Thử bàn vài nét về mối quan hệ giữa tôn giáo và văn hóa - nghệ thuật

18/09/2021 23:43

Theo dõi trên

Có thể nói, lịch sử văn hóa - nghệ thuật nhân loại từ ngàn xưa cho đến thời kỳ hiện đại đã nhiễm màu sắc tôn giáo một cách đậm đà, trước hết là về tư tưởng.

tongiao-3646d-1631983368.jpg

I. KHÁI LUẬN

1. Tôn giáo là một trong những hình thái ý thức tồn tại và phát triển dựa trên cơ sở có những thế lực, những sức mạnh huyền bí dẫn dắt cuộc sống mà con người thật khó lý giải một cách thỏa đáng. Dường như có một thế lực mà con người không thể nhìn thấy, nghe thấy. Những bí mật huyền ảo ấy trong cuộc sống luôn luôn là hạt nhân của tôn giáo. Chừng nào cuộc sống còn tồn tại những bí mật huyền bí chưa thể cắt nghĩa được thì tôn giáo vẫn còn tồn tại.

2. Khái niệm về tôn giáo được hiểu như những thế lực siêu nhiên vô hình và chỉ trở thành tôn giáo khi nó trở thành hệ thống. “Những định nghĩa rút ra từ các kinh sách của các tôn giáo thường tin vào huyền thoại có một chúa sáng tạo ra muôn loài: vũ trụ, hành tinh, sinh vật và con người, hay do một đấng cứu thế chỉ ra cho loài người con đường giải thoát…”[1] Khoa học về tôn giáo chấp nhận một sự thực là: con gnười sáng tao ra tôn giáo với những phát minh của ngành khảo cổ học [2] và nghiệm chứng trên cơ sở những xã hội sơ khai còn tồn tại đến ngày nay, mà các ngành nghiên cứu dân tộc học ngày càng giới thiệu đầy đủ hơn và phong phú hơn. Tôn giáo chỉ có điều kiện xuất hiện và tồn tại khi nhận thức xã hội của con người đã phát triển đến mức độ nhất định cách đây vài chục vạn năm. Tôn giáo như vậy là một sản phẩm của xã hội mang tính xã hội. Tuy đứng trên những quan điểm khác nhau, điều này được từ C.Mác đến E. Durkheim và M. Weber công nhận [3]. Theo C. Mác; “…Tôn giáo là tình cảm tự thân của con người chưa làm chủ được bản thân hay đã làm chủ được bản thân thì lại đánh mất mình. Nhưng con người không phải là một vật trìu tượng đứng ngoài thế giới, Con người là thế giới của con người, nhà nước, xã hội. Nhà nước đó, xã hội đó tạo ra tôn giáo, một ý thức đảo ngược của thế giới. Tôn giáo là lý luận chung về thế giới đó, là tóm tắt bách khoa thư của thế giới…Nó là hiện thực hoang đường của bản chất nhân loại” [4].

Cũng như vậy, L. Phơ Bách (1804-1872) một trong những nhà triết học cổ điển Đức, trong cuốn sách nổi tiếng của ông Sự ra đời của Kitô giáo từ thế kỷ thứ XVII, đã viết: “Con người được đặt thế nào thì chúa của họ cũng là thế. Ý thức về chúa là ý thức mà con người rút ra từ bản thân nó. Từ chúa của nó anh hiểu con người và từ con người anh hiểu chúa của nó” [5].

3. Các tôn giáo hình thành từ xưa đến nay có vị trí đối lập một cách tương đối. Bởi mỗi một vùng đất không nhất thiết là sự ngự trị một tôn giáo cụ thể, mà nhiều khi tồn tại cùng một lúc các tôn giáo khác nhau. Lấy mảnh đất Trung Đông làm ví dụ. Ở đó vừa có Do Thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo, và chừng mực nào đó có cả ảnh hưởng của Phật giáo.

