Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch

28/12/2022 09:30

Theo dõi trên

Phát huy những kết quả đạt được năm 2022, năm 2023, ngành Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương để di sản văn hóa trở thành nguồn lực cho sự phát triển bền vững.

co-do-hue-1672194333.jpg
Quần thể di tích cố đô Huế. Nguồn: TTXVN

Đối với lĩnh vực di sản văn hóa, năm qua, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định phân công quản lý di tích đã được xếp hạng. Hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết về đầu tư, tu bổ di tích ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế. Tham mưu đề nghị UBND tỉnh kiện toàn Hội đồng Tư vấn đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng tỉnh; kiện toàn Hội đồng xét duyệt hồ sơ di tích cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở đã hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai việc tu sửa cấp thiết và tu bổ, tôn tạo các di tích: Đình Phú Xuân, Đình - Miếu Thế Lại Thượng, Trường Quốc Học (thành phố Huế); Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế, Đình Cổ Lão (thị xã Hương Trà); Tháp Phú Diên (huyện Phú Vang), Đình - Chùa Thủy Dương, Đình Hòa Phong (thị xã Hương Thủy); Chùa Thánh Duyên (huyện Phú Lộc), Ngã Ba Ràng Bò và Bến Cây đa Đá Bạc, Địa điểm mũi Né (huyện Phú Lộc). Hiện nay, Sở đang tiếp tục theo dõi, đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện các thủ tục, lập hồ sơ chống xuống cấp cho các di tích: Đình An Cựu, Đình Xuân Hòa, Đình Kim Long (thành phố Huế); Địa điểm Lùm Chánh Đông, Đình Dạ Lê Thượng (thị xã Hương Thủy); Đình Văn Xá (thị xã Hương Trà); Đình Thủ Lễ (huyện Quảng Điền), di tích Miếu thờ Đặng Tất xã Phú Mậu, huyện Phú Vang (nay là thành phố Huế), tu bổ di tích Ưng Bình tại Châu Hương Viên.

Triển khai thực hiện Kế hoạch điều chỉnh hồ sơ các di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (nằm ngoài Quần thể Di tích Cố đô Huế và hệ thống các di tích do Bảo tàng Hồ Chí Minh quản lý) giai đoạn 1, năm 2022. Triển khai Quy hoạch Khảo cổ học trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, trong đó phối hợp Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia tổ chức khai quật khảo cổ học tại di tích Núi Bân để nghiên cứu, xác lập hồ sơ khoa học chuẩn bị cho công tác xây dựng Hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt. Triển khai, khảo sát lập 01 hồ sơ di tích cấp Quốc gia đặc biệt Núi Bân (phường An Tây, thành phố Huế); trình UBND tỉnh 05 hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp Tỉnh, gồm: Đình Nguyệt Biều (phường Thủy Biều, thành phố Huế); Miếu Linh Quang (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền); Lăng mộ Nguyễn Văn Trương (phường An Tây, thành phố Huế); Địa điểm Mít tinh Chợ Mỹ Lợi (xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc); Nhà thờ họ Lê Bá Thúc Quý (phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy).

dainoihue1-1578883052236881012727-1672194526.jpg
Nguồn: Sở VHTT Thừa Thiên Huế

Ngoài ra, triển khai Kế hoạch kiểm kê hiện vật, tài liệu, tác phẩm nghệ thuật tại các di tích đã được xếp hạng và Bảo tàng công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Tổ chức Lễ công bố Kỷ lục Việt Nam và Kỷ lục thế giới đối với Tháp Champa Phú Diên - Tháp Chăm cổ chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên tại Việt Nam. Tổ chức Lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế. Tổ chức hội nghị đánh giá, xây dựng, phát triển tour du lịch “Theo chân Bác Hồ thời niên thiếu ở Huế” thuộc Đề án “Phát huy giá trị di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển du lịch”. Tiếp tục triển khai các đề án: Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2019 - 2023, tham gia liên hoan nghệ thuật bài chòi Trung bộ tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; tổ chức Giao lưu trình diễn bài chòi tỉnh Thừa Thiên Huế tại thị xã Hương Thủy; Đưa di sản Bài Chòi vào trường học tại huyện Quảng Điền, hiện nay đang hoàn chỉnh để xuất bản sách lời Hò Bài Chòi; Bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế giai đoạn 2017 - 2022, tổ chức chương trình tập huấn đưa Ca Huế vào trường học cho giáo viên trường Trung học cơ sở các huyện Nam Đông, A Lưới, Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Thủy; tổ chức thu âm và ghi hình Ca Huế phục vụ công tác quảng bá; sưu tầm số hóa lời Ca Huế cổ; tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án Ca Huế); tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3; xây dựng hồ sơ Nghề gốm Phước Tích ở xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống lễ hội ở Thừa Thiên Huế”. Triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh "Nghiên cứu, thống kê, sưu tầm các loại hình di sản văn hóa phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế".

Năm 2023, phấn đấu xây dựng ngành Văn hóa và Thể thao của tỉnh ngày càng phát triển, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tiếp tục tập trung hoàn thành các nhiệm vụ hát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường và thông minh theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW.

Cụ thể, đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương để di sản văn hóa trở thành nguồn lực cho sự phát triển bền vững, góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Thực hiện tốt công tác kiểm kê, số hóa di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn toàn tỉnh; Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề truyền thống, di sản văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số; Khôi phục và phát huy giá trị các phố cổ, làng cổ, nhà vườn. Tiếp tục lựa chọn những di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh tiêu biểu có giá trị nổi bật toàn cầu để làm hồ sơ trình UNESCO đưa vào Danh mục Di sản Thế giới. Đồng thời tập trung xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị UNESCO công nhận Ca Huế là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại./.

Theo disanxanh.cinet.vn
Bạn đang đọc bài viết "Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.