Những câu hát của ông thực sự là chỗ dựa cho những người lao động nghèo, lam lũ. Là chỗ để người thành đạt có địa vị, chức sắc đôi khi nao lòng nhớ lại chuyện ngày xưa. Là chỗ để nhiều khi trong cuộc sống bon chen, nhiều lo toan con người ta bỗng thấy dịu đi.
Nhạc của ông như kể chuyện, như suy tư những nỗi suy tư rất đỗi bình dị, giản đơn mà trong cuộc sống thường nhật ông phải trải qua. Nhạc của ông giống như một kiểu xẩm đời mới, cho nên chỉ cần bật bưng tiếng ghi-ta cất giọng hát không cần nuột nà trau chuốt cũng đã đủ chinh phục rất nhiều người.
Có nhiều dịp được gặp nhạc sĩ Vinh Sử cả ở Hà Nội và Sài Gòn, thấy quý tính cách gần gũi, nghệ sĩ mà cũng rất anh hai Sài Gòn của ông. Nhiều lần hỏi chuyện về nguồn cơn ông sáng tác mỗi ca khúc. Lần gặp ông gần đây nhất là dịp năm 2018 tại Sài Gòn, đó là một quán nước nhỏ bên đường phố quen ở trung tâm thành phố.
Vòng nhẫn cưới: "Kỷ niệm đó. Lúc đó cũng là người lớn, cũng có trí thức rồi. Yêu một nàng, hai đứa yêu nhau thiệt. Nhưng sau lại có người nhà giàu tới hỏi cưới, gia đình bắt buộc gả cho. Khi làm đám cưới nàng cũng mời mình tới. Ngày hôn lễ họ trao em một vòng nhẫn cưới lớn thật lớn. Cũng đeo trên tay này nọ. Mình quá đau khổ chẳng biết phải làm gì, nên lại viết thành bài Vòng nhẫn cưới".
Giết người anh yêu: "Ngày xưa mình yêu cô đó, mà cổ tàn nhẫn với mình quá. Mình tha thiết lắm, cổ cần gì mình cũng giúp đỡ, cần gì mình cũng lo hết đó. Cuối cùng hóa ra cổ chỉ lợi dụng mình thôi. Mình mới phát hiện ra cổ yêu một người con trai nhà giàu, có xe hơi nhà lầu. Tức quá, khởi cái ý nghĩ rồ dại ấy lên. Nhưng bạn mình khuyên, thôi đừng có vậy, kiếm người khác yêu, có khi với người khác lại may mắn hơn. Mình thấy người bạn mình nói có lý nên nguôi dần. Đau khổ nên mới viết bài Giết người anh yêu".
Không giờ rồi: "Là thời quân dịch. Thời đó mình trốn quân dịch thì thường phải thức tới 12h khuya, vì họ hay vào các nhà để xét tầm này. Nhà mình đóng một cái tủ lớn để họ vào kiểm tra thì mình có chỗ mà trốn. Hồi đó tôi sống với một người vợ tần tảo lắm. Ngày nào nàng cũng thức tới 12h khuya để hễ có người tới hỏi thì còn cho tôi lánh đi mà đứng ra thưa chuyện. Mỗi lúc họ đi rồi, mình mới nằm suy nghĩ thấy tội nghiệp vợ mình quá. Ban ngày đi làm cực nhọc, tối về phải giữ chồng trốn quân. Mình suy nghĩ mới viết bài Không giờ rồi, em ngủ đi em" (Sài gòn, 2018).
Câu chuyện của cha đẻ ca khúc là vậy, nhưng người đời mỗi người lại đón nhận nó theo cách riêng. Dường như ai cũng thấy cái góc của thời cơ cực bần hàn nhưng tình nghĩa trọn đầy. Cái thời khổ quá chỉ biết tự dịu lòng bằng những câu an ủi về một ngày mai tươi sáng hơn mà cả hai vẫn ở bên nhau.
Vĩnh biệt ông, một nhạc sĩ tài hoa, người bạn của giới lao động bình dân, một nhạc sĩ góp phần tạo nên tinh thần của đường phố Sài Gòn trong tâm hồn rất nhiều người Việt thế hệ trước chúng tôi, thế hệ chúng tôi và sau chúng tôi.
Tham khảo trên Wikipedia
Vinh Sử (sinh ngày 9 tháng 6 năm 1944 - mất ngày 10 tháng 9 năm 2022) là một nhạc sĩ nhạc vàng có nhiều sáng tác được yêu thích.
Ông tên thật là Bùi Vinh Sử, sinh ngày 9 tháng 6 năm 1944. Cha mẹ của ông từ Hà Tây đi làm phu đồn điền cao su cho Pháp, lưu lạc vào Đông Nam Bộ trong thập niên 1940. Sau đó gia đình chuyển về Sài Gòn, sinh sống bằng nghề làm lò bún trong một xóm lao động nghèo ở quận 4. Gần 10 tuổi, ông mới là người duy nhất trong số 4 anh chị em trong gia đình được đi học lớp 5 (lớp 1 bây giờ).
Ông nhập viện từ năm 2012 vì ung thư đại tràng và qua đời 10 tháng 9 năm 2022, hưởng thọ 78 tuổi.
Vinh Sử sáng tác với nhiều bút danh như Cô Phượng, Bồng Nga Nữ, Chế Huyền Trân, Diễm Nhi, Đức Vượng, Hàn Ni, Linh Ngân,... Ông gắn bó với dòng nhạc quê hương mang tính đại chúng. Các sáng tác của ông được hầu hết giới bình dân đón nhận vì nó gần gũi với cuộc sống của họ. Nội dung ca khúc thường nói về những thân phận không may mắn, những mối tình trắc trở do không "môn đăng hộ đối" giữa một chàng trai nghèo và một cô gái giàu sang. Công chúng thích nghe nhạc của Vinh Sử vì họ thấy ở đó hình ảnh và tâm sự của chính mình.
“Nhạc tôi viết là dành cho những người nông dân, những người lao động. Tôi đã gởi hết toàn tâm toàn ý của mình vào đó và cũng nhận được sự hưởng ứng của đông đảo công chúng lao động nghèo. Tôi nghĩ rằng nhạc của mình cũng là tiếng nói của một bộ phận nhân dân. Nghe nhạc của tôi, những người lao động nói rằng đó là nhạc của người Việt Nam, không lai căng” - Vinh Sử.