Chùa Walt Âng
Đặt chân đến cổng chào của TP. Trà Vinh du khách sẽ thấy thấp thoáng trong tán rừng Sao hàng trăm năm tuổi là ngôi chùa Walt Âng (thường gọi là chùa Âng) được xem là ngôi chùa cổ kính nhất, độc đáo nhất và có lẽ đẹp nhất, với những giá trị nghệ thuật, văn hóa, điêu khắc và tôn giáo còn lại của Phật giáo Nam Tông.
Chùa được xây dựng hoàn toàn theo phong cách chùa Khmer Nam Bộ, xung quanh có hào nước sâu bao bọc. Cổng chùa là ba ngọn tháp cao có đắp biểu tượng con chằn. Phía trước chính điện là 6 cây cột cao, chạm khắc nhiều hình tiên nữ, chim thần vô cùng sống động. Mái chùa khá đặc biệt, lợp ngói, chia thành 3 tầng, được chống đỡ bằng 12 cột gỗ quý. Mái trên cùng dốc và cao hơn hai mái còn lại, các chóp mái cong vút và vươn cao, tạo nên sự hài hòa vô tận giữa con người, tôn giáo và thiên nhiên. Các gò mái có thần rắn Naga đuôi cong vút, tượng trưng cho sự dũng mãnh vĩnh cửu. Xung quanh còn có những cột trụ, hàng rào với đầu thần Bayon bốn mặt. Tại đây du khách sẽ được nghe kể về huyền thoại hai cụ rùa sống hàng nghìn năm tuổi và truyền thuyết đào ao lấy nước của những người phụ nữ Khmer mà minh chứng còn lại là Ao Bà Om mênh mông cạnh ngôi chùa.
Chùa ông Kompong
Ngôi chùa ông Kompong (chùa Ông Mẹt) sẽ cho du khách ngắm nhìn những đường nét kiến trúc hàng mấy trăm năm tuổi và những vết tích trên thân chùa đã cùng người dân Trà Vinh trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân. Chùa được lợp ngói theo ba lớp mái. Các góc đầu đao của mái đều có đuôi rồng uốn lượn, giữa các lớp mái làm bằng những thanh gỗ chạm khắc hoa văn, trên đầu cột mái hiên luôn có các nữ thần dang tay chống đỡ mái ngói, trên các thanh xiên, cột, kèo, đòn tay của ngôi chính điện đều làm bằng gỗ quý chạm khắc hoa văn công phu và tinh xảo với nhiều đề tài khác nhau, trên vách chính điện là những bức tranh phân kỳ về cuộc đời của đức Phật Thích Ca. Cũng tại đây, du khách sẽ được nghe huyền thoại về vị Sư Cả mà dân gian quen gọi là Ông Mẹt - người đã tâm huyết xây dựng và bảo vệ chùa trong đấu tranh cũng như giành giật với thiên nhiên để có được mảnh đất Trà Vinh ngày nay.
Chùa Kompong Chrây
Muốn đắm mình với thiên nhiên, muông thú du khách có thể đến với Chùa Kompong Chrây (chùa Hang), tên chùa Hang bởi lẽ cổng chùa được thiết kế như một cái hang. Ngôi chùa này nổi tiếng, thu hút và rất hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước bởi khuôn viên vài hecta cây xanh bao quanh, từ nhiều thập niên trở lại đây đã là nơi làm tổ, sinh sôi phát triển của hàng chục ngàn chim, cò đủ loại.
Chùa Cò (chùa Phnô Đung)
Ấn tượng đầu tiên và cũng không thể quên được trong lối kiến trúc của ngôi chùa này là ngôi chính điện với những mái uốn cong theo hình đuôi rồng, có những đỉnh tháp nhọn hình ngọn núi Xôme và những hình tượng quen thuộc như thần Riehu (Reahu), thần bốn mặt Mohabrom, chim thần Kâyno, Mahaknốt... Danh từ chùa Cò được người ta quen gọi là do hơn 100 năm qua, trong khuôn viên chùa rộng khoảng 4ha và những bờ tre bao bọc là nơi cư trú của hàng ngàn con chim các loại như cò, cồng cộc, bồ câu... trong đó đông nhất là họ nhà cò với rất nhiều loại như cò trắng, cò quắm, cò đầu đỏ, cò đầu vàng, cò mỏ vàng, cò mỏ đen... Du khách sẽ rất thú vị khi ngắm nhìn những đàn cò bay đi kiếm ăn, bay về tổ với tiếng kêu quang quác giữa một khung cảnh thâm trầm u tĩnh để rồi cùng hòa mình, đắm chìm cùng với thiên nhiên hoang dã.
Khi đến với mỗi ngôi chùa của người Khmer Nam Bộ du khách sẽ được nghe kể những truyền thuyết về lịch sử hình thành chùa cũng như những huyền thoại độc đáo của dân tộc Khmer Nam Bộ, những câu chuyện về cuộc đời của đức Phật Thích Ca, những truyền thuyết về các vị thần Siva, Visnu, rắn thần Naga, chim thần Garuda, nữ thần Kâyno, chim thần Krul... Đến với kiến trúc Phật giáo Nam Tông tại Nam Bộ nói chung, thành phố Trà Vinh nói riêng hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách nhiều điều thú vị và hấp dẫn.