4. Vấn đề ảnh hưởng của tôn giáo đối với văn hóa nghệ thuật hay ngược lại là một vấn đề lớn trong nghiên cứu mỹ học và nghệ thuật học. Đã có không ít các tác giả dành nhiều thời gian và công sức đề cập đến vấn đề phức tạp kể trên (như chuyên đề “Hệ thống các nghệ thuật trong cấu trúc các tôn giáo thế giới của Ia Kốplep (Mátxcơva, NxB Cao đẳng, 1977). Tuy nhiên cũng có thể thấy rõ một điều rằng, giữa tôn giáo và nghệ thuật có nhiều điểm chung về chức năng xã hội và hình thức phản ánh. Cả hai đều hướng vào đời sống tinh thần của con người và giải thích theo cách của mình ý nghĩa và mục đích sinh tồn nhân loại. Cả hai đều cần đến thái độ cảm xúc, sức tưởng tưởng, hình tượng, lý tưởng của con người. Do những chỗ “chung” này mà mỗi tôn giáo thường chọn lấy một hệ thống nghệ thuật có thể có khả năng tối ưu trong việc tái tạo không khí tinh thần và nghi lễ của nó, được dùng làm phương tiện khẳng định những tư tưởng tôn giáo. Do vậy văn hóa, nghệ thuật tất yếu có vị trí trong cấu trúc của một tôn giáo nào đó [6]

5. Có thể nói rằng, nghiên cứu mỗi một tôn giáo và sự ảnh hưởng qua lại của nó phải nghiên cứu cụ thể hoàn cảnh ra đời, xã hội và các phạm trù khác.

Lấy thí dụ; Phật giáo và văn hóa Châu Á. Phật giáo Ấn Độ ra đời sau đạo Bàlamôn (Brahmanisme). Do vậy muốn nghiên cứu Phật giáo và những ảnh hưởng của nó đối với văn hóa nghệ thuật thì không thể không nghiên cứu đạo Bàlamôn. Bởi khi Phật giáo ra đời nó tiếp thu yếu tố của Bàlamôn và những tôn giáo trước nó. Đó là quá trình hỗn dung tôn giáo.

Hình tượng núi Mênu trong Bàlamôn có thể tương đương với biểu trưng ARARAT trong Thiên Chúa giáo.

Cũng như vậy, hình tượng thứ hai của đạo Bàlamôn là con rắn Naga, biểu trưng cho điểm nối giữa Trời và Người. Phật giáo cũng đã tiếp thu tinh thần trên của đạo Bàlamôn. Hay kiến trúc về Ăng- co (của Cămpuchia) là một thí dụ. Người xây dựng nên Ăng-co lúc đầu là một ông vua Cămpuchia theo đạo Bàlamôn (tên là GIA-IA-VEC- MAN). Triều đại đó trôi qua, ông vua mới (tên là XU-RIA-VEC- MAN) theo đạo Phật, khi xây chùa đã đưa Phật vào thờ ở chùa, một tôn giáo nhưng hai nền văn hóa đã thay đổi.

6. Việc nghiên cứu ảnh hưởng qua lại giữa tôn giáo và văn hóa nghệ thuật (ở một không gian và một thời gian nào đó) không phải được bắt đầu từ sự dị biệt của các tôn giáo mà phải được bắt đầu từ sự đồng nhất của các tôn giáo mới có thể rút ra những kết luận đúng đắn.

7. Những kết luận gọi là văn hóa trong bài nghiên cứu này chỉ bao gồm những khái niệm văn hóa đã trở thành văn bản, vật liệu (văn hóa vật chất, và văn hóa tinh thần) chứ không thể là những cái ảo tương, biến thiên.

II. THỬ KHẢO SÁT ẢNH HƯỞNG CỦA TÔN GIÁO ĐỐI VỚI VĂN HÓA NGHỆ THUẬT

1.Bản thân các tác phẩm thuần túy tôn giáo cũng đã có giá trị văn hóa rất cao

Thí dụ: Kinh thánh,  là nền tảng tư tưởng cơ bản nhất của đạo Thiên chúa giáo. Kinh thánh tiếp thu từ “Sáng thế ký”, trên cơ sở tiếp thu toàn bộ nền văn học dân gian của vùng Trung Đông, gồm có tục ngữ, ngạn ngôn, giai thoại và thơ ca dân gian.

Ở trong Kinh thánh người ta có cả một phần rất lớn về thơ, tập trung những bài thơ hay nhất đương thời. Đấy là chương Nhã ca của Salomon, Nhã ca này đã ảnh hưởng đến Tago rất lớn, thậm trí nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đã cho rằng, nếu khôgn có Nhã ca, không thể có Tago. Thơ Nhã ca của Salomon trích trong cựu ước có đoạn viết:

“Người yêu tôi gõ cửa

Tôi tần ngần bước ra

Tim muốn mở mà tay không thể mở

Hương hoa mộc trên người tôi nhỏ ròng ròng trên đấm cửa!

Trời ơi! Khi tôi mở cửa ra thì người yêu tôi đã đi rồi!”

