Nghiêu vốn họ Y Kỳ, tên là Phóng Huân, là con của Đế Khốc. Trước khi lên ngôi, Nghiêu là tù trưởng bộ lạc Đào, sau đó lại cải phong ở đất Đường. Vậy nên gọi kép là Đào Đường Thị, hoặc là Đường Nghiêu.
Thuấn (khoảng 2255 - 2207 Tr.cn), tên là Trọng Hoa, vốn là tù trưởng bộ lạc Hữu Ngu. Thuấn sinh ra ở đất Diêu Khư, cho nên ông lấy Diêu làm họ của mình. Thuấn đem bộ lạc của mình thần phục Đế Nghiêu, được Nghiêu tin dùng, rồi gả cho Thuấn cả hai cô con gái là Nga Hoàng và Nữ Anh. Sau Nghiêu truyền ngôi cho Thuấn, bởi xét thấy Thuấn là người hiền tài. Thuấn đặt kinh đô của liên minh các bộ lạc tại Bồ Phản (thuộc tỉnh Sơn Tây của Trung Quốc ngày nay). Người đời sau gọi Thuấn là Đại Thuấn, hay là Ngu Thuấn. Sau Thuấn lại truyền ngôi cho Đại Vũ. Vua Vũ lập ra nhà Hạ…
Thời Nghiêu - Thuấn trị vì, nhân dân khắp chốn đều sống vui vẻ hạnh phúc. Nhà vua cũng trực tiếp cày ruộng, khiến nông nghiệp phát triển, xã hội yên bình. Ngoài đường thấy của rơi không ai nhặt, ban đêm không cần phải đóng cửa, chẳng ai phải đề phòng ai cả. Mà cũng chả có ai muốn làm quan làm vua cả đâu. Ngay cả những người hiền tài nổi tiếng như Hứa Do và Sào Phủ, khi được mời làm “lãnh đạo”, các ông này đều chả thèm nghe. Là vì nó bẩn tai quá! Bẩn tai thì phải ra sông lấy nước sông sạch sẽ mà rửa cái tai cho nó khỏi nhơ bẩn... Danh lợi chả là cái thá gì!
Vua Thuấn trị vì 18 năm, như không cần phải cai trị. Nhà vua “chỉ ngồi gẩy khúc “Nam Phong” mà thiên hạ thái bình”…
Thời Nghiêu Thuấn sau trở thành một điển tích văn học, truyền sang cả nước ta. Thơ ca của các cụ ta xưa thường vẫn dùng điển tích này, biểu thị mơ ước về một xã hội thanh bình hạnh phúc. Đại Thi hào Nguyễn Trãi từng viết:
“Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,
Dân giàu đủ khắp đòi phương”
(Bảo kính cảnh giới - 43)
Ngu cầm, tức cái đàn của vua Ngu (Thuấn). Thơ văn xưa thường dùng cụm từ “Ngày Nghiêu tháng Thuấn” như là một thành ngữ biểu thị hình ảnh một xã hội thanh bình, hạnh phúc đến tuyệt đỉnh. Các nhà nghiên cứu lịch sử bên Tàu cho rằng Nghiêu Thuấn là một xã hội “tiền phong kiến”!
Dẫu sao, thời đại Nghiêu Thuấn cũng chỉ là truyền thuyết. Vậy ở nước ta có thời kỳ nào không phải là truyền thuyết, mà xã hội phát triển, nhân dân có cuộc sống yên vui hạnh phúc như thời Nghiêu Thuấn không?
Có đấy! Đó chính là thời vua Mạc Thái Tổ (Mạc Đăng Dung) và Mạc Thái Tông (Mạc Đăng Doanh).
Sách ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ (Toàn thư) được các sử gia thời kỳ vua Lê Hy Tông và chúa Trịnh Căn, mặc dù không ưa gì nhà Mạc, nhưng cũng buộc lòng phải chép vào chính sử, ca ngợi nhà Mạc, với lời lẽ tâm phục khẩu phục: “… Họ Mạc ra lệnh cấm người các xứ trong ngoài cầm giáo mác và dao nhọn. Ai vi phạm thì cho phép Ty (lực lượng bảo vệ pháp luật - VBL) bắt giữ. Từ đấy, người buôn bán và kẻ đi đường đều đi tay không, ban đêm không còn kẻ trộm cướp, trâu bò thả chăn không phải đem về, chỉ cần mỗi tháng xem lại một lần, có khi sinh đẻ cũng không biết được là gia súc của nhà mình. Trong khoảng vài năm, người đi đường không nhặt của rơi, cổng ngoài không phải đóng, được mùa liên tiếp, trong cõi tạm yên”…
Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm có khá nhiều bài nói cảnh ngôi nhà của ông bên bờ sông Tuyết (Nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng) ban đêm không cần đóng cửa… Chủ nhân tha hồ thảnh thơi tận hưởng cảnh gió mát trăng trong, thiên nhiên vô cùng tinh khiết.
Ở nước ta, lịch sử hàng ngàn năm dưới các triều đại phong kiến, rồi quân chủ chuyên chế, hỏi có triều đại nào mà xã hội phát triển đến mức lý tưởng ấy không? Đấy là chưa kể các mặt khác, ví như giao thương, như văn hóa, giáo dục đều phát triển. Một số công trình kiến trúc nổi tiếng đặc sắc còn lại đến ngày nay, phần nhiều đều có xuất xứ từ thời nhà Mạc. Gốm Chu Đậu (Hải Dương) vô cùng tinh xảo, hiện đang có mặt ở Bảo tàng Quốc gia vài ba chục nước châu Âu, như những bảo vật vô giá của văn minh nhân loại.
Chẳng phải đã có một thời kỳ Nghiêu Thuấn ở nước Đại Việt ta hay sao?...