Quá trình phát triển quan điểm của UNESCO về di sản văn hóa và ý nghĩa tham chiếu đối với Việt Nam

26/07/2022 11:11

Theo dõi trên

Từ khi thành lập đến nay, UNESCO đã có nhiều văn kiện quy chuẩn và các dự án nghiên cứu lớn về di sản văn hóa (DSVH) với mục đích xây dựng những chuẩn mực quốc tế, làm cơ sở cho việc hoạch định các chính sách văn hóa của quốc gia thành viên và tăng cường sự hợp tác quốc tế về văn hóa. Các văn kiện này không chỉ thể hiện nỗ lực không ngừng của UNESCO nhằm giải quyết và tư vấn chính sách văn hóa cho các quốc gia thành viên mà còn thể hiện quá trình phát triển quan điểm của UNESCO về DSVH và bảo vệ DSVH.

cokinh-1658808670.jpg

1. Quan điểm của UNESCO về DSVH

Giai đoạn 1947-1972        

Thời gian này, UNESCO chưa đưa ra định nghĩa thống nhất về DSVH, nhưng thông qua các chính sách, hoạt động văn hóa, có thể nhận thấy, UNESCO quan niệm, DSVH là những tài sản văn hóa quý giá, được sáng tạo, kết tinh trong các hoạt động tư duy khoa học và nghệ thuật, phải được bảo vệ và truyền lại cho thế hệ sau. Theo cách liệt kê của Công ước về Bảo vệ các tài sản văn hóa trong các sự kiện xung đột vũ trang năm 1954, tài sản văn hóa bao gồm: các di tích kiến trúc, nghệ thuật hay lịch sử, di chỉ khảo cổ, nhóm công trình, tác phẩm nghệ thuật, các hiện vật khác có tầm quan trọng xét trên quan điểm nghệ thuật, lịch sử hay khoa học (1).

Có thể thấy, sau hai cuộc chiến tranh thế giới, cộng đồng quốc tế ngày càng nhận thấy sự cần thiết phải bảo vệ các công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, nghệ thuật có thể bị hủy hoại vì nhiều nguyên do, trong đó có chiến tranh. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết nhất mà UNESCO triển khai thực hiện ngay sau khi thành lập là bảo vệ tài sản văn hóa. Công ước về Bảo vệ các tài sản văn hóa trong các sự kiện xung đột vũ trang đã được Đại hội đồng UNESCO thông qua tại The Hague, Hà Lan vào tháng 5-1954 chính vì mục đích cao đẹp đó. Công ước khẳng định: “Thiệt hại tài sản văn hóa thuộc bất kỳ cộng đồng nào, quốc gia nào cũng có nghĩa là thiệt hại văn hóa đối với nhân loại vì mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng luôn sáng tạo, đóng góp cho nền văn hóa thế giới” (2). Việc bảo vệ các tài sản văn hóa chính là bảo vệ và gìn giữ các nền văn hóa của thế giới, vì “tài sản văn hóa chính là nhân tố cơ bản của nền văn minh và văn hóa dân tộc”(3).

Ngay sau khi Công ước được thông qua, UNESCO đã vận động thực hiện một số hoạt động thiết thực nhằm bảo vệ tài sản văn hóa, đồng thời tiếp tục công bố các văn bản liên quan đến bảo vệ tài sản văn hóa của nhân loại. Trước tiên là chiến dịch cứu vãn các ngôi đền ở Nubia, Ai Cập khỏi bị ngập nước bởi đập Aswan, bắt đầu năm 1960. Đây được coi là một chiến dịch quan trọng và mang đậm tính nhân văn. “Cuộc vận động cứu vãn các di tích và công trình ở Nubia đánh dấu một cái mốc quan trọng trong lịch sử UNESCO vì cuộc vận động này đã đưa UNESCO vào một hoạt động khoa học, văn hóa nhiều tham vọng nhất chưa từng được tiến hành” (4). Tiếp sau chiến dịch ở Nubia là các hoạt động bảo vệ DSVH kiến trúc ở Venice, Italia bắt đầu vào năm 1962. Trên cơ sở đó, ngày 19-11-1968, UNESCO thông qua Bản Khuyến nghị liên quan đến việc Bảo tồn DSVH bị các công trình công cộng hoặc tư nhân đe dọa, sau đó là Công ước về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa vào năm 1970. Những hoạt động và các văn bản có hiệu lực pháp lý này của UNESCO đã góp phần nâng cao nhận thức về vị trí và vai trò của văn hóa đối với phát triển.