(Kinh thánh- Cựu ước; Tòa giám mục Sài Gòn, 1949, Chương VIII, Nhã ca của Salomon)

“Người yêu ơi! Cánh tay trái của tôi ở trên cổ nàng. Cánh tay phải của tôi là lá cờ của tình yêu phất trên người nàng…” (Sđd).

Các Mác và Ph. Ăngghen cũng đã sử dụng Kinh thánh như một tư liệu văn học. Mác đã viết “Của Xêda phải trả lại cho Xêda” (Chương thánh Luca trong Tân Ước, C. II, Tr. 26).

Cũng như vậy, một trong những bộ kinh hay nhất trong kinh Phật là Thủ Lăng Nghiêm Kinh. Trong bộ này có một chương hay nhất là Chương Chấp Tâm. Để chứng minh sự vật là toàn vẹn, kinh đã miêu tả như sau:

Đức Thích ca Mâu ni (Cakyamouni) hỏi:

+ Ta chỉ vào cái bánh xe này ta hỏi có phải là cái xe không?

-Phật sinh trả lời không!

+ Ta chỉ vào cái xe này ta hỏi, có phải là cái xe không?

- Phật sinh trả lời không!

+Ta đã chỉ vào tất cả các bộ phận của cái xe mà hỏi, có phải xe không?

- Phật sinh đã trả lời không.

Vậy cái xe không phải cái xe. Cái xe không hiện hữu.

Để giải thích về thế giới, kinh viết: “Tất cả đều quy vào tứ sinh, ấy là thai sinh như người, như khỉ, noãn sinh như chim, hóa sinh như bướm và ẩm sinh như rêu mốc.” [7]

Để giải thích về sự chuyển hóa vật chất mang tính biện chứng thô sơ như nước sôi lên thì bốc hơi, khói tắt, hơi ngưng đọng thành nước, đất khô hạn quá thì thành đá. Kinh Phật viết: “Đất chết thì đá sống, đá chết thì lửa sống, lửa chết thì khí sống, khí chết thì nước lại sinh ra vậy”. [8]

Để viết về dục vọng và tư tưởng diệt dục, Phật giáo cho rằng: “Vọng sinh dục, dục sinh thập nhị nhân duyên”. Để viết về điều này trong Thủ Lăng Nghiêm kinh đã viết một câu rất cô đọng và sống động: “Tất cả đều trở thành nước thôi. Buồn quá thì chảy nước mắt ra, thèm quá thì nhỏ nước dãi ra, giận quá thì toát mồ hôi ra…” (Thủ Lăng Nghiêm kinh, C.III, TR.167).

Có thể nói rằng, trong các bộ kinh đều sử dụng yếu tố huyền thoại, cổ tích để thuyết phục các tín đồ của mình. Lấy kinh Coran của đạo Hồi làm ví dụ. Để vẽ nên người khai sáng ra Hồi giáo là  MAHOMET, ông ta là con một gia đình nghèo khổ, bố mẹ chết sớm, phải đi cùng với một ông chủ phiêu bạt trên lưng lạc đà. Mới 16 tuổi mà MAHOMET đã có ý tưởng cứu vớt nhân loại, nhưng không có tiền. MAHOMET liền kết thân với một bà chủ buôn giàu có hơn 40 tuổi, chỉ với một mục đích dùng tiền của bà ta để truyền đạo. Câu chuyện ấy có thể không thuyết phục những người ngoài vùng đất Trung Đông, nhưng lai rất thuyết phục những người vùng ấy vì nó gắn với những câu chuyện dân gian. Hoặc câu chuyện về Chúa Giêsu tạo ra bánh mỳ cho dân chúng (cũng như nồi cơm của Thạch Sanh trong truyện cổ tích Việt Nam), đã hằn sâu vào bất kỳ con chiên nào của đạo Thiên chúa (Xem chương Thánh Giăng, Tân ước).

Phương pháp chủ yếu của tất cả các bộ kinh của các tôn giáo là điển hình hóa các nhân vật bằng những chi tiết hết sức độc đáo. Chúa Giêsu bị đóng đinh trên cây thập giá. Thích Ca Mâu Ni ngồi mặc niệm dưới gốc cây Bồ đề, Mahomet cầm cây gậy thần dưới ánh trăng non…Và ở đó, tất cả các bộ kinh đều khai thác các vật liệu văn hóa dân gian sẵn có của các dân tộc. Chính vì vậy mà các tác phẩm ấy không chỉ là các bộ kinh mà còn là những tác phẩm lớn của kho tàng văn hóa thế giới.

