Nơi ghi dấu những linh hồn bất tử

24/07/2017 14:28

Theo dõi trên

Họ vĩnh viễn nằm lại trong hang đá lạnh lẽo và hang Tám Cô từ đó, là nấm mồ chung của 8 linh hồn TNXP thông đường bất tử.

Những ngày cuối tháng 7, hòa trong không khí cả nước tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ. Theo dấu chân các đoàn Cựu Chiến binh về thăm lại chiến trường xưa, nơi ghi dấu những mốc son lịch sử chói lọi, họ là những người “may mắn” so với những đồng đội trong đoàn thanh niên xung phong năm đó, được về đoàn tụ với với gia đình, người thân. Còn những đồng đội của họ đã ngã xuống nơi đây không một ngày về cho nền hòa bình đất nước.
 


Tấm bia đá khắc tên 8 TNXP hy sinh tại hang Tám Cô được đặt bên cạnh vỏ bom của Đế quốc Mỹ trút xuống

Ròng rã sau 45 năm, câu chuyện 8 thanh niên xung phong (TNXP) đã anh dũng hy sinh trong hang Tám Cô vẫn mãi được nhắc nhớ như bản tráng ca bất diệt và ý niệm người người xem đây là nấm mồ chung của 8 linh hồn bất tử, ngã xuống khi ở tuổi đôi mươi đẹp nhất đời.

Tháng 11/1972, máy bay B52 Mỹ - ngụy dùng máy bay tăng cường rải thảm bom, chà đi xát lại trên dọc tuyến đường 20 hòng ngăn chặn sự chi viện của cách mạng miền Bắc vào tiền tuyến miền Nam ruột thịt. Con đường huyết mạch vào miền Nam này trở thành “tọa độ lửa”. 

Nhưng với khẩu hiệu: “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, hàng vạn bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến kiên quyết bám đường, đảm bảo mạch máu giao thông cho sức người, sức của ùn ùn tiến vào tiền tuyến.

Chiều 14/11/1972 là buổi chiều định mệnh, Đội TNXP 25 (thuộc Đại đội 217, Ban Xây dựng 67, Đoàn 559) đang vá đường thì còi báo động máy bay đánh phá, họ chạy trú ẩn tạm vào hang đá có tên là Tám Cô bên đường. Đoạn Km 16 này như tan nát bởi loạt B52 dày đặc. 

Một tiếng sập rung chuyển núi rừng, tảng đá hàng ngàn tấn ập đổ xuống bịt kín miệng hang. Bên trong là 8 TNXP, gồm: Lê Thị Lương, Đỗ Thị Loan, Lê Thị Mai, Trần Thị Tơ, Hoàng Văn Vụ, Nguyễn Văn Phương, Nguyễn Văn Huệ và Nguyễn Mậu Kỷ, cùng chung quê quán ở huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa).

Chỉ trừ người anh cả - chiến sĩ Nguyễn Mậu Kỷ 38 tuổi, còn lại đều mười tám đôi mươi - tuổi đẹp nhất đời với niềm khát khao sống, khát khao hòa bình và khát khao cống hiến cho Tổ quốc non sông mãnh liệt. Hang đá im lìm vắng lạnh sau loạt bom, chỉ còn tiếng người kêu cứu phát ra yếu ớt từ sâu thẳm trong hang. 

Tất cả các đơn vị, đồng đội bên ngoài tâp trung lại trước hang để tìm cách phá đá tảng cứu đồng đội, nhưng không thể…
 


Hang Tám Cô nơi 8 TNXP hy sinh



Đền thờ tưởng nhớ 8 TNXP và các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chông Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ

Tảng đá nặng cả nghìn tấn oan nghiệt im lìm trước sức kéo của hàng chục chiếc xe xích choàng lên. Đã có người đề xuất cài thuốc nổ để phá đá nhưng không thể, vì sức ép khi nổ sẽ giết chết người trong hang. Cuối cùng, đồng đội bên ngoài chế ra một chiếc ống nhỏ luồn qua kẽ đá rồi rót nước, nghiền cháo đổ vào trong với hy vọng tiếp tế cho bên trong cầm cự... 

Sau nhiều ngày, tất cả vẫn bất lực. Trong và ngoài chỉ cách một lớp đá mà đoạn lòng uất nghẹn, để cái chết cướp dần từng đồng đội. Đến ngày thứ 9 (23/11), một tiếng gọi thổn thức cuối cùng của một cô gái rất yếu ớt phát ra bên ngoài: “Mẹ ơi”, rồi im bặt. Họ vĩnh viễn nằm lại trong hang đá lạnh lẽo và hang Tám Cô từ đó, là nấm mồ chung của 8 linh hồn TNXP thông đường bất tử.

Theo lý giải của nhiều cựu chiến binh từng hành quân qua Km 16, hang đá này là nơi trú ẩn của 8 cô gái TNXP làm nhiệm vụ giữ đường nên thường gọi với tên dung dị - hang Tám Cô. Sau chiều định mệnh 14/11 ấy, 8 người hy sinh gồm 4 nữ, 4 nam nhưng nấm mồ chung ấy vẫn được gọi bằng tên cũ.

Năm 1996, tức là thân xác các anh hùng đã nằm lại trong hang đến 24 năm sau, tỉnh Quảng Bình quyết định phá tảng đá lấp của hang để đưa các hài cốt TNXP về với đất mẹ. Những người chứng kiến cuộc “giải thoát” cho các hài cốt kể lại, khi phá được cửa hang, cả 8 bộ hài cốt nằm cuộn chồng lên nhau. 

Họ đã sống và chiến đấu vì độc lập dân tộc cùng đồng chí, đồng đội. Khi ngã xuống, họ cũng ở bên đồng đội để vỗ về tâm hồn nhau trước lúc vĩnh biệt cõi đời.

Với sự hi sinh anh dũng, can trường của 8 liệt sỹ TNXP tại Km 16 + 200 trên tuyến đường 20 – Quyết Thắng, năm 2010, Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho tập thể liệt sỹ TNXP hi sinh tại hang Tám Cô.
 
Ngô Sinh

Bạn đang đọc bài viết "Nơi ghi dấu những linh hồn bất tử" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.