Nghị quyết quy định mức thu phí tham quan các bảo tàng trực thuộc Sở VHTT bao gồm: Bảo tàng TPHCM; Bảo tàng Lịch sử Thành phố; Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố; Bảo tàng Chứng tích chiến tranh; Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM, Bảo tàng Tôn Đức Thắng; Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.
Nghị quyết áp dụng đối với khách trong nước và quốc tế khi tham quan các bảo tàng nói trên.
Theo dự thảo Nghị quyết, mức thu phí tham quan các bảo tàng trực thuộc Sở VHTT TPHCM như sau: Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TPHCM, Bảo tàng Tôn Đức Thắng và Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ: Không thu phí tham quan. Bảo tàng TPHCM, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố, Bảo tàng Lịch sử Thành phố: 50.000 đồng/người/lượt; Bảo tàng Chứng tích chiến tranh: 60.000 đồng/người/lượt.
Miễn phí tham quan đối với các trường hợp: Trẻ em dưới 6 tuổi; người khuyết tật; hộ nghèo; người có công với Cách mạng; người dân thường trú trên địa bàn TPHCM được miễn phí tham quan các bảo tàng công lập trực thuộc Sở VHTT nhân dịp các ngày kỷ niệm, sự kiện của Thành phố và đất nước theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM về tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng hằng năm.
Người dân trong nước được miễn phí vào tham quan các bảo tàng công lập trực thuộc Sở VHTT TPHCM nhân Ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5, ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11. Các bảo tàng giảm 50% mức thu phí tham quan đối với các trường hợp: Học sinh và sinh viên; Người cao tuổi theo quy định của Luật Người cao tuổi;…
Dự thảo Nghị quyết cũng quy định chi tiết việc quản lý phí và sử dụng nguồn thu phí tham quan. Theo đó, các bảo tàng thu phí được giữ lại 100% số tiền phí thu được để quản lý, sử dụng theo quy định. Số tiền thu phí, các bảo tàng sử dụng vào các chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí trên cơ sở dự toán được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Theo Sở VHTT TPHCM, hiện nay, các bảo tàng trực thuộc Sở VHTT thực hiện thu phí tham quan theo Nghị quyết số 16/2017/NQ-HĐND ngày 7/12/2017 của HĐND Thành phố.
Theo đó, Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh TPHCM, Bảo tàng Tôn Đức Thắng và Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ: không thu phí tham quan (dự thảo Nghị quyết mới cũng không thu phí tham quan). Bảo tàng TPHCM, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Lịch sử: 30.000 đồng/người/lượt (dự thảo Nghị quyết là 50.000 đồng); Bảo tàng Chứng tích chiến tranh: 40.000 đồng/lượt/người (dự thảo Nghị quyết là 60.000 đồng).
Số liệu thống kê cho biết, số lượng khách tham quan tại các bảo tàng có thu phí giai đoạn từ năm 2018-2023 là gần 7,9 triệu lượt người, tổng doanh thu trên 203,5 tỉ đồng.
Các đối tượng được miễn, giảm phí tham quan thực hiện theo khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 16/2017/NQ-HĐND. Trung bình mỗi năm, các bảo tàng thực hiện miễn, giảm phí tham quan cho 500 triệu lượt người.
Theo Sở VHTT TPHCM, mức thu phí tham quan áp dụng từ năm 2018 cho đến nay đã tạo điều kiện cho Nhân dân, học sinh, sinh viên, du khách trong và ngoài nước được tiếp cận hệ thống các bảo tàng tiêu biểu nhất của TPHCM, phục vụ cho công tác tham quan, học tập, nghiên cứu, vui chơi, trải nghiệm trong lĩnh vực di sản văn hóa; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, phát huy lòng yêu nước và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc….
Tuy nhiên, mức thu phí tham quan theo Nghị quyết số 16/2017/NQ-HĐND đã không còn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay. Mức thu phí theo Nghị quyết số 16 được áp dụng từ năm 2018 đến nay, so với mặt bằng giá cả chung hiện nay đã lạc hậu và hiện tại thấp hơn so với mức thu của các bảo tàng trong nước, ví dụ: Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng dân tộc học Việt Nam (Hà Nội): 40.000 đồng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng): 60.000 đồng, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội): 40.000 đồng, Bảo tàng Lịch sử Điện Biên Phủ: 100.000 đồng, Di tích Lịch sử Dinh Thống Nhất: 65.000 đồng…
Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã ban hành các Quyết định về việc xếp lại hạng I (hạng Một) cho các bảo tàng: Bảo tàng Lịch sử TPHCM, Bảo tàng TPHCM, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh TPHCM. Do đó, các bảo tàng cần tiếp tục hiện đại hóa hệ thống trưng bày khẳng định vị thế, nâng tầm hoạt động của các bảo tàng hạng I trong hệ thống bảo tàng Việt Nam. Việc điều chỉnh phí tham quan tăng sẽ phản ánh giá trị di sản văn hóa, sản phẩm tinh thần của các bảo tàng mang lại.
Thực hiện Quyết định số 4249/QĐ-BVHTTDL ngày 29/12/2023 của Bộ VHTTDL về việc phê duyệt Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng giai đoạn 2024-2026”, yêu cầu các bảo tàng đổi mới nội dung, hình thức trưng bày, đa dạng hóa các hoạt động bảo tàng, nâng cao thương hiệu bảo tàng, nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ hiện đại hóa trưng bày, nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan. Do đó, cần điều chỉnh lại chi phí tham quan hợp lý để tạo nguồn thu thực hiện Đề án cũng như góp phần nâng cao tính tự chủ tài chính, giảm bớt gánh nặng từ nguồn ngân sách.
Sở VHTT TPHCM đề nghị các cơ quan, đơn vị có ý kiến góp ý đối với nội dung hồ sơ dự thảo nêu trên. Ý kiến đóng góp gửi về Sở VHTT trên cổng thông tin điện tử của Sở VHTT trong thời hạn ít nhất là 30 ngày kể từ ngày đăng thông báo. Sau thời gian nêu trên, Sở sẽ đề xuất UBND Thành phố theo quy định.