2. Tôn giáo và văn hóa – nghệ thuật tiền hiện đại

(Bao gồm cả Cổ điển, Phục hưng và Khai sáng).

Có thể nói, lịch sử văn hóa- nghệ thuật nhân loại từ ngàn xưa cho đến thời kỳ hiện đại đã nhiễm màu sắc tôn giáo một cách đậm đà, trước hết là về tư tưởng.

Trải qua những quan niệm về tôn giáo đã bị lịch sử làm cho biến thiên, là sự biến đổi kéo theo của các ngành văn hóa nghệ thuật. Lấy kiến trúc và hội họa làm ví dụ. Có thể nói, nền kiến trúc cũng như hội họa thời kỳ Phục hưng đã lấy những chủ đề từ tôn giáo và chính những chủ đề đó đã là nguồn cảm hứng và cung cấp những chất liệu rất quý giá đối với những nghệ sĩ sáng tác. Nhờ đó đã để lại một thành tựu văn hóa hết sức rực rỡ cho nền văn hóa nghệ thuật nhân loại với những tên tuổi nghệ sĩ lớn như: Leonardo da Vinci, Michelangelo, Rubens, El Greco v.v…Cũng nhờ đó mà những kiến trúc, những bức tranh trên vòm, trần các cung điện, thánh đường, với sự mô tả cuộc sống và sinh hoạt của các Thánh trong Cựu ước và Tân ước trở thành những tác phẩm nghệ thuật đích thực của nhân loại, tồn tại và sống mãi với thời gian.

Có thể nói, nhiều biểu hiện của nghệ thuật đã thâm nhập vào mọi cấp độ của ý thức tôn giáo như loại trình diễn sân khấu trong nhà thờ Kitô thời Trung cổ (Trò diễn hỏa ngục tái hiện ngày phán xử cuối cùng), hoặc bản thân các kinh thánh (như Bibde, Coran, Veđa…) đều tạo sức thuyết phục bằng ngôn ngữ hình tượng, cảm xúc, nhịp điệu. Tiêu biểu là cấu trúc nhà thờ- cái “phông” thẩm mỹ cho tác động tôn giáo. Theo phân tích của tác giả Ia Kốplep, đó có thể là nghệ thuật trang trí thực dụng (đối với Phật giáo, Hồi giáo), hoặc nghệ thuật tạo hình (đối với Ki tô giáo) [9].

Với chức năng xã hội, cả nghệ thuật và tôn giáo đều liên hệ tới con người. Nghệ thuật có xu hướng khám phá bí mật của sự tồn tại trần thế của con người trong toàn bộ tính phức hợp của nó. Chủ thể chính của nghệ thuật là con người. Trong lịch sử loài người, nghệ thuật chân chính không ngừng xây dựng hình tượng con người được hoàn thiện một cách cụ thể, lịch sử, nhờ vậy mà tác động tích cực đến đời sống tinh thần của toàn xã hội, giúp vào việc nhân đạo hóa các quan hệ con người. Tôn giáo có xu hướng giải thích tính nhân bản của nghệ thuật trong khuôn khổ của chỉnh thể đầy mâu thuẫn này. Nghệ thuật không ngừng cải tiến nội dung phản ánh. Tôn giáo cố gắng khuôn mức độ của hình thức phản ánh này sao cho phù hợp nhất với thế giới quan tôn giáo… Do đó những tượng Phật của phái Ma-Thu-Ra vẫn thấy khát vọng tái hiện con người thực, hoặc hình tượng Đức Mẹ vẫn là bài ca về tình mẫu tử. Các tác phẩm này vừa là tác phẩm nghệ thuật, vừa là đối tượng của nghi lễ tôn giáo. Là nghệ thuật, chúng mang trong mình một cái gì lớn lao hơn ý nghĩa tôn giáo, chúng phản ánh những mặt cốt yếu của tồn tại lịch sử, một dân tộc, một đất nước, một nền văn hóa đa nghĩa, đa chức năng vì chúng phản ánh thế giới một cách tổng hòa. Các nghi lễ tôn giáo cổ đã chết đi cùng với mục đích nghi lễ mà các pho tượng là phương tiện, nhưng bản thân các pho tượng ấy vẫn sống như những tác phẩm nghệ thuật đem lại khoái cảm thẩm mỹ cho con người. Nhóm 3 tượng: Di Lặc, Tuyết Sơn, Thích Ca đặt cạnh nhau ở chùa Tây Phương là một ví dụ. Ngoài ra tác phẩm nghệ thuật còn đem lại cho con người cảm giác hạnh phúc. Nó phát hiện trước con người dưới hình thức cảm xúc sự phong phú của của đời sống khiến con người quay về thế giới thực tại, giúp họ hiểu và cảm sâu hơn về thế giới này. Đây là nét khiến cho những Thánh mẫu Xích-xtin, Tam vị nhất thể…trở nên những tác phẩm nghệ thuật lớn, mặc dù chúng đã và đang là đối tượng của sự sùng bái tôn giáo [10].

