình học hỏi, lao động nghệ thuật gian khó.
Để kích thích văn nghệ sĩ sáng tạo, thời gian qua, Liên hiệp các Hội VHNT tổ chức nhiều hoạt động, chương trình; qua đó, hình thành nhiều tác phẩm có chất lượng. Hằng năm, giới văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế đều có tác phẩm đạt giải thưởng cao trong nước và quốc tế. Nhiều văn nghệ sĩ được tặng thưởng danh hiệu: Nghệ sĩ Nhân dân, nghệ sĩ Ưu tú, nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân Ưu tú, giải thưởng Nhà nước về VHNT...
VHNT được tỉnh quan tâm, đầu tư cho tác giả, tác phẩm và các hoạt động liên quan. Đầu tư cho tác phẩm của văn nghệ sĩ chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí từ chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình VHNT ở Trung ương và các hội VHNT địa phương, để tổ chức các trại sáng tác và hỗ trợ các tác phẩm. Sự đầu tư này góp phần mang lại hiệu quả, kích thích sáng tạo của các văn nghệ sĩ. Mỗi năm trung bình có khoảng 45 tác phẩm, công trình của các tác giả được hỗ trợ từ nguồn này.
Nhà thơ Lê Tấn Quỳnh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT cho hay: “Việc Nhà nước quan tâm đến các hoạt động VHNT góp phần tạo bệ phóng cho văn nghệ sĩ có điều kiện hơn trong việc nuôi dưỡng, phát huy khả năng sáng tạo. Những đợt đi thực tế, tham gia trại sáng tác, những khoản kinh phí đầu tư đều đặn hàng năm cũng góp phần khuyến khích, tạo động lực cho văn nghệ sĩ sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật giá trị”.
Tạo điều kiện thuận lợi cho văn nghệ sĩ
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động VHNT vẫn tồn tại những hạn chế. Số tác giả tiêu biểu còn ít, tác phẩm đạt chất lượng cao chưa nhiều, hoạt động lý luận phê bình còn yếu. Công tác phổ biến, công bố tác phẩm còn khó khăn. Hoạt động VHNT đã được quan tâm, tuy nhiên nguồn lực đầu tư cho VHNT còn hạn chế, vẫn còn thiếu những cơ chế, chính sách khuyến khích văn nghệ sĩ cống hiến, đóng góp cho VHNT tỉnh nhà.
Nhà thơ Lê Tấn Quỳnh cho hay, việc hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình VHNT cũng đang bộc lộ một số bất cập. Đầu tư còn dàn trải, tâm lý còn nể nang dẫn đến việc hỗ trợ sáng tạo mang tính “cào bằng” khiến một số tác phẩm được phê duyệt hỗ trợ chưa đạt yêu cầu. Tuy Nhà nước quan tâm, nhưng do nguồn lực còn hạn chế nên việc đầu tư kinh phí cho những hoạt động lớn về VHNT vẫn chưa đáp ứng được mong muốn. Chẳng hạn, việc tổ chức các hội thảo, trại sáng tác… có quy mô quốc gia, khu vực hầu như không thực hiện được. Hoặc, để đầu tư dàn dựng một vở kịch, vở tuồng hay với kinh phí vài trăm triệu đồng hoàn toàn nằm ngoài tầm với của Liên hiệp các Hội VHNT. Chế độ nhuận bút, thù lao biểu diễn chưa tương xứng với lao động sáng tạo của văn nghệ sĩ.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và phát triển VHNT, UBND tỉnh vừa ban hành đề án “Phát triển VHNT Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Đề án đẩy mạnh hoạt động sáng tạo trong đội ngũ văn nghệ sĩ thông qua việc tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho văn nghệ sĩ sáng tác các tác phẩm có chất lượng; tạo điều kiện hình thành các tác phẩm VHNT có chất lượng thông qua hoạt động tài trợ, đặt hàng sáng tác tác phẩm. Đồng thời, xây dựng đội ngũ để phát triển nghiên cứu, lý luận phê bình VHNT và nghiên cứu bảo tồn di sản văn hóa văn nghệ...
Liên hiệp các Hội VHNT cũng đề xuất các cơ chế, chính sách đối với văn nghệ sĩ, như: có chính sách khen thưởng đối với các tác giả có tác phẩm đạt giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh và đạt giải cao trong nước và quốc tế; có chính sách tài trợ, đặt hàng sáng tác, phổ biến các tác phẩm VHNT, chính sách đầu tư xuất bản các ấn phẩm văn học, kịch bản sân khấu, sách tranh, ảnh; tăng cường các buổi công diễn âm nhạc, sân khấu, múa, trình diễn thơ, triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc; đề xuất tỉnh thành lập Quỹ hỗ trợ văn nghệ sĩ...
Nhà thơ Lê Tấn Quỳnh cho rằng, đề án “Phát triển VHNT Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” sẽ tạo nên một làn gió mới cho VHNT tỉnh nhà. Đối với Liên hiệp Hội, nhiều kế hoạch, dự định, chương trình lớn trước đây không thực hiện được do vấn đề kinh phí giờ có thể được triển khai đồng bộ. Đối với văn nghệ sĩ, đây cũng là một trong những động lực quan trọng để nâng cao ý thức trách nhiệm, mạnh dạn đổi mới tư duy khi tiếp cận hiện thực của đất nước, lịch sử của dân tộc ở thời kỳ mới./.