Thanh Đồng, Nghệ nhân Nguyễn Thị Mây - 5 tuổi ra đồng, hơn 10 năm phụng sự nhà Thánh

02/11/2021 08:15

Theo dõi trên

Tuổi đời còn rất trẻ nhưng thanh đồng Nguyễn Thị Mây - Thủ nhang Đền Phủ Đón Khe Thờ Linh Từ đã có hơn 10 năm phụng sự nhà Thánh. Suốt những năm qua cô luôn luôn tâm huyết với việc gìn giữ, phát huy nét đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu.

1-min-1635746330-1635815687.jpg

Mỗi một di sản văn hóa tốt đẹp của dân tộc đều cần được bảo vệ, giữ gìn và phát huy. Trong đó, đặc biệt là những di sản văn hóa dân gian, những điều đã có từ thời xưa cổ, vẫn tồn tại và là một phần trong cuộc sống của một số dân tộc trên đất nước Việt. Thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian xuất hiện từ rất sớm trong đời sống văn hóa của người Việt, mang đậm chất bản địa, nguyên thuỷ và tồn tại cùng chiều dài lịch sử của dân tộc. Tuổi đời còn rất trẻ nhưng thanh đồng Nguyễn Thị Mây - Thủ nhang Đền Phủ Đón Khe Thờ Linh Từ đã có hơn 10 năm phụng sự nhà Thánh. Suốt những năm qua cô luôn luôn tâm huyết với việc gìn giữ, phát huy nét đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu.

Thanh đồng Nguyễn Thị Mây sinh ra trên mảnh đất Can Lộc, Hà Tĩnh anh hùng với hàng nghìn năm lịch sử hình thành và phát triển, núi sông, đất nước và con người Can Lộc xưa và nay đã trở thành một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Linh khí đất trời với tinh hoa con người nhiều thế hệ nối tiếp nhau đã dệt nên truyền thống Can Lộc, góp phần làm nên một Hà Tĩnh địa linh nhân kiệt nổi tiếng lao động cần cù, sáng tạo, sống nhân nghĩa và thủy chung, ngay thẳng và hiếu học.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Can Lộc “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Đặc biệt, Ngã ba Ðồng Lộc với sự hy sinh của hàng nghìn đồng bào, chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông để giữ vững huyết mạch giao thông, đã trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Trong đó, sự hy sinh của 10 nữ TNXP Ngã ba Đồng Lộc đã tạc vào thế kỷ một huyền thoại về tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân Hà Tĩnh.

Là một người con sinh ra và lớn lên tại mảnh đất giàu văn hóa ấy, nghệ nhân Nguyễn Thị Mây đã được thừa hưởng những nét đẹp tinh túy của quê hương, cô luôn không ngừng nỗ lực vươn lên, chịu thương chịu khó, ham làm và hiếu học. Đặc biệt là luôn hướng đến những việc làm có ích, tích cực đóng góp cho xã hội. Ngay từ khi còn nhỏ, cô đã có nhân duyên biết đến việc hầu Thánh, có những biểu hiện kì lạ khó lí giải ngay cả bản thân cô và gia đình cũng không giải thích được. Như có một căn duyên tiền định tiếp dẫn cô đến với đạo Mẫu, cô gặp được đồng thầy Hoàng Lương Nguyên - Thủ nhang đền Tam Lang, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, là người thầy đã dẫn dắt chỉ lối cho cô đến với Thánh Mẫu.

Cô Mây chia sẻ: “Nhờ đạo Mẫu, tôi lại trở thành cô bé vô tư, yêu đời, sống chan hòa, yêu thương mọi người xung quanh. Và cứ như vậy, mỗi năm đến tôi rất hân hoan khi được hầu cha hầu mẹ, theo dân gian gọi là hầu đồng tỏa bóng”.

2-min-1635746478-1635815678.jpg
Thanh đồng Nguyễn Thị Mây diễn xướng giá Cô Bé trong Liên hoan Nghệ thuật Diễn xướng Chầu văn Đồng bằng Bắc Bộ năm 2020

Từ một cô gái không hiểu và cũng không biết gì về chuyện tâm linh cũng như những lính ghế thanh đồng đạo quan, trải qua những thử thách, những sóng gió của cuộc đời để rồi cô Mây được Mẫu thương, dang tay che chở. Thanh đồng Mây dần dần tìm hiểu và càng thêm trân quý những nét đẹp văn hóa truyền thống trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Cô là người có căn có số thì việc ắt nên làm là quy hàng đội lệnh làm con của bốn phủ để được phụng sự Thánh Mẫu.

Là một thanh đồng trẻ, sinh ra trong thời kỳ thờ Mẫu Tam phủ vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tín ngưỡng đạo Mẫu được nhìn nhận và bảo tồn đúng với những nét đẹp của nó. Đây là một nét văn hóa tâm linh đặc sắc, giúp những người con tin tưởng, theo đuổi và phụng sự đạo Mẫu có thể ngẩng cao đầu với tín ngưỡng của mình. Tín ngưỡng thờ Mẫu được công nhận, lại có sự ủng hộ hậu thuẫn từ gia đình, đây là nguồn lực, là hậu phương vững chắc để cô Mây một lòng nhất tâm phật Thánh, giữ gìn nét văn hóa của dân tộc.

Cô cho rằng hầu Thánh cần nhất tâm, đặc biệt trong cung cách hầu Thánh phải tuân theo lề lối truyền thống và tiếp thu những cái mới một cách có chọn lọc không nên xô bồ quá khiến cho những lớp thế hệ thanh đồng đạo quan cha ông đi trước cảm thấy không hài lòng. Hiện nay thanh đồng Mây là thủ nhang Đền Phủ Đón Khe Thờ Linh Từ, ngôi đền thờ Thánh Hoàng Bảy là vị quan triều đình trấn giữ vùng Lào Cai, Yên Bái dưới thời vua Lê, ông đã có công dẹp giặc, hộ quốc, an dân, sau này vì dân, vì nước mà hy sinh. Đền chính thờ ông là đền Bảo Hà, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, Lào Cai.

Thanh đồng Nguyễn Thị Mây luôn luôn cố gắng tìm hiểu, trau dồi và tiếp thu những giá trị truyền thống trong việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu thông qua các chương trình giao lưu diễn xướng hát văn, hát chầu văn tại địa phương, cũng như toàn quốc.

Cô đã đạt nhiều thành tích, như: Bằng khen của Giám đốc Sở Văn hóa và Du lịch Hà Tĩnh; Giấy khen của Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Trung tâm bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam trong chương trình Nghệ thuật và diễn xướng Nghi lễ Chầu văn Đồng bằng Bắc bộ; Năm 2021, thanh đồng Nguyễn Thị Mây đạt giải xuất sắc trong Liên hoan hát Văn, hát chầu Văn toàn quốc do Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Đó cũng là động lực giúp cô tiếp tục hoàn thiện mình, vững bước với niềm tin vào tín ngưỡng của mình.

Ngày nay, cùng với sự phát triển và giao thoa giữa các nền văn hóa, tín ngưỡng khác nhau, nhiều thanh đồng trẻ vẫn chưa hiểu tường tận về tín ngưỡng thờ Mẫu, dẫn đến một số hành vi, ứng xử không đúng mực, gây phản cảm, thậm chí một số người còn lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi cá nhân, gây bức xúc trong xã hội và cả những người trong cuộc. Vì vậy, rất cần những con người như thanh đồng Nguyễn Thị Mây, đó là những người trực tiếp lưu giữ bảo tồn những truyền thống tốt đẹp của di sản văn hóa dân tộc. Họ là những người truyền lửa, truyền niềm tin yêu và cả sự tin tưởng về một thế giới tâm linh cũng những giá trị văn hóa lâu đời./.

Xuân Huy
Bạn đang đọc bài viết "Thanh Đồng, Nghệ nhân Nguyễn Thị Mây - 5 tuổi ra đồng, hơn 10 năm phụng sự nhà Thánh" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.