Trong âm nhạc cũng vậy, những giàn nhạc nhà thờ (như oócgan) đã đóng góp vào sự hình thành dòng âm nhạc cổ điển thế giới, và đặc điểm lớn nhất của âm nhạc nhà thờ là tạo ra một tiếng vang thiêng liêng cực kỳ hài hòa. Nó ảnh hưởng lớn vào những nhạc phẩm đầu tiên có phối âm và phối khí của các tác giả cổ điển phương Tây hết sức rõ rệt. Điều này có giá trị lớn, nó đã khai thác được những âm thanh trong trẻo nhất của tâm hồn con người. Tác giả cổ điển lớn nhất là nhạc sĩ người Áo Haiđơn (Franz Joseph Haydn 1732-1809). Các tác phẩm của ông được biết đến với cấu trúc chặt chẽ, tươi sáng và du Dương. Nhiều bản giao hưởng của ông (như bản giao hưởng số 25) đã sử dụng mô típ của các bản Thánh ca trước đó. Tuy nhiên tương đương với thời kỳ Phục hưng trong hội họa, kiến trúc, âm nhạc cũng tự mình bung ra để miêu tả những khía cạnh khác nhau trong đời sống con người, Bách, Liszt, Sôpanh, Môda…là những tác giả đã xuất hiện trong bối cảnh ấy.

Tư tưởng tôn giáo lớn nhất của các tôn giáo phương Đông là tư tưởng nhất thể hóa. Vạn vật tuy sinh động nhưng đều quy vào một phẩm chất nào đó là chủ yếu. Từ tư tưởng tôn giáo này đã ảnh hưởng tới nhiều môn phái triết học phương Đông. Bách gia Chư tử của Trung Quốc tiếng là khác nhau nhưng đều ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng Nho giáo- Điều đó đã ảnh hưởng thật rõ rệt đến toàn bộ kiến trrúc phương Đông, mà đặc điểm chủ yếu là kiểu kiến trúc cân đối có tâm điểm. Lưỡng long Chầu nguyệt là một ví dụ. Hai con rồng cùng chầu vào một mặt trăng tròn. Bên phải đã có một ông tượng thì bên trái cũng có một ông tượng. Các phong cách kiến trúc của các Tiểu Thánh đường và Đại Thánh đường Hồi giáo tuy về danh nghĩa có khác nhau, nhưng cũng biểu hiện rõ những biểu hiện trên.

Lấy kiến trúc của đại thánh đường Mahomet ở Xamarơcan làm ví dụ (phía bắc Li băng- thuộc nước Cộng hòa Udơbêkixtăng), đây là Đại thánh đường đẹp nhất của kiến trúc Hồi giáo, do một vị vua hùng mạnh nhất tên là Ti- Mua từ thế kỷ thứ 11 cùng các kiến trúc sư của ông xây dựng. Các nhà phê bình nghệ thuật đã nói rằng, kiến trúc của Đại thánh đường này cũng bị ảnh hưởng bởi kiểu kiến trúc cân đối có tâm điểm của phương Đông nói chung và Phật giáo nói riêng. Điểm khác biệt là ở chỗ, nhà thờ hồi giáo chỉ làm hình tròn mà không làm hình vuông, đó chẳng qua là họ mô phỏng cái gậy tròn của thánh Mahomet mà thôi.

Về văn học mà nói, kết cấu “cân đối có tâm điểm” ảnh hưởng rất rõ vào kết cấu thơ Trung Quốc. Đối câu, đối chữ trên một trật tự sắp xếp ý nghiêm nhặt là cấu tứ thơ Trung Quốc. Cấu tứ kéo dài tổ chức (đề, thực, luận trong thơ Đường).