Theo sáng kiến của UNESCO, Hội nghị liên Chính phủ đầu tiên bàn về các phương diện tài chính, hành chính và thể chế của văn hóa đã được tổ chức tại Venice, Italia từ ngày 24-8 đến ngày 2-9-1970. Tại Hội nghị, những khái niệm mới như phát triển văn hóa và khía cạnh văn hóa của sự phát triển được đưa ra thảo luận. Trong đó, phát triển văn hóa được nhấn mạnh là một trong những yếu tố thiết yếu của sự phát triển chung, đồng thời khuyến khích các chính sách cần quan tâm đến các khía cạnh kinh tế học và xã hội học của văn hóa (5). Với cách tiếp cận này, Hội nghị đã khuyến nghị các quốc gia cần chú trọng đến các chính sách bảo vệ và phát huy vai trò của DSVH trong phát triển kinh tế, xã hội, cụ thể là thông qua du lịch. Hội nghị cũng chỉ rõ, vấn đề bảo tồn DSVH ở nhiều quốc gia đang gặp trở ngại do hạn chế về nguồn tài chính, khoa học công nghệ, chất lượng đội ngũ làm nhiệm vụ trực tiếp bảo tồn DSVH. Bên cạnh đó, số lượng khách du lịch đi lại, tham quan, trải nghiệm DSVH trên khắp thế giới ngày càng tăng nhưng lại chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của DSVH và sự cần thiết phải tôn trọng, bảo vệ di sản. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị du lịch và những cá nhân, tổ chức liên quan đến việc bảo tồn DSVH chưa chặt chẽ. Do vậy, các quốc gia cần tìm các biện pháp để vừa bảo vệ hiệu quả di sản kiến trúc và thiên nhiên, vừa khai thác hợp lý sự đóng góp của di sản vào lợi nhuận của ngành Du lịch, đồng thời dành một phần thu nhập từ việc khai thác này vào bảo tồn và phát huy DSVH. Trên cơ sở đó, Hội nghị cũng lưu ý rằng, UNESCO cần tăng cường các dự án liên quan đến phát triển du lịch văn hóa, vì những dự án này gắn kết bảo tồn DSVH một cách thiết thực với việc quảng bá văn hóa và phát triển kinh tế nói chung (6).

Với nhận thức mới về vai trò của DSVH thu nhận được từ Hội nghị liên Chính phủ năm 1970 và đặc biệt là thành công của cuộc vận động Nubia và các hoạt động bảo vệ di sản ở Venice, năm 1972 UNESCO đã thông qua một Công ước quốc tế quan trọng: Công ước về Bảo vệ DSVH và thiên nhiên thế giới. Mục đích nhằm nâng cao nhận thức và tăng cường các hoạt động thực tiễn về bảo vệ DSVH và thiên thiên thế giới, đồng thời xác lập một hệ thống hợp tác và hỗ trợ quốc tế nhằm trợ giúp các quốc gia trong quá trình triển khai bảo tồn, xác định những di sản quan trọng của nhân loại.

