Phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch Đồng Tháp

08/12/2014 17:16

Theo dõi trên

Di sản (DS) văn hóa gồm DS vật thể và phi vật thể. Về DS vật thể, ở Đồng Tháp có 2 nhóm gồm nhóm công trình di tích (DT) văn hóa và nhóm công trình DT lịch sử. DS phi vật thể ở tỉnh ta rất đa dạng và phong phú gồm các lễ hội làng nghề, nghệ thuật biểu diễn dân gian, ẩm thực, văn học dân gian,... Đặc biệt, Đồng Tháp có những lễ hội lớn như lễ hội Gò Tháp, lễ hội Trần Văn Năng, lễ giỗ cụ Nguyễn Sinh Sắc, các lễ hội cúng đình của hơn 100 đình trên địa bàn tỉnh,... Qua đó cho thấy để du lịch Đồng Tháp phát triển, đòi hỏi chú trọng đến việc phát huy giá trị DS văn hóa.

Đến nay toàn tỉnh có 66 DT lịch sử - văn hóa được xếp hạng, gồm 1 DT quốc gia đặc biệt, 13 DT quốc gia, 52 DT cấp tỉnh. Các DT này chứa đựng những giá trị lịch sử - văn hóa quý báu, trong đó giá trị lịch sử của DS văn hóa thông qua cung cấp thông tin về quá trình lao động sản xuất, xác lập chủ quyền của vùng đất, thông tin phong trào đấu tranh chống áp bức của thực dân, đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Đồng Tháp; giá trị văn hóa của DS văn hóa Đồng Tháp được thể hiện trong công trình kiến trúc nghệ thuật tín ngưỡng - tôn giáo, công trình nhà ở dân sinh, các làng nghề (nghề dệt chiếu Định Yên, nem Lai Vung, dệt choàng Long Khánh,...) nổi tiếng mang tên đất, nó chứng minh sự lao động cần cù, sáng tạo của tiền nhân Đồng Tháp - nơi “Tài hoa kết thành giá trị”. Ngoài ra, các lễ hội văn hóa dân gian đã cung cấp và thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt vui chơi, giải trí và tín ngưỡng - tôn giáo dân gian của người dân Đồng Tháp sau những ngày lao động sản xuất vất vả trên đồng ruộng.

Trong hoạt động du lịch, để phát huy các giá trị DS, điều trước tiên, chính quyền, giới trẻ và tri thức địa phương sở hữu DS cần phải am hiểu việc phát huy giá trị DS; ngành du lịch tỉnh cần xây dựng các tour tuyến, trong đó tập trung nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch, tổ chức lại cách sắp xếp của các DS để phục vụ du lịch, trưng bày, thuyết minh, giáo dục cho cộng đồng nơi DS đó hiểu về việc làm du lịch và cùng tham gia vào các chuỗi sản phẩm du lịch. Đồng thời, chính quyền các cấp đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn phát huy giá trị DS văn hóa như ẩm thực và nghệ thuật biểu diễn, trước mắt có thể đưa điệu hò Đồng Tháp vào các điểm tham quan du lịch.

Nhìn một cách tổng thể, vẫn còn không ít DS trên địa bàn tỉnh thời gian qua thật sự chưa hút khách vì nhiều du khách thiếu thông tin về nó, sản phẩm du lịch lại không gắn liền với DS. Ví dụ, khách đến tham quan một ngôi đình được xếp hạng di tích đòi hỏi phải có người biết thuyết minh, đại khái như đình dựng năm nào, cột gỗ gì, lấy từ đâu,... Những người làm công tác du lịch cần đưa sản phẩm du lịch DS văn hóa trở thành thương hiệu có chất lượng, cần quan tâm đầu tư cho sản phẩm du lịch này, vì tỉnh Đồng Tháp được xem nằm trong tốp đầu những tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có nhiều DS văn hóa. Dự kiến trong năm 2015, Khoa Văn hóa - Du lịch, Đại học Đồng Tháp sẽ lập một chương trình nghiên cứu sản phẩm du lịch văn hóa Đồng Tháp và chuyển giao cho các điểm du lịch đang sử dụng DS làm du lịch, phục vụ cho khách tham quan...

Theo Báo Đồng Tháp
Bạn đang đọc bài viết "Phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch Đồng Tháp" tại chuyên mục Từ trong di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.