Trong văn học cổ điển Nga, Đốtxtôi- Epxki (Fyodor Mikhaylovich Dostoyevsky 1821-1881) không phải là nhà văn của tôn giáo mà lại cực kỳ tôn giáo. Suy cho cùng toàn bộ tác phẩm của cả đời Đốtxtôi- Epxki có lẽ chỉ để trả lời cho một câu hỏi mà thôi; “Nếu cần bắn chết một người tốt mà cứu rỗi được toàn bộ nhân loại thì có nên không?”. Cả đời nhà văn đã không trả lời nổi câu hỏi ấy, và do vậy, ý nghĩa tôn giáo lại bao trùm lên toàn bộ tác phẩm của Đốt.

3. Tôn giáo và văn hóa- nghệ thuật ở Việt Nam

Trước thời kỳ độc lập tự chủ, đất nước Việt Nam đang nội thuộc Trung Quốc. Xã hội phân chia ra thành hai tầng lớp rõ rệt. Tầng lớp trên thuộc những người quan lại Trung Quốc và những người thuộc viên người Việt. Họ mang thế giới quan Nho giáo và phương thuật phương Bắc. Còn tầng lớp dưới là những người nông dân bản xứ trồng lúa nước, họ tin ở sức mạnh của ông trời ở trên cao có thể khuyến thiện trừng ác, tin ở hiện tượng tự nhiên như mây, mưa, sấm, chớp, núi, sông…đều là những vị thần có thể phù trợ cho con người, hay gây cho con người những tai họa. Cả hai lớp người trên đều cảm thấy xa lạ khi Phật giáo truyền vào. Nhưng Phật giáo không mâu thuẫn với các tín ngưỡng sẵn có của người Việt. Không những thế, khi Phật giáo vào Việt Nam nó còn đem lại cho đương thời  những giải thích mới mẻ về nỗi khổ của con người, về nguyên nhân khổ đau, về con đường thoát khổ. Đồng thời nó kêu gọi lòng từ bi hỷ xả, một chủ trương đáp ứng được mong muốn của con người vốn nhiều rủi ro và lắm tai họa lúc bấy giờ. Vì vậy, nó nhanh chóng tìm được chỗ đứng và có điều kiện bám rễ chắc chắn trên mảnh đất này. [11]

Từ khi vào Việt Nam đến nay, Phật giáo đã có đời sống tồn tại hơn hai nghìn năm. Trong suốt một thời kỳ dài, Việt Nam đã coi Phật giáo là Quốc đạo (đặc biệt thời Lý- Trần), cho nên ảnh hưởng của Phật giáo để lại trên nền văn hóa nghệ thuật dân tộc hết sức rõ nét, nhất là trong các kiến trúc đền, chùa. Đặc biệt ghi dấu ấn trong các giá trị văn học Việt Nam thế kỷ 11, 12 chủ yếu là thơ Thiền. Lấy một câu thơ trong dòng thơ thiền đời Lý làm ví dụ:

 “Cứ đốt lò hương cho tới sáng

Thử xem mưa gió đến bao giờ” [12]

Lò hương ấy chính là Phật vậy, lò hương ấy chính là đạo vậy, lò hương ấy cũng chính là tôn giáo vậy. Nhưng cuộc thi đua trong dòng thơ trên mới ghê gớm làm sao: “Một lò hương nhỏ chống trọi với một cơn mưa đầy trời, nhưng đêm dù dài rồi cũng phải sáng, cơn mưa dù có lớn rồi cũng phải tạnh” [13]. Câu thơ đậm đà màu sắc Phật giáo, nhưng cũng phải thấy rằng, rất đậm đà màu sắc nhân sinh. Cả một nền thơ kéo dài nhiều thế kỷ, có thể lấy câu thơ đó làm thí dụ.

Trải qua quá trình chuyển biến của lịch sử, từ ngoại lai đến bản địa, từ một vùng đến nhiều vùng, từ thô sơ, đơn giản đến sâu sắc, bề thế, từ ít người tin theo đến đại đa số người trong nước ngưỡng mộ…Như vậy tư tưởng Phật giáo khi vào Việt Nam đã mang màu sắc Việt Nam rất rõ nét. Trong hầu hết các tôn giáo trên toàn cầu từ xa xưa đều hết sức coi thường đàn bà. Đàn ông Hồi giáo không bao giờ phải che mặt, nhưng đàn bà Hồi giáo bao giờ cũng phải che mặt. Trong những ngày “không thanh sạch” đàn bà đạo Thiên chúa giáo không bao giờ được tới nhà thờ. Trong khi đó người Việt Nam tiếp thu các tôn giáo bên ngoài đều có sự sàng lọc theo quy luật tiếp biến văn hóa theo hướng bản địa hóa, dân tộc hóa.

