Sử thi người Ba Na gọi là “hơ-mon”, là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian truyền khẩu, từ thế hệ này qua thế hệ khác theo lối hát kể chuyện. Nội dung “hơ-mon” thường kể về chiến công của các anh hùng, những biến động lớn trong cộng đồng buôn làng. Do đó, sử thi được xem là bộ bách khoa ghi lại lịch sử, văn hóa của cộng đồng dân tộc Ba Na.
Công tác sưu tầm sư thi Ba Na ở Gia Lai đã được triển khai từ năm 1980 đến nay và đã phát hiện khoảng 20 nghệ nhân kể sử thi Ba Na tiêu biểu, đang sinh sống tại các huyện Đak Pơ, Đak Đoa, Kbang và Kông Chro.
Những nghệ nhân này còn “lưu trữ” trong trí nhớ của mình khoảng 70 tác phẩm sử thi, trong đó có nhiều tác phẩm đã được dịch ra văn bản song ngữ Ba Na – Việt.
Vinh dự, tự hào đến dự lễ công nhận Sử thi của người Ba Na là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nghệ nhân Đinh Yie nói: “Nhờ Đảng và Nhà nước quan tâm đến hơ mon, mình mới được đến dự để kể lại hơ mon hồi xưa. Mình cảm thấy hơ mon có giá trị hơn. Mình rất vui và tự hào về truyền thống dân tộc. Hơ mon là chuyện của ông bà xưa, cách đây biết bao nghìn năm. Hồi xưa mình còn nhỏ, mình nghe, mình thích quá, sau đó mình được hát. Gần nhà rông thì hát ở nhà rông, gần nhà mình thì hát ở nhà mình. Mấy đứa nhỏ cũng nghe, cũng chơi, mình rất phấn khởi về truyền thống dân tộc".