Theo Công ước này, DSVH được nhận diện là: quần thể các di tích kiến trúc, điêu khắc, hội họa; công trình xây dựng; di chỉ khảo cổ cũng như địa điểm có các di chỉ khảo cổ học, xét theo quan điểm nghệ thuật, lịch sử hay khoa học “có giá trị nổi bật toàn cầu” (7). Như vậy, cũng như Công ước năm 1954, Công ước năm 1972 xác định DSVH là các di sản vật thể. Do nhiều nguyên nhân, DSVH phi vật thể chưa được xác định rõ ràng và không được đưa vào phạm vi Công ước 1972, nhưng như lời Chủ tịch Ủy ban Di sản thế giới Azedine Beschaouch, Công ước này, với việc xác lập một danh sách DSVH của nhân loại, nó đã là “một cố gắng đi tìm cội nguồn và xác định bản sắc dân tộc, đem lại cho những công trình một phẩm giá và ý nghĩa toàn cầu”. Bởi vì, các di tích văn hóa trong Danh sách di sản thế giới chính là “những sợi dây vật chất liên kết quá khứ với tương lai. Giá trị vô song của các di tích ấy đối với loài người ở chỗ, chúng là dấu vết vật chất về bước đi của thời gian. Tuy các di tích ấy gắn liền với lịch sử các dân tộc, song các quá trình lịch sử lại không bị bó hẹp trong các đường biên giới cho nên chúng không thuộc về một dân tộc này hay một dân tộc khác mà thuộc về toàn thể loài người” (8).

Với Công ước này, UNESCO đã cung cấp một cách nhìn mới về di sản của nhân loại. Theo đó, danh sách di sản của nhân loại không chỉ có DSVH mà còn có cả di sản thiên nhiên. Quan điểm này đã được đông đảo các quốc gia trên thế giới ủng hộ, Mỹ là nước tham gia đầu tiên (7-12-1973), đến nay đã có gần 200 nước tham gia Công ước. Qua việc khẳng định di sản của nhân loại bao gồm DSVH và di sản thiên nhiên, Công ước 1972 còn cho thấy, UNESCO hướng đến một mục tiêu quan trọng khác, đó là phải duy trì sự cân bằng giữa con người và môi trường tự nhiên. Trong quá trình lao động sáng tạo để phát triển, con người không được làm tổn hại thế giới tự nhiên. Con người phải gìn giữ thế giới tự nhiên của mình như gìn giữ DSVH do mình sáng tạo ra. Đây chính là một nhận thức quan trọng về phát triển bền vững.

Giai đoạn sau 1972-2000

UNESCO nỗ lực thực hiện Công ước 1972 và mở rộng phạm vi xác định, công nhận, bảo vệ DSVH. Trong số các hoạt động nhằm phát triển chính sách văn hóa mới của UNESCO, Hội nghị thế giới về các chính sách văn hóa diễn ra tại thành phố Mexico năm 1982, viết tắt là Mondiacult là một dấu mốc quan trọng. Tại Hội nghị, một trong những điểm nổi bật nhất là việc định nghĩa lại khái niệm văn hóa và làm nổi bật vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của con người và đời sống xã hội. Văn hóa hiểu theo nghĩa rộng nhất, bao hàm không chỉ nghệ thuật và văn học, mà cả phương thức sống, các quyền cơ bản của con người, hệ thống giá trị, truyền thống và tín ngưỡng. Văn hóa vừa là thành quả khẳng định sự phát triển của con người và xã hội, vừa là tác nhân kích thích quá trình tìm tòi và sáng tạo, không ngừng hoàn thiện của con người. Theo đó, Hội nghị đã đưa ra một định nghĩa mới về DSVH, bên cạnh loại hình DSVH vật thể đã được khẳng định, còn có DSVH phi vật thể: “DSVH của một dân tộc bao gồm tác phẩm của các nghệ sĩ, kiến ​​trúc sư, nhạc sĩ, nhà văn, nhà khoa học và cả tác phẩm của các nghệ sĩ vô danh, những biểu hiện của tâm linh dân tộc và tập hợp những giá trị mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Nó bao gồm cả tác phẩm hữu hình và vô hình mà qua đó sức sáng tạo của con người được thể hiện: ngôn ngữ, nghi lễ, tín ngưỡng, các địa điểm lịch sử và công trình kỷ niệm, tác phẩm văn học, nghệ thuật, bảo tàng và thư viện” (9). Hội nghị cũng chỉ rõ, nếu DSVH của một dân tộc bị hư hại hoặc mất đi, sẽ làm đứt gãy mối liên kết của một người với cộng đồng và truyền thống của dân tộc họ. Vì vậy, “việc bảo tồn và trân trọng DSVH của mình tạo điều kiện cho một dân tộc bảo vệ chủ quyền và độc lập của mình, từ đó khẳng định và phát huy bản sắc văn hóa của mình” (10). Trên cơ sở đó, Hội nghị đề nghị UNESCO và các quốc gia thành viên không chỉ phát triển các chương trình nhằm bảo tồn DSVH vật thể, mà cần chú trọng xây dựng các chương trình và hoạt động nghiên cứu, bảo vệ DSVH phi vật thể, đặc biệt là văn hóa dân gian, các truyền thống truyền khẩu và phong tục, tập quán.

Sau Mondiacult, một văn kiện pháp lý đầu tiên hướng tới việc bảo vệ DSVH phi vật thể của UNESCO là Khuyến nghị về việc bảo vệ văn hóa truyền thống và dân gian năm 1989. Tuy nhiên, do tập trung vào công việc tư liệu hóa như lập các danh mục kiểm kê, xây dựng kế hoạch bảo vệ, phục hồi và phổ biến DSVH phi vật thể của các nhóm người bản địa và thiểu số, tổ chức lễ hội truyền thống… nên Khuyến nghị chưa thiết lập được cơ sở pháp lý chặt chẽ để bảo vệ các tập tục và truyền thống sống của các nhóm người và cộng đồng chủ thể của các cách thực hành và truyền thống này.

Giai đoạn từ năm 2001 đến nay

Trong bối cảnh thế giới không ngừng biến chuyển, tư duy và hoạt động của UNESCO trong lĩnh vực DSVH tiếp tục có những điều chỉnh nhằm phù hợp hơn với tình hình thực tiễn và đáp ứng nhu cầu, mối quan tâm chung của các quốc gia thành viên. Nói về nhiệm vụ của UNESCO trong TK XXI, Tổng Giám đốc Koichiro Matsuura khẳng định: “Những ưu tiên của UNESCO trong thời gian tới là bảo vệ đa dạng văn hóa, xúc tiến đa phương hóa và đối thoại liên văn hóa, bởi đối thoại được coi như công cụ thông hiểu, rất bảo đảm cho sự khoan dung và cho hòa bình” (11). Trên cơ sở đó, vị trí, vai trò của DSVH được UNESCO nhấn mạnh, làm nổi bật, sâu sắc và toàn diện hơn. DSVH được coi là động lực chính của đa dạng văn hóa, là “công cụ” quan trọng để đối thoại liên văn hóa và là một đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Điều 7, Tuyên bố toàn cầu về Đa dạng văn hóa năm 2001 đã khẳng định: “DSVH, nơi cội nguồn của sáng tạo: Di sản ở mọi hình thức của nó phải được bảo tồn, phát huy và truyền thụ cho các thế hệ tương lai như là cơ sở dữ liệu lưu lại kinh nghiệm và những khát vọng của con người, nhằm tăng cường tính sáng tạo với tất cả sự đa dạng của nó và truyền cảm hứng cho cuộc đối thoại thực sự giữa các nền văn hóa” (12).

Một trong những điều chỉnh quan trọng nhất làm cơ sở cho việc tư vấn chính sách bảo vệ, phát huy giá trị DSVH trong bối cảnh phát triển mới là việc bổ sung thuật ngữ DSVH phi vật thể vào định nghĩa DSVH. Công ước về Bảo vệ DSVH phi vật thể được Đại hội đồng UNESCO thông qua tại khóa họp thứ 32, năm 2003 khẳng định: DSVH bao gồm cả DSVH vật thể và văn hóa phi vật thể. Trong đó, với Công ước 2003, UNESCO còn làm rõ sự khác biệt giữa hai loại hình DSVH này và cách bảo vệ chúng. Công ước cho thấy, DSVH phi vật thể cũng có giá trị và tầm quan trọng đối với nhân loại như DSVH vật thể, nhưng giá trị lớn nhất và tầm quan trọng của các DSVH phi vật thể là ở chỗ, các di sản này thể hiện tính đa dạng và bình đẳng của chúng. Bởi, bất cứ DSVH phi vật thể nào cũng đều có giá trị đối với cộng đồng, nhóm người, cá nhân sáng tạo ra chúng. Việc công nhận, tôn vinh và sở hữu di sản thuộc về cộng đồng, nhóm người đã không ngừng truyền thụ, tái tạo nó trong tiến trình phát triển. Vì vậy, không thể “xếp hạng” DSVH phi vật thể hoặc so sánh rằng di sản phi vật thể này quan trọng hơn hay có giá trị hơn di sản phi vật thể kia. Mục đích của việc ghi danh trong Danh sách DSVH phi vật thể thể hiện sự đánh giá cao của UNESCO về tầm quan trọng của loại hình di sản này trong việc “làm giàu thêm sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người” và “là yếu tố đưa nhân loại xích lại gần nhau hơn”. Đồng thời, khuyến nghị cộng đồng quốc tế cần biết đến và tôn trọng tài sản văn hóa của các cộng đồng, nhóm người và cá nhân cùng chung sống trên thế giới. Trong khi đó, việc ghi danh các DSVH vật thể vào Danh sách Di sản của thế giới theo tinh thần Công ước 1972 lại dựa vào tiêu chí “có giá trị nổi bật toàn cầu” của di sản đó, với mục đích “bảo tồn như là bộ phận của di sản thế giới của toàn nhân loại”.

Nếu DSVH vật thể được xác định, công nhận nhờ tính xác thực và giá trị của di tích, hiện vật lịch sử thì DSVH phi vật thể lại được cộng đồng quốc tế biết đến nhờ vào ý nghĩa quan trọng của “di sản sống” này đối với ý thức về bản sắc và tính kế tục, tính sáng tạo của các cộng đồng đã sáng tạo, truyền thụ và tái tạo di sản đó. Do vậy, để bảo vệ, phát huy giá trị DSVH phi vật thể, ngoài việc nhận diện, tư liệu hóa, chủ yếu tập trung vào các hoạt động bảo vệ và trao đổi cách thực hành tốt các tập quán, hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức và kỹ năng mà các cộng đồng, nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân, công nhận là một phần DSVH của họ (13).

 Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông, để có thể bảo vệ và phát huy hiệu quả giá trị DSVH cần có nhiều biện pháp và cách thức sáng tạo, cụ thể hơn nữa. Công ước bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa được UNESCO thông qua vào năm 2005 chính là kết quả của sự nỗ lực này. UNESCO vẫn tiếp tục nhấn mạnh vai trò quan trọng của DSVH đối với phát triển bền vững đồng thời đặt trọng tâm vào một số điểm mới nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra trong bối cảnh phát triển hiện nay. Công ước chỉ ra rằng, DSVH của nhân loại được biểu đạt, bồi đắp và chuyển tải bằng nhiều biểu đạt văn hóa và được thể hiện bằng những cách thức sáng tạo, sản xuất, phổ biến, phân phối và hưởng thụ các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Do vậy, các sản phẩm và các dịch vụ văn hóa được công nhận là những công cụ chuyển tải bản sắc, giá trị, ý nghĩa văn hóa. Đây là cơ sở quan trọng để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như một biện pháp quan trọng để phát huy các biểu đạt văn hóa, góp phần bảo vệ và phát huy sự đa dạng văn hóa, hòa bình và hợp tác quốc tế, phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo (14).

2. Ý nghĩa tham chiếu đối với Việt Nam

Trong suốt tiến trình hoạt động, UNESCO đã liên tục điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quan điểm, chính sách về DSVH cho phù hợp với bối cảnh phát triển của thế giới để trở thành một cơ sở thực nghiệm các ý tưởng, là diễn đàn đối thoại thực sự cho các quốc gia thành viên. Trong bối cảnh phát triển hiện nay, để bảo tồn và phát huy giá trị DSVH hiệu quả, Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, vận dụng phù hợp các Công ước của UNESCO. Trong đó, có thể tham khảo một số kinh nghiệm sau:

Một là, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực về bảo tồn và phát huy giá trị DSVH

Đầu tư xây dựng các chương trình giáo dục, tuyên truyền nhằm đảm bảo sự công nhận, tôn trọng và đề cao vai trò của DSVH đối với phát triển bền vững trong xã hội, làm cho người dân (nhất là thế hệ trẻ) nhận biết được giá trị của DSVH và nguy cơ đe dọa các loại hình DSVH để có những ứng xử phù hợp. Xây dựng các chương trình giáo dục, đào tạo cụ thể cho cộng đồng, nhà quản lý và những người có liên quan về kiến thức, kinh nghiệm bảo tồn và phát huy giá trị DSVH. Sử dụng nhiều hình thức, phương tiện, đặc biệt là các phương tiện truyền thông mới để phổ biến, hướng dẫn người dân về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các Công ước của UNESCO về bảo vệ, phát huy giá trị DSVH.

Hai là, chú trọng giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn DSVH với phát triển kinh tế, xã hội

Nhận thức và giải quyết đúng đắn mối quan hệ này có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của việc bảo tồn, phát huy giá trị DSVH trong bối cảnh phát triển hiện nay. Bảo tồn phải gắn với các mục tiêu phát huy giá trị di sản, phát huy phải dựa trên cơ sở bảo tồn di sản. Trong đó, mọi chính sách cụ thể để khai thác DSVH vào phát triển kinh tế, xã hội đều phải dựa trên nguyên tắc đảm bảo an toàn cho di sản, đảm bảo cân bằng các lợi ích (văn hóa và kinh tế) mà di sản mang lại. Thực tiễn cho thấy, khi đảm bảo được sự hài hòa, hợp lý giữa quá trình bảo tồn và phát huy, giữa hai phương diện văn hóa và kinh tế của di sản sẽ đạt được thành quả bền vững: vừa bảo tồn được di sản vừa đạt được mục tiêu kinh tế. Quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã thể hiện rất rõ nhận thức về vấn đề này, điều quan trọng nhất là trách nhiệm của các bên liên quan (các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, nhà nghiên cứu, cộng đồng sở hữu di sản và người dân) trong triển khai thực hiện.

Ba là, đổi mới, sáng tạo và vận dụng hiệu quả các biện pháp, cách thức bảo vệ, phát huy giá trị DSVH

Về cơ bản, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực DSVH ở nước ta đã được xây dựng khá đồng bộ. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục, điều chỉnh, bổ sung để việc thực thi hiệu quả hơn. Cụ thể như: bổ sung các quy định về cơ chế, chính sách tài chính thuận lợi cho việc đầu tư, hỗ trợ của khu vực tư nhân nhằm thu hút, khai thác hiệu quả các nguồn lực cho DSVH; bổ sung, làm rõ các quy định về chế độ đãi ngộ đối với lực lượng trực tiếp bảo vệ, lưu giữ, phát huy giá trị di sản; bổ sung và làm rõ hơn trách nhiệm và sự phối hợp của các bên liên quan, các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát huy giá trị di sản, nhất là đối với di sản phi vật thể; làm rõ hơn các tiêu chí để nhận diện và kiểm kê DSVH phi vật thể.

Tăng cường nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật vào bảo vệ, phát huy giá trị di sản. Nghiên cứu để tiếp tục xác định, công nhận di sản, nghiên cứu để nhận biết và hiểu chính xác, khách quan hơn các giá trị của DSVH, nguyên nhân dẫn đến nguy cơ hư hỏng, biến mất hoặc thất truyền di sản để tìm ra cách ứng xử phù hợp. Ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại vào quy trình xử lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi di sản, quảng bá di sản (hình thành dữ liệu số hóa, chia sẻ bằng công nghệ dữ liệu lớn, công nghệ thực tế ảo…); Ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa.

Đầu tư thích đáng và hiệu quả nguồn tài chính cho các chương trình, đề án, dự án bảo tồn, phát huy DSVH. Trong đó, cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật nơi có DSVH để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận, thụ hưởng và khai thác giá trị di sản. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc triển khai các chương trình, dự án để đảm bảo tính khả thi, tránh lãng phí, tiêu cực. Cần dành một phần kinh phí từ nguồn thu dịch vụ khai thác giá trị di sản cho việc bảo tồn di sản. Nghiên cứu thành lập các quỹ bảo tồn di sản, đặc biệt là khai thác từ nguồn đầu tư, đóng góp hỗ trợ của các lực lượng trong xã hội.

Chú trọng phát huy vai trò làm chủ của người dân và các tổ chức cộng đồng trong bảo vệ, phát huy giá trị DSVH, đặc biệt là các cộng đồng, nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân đã sáng tạo, duy trì và chuyển giao di sản. Nhà nước cần có các chính sách, quy định cụ thể nhằm tạo điều kiện và khuyến khích người dân tham gia trực tiếp vào quá trình bảo vệ, thực hành, thụ hưởng, tái tạo và phát huy giá trị di sản.

Tăng cường hợp tác quốc tế về bảo tồn, phát huy giá trị DSVH. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và Cách mạng công nghệ 4.0, các hướng hợp tác quốc tế về bảo tồn và phát huy giá trị DSVH cần tập trung là: trao đổi, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật hiện đại; trao đổi kinh nghiệm và các cách thực hành tốt, đồng thời quảng bá, lan tỏa giá trị DSVH dân tộc ra thế giới nhằm khẳng định, phát huy sức mạnh mềm của quốc gia.

1, 2, 3. UNESCO, Công ước bảo vệ tài sản văn hóa trong các trường hợp xung đột vũ trang, năm 1954, unesco.org.

4. Gamal Mokhtar, UNESCO với việc cứu vãn những báu vật của Ai Cập, Tạp chí Người đưa tin UNESCO, tháng 9-1988, tr.27.

5, 6. UNESCO, Báo cáo cuối cùng tại Hội nghị Liên Chính phủ về các phương diện thể chế, hành chính và tài chính của chính sách văn hóa tại Venice, 24-8 đến 2-9-1970, tr.20, 23.

7. UNESCO, Công ước Bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Cục Di sản Văn hóa, Bộ VHTTDL biên dịch, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam hiệu đính và in ấn, 1972.

8. Azedine Beschaouch, Về Công ước năm 1972 của UNESCO, Tạp chí Người đưa tin UNESCO, tháng 8-1988, tr.30.

9, 10. UNESCO, Báo cáo cuối cùng tại Hội nghị thế giới về các chính sách văn hóa, tổ chức tại Mexico từ ngày 26-7 đến 6-8-1982, unesdoc.unesco.org, Paris, 11-1982, tr.41.

11. Koichiro Matsuura, Vai trò của UNESCO trong thế kỷ XXI, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005, tr.212.

12. UNESCO, Tuyên bố toàn cầu về đa dạng văn hóa, bvhttdl.gov.vn, 2001.

13. UNESCO, Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, ich.unesco.org, 2003.

14. UNESCO, Công ước bảo vệ và phát huy các biểu đạt văn hóa, unesco.org, 2005.

(*) Nguồn: Tạp chí VHNT số 503, tháng 7-2022.

TS. Lương Thanh Huyền
Bạn đang đọc bài viết "Quá trình phát triển quan điểm của UNESCO về di sản văn hóa và ý nghĩa tham chiếu đối với Việt Nam" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.