Lịch sử phát triển của Việt Nam là lịch sử phát triển của làng và văn hóa làng. Văn hóa Việt Nam và nghệ thuật Việt Nam là sự hòa trộn của văn hóa làng mà trong đó có tín ngưỡng, tôn giáo. Điều đó đã ảnh hưởng rõ rệt tới các kiến trúc đình, chùa trong các làng xã Việt Nam. Tuy nhiên điều đáng tiếc cho đến nay vấn đề này chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ.

Văn hóa- nghệ thuật dân tộc trong suốt tiến trình lịch sử đã ảnh hưởng lớn bởi Phật giáo, Nho giáo và được bổ sung một phần bởi sự có mặt của Thiên chúa giáo vào trước thời kỳ Pháp xâm lược Việt Nam. Trong khi Thiên chúa giáo bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ các giáo sĩ Bồ Đào Nha, Hà Lan, Pháp, nền học vấn viết chữ hàng dọc đã phải lùi bước cho nền học vấn viết chữ hàng ngang. Chữ Hán đã phải lùi xuống hàng thứ yếu nhường chỗ cho chữ Quốc ngữ…Như vậy, là Phật giáo, Nho giáo và Thiên chúa giáo cùng tranh giành ảnh hưởng tại Việt Nam từ thế kỷ thứ XVIII. Lẽ đương nhiên, những người truyền giáo phương Tây khi sang Việt Nam không chỉ mang theo “Đạo của họ” mà còn mang theo nếp sống công nghiệp của họ nữa. Đó là bối cảnh của văn hóa Việt Nam đứng trước nền kinh tế thị trường lần thứ nhất. Dẫu vậy, văn học nghệ thuật chịu ảnh hưởng những tôn giáo cổ truyền vẫn tồn tại. Nhiều Phật thoại, nhiều điển cố Nho học đã trở thành truyện dân gian cho đến ngày nay.

Đến đây cũng có thể nói rằng, trên đất Việt Nam không chỉ ngự trị một tôn giáo. Ở Việt Nam có Ấn Độ giáo,  Bàlamôn giáo qua các kiến trúc của người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh; Có Thiên chúa giáo qua các ngôi đền thờ lộng lẫy của đạo Thiên chúa ở Phát Diệm, Hà Nội, Hải Hưng, Hải Phòng, Nam Định, thành phố Hồ Chí Minh…Có các tiểu thánh đường của người Hồi giáo ở phố Hàng Lược (Hà Nội); ở phường 7, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh. Có các đình, miếu, đền, chùa để thờ cúng và tế lễ các tiên, Phật, Thánh, Thần …Nhưng cũng phải nói rằng, ngoại trừ kiến trúc, các tôn giáo khác không thể tranh chấp với Phật giáo. Nghiên cứu tư tưởng tôn giáo cùng những ảnh hưởng của nó với văn hóa- nghệ thuật ở Việt Nam trước và trong thế kỷ 19, chủ yếu  là nghiên cứu mối quan hệ ấy trong phạm vi Phật giáo và Nho giáo mà thôi.

4. Những vấn đề tôn giáo và văn hoá nghệ thuật Việt Nam hiện đại

1) Có Một nhận xét chưa được xác nhận là, trong những năm gần đây, dường như vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo lại nổi lên ở Việt Nam. Số người đi chùa, đi lễ, số người thờ cúng tăng lên. Các bàn thờ được lập nên ở khắp nơi, kể cả ở một số cơ quan nhà nước. Điều này xuất phát từ đâu và ảnh hưởng gì tới đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt. Đấy là một câu hỏi lớn mà chúng tôi muốn được đóng góp ý kiến ban đầu.

Vào chặng cuối của thế kỷ 20 và những thập niên đầu của thế kỷ 21, dường như nhân loại đang được sắp xếp lại lần thứ ba. Lần đầu, nhân loại tự sắp xếp. Lần thứ hai được sắp xếp bởi các cường quốc lớn, hay người ta gọi là thế giới của những đơn cực. Thời kỳ thứ ba mà bây giờ người ta gọi là trật tự thế giới mới, hay là thế giới của thời kỳ đa cực. Hệ thống xã hội chủ nghĩa đã từng được gọi là hệ thống của sự vô thần đã chịu một thử thách cực kỳ nghiêm trọng. Sự đổ vỡ của Liên Xô và các nước Đông Âu nói lên một chặng đường khủng hoảng mới trên phạm vi toàn cầu. Chính bởi vậy, khi bàn về tôn giáo hiện đại và những ảnh hưởng của nó tới văn hóa nghệ thuật cũng là bàn đến một vấn đề hệ trọng của sự tồn tại và phát triển của các cộng đồng người khác nhau trên hành tinh này.

2) Thời nay hai chữ “tôn giáo” không hoàn toàn được hiểu như một thứ ĐẠO. Có lẽ nó được hiểu như một niềm tin, một ước vọng, dù cho người tin, người ước được coi là mù quáng đi nữa. Nếu như trở lại câu kinh Phật: “Vọng sinh dục, dục sinh thập nhị nhân duyên” thì tôn giáo của thời hiện đại chính là vọng vậy. Bởi thế, bàn đến mối quan hệ giữa tôn giáo và văn hóa nghệ thuật của thời kỳ hiện đại cũng là bàn đến mối quan hệ giữa niềm tin, sự khát vọng và văn hóa. Chính vì vấn đề rất lớn và rất quan trọng cho nên không thể vội vã kết luận trong một chương trình nghiên cứu cụ thể nhất định. Chỉ có thể từ tiến trình chung của mối quan hệ ấy, rút ra những câu hỏi để giới nghiên cứu và những người quan tâm cùng nhau tìm cách trả lời.

3)Trong sự nhiễu loại hiện nay về đạo đức (ở cả hai cấp độ gia đình và xã hội), phải chăng, trong vấn đề tự do tư tưởng của dân chúng, phải làm cho người ta hiểu về tôn giáo hơn, kể cả mặt tích cực, lẫn tiêu cực.

Và cuối cùng, để văn hóa có thể văn hóa hơn, nghệ thuật có thể nghệ thuật hơn, thì việc nghiên cứu và tìm hiểu về mối quan hệ giữa tôn giáo và văn hóa nghệ thuật là cần thiết, đặc biệt trong các cơ quan nghiên cứu khoa học và quản lý Nhà nước thuộc khối khoa học xã hội và nhân văn. 

[1] Đặng Nghiêm Vạn: “Điểm lại tình hình tôn giáo hiện nay”; Trung tâm khoa học tôn giáo- thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Tr.1.

[2] ZUBKOVÉT V.Đ: Thời  kỳ tiền tôn giáo; Mátxcơva, 1959, (Bản Nga văn) A.LEROI GONRHAM: Les religions de la prehistoire, Paris, 1964 (theo nguyên bản, bản dịch của G.S Đặng Nghiêm Vạn, trong bài “Điểm lại tình hình tôn giáo hiện nay”, Tr.9).

[3] Đặng Nghiêm Vạn: “Điểm lại tình hình tôn giáo hiện nay”, Tr.9.

[4] C.Mác- Ph. Ăngghen tuyển tập; Tập 1, Tr.14, Hà Nội, 1984.

[5] Bản dịch của Trung tâm khoa học tôn giáo (Theo G.S Đặng Nghiêm Vạn: “Điểm lại tình hình tôn giáo hiện nay”. Tr.11.

[6] Lại Nguyên Ân tổng thuật trong bài: “Nghệ thuật và các tôn giáo thế giới”. Xem: Văn hóa vì con người, NXB Văn hóa và Tạp chí VHNT xuất bản, H, 1993, Tr. 417.

[ 7] Thủ Lăng Nghiêm kinh; Toàn tập, T.1; Tủ Phật giáo; Hội phật tử Việt Nam tại Pháp xuất bản; TRúc lâm thiền viện; 1971, Tr.110.

[8] Như trên; Tr.89.

[9] Ia Kôplép; Sđd; Trang 416.

[10] Ia Kôplép; Sđd; Trang 416- 417.

[11] Lịch sử Phật giáo Việt Nam; Nhà xuất bản KHXH, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Triết học; H, 1988, Tr. 10-11.

[12] Theo bản dịch tương truyền là của sư Huyền Quang đời Trần; xem: Thơ văn Lý Trần; Q.1, đã dẫn, Tr.371.

[13] Như trên, sách đã dẫn, Tr.371.

Nguyễn Thị Việt Nga
Bạn đang đọc bài viết "Thử bàn vài nét về mối quan hệ giữa tôn giáo và văn hóa - nghệ thuật" tại chuyên mục Nghiên cứu. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.