Tàng Thư Lâu - Tàng Kinh Các độc đáo duy nhất của Việt Nam

03/11/2014 11:23

Theo dõi trên

Tàng Thư Lâu được xây dựng dưới triều Nguyễn có thể coi là một Tàng Kinh Các của Việt Nam duy nhất còn tồn tại, được triều Nguyễn sử dụng làm nơi lưu trữ các tài liệu văn bản quý hiếm liên quan đến sinh hoạt của triều đình và ghi lại những biến cố của đất nước.

Độc đáo, hiện đại và khoa học

Tàng Thư Lầu được thiết kế và xây dựng theo kiến trúc hiện đại và khoa học, khác xa với các di tích khác của Triều Nguyễn còn tồn tại trên đất Huế. Bên cạnh đó, Tàng Thư Lâu nằm ở một vị trí khá đặc biệt khi được xây dựng giữa một hồ nước. Tàng Thư Lâu được xây dựng vào năm 1825 dưới thời vua Minh Mạng trên hòn đảo giữa hồ Học Hải, được cách ly với đất liền, muốn sang phải đi qua một cây cầu làm bằng đá. 

Nằm ẩn mình trong hồ Học Hải, dọc đường Đinh Tiên Hoàng, nối với sông Ngự Hà và hồ Tịnh Tâm, Tàng Thư Lâu được hơn 1000 binh lính tham gia thi công với tòa nhà được làm bằng gạch và đá với kiến trúc cổ kính 2 tầng. Tầng dưới gồm 11 gian, tầng trên gồm 7 gian 2 chái nằm cách biệt giữa hồ Học Hải. Tàng Thư Lầu  nằm ở địa thế xung quanh là hồ sâu nên nó tránh được hỏa hoạn, chống được sự xâm nhập của các loài gặm nhấm. Tầng dưới được rải nhiều lưu huỳnh để khử kiến, gián, mối, mọt... Tầng trên, nơi có chức năng chứa tư liệu được trổ nhiều cửa, xung quanh xây lan can thưa, thoáng để thông khí, tránh sự ẩm mốc do độ ẩm trong không khí ở Huế.  

Dưới thời Triều Nguyễn, Tàng Thư Lâu được bảo quản thường xuyên và được bảo vệ dưới những biện pháp tốt nhất lúc bấy giờ và những công việc chăm sóc diễn ra đều đặn. Dưới triều Nguyễn, Tàng Thư Lâu là nơi lưu trữ các tài liệu văn bản quý hiếm liên quan đến sinh hoạt của triều đình và biến đổi của đất nước. Chỉ riêng số địa bạ thời Gia Long và Minh Mạng lưu trữ trước đây đã lên đến 12.000 tập. Tàng Thư Lâu rất quan trọng với Triều Nguyễn trong việc chứa các tài liệu và địa bạ, giấy tờ quan trọng lúc bấy giờ.

Di tích bị tàn phá nặng nề

Trong chiến tranh, Tàng Thư Lâu bị tàn phá một cách nặng nề, các tài liệu lưu trữ của nhà Nguyễn bị biến mất, thất lạc. Trước đó, triều Nguyễn kết thúc cơ quan lưu trữ tài liệu quốc gia này đã ngừng hoạt động sau 120 năm ra đời và hoạt động. Sau 1975, với sự quản lý chưa chặt chẽ, cũng như sự quan tâm chưa đúng mức đối với một công trình lịch sử này, Tàng Thư Lâu đã bị các hộ dân lấn chiếm biến thành nhà ở, nhiều hạng mục của công trình đã bị hư hại. Việc xâm hại của người dân, nhiều công trình phụ đã mọc lên, nguồn nước hồ Ngọc Hải bị ô nhiễm, làm cho cảnh quan di tích bị phá vỡ. Kể từ đó, di tích có vai trò quan trọng này đang dần đi vào quên lãng, gần như toàn bộ khối lượng sách khổng lồ của Tàng Thư lâu đã thất thoát gần hết. 

Nhận thấy tầm quan trọng của di tích Tàng Thư Lâu về giá trị lịch sử, văn hóa, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã đầu tư trùng tu lại công trình Tàng Thư Lâu như kiến trúc ban đầu. Hiện nay công trình đang được trùng tu. Hy vọng một ngày không xa, người dân Huế và du khách sẽ được nhìn thấy Tàng Kinh Các duy nhất của Việt Nam sống dậy như thưở nào. Muốn làm được điều đó, ngoài việc trùng tu đúng nguyên bản kiến trúc của di tích thì Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cũng nên cải thiện môi trường hồ Ngọc Hải. Khi hồ Ngọc Hải bao quanh, ngăn cách di tích đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải sinh hoạt của người dân xung quanh.

Nguyên Hải
Bạn đang đọc bài viết "Tàng Thư Lâu - Tàng Kinh Các độc đáo duy nhất của Việt